Thủ tướng: Đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết
Trưa 10/9, ngay sau khi kiểm tra tình hình thực tế, tại trụ sở Thị ủy Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp trực tuyến, được kết nối trực tuyến với một số điểm cầu tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội về công tác ứng phó mưa lũ, thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3, bảo đảm tính mạng, sức khỏe, an toàn, đời sống nhân dân trên địa bàn các tỉnh.
Cùng tham dự cuộc họp có Phó Thủ tướng Lê Thành Long tại điểm cầu Yên Bái, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn tại điểm cầu trụ sở Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Trước đó, sáng cùng ngày, Thủ tướng đã đi kiểm tra tình hình, thăm hỏi, động viên người dân và các lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ tại khu vực ven sông Cầu (xã Tiên Sơn và xã Vân Hà, thị xã Việt Yên). Trong đó, Vân Hà là xã nằm ven sông Cầu, có khoảng 2.500 hộ với khoảng 9.000 dân, đang bị chia cắt.
Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết tỉnh đang tập trung ứng phó ngập úng tại các khu dân cư, tuyến đường; sơ tán người dân khỏi nơi nguy hiểm.
Tỉnh đã sơ tán khoảng 2.600 hộ dân ra khỏi vùng phân lũ và có thể phải sơ tán thêm khoảng 1.000 hộ dân. Đây là các vùng phân lũ nên đã có phương án từ trước, người dân đã được tập huấn, chuẩn bị.
Cùng với đó, tỉnh tập trung ứng phó với tình hình mưa lũ trên các sông dâng cao (sông Thương, Lục Nam đều trên báo động 3; lũ trên sông Cầu dưới báo động 3 là 10 cm nhưng đang lên chậm, dự kiến đạt đỉnh vào chiều tối nay, vượt báo động 3 là 30 cm).
Trên các tuyến đê của 3 sông lớn trên địa bàn đã xuất hiện khoảng 10 vị trí nguy hiểm nhưng các lực lượng đã xử lý xong và bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó khi có sự cố.
Trên địa bàn Bắc Giang có 24 hồ nước lớn, lớn nhất là hồ Cấm Sơn song khả năng trước mắt chưa phải xả đáy nếu không có mưa vượt quá 200 mm. Hiện 27 trạm bơm trên địa bàn đang hoạt động.
Lãnh đạo các địa phương (Yên Bái, Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội) cho biết, đã và đang di dời người dân ra khỏi vùng ngập úng; huy động lực lượng sửa chữa, khôi phục các hạ tầng bị hư hỏng; thu dọn vệ sinh môi trường; đặc biệt tổ chức cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống của người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ; đề xuất lực lượng vũ trang hỗ trợ lực lượng, phương tiện, nhất là trực thăng để đưa nhu yếu phẩm đến nơi đang bị mưa, lũ chia cắt...
Không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu chỗ ở
Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển lời hỏi thăm, chia sẻ của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới Đảng bộ, chính quyền quân và dân tỉnh Bắc Giang về những thiệt hại, mất mát do bão số 3 gây ra; hoan nghênh tỉnh Bắc Giang đã nỗ lực, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chuyển lời thăm hỏi, chia sẻ, chia buồn tới gia đình có người bị nạn, bị thương; yêu cầu tỉnh thực hiện tốt chính sách đối với các gia đình bị nạn; khen thưởng các tập thể, cá nhân làm tốt công tác ứng phó thiên tai, khắc phục hậu quả bão số 3; xử lý những cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ.
Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang, Yên Bái nói riêng và các địa phương đang có mưa lũ, thiên tai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các nội dung tại các cuộc họp và 5 công điện của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của các Phó Thủ tướng về phòng, chống, khắc phục hậu quả mưa bão, lũ lụt, sạt lở, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho người dân bị ảnh hưởng, bảo đảm đời sống nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, tinh thần là đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết trong lúc này để đưa ra giải pháp phù hợp, hiệu quả; không để ai bị đói, bị rét, bị thiếu chỗ ở; các cháu học sinh sớm tới trường, người bệnh phải được chữa bệnh.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, tất cả các cơ quan, lực lượng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải tích cực, chủ động nắm tình hình, phản ứng kịp thời khi tình hình xấu có thể xảy ra, những vấn đề vượt quá thẩm quyền phải báo cáo. Các địa phương phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong khắc phục hậu quả mưa bão với sự hỗ trợ của Trung ương.
Với Bắc Giang, Thủ tướng cho rằng hiện nay đang nổi lên tình hình lũ trên các sông qua địa bàn; cần nắm chắc tình hình, triển khai các công việc theo quy định của pháp luật, xử lý linh hoạt, hiệu quả theo tình hình cụ thể; rà lại hệ thống đê điều, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra.
Cùng với đó, vận hành phù hợp, bảo đảm an toàn hồ đập khi tỉnh Bắc Giang có nhiều hồ chứa nước, đặc biệt là hồ Cấm Sơn với gần 300 triệu m3 nước, lớn thứ tư trên cả nước, đồng thời cố gắng không xả đáy với hồ này để bảo đảm nước canh tác thời gian tới.
Đồng thời, thực hiện tất cả các biện pháp có thể để ứng cứu ngay 7.200 ha lúa đang bị ngập, cùng với diện tích rau màu. Rà soát lại thiệt hại, phân loại, sử dụng dữ trữ của tỉnh để thực hiện các chế độ, chính sách với các gia đình, cơ quan bị thiệt hại, nếu thiếu thì đề xuất Trung ương.
Bắc Giang là tỉnh công nghiệp, Thủ tướng yêu cầu, cùng với việc ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cần nỗ lực duy trì sản xuất, kinh doanh, khôi phục sản xuất nông nghiệp trở lại bình thường và nhất là sản xuất tại các khu công nghiệp vì tỉnh là một trong các trung tâm công nghiệp lớn; khắc phục nhanh các sự cố, duy trì cung ứng điện và bảo đảm sóng viễn thông để phục vụ công tác ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt, ổn định đời sống người dân.
Thủ tướng đề nghị hệ thống ngân hàng, tài chính, bảo hiểm và các cơ quan chức năng cần rà soát thiệt hại của doanh nghiệp, hộ kinh doanh để nghiên cứu, có chính sách hoãn, giãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí, thanh toán bảo hiểm, cho vay vốn, cơ cấu lại khoản vay, giảm lãi suất… để khôi phục, phát triển sản xuất, kinh doanh, không để đứt gãy các chuỗi sản xuất, kinh doanh.
Cùng với đó, hướng dẫn thủ tục cho người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại; kêu gọi sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau trên tinh thần tương thân, tương ái.
Thủ tướng lưu ý sẽ xuất hiện các vấn đề vệ sinh môi trường, dịch bệnh, gia cầm chết sau bão lũ, do đó phải huy động các lực lượng như thanh niên, phụ nữ… tham gia dọn dẹp vệ sinh. Thủ tướng cũng biểu dương các lực lượng Quân đội, Công an luôn có mặt tại các điểm nóng để hỗ trợ nhân dân.
Thủ tướng nêu rõ, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên) bị chia cắt do nước lũ, phải bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân. Qua tiếp xúc, người dân có 2 đề xuất, Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc và giao nhiệm vụ cụ thể cho hai địa phương triển khai, Văn phòng Chính phủ kiểm tra, đôn đốc, hai tỉnh báo cáo lại Thủ tướng khi hoàn thành.
Theo đó, người dân kiến nghị xây cầu Vân Hà qua sông Cầu nối giữa Bắc Giang và Bắc Ninh, Thủ tướng giao UBND hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang cân đối, bố trí nguồn lực xây dựng, hoàn thành chậm nhất vào cuối năm 2025, tính toán thiết kế có thể mở rộng sau này.
Về mong muốn của một số hộ dân sinh sống trên sông nước nhiều đời, Thủ tướng nhấn mạnh sinh kế có thể trên sông theo nhưng nơi ở phải dứt khoát trên bờ, tỉnh Bắc Giang quy hoạch, nghiên cứu phương án chăm lo nhà ở để các hộ dân này sống trên bờ, đồng thời tạo việc làm, sinh kế cho họ, việc này cũng phải hoàn thành trong năm 2025.
Thủ tướng yêu cầu rà soát lại các công việc, tập trung làm có trọng tâm, trọng điểm; nhanh chóng ổn định tình hình, bảo đảm an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân, phản bác lại các luận điệu xuyên tạc, thông tin sai sự thật.
Với Yên Bái, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Yên Bái và lực lượng Quân đội, Công an phối hợp, bằng mọi cách để tiếp tế lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho người dân tại các địa bàn bị chia cắt, chủ động, sáng tạo tìm cách tiếp cận, trong đó có phương án sử dụng đường hàng không, đường thủy, đường bộ…
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp tục ở lại Yên Bái, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó mưa lũ, quyết định các vấn đề liên quan. Tỉnh Yên Bái và các địa phương khác chủ động lên phương án di dời người dân có thể bị ảnh hưởng tới nơi an toàn, cùng các bộ ngành, cơ quan liên quan sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Chủ tịch UBND cấp tỉnh ban hành tình trạng khẩn cấp theo thẩm quyền khi cần và phải làm theo đúng quy trình thủ tục.
Bộ Tài nguyên và Môi trường nắm chắc tình hình, làm tốt công tác dự báo lũ lụt, cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan thông tấn, báo chí, người dân. Các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang triển khai các giải pháp kiểm soát vùng thượng lưu, nỗ lực giảm lưu lượng nước xuống các hồ đập, giảm nguy cơ quá tải các hồ đập. Các bộ, ngành, địa phương phối hợp xử lý kịp thời việc ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo chỉ đạo, vấn đề vượt thẩm quyền thì khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết.
Thúc đẩy ngoại giao kinh tế, tạo đà bứt phá cho tăng trưởng năm 2025
Chiều tối ngày 20/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với các Đại sứ, Trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về tổng kết công tác ngoại giao kinh tế năm 2024 và trọng tâm năm 2025. Dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Thanh Hoá có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đầu Thanh Tùng; đại diện các sở ngành, đơn vị liên quan.
Tuần hàng Sơn La tại tỉnh Thanh Hóa
Tối ngày 20/12, tại thành phố Thanh Hóa, UBND tỉnh Sơn La tổ chức Khai mạc Tuần hàng thuộc chương trình Hỗ trợ thông tin phát triển thương hiệu, kết nối và mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2024 tỉnh Sơn La. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Thi, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa; Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan; các hiệp hội doanh nghiệp, ngành hàng, doanh nghiệp, doanh nhân các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh.
Tăng cường công tác Dân vận vùng đồng bào Dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa
Sáng ngày 20/12, Ban Dân vận Tỉnh ủy phối hợp với huyện Mường Lát tổ chức hội nghị đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Kết luận số 684 ngày 10/12/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2025.
Đại hội Đại biểu Hội người mù tỉnh Thanh Hoá nhiệm kỳ 2024 - 2029
Sáng ngày 20/12, Hội người mù tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức Đại hội đại biểu khoá VIII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Dự đại hội có đồng chí Phạm Viết Thu, Chủ tịch Hội người mù Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh và 128 đại biểu là hội viên Hội người mù tỉnh.
Thành phố Thanh Hoá: 30 năm xây dựng và phát triển
Năm 1994, thành phố Thanh Hoá được thành lập. Trải qua 30 năm phát triển, thành phố Thanh Hoá đã trở thành "đầu tàu" kết nối, trung tâm động lực phát triển của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung bộ. Trong lộ trình phát triển, thành phố Thanh Hoá đang hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại, là 1 trong 5 thành phố trực thuộc tỉnh dẫn đầu cả nước.
Đoàn công tác của tỉnh chúc mừng Sư đoàn Bộ binh 390 và Lữ đoàn Pháo binh 368
Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm ngày Hội Quốc phòng toàn dân, sáng ngày 20/12, đoàn công tác của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Thanh Hóa do đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã đến chúc mừng cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn Bộ Binh 390 và Lữ đoàn Pháo binh 368 đóng chân trên địa bàn thị xã Bỉm Sơn. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo thị xã Bỉm Sơn.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Lê Tiến Lam chúc mừng Viễn thông Viettel Chi nhánh Thanh Hóa và Nhà máy Z111
Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, chiều ngày 20/12, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh đã đến chúc mừng cán bộ, nhân viên, người lao động Viễn thông Viettel Chi nhánh Thanh Hóa và Nhà máy Z111, thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.
Bộ Tư lệnh Quân khu 4 chúc mừng Tòa Giám mục Thanh Hóa
Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Lê Hồng Nhân, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng làm trưởng đoàn vừa đến thăm, chúc mừng Tòa giám mục Thanh Hóa nhân dịp Lễ Giáng sinh sắp đến.
Kỳ họp thứ 18 Hội đồng nhân dân thành phố Thanh Hoá khóa XXII nhiệm kỳ 2021 - 2026
Chiều ngày 20/12, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Thanh Hoá khoá XXII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc Kỳ họp thứ 18. Đồng chí Lê Anh Xuân, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ, Chủ tịch HĐND thành phố Thanh Hoá chủ trì và phát biểu khai mạc.
Hội nghị tổng kết công tác báo chí và trao giải Búa liềm vàng tỉnh Thanh Hóa năm 2024
Chiều ngày 20/12, Sở Thông tin và Truyền Thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Hội Nhà báo tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị Tổng kết công tác báo chí, trao giải báo chí Búa liềm vàng năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Đồng chí Đào Xuân Yên, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện các ban, sở, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài tỉnh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.