ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ

Cách đây 70 năm, ngày 7/5/1954, lá cờ “Quyết chiến - Quyết thắng” của quân đội Nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm chỉ huy của tướng Đờ-cát, báo hiệu chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Chiến thắng ấy là thành quả sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp của hàng vạn người con xứ Thanh nói chung, đồng bào Thượng du Thanh Hóa nói riêng…

Ái Vân - Mạnh Tuấn – Lê Quang – Thanh Sơn - Hữu Dần

04/05/2024 23:10

Khi cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, mặc dù việc chỉ đạo kháng chiến vô cùng bộn bề, nhưng ngày 20/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn quyết định về thăm Thanh Hóa. Bác viết thư gửi đồng bào thượng du: "Cùng đồng bào yêu quý! Tôi đến thăm Thanh Hóa, tôi định lên thăm đồng bào, nhưng có việc gấp phải trở về ngay, chưa lên được. Tôi lấy làm tiếc. Lần sau có dịp tôi sẽ lên thăm các đồng bào. Lúc này, toàn thể quốc dân đang ra sức chống giặc cứu nước. Tôi chắc đồng bào thượng du đều ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc. Việc dìu dắt đồng bào thượng du, tôi trông cậy lòng ái quốc và sự hăng hái của các vị lang đạo...".

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 1.
Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 2.

Bức thư ngắn gọn nhưng chứa đựng tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của Bác đối với đồng bào thượng du Thanh Hóa. Đó là một nguồn động lực to lớn để đồng bào vùng thượng du đoàn kết, đồng lòng cùng với cả nước góp sức người, sức của cho cuộc đấu tranh chống giặc cứu nước. Đặc biệt, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, con em các dân tộc miền Thượng du Thanh Hóa luôn tự hào vì đã có nhiều đóng góp làm nên chiến thắng lịch sử ấy.

Xuất phát từ vị thế chiến lược quan trọng của các huyện miền núi, không chỉ với tỉnh Thanh Hóa mà còn đối với cả nước và trước tình hình chung của cuộc kháng chiến kiến quốc, ngày 4/4/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 41-SL về việc thành lập Ủy ban hành chính đặc biệt miền thượng du Thanh Hóa, để thực hiện các nhiệm vụ: "Giúp Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa giải quyết các công việc ở 6 châu miền thượng du tỉnh Thanh Hóa, động viên dân chúng để chuẩn bị kháng chiến, đốc suất việc tăng gia sản xuất, phát triển bình dân học vụ". Người căn dặn: "Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng". Đây cũng là khẩu hiệu của Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ nhất (tháng 2-1948) tại làng Thuần Hậu, xã Xuân Minh (Thọ Xuân) nhằm tập trung chỉ đạo, xây dựng và bảo vệ miền Tây Thanh Hóa - địa bàn chiến lược quan trọng của cách mạng Thanh Hóa và cách mạng Lào lúc bấy giờ. Đồng thời, Ủy ban lãnh đạo dân quân Thượng du cũng được thành lập tại huyện Ngọc Lặc. Các huyện miền Tây Thanh Hóa đã xây dựng được 2 đại đội du kích tập trung, lấy tên là Cầm Bá Thước và Hà Văn Mao, là hai vị thủ lĩnh của phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19 trên vùng đất thượng du Thanh Hóa.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 3.

Lúc này, giặc Pháp từ miền Thượng Lào cho nhiều toán quân theo sông Mã, sông Luồng, sông Lò tiến sâu vào huyện Quan Hóa. Ở phía Tây Nam, địch kéo quân từ Sầm Nưa (tỉnh Hủa Phăn - Lào) tràn vào chiếm đóng xã Yên Khương (huyện Lang Chánh) và xã Bát Mọt ( huyện Thường Xuân), lập nên "hành lang Đông Tây", âm mưu chia cắt miền Tây với nội địa Thanh Hóa; tổ chức các phái đảng phản động, mưu đồ lập xứ Mường tự trị. Chống trả lại quân địch, các đại đội độc lập của Trung đoàn 77 và 2 đại đội Cầm Bá Thước, Hà Văn Mao đã phối hợp với dân quân các huyện miền núi tổ chức chiến đấu tiêu diệt quân địch, đập tan "hành lang Đông Tây", xóa sổ các tổ chức phản động tay sai của giặc Pháp.

Tầm quan trọng của miền Tây Thanh Hóa trong những năm kháng chiến chống Pháp được đúc kết trong 6 chữ của Bác Hồ: "Thượng du thắng – Thanh Hóa thắng". Nhận thức rõ vai trò của vùng đất này, lãnh đạo tỉnh cũng như lãnh đạo Liên khu 4 đã tập trung cán bộ, lực lượng và chỉ đạo sát sao các hoạt động kháng chiến tại đây. Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập Ban Chỉ huy mặt trận miền Tây Thanh Hóa, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Tư lệnh Liên khu 4 và Ủy ban hành chính tỉnh Thanh Hóa. Tiếp sau đó, từ đầu năm 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 4 quyết định thành lập và trực tiếp chỉ đạo Ban chỉ huy Mặt trận Thanh Hóa.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 4.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ, Thanh Hóa đã trở thành hậu phương của nhiều chiến trường lớn. Để đảm bảo công tác hậu cần cho Điện Biên Phủ, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, lần đầu tiên trong lịch sử, cả dân tộc đã ra trận. Các lực lượng thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc từ nhiều địa phương đã vận chuyển một khối lượng khổng lồ lương thực, thực phẩm, thuốc men, vũ khí đạn dược lên Điện Biên Phủ. Đặc biệt, thực hiện phương châm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển từ "Đánh nhanh, thắng nhanh" sang phương án "Đánh chắc, tiến chắc", người Thanh Hóa đã "dốc bồ, thổ thúng" vét đến hạt gạo cuối cùng, thậm chí tuốt cả những hạt thóc non để chuyển ra tiền tuyến. Những đoàn quân chủ lực cũng đứng chân tại đây, Thanh Hóa trở thành căn cứ huấn luyện, sẵn sàng điều quân cho nhiều mặt trận lớn. Những tuyến giao thông huyết mạch nối hậu phương Thanh Hóa, nói chung, miền Thượng du Thanh Hóa, nói riêng, với mặt trận Điện Biên Phủ có vai trò vô cùng quan trọng.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 5.

Cùng với việc cung cấp lương thực, thực phẩm ra chiến trường, tỉnh Thanh Hóa đã huy động hàng vạn dân công và mọi phương tiện như xe đạp, ô tô, thuyền nan, thuyền ván, ngựa thồ… vận chuyển vật chất, cung cấp cho chiến dịch. Những đoàn thuyền vượt hàng trăm thác ghềnh hiểm trở, tránh máy bay địch đánh phá, ngược dòng sông Mã vận chuyển hàng lên Tây Bắc. Những đoàn xe đạp thồ, dân công gánh bộ từ miền Tây Thanh Hóa qua Suối Rút, Mộc Châu sang Cò Nòi đến Sơn La, vượt hơn 500 km xuyên rừng, lội suối, trèo đèo bí mật đưa hàng tới đích an toàn.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 6.

Trong ký ức của ông Hà Văn Cấm, người dân tộc Thái ở bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, những năm tháng kháng chiến gian khổ mà vinh quang của dân tộc ta mãi hằn in trong tâm trí ông. Khi đó, cả dân tộc đang dồn sức người sức của cho chiến dịch Điện Biên Phủ và xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa chính là đầu mối của tuyến giao thông huyết mạch phía Tây tỉnh Thanh Hóa giáp với nước bạn Lào, là địa bàn trung chuyển quân lương, vũ khí ra mặt trận. Khi đó, chàng trai trẻ Hà Văn Cấm đang ở độ tuổi đôi mươi, hừng hực ý chí chiến đấu. Ông nhớ lại, Phú Lệ ngày đó liên tục bị máy bay Pháp dội bom, nhưng chưa bao giờ con đường vận tải bị cắt đứt. Bản thân ông đã cùng với dân công hỏa tuyến và Nhân dân xã Phú Lệ hoàn thành tốt nhiệm vụ "thông đường mở tuyến", tiếp sức cho những bước chân của đoàn dân công xe thồ, quang gánh đang ngày đêm đội nắng, dầm mưa, đưa quân lương lên chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo ông Hà Văn Cấm, bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa, trong những năm tháng tham gia chống Pháp, Quân dân Phú Lệ vừa đánh giặc vừa sản xuất. Dân công làm lán, làm kho,ph sửa cầu đường, tiếp lương...

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 7.

Ông Hà Văn Cấm, bản Sại, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa kể về những ngày tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ

Để phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn dân công hỏa tuyến của tỉnh Thanh Hóa đã theo Quốc lộ 15A mở đường lên Thượng Lào, sang Tây Bắc, chuẩn bị cho chiến dịch lịch sử này. Để chặn bước tiến quân, chặt đứt đường vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược của quân ta cho Điện Biên Phủ, thực dân Pháp điên cuồng ném bom dọc các tuyến đường nối hậu phương của ta với mặt trận. Khi đó, cùng với cầu La Hán ( huyện Bá Thước), thì mảnh đất Phú Lệ (huyện Quan Hóa) được coi là "túi bom". Trong những lần máy bay Pháp quần đảo, không ít bộ đội, dân công, thanh niên xung phong đã ngã xuống, mãi mãi nằm lại với gió núi, mây ngàn.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 8.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tỉnh Thanh Hóa nói chung, vùng thượng du nói riêng, vô cùng tự hào về những người con kiên trung, bất khuất; những hành động anh hùng, những tấm gương hy sinh cao cả, cống hiến trọn tuổi thanh xuân cho đất nước, góp phần làm nên khúc khải hoàn ca chiến thắng mà lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc sẽ mãi khắc ghi. Đó là tấm gương hy sinh của anh hùng Trương Công Man, người dân tộc Mường ở huyện Cẩm Thủy, một chiến sĩ liên lạc mưu trí, dũng cảm của Đại đoàn Đồng Bằng. Ông nhiều lần bị thương, hai lần bị trúng bom Na-pan cả người cháy như ngọn đuốc, nhưng vẫn nén đau nhanh chóng chạy dưới làn mưa bom, bão đạn để đưa lệnh của cấp trên xuống các đơn vị. Không chỉ là chiến sĩ liên lạc, ông còn trực tiếp cầm súng chiến đấu, chỉ huy tiểu đội tiêu diệt, bắt sống, gọi hàng hàng chục tên địch, thu nhiều súng đạn. Ông đã được Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặt cho danh xưng "chiến sĩ khoác áo lửa".

Thượng du Thanh Hóa còn có những người phụ nữ kiên cường, như bà Hà Thị Dón, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa với thân hình nhỏ nhắn chưa đầy 45 kg, nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường đã nâng mức gùi của mình lên 70 kg, đi liên tục trong đêm để sớm đến địa điểm tập kết.

Hay đó là khúc ca bi tráng về 11 dân công hỏa tuyến hy sinh khi đang làm nhiệm vụ tại hang Co Phường, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa.

Bà Nguyễn Thị Ngọt, quê ở xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa chính là người nữ dân công duy nhất còn sống trong trận ném bom đánh sập hang Co Phường cách đây hơn 70 năm. Năm nay bà Ngọt đã ngoài 90 tuổi, bước chân đã yếu, mắt đã mờ, nhưng mỗi khi lên thăm lại chiến trường xưa, nơi có những đồng đội, anh chị của mình đang yên nghỉ, bà không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào…

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 9.

Theo lời kể của bà Nguyễn Thị Ngọt, trong những năm kháng chiến chống Pháp, theo lời kêu gọi của Bác Hồ "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng", bà đã cùng 12 thanh niên trong xã Thiệu Nguyên hăng hái lên đường phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ. Với nhiệm vụ của dân công hỏa tuyến, bà Ngọt đã cùng bộ đội chủ lực, dân công đóng quân tại khu vực hang Co Phường, xã Phú Lệ, huyện Quan Hóa. Đây vừa là kho, trạm quân lương, cũng là nơi trú quân của bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến. Ngày 2/4/1953, khi tiểu đội dân công đang làm nhiệm vụ ở khu vực hang Co Phường, thì bất ngờ máy bay giặc ập đến ném bom. Do sức công phá của bom, hang Co Phường bị sập từng mảng, 11 dân công bị vùi lấp trong hang, 1 người bị thương nằm ngoài hang được Nhân dân đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi… Riêng bà Ngọt khi đó đang ra suối giặt quần áo cho đồng đội nên đã thoát chết.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 10.

Bà Nguyễn Thị Ngọt, nguyên dân quân hỏa tuyến, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa

Bà Nguyễn Thị Ngọt, nguyên dân quân hỏa tuyến, xã Thiệu Nguyên, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa kể lại: "Ngày đó, tôi là người nhỏ nhất. Các chị đặt têt tôi là út Ngọt. 3h hôm đó, 6 máy bay đến ném bom xuống. Các anh chị đã hy sinh. Bây giờ, nhiều hôm tôi vẫn tưởng tượng như cùng ăn một mâm, nằm 1 chiếu với các chị".

Nhằm tri ân các liệt sĩ, đồng thời giáo dục cho thế hệ trẻ lòng yêu nước, tự hào dân tộc, năm 2012, UBND tỉnh Thanh Hóa đã lập quy hoạch, tôn tạo Khu di tích lịch sử cách mạng hang Co Phường. Năm 2019, Khu di tích đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng cấp Quốc gia. Giờ đây, hang Co Phường đã trở thành một địa danh lịch sử cách mạng thiêng liêng, nơi ghi lại những đóng góp, hy sinh của dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Cùng với ra sức lao động sản xuất, cung cấp lương thực thực phẩm cho chiến trường và phục vụ chiến đấu tại chỗ, nhiều con em vùng Thượng du Thanh Hóa đã tình nguyện nhập ngũ, trực tiếp có mặt trên các chiến trường. Những người con ưu tú ấy đã chiến đấu anh dũng, lập nhiều chiến công, trở thành những tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước. Kết thúc kháng chiến chống Pháp, tỉnh Thanh Hóa có 5 người được Đảng, Nhà nước phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân, trong đó, vùng Thượng du có 2 người con ưu tú là Trương Công Man và Lò Văn Bường.

Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân Lò Văn Bường, sinh năm 1924, người dân tộc Thái, quê xã Xuân Lẹ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Khi đất nước có chiến tranh, ông đã tình nguyện lên đường chiến đấu, được điều về Trung đội 3, sư đoàn 355. Tháng 10/1949, ông được điều sang huyện Hủa Phăn, Nam Xiêng Khoảng, Sầm Tớ của nước bạn Lào. Trên đất bạn, dù gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm, song bằng sự dũng cảm, mưu trí của mình, ông cùng đồng đội đã làm tốt công tác dân vận. Sự kiện làm nên tên tuổi của chiến sĩ Lò Văn Bường, là khi ông gặp toán thổ phỉ tại Mường Khun. Đối mặt với hàng chục tên địch, ông vẫn chiến đấu anh dũng, thà hy sinh chứ nhất định không chịu đầu hàng. Lần ấy, dù bị bắn trọng thương, hỏng mắt trái, ông vẫn đả thương nhiều tên địch và trốn thoát vào rừng. Những năm tháng hoạt động tại Lào, ông đã xây dựng được cơ sở vững chắc sau lưng địch, vận động người dân đi theo Cách mạng, phát triển phong trào du kích địa phương; lập nhiều chiến công, được đồng đội và quân dân nước bạn Lào ghi nhận.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 11.

Với những đóng góp to lớn trong kháng chiến chống Pháp, ông Lò Văn Bường, người con của núi rừng Thường Xuân Thanh Hóa, đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân vào tháng 5 năm 1956. Sau khi kháng chiến chống Pháp giành thắng lợi, ông tiếp tục tham gia chống Mỹ, bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ cầu Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa đến Phà Ghép ( nay thuộc thị xã Nghi Sơn).

Trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ, anh hùng Lò Văn Bường đã sống giản dị, bình yên đến hết cuộc đời. Mặc dù ông đã ra đi, nhưng tình cảm thương kính mà bà con nơi đây dành cho ông vẫn còn vẹn nguyên. Vào những dịp lễ lớn của dân tộc, ngôi nhà nhỏ nơi ông từng sống luôn có mặt đông đủ bà con dân bản. Mọi người đến đây để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm khi ông còn sống; kể cho nhau nghe về những chiến công của ông trong 2 cuộc kháng chiến của dân tộc. Anh hùng Lò Văn Bường chính là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc Thượng du Thanh Hóa.

Còn đối với ông Ngân Tiến Nhẫn, người dân tộc Thái ở huyện Quan Hóa, người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ thì những câu chuyện về năm tháng chiến đấu ác liệt trên khắp các chiến trường chính là những bài học lịch sử quý giá mà ông muốn truyền lại cho thế hệ trẻ hôm nay.

Ông Ngân Tiến Nhẫn, huyện Quan Hóa - Cựu chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ

Vùng Thượng du Thanh Hóa trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng từng ghi dấu ấn về tinh thần lao động sáng tạo và quả cảm của quân và dân ta, góp phần làm nên chiến thắng vang dội trước kẻ thù nguy hiểm. Vùng đất này chính là nơi xây dựng Lò cao kháng chiến Hải Vân ở thôn Đồng Mười, xã Vĩnh Hoà, huyện Như Xuân (nay là xã Hải Vân, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa). Theo tài liệu lịch sử, cuối năm 1953 và năm 1954, Lò cao kháng chiến Hải Vân đã sản xuất hơn 400 tấn gang, kịp thời đáp ứng yêu cầu sản xuất vũ khi như mìn, lựu đạn, súng cối, chảo, nồi quân dụng phục vụ cho các chiến trường, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ.

Ở Thanh Hóa hiện nay, Bảo tàng tỉnh chính là nơi lưu giữ những tư liệu, hiện vật quan trọng, ghi dấu đóng góp của quân dân Thanh Hóa trong kháng chiến chống Pháp, và đặc biệt là trong chiến dịch Điện Biên Phủ. 70 năm đã trôi qua, bụi thời gian có thể làm mờ đi dấu tích của một thời lửa đạn, nhưng những hiện vật ấy là minh chứng rõ nét cho những năm tháng chiến đấu anh dũng, kiên cường của cả dân tộc ta.

Thượng du Thanh Hóa với chiến thắng Điện Biên Phủ- Ảnh 12.

Chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn giành thắng lợi sau 56 ngày đêm "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt; máu trộn bùn non; gan không núng, chí không mòn". Kết thúc chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa vinh dự được Bác Hồ tặng cờ "Phục vụ tiền tuyến khá nhất", và đồng bào Thượng du có quyền tự hào với những đóng góp to lớn, xứng đáng với lời căn dặn trong thư Bác Hồ gửi đồng bào Thượng du "… ra sức đoàn kết, chuẩn bị tham gia giết giặc cứu nước để giữ vững quyền thống nhất, độc lập của Tổ quốc...".

Nguồn: Phim tài liệu "Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca thời đại"/ Tập 1

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Dự báo thời tiết 21/11/2024: Thanh Hóa và nhiều tỉnh miền Trung mưa lớn

Dự báo thời tiết 21/11/2024: Thanh Hóa và nhiều tỉnh miền Trung mưa lớn

08:10 , 21/11/2024

Dự báo thời tiết 21/11/2024, các tỉnh miền Trung hứng chịu mưa lớn diện rộng, khu vực Thanh Hóa cục bộ có nơi mưa to đến rất to.

Tiêu hủy thành công quả bom còn sót lại sau chiến tranh

Tiêu hủy thành công quả bom còn sót lại sau chiến tranh

14:41 , 20/11/2024

Ban chỉ huy Quân sự huyện Thường Xuân, phối hợp với Ban Công binh Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thanh Hóa tổ chức tiêu hủy thành công quả bom còn sót lại sau chiến tranh tại xã Tân Thành.

Cảnh  báo, dự báo sóng lớn trên vùng biển Thanh Hóa

Cảnh báo, dự báo sóng lớn trên vùng biển Thanh Hóa

11:16 , 20/11/2024

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông, vùng biển ven bờ Thanh Hoá có gió Đông Bắc cấp 4, ngoài khơi cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động.

Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình

Nhiều giải pháp nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình

10:30 , 20/11/2024

Triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình là giải pháp quan trọng để thực hiện Chính phủ điện tử, góp phần mang lại hiệu quả thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ và các địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, hướng tới đạt được mục tiêu đề ra.

Kiểm soát tải  trọng phương tiện ngay từ đầu mỏ khai thác

Kiểm soát tải trọng phương tiện ngay từ đầu mỏ khai thác

10:14 , 20/11/2024

Để nâng cao hiệu quả kiểm soát tải trọng phương tiện, Công an huyện Nông Cống đã tăng cường ngăn chặn, xử lý ngay tại các khu vực khai thác, bãi mỏ hay điểm tập kết hàng hoá.

Phấn đấu năm 2025 phủ sóng tất cả vùng lõm viễn thông

Phấn đấu năm 2025 phủ sóng tất cả vùng lõm viễn thông

10:02 , 20/11/2024

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, từ tháng 1 đến tháng 9/2024, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phủ sóng 316 thôn chưa có sóng di động, nâng tổng số thôn đã phủ sóng từ năm 2021 đến tháng 9/2024 là 2.549/3.310 thôn. Tuy nhiên, đến nay, vẫn còn 761 thôn chưa có sóng viễn thông, chủ yếu là các thôn bản đặc biệt khó khăn.

Phát huy vai trò người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa

Phát huy vai trò người uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa

09:15 , 20/11/2024

Những năm qua, ở miền núi Thanh Hóa, lực lượng người uy tín có những đóng góp quan trọng nhằm đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc thiểu số một cách kịp thời. Họ là những tấm gương sáng trong mọi phong trào, là “điểm tựa” của đồng bào các dân tộc vùng cao.

Người dân gửi ngân hàng gần 7 triệu tỷ đồng

Người dân gửi ngân hàng gần 7 triệu tỷ đồng

08:13 , 20/11/2024

Ngân hàng Nhà nước vừa cho biết, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tính đến hết tháng 8 đạt gần 7 triệu tỷ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7 năm nay, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân đến cuối tháng 8 tăng trên 86.000 tỷ đồng.

Áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 9 đã suy yếu thành một vùng áp thấp

Áp thấp nhiệt đới từ cơn bão số 9 đã suy yếu thành một vùng áp thấp

08:00 , 20/11/2024

Sáng sớm ngày 20/11, áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ cơn bão số 9) đã suy yếu thành một vùng áp thấp trên vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Hoàng Sa.

Vĩnh Lộc: Tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024

Vĩnh Lộc: Tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024

23:05 , 19/11/2024

Để chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 – 2030, sáng ngày 19/11, Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức hội nghị bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ công tác văn phòng cấp ủy năm 2024.