ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững

Xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là một trong những mục tiêu xuyên suốt, quan trọng của Đảng và Nhà nước ta, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta. Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác này, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền các cấp và các tầng lớp nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện hiệu quả các chương trình xóa đói, giảm nghèo, đưa Thanh Hóa trở thành điểm sáng của cả nước trong thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

26/12/2023 11:26

Mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu

Tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững- Ảnh 1.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi bà con nhân dân thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa_Ảnh: TTXVN

Tỉnh Thanh Hóa nằm ở vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, điểm kết nối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ với vùng đồng bằng sông Hồng; có diện tích tự nhiên 11.120km 2, dân số trên 3,7 triệu người. Tỉnh có 27 huyện, thị xã, thành phố, với 2 thành phố, 2 thị xã, 23 huyện, 559 xã, phường, thị trấn . Địa bàn rộng, dân số đông với nhiều vùng sinh thái khác nhau đã trở thành một trong những điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những yếu tố này cũng gây không ít khó khăn cho việc đầu tư nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là khu vực miền núi. Đây là khu vực chiếm gần 80% diện tích toàn tỉnh, địa hình chia cắt, trải dài trên địa bàn 11 huyện, với 175 xã, thị trấn, 1.519 thôn, bản, khu phố, trong đó có 43 xã thuộc vùng khó khăn (23 xã khu vực II, 20 xã khu vực III), 308 thôn đặc biệt khó khăn; có 213,6km đường biên giới giáp với tỉnh Hủa Phăn nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào dọc theo địa phận của 16 xã, thị trấn. Vùng biển Thanh Hóa có diện tích 17.000 - 18.000km 2 , gấp 1,6 lần diện tích đất liền, đường bờ biển có dạng cánh cung dài 102 km. Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, khí hậu tỉnh Thanh Hóa thường xuất hiện các hiện tượng thời tiết đặc biệt, như sương muối, sương giá vào mùa đông, bão, lũ, áp thấp nhiệt đới vào mùa mưa và hạn hán vào mùa khô, ảnh hưởng không nhỏ tới sinh kế bền vững của người dân.

Bước vào giai đoạn 2021 - 2025, trên cơ sở kế thừa kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo bền vững của nhiều giai đoạn trước; trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều biến động do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 kéo dài, nhiều chính sách hỗ trợ cho người nghèo hết hiệu lực; ngay sau khi Trung ương phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện các chương trình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các chương trình mục tiêu quốc gia và chỉ đạo thành lập ở cấp huyện, cấp xã; phân công đồng chí Bí thư cấp ủy làm Trưởng Ban chỉ đạo. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành Kế hoạch số 77/KH-UBND “Về triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh; trong đó xác định: Thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vươn lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Trên cơ sở mục tiêu chung, tỉnh Thanh Hóa xác định các mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2025: Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm theo tiêu chí mới của giai đoạn 2021 - 2025 từ 1,5% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân hằng năm 3% trở lên; phấn đấu 30% huyện nghèo (huyện Thường Xuân, huyện Bá Thước), 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Bên cạnh việc quán triệt và triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời cơ chế, chính sách về giảm nghèo bền vững theo quy định của Trung ương; căn cứ tình hình thực tiễn trong từng giai đoạn, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án để tổ chức thực hiện nhằm tăng cường nguồn lực cho công tác giảm nghèo. Ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, như hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng liên kết vùng, thiết yếu, phục vụ dân sinh, sản xuất, lưu thông hàng hóa trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; hỗ trợ địa bàn nghèo phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình, dự án giảm nghèo, phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo việc làm, sinh kế bền vững, thu nhập tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống và thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho người nghèo; hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin; các chính sách hỗ trợ đặc thù đối với hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo sinh sống tại các xã đặc biệt khó khăn...

Những kết quả quan trọng

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ kịp thời của Trung ương; sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả của cả hệ thống chính trị; sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của cộng đồng xã hội và các tầng lớp nhân dân, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, đưa Thanh Hóa trở thành một trong những “điểm sáng” của cả nước trong thực hiện giảm nghèo bền vững. Công tác thông tin, tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được đẩy mạnh, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân đối với công tác giảm nghèo bền vững. Từ năm 2021 đến nay, các ngành chức năng và các địa phương đã phối hợp với 12 cơ quan báo chí biên soạn và đăng tải nhiều bài viết tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về giảm nghèo; giới thiệu các mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh; tổ chức 20 cuộc đối thoại chính sách giảm nghèo tại cộng đồng, với hơn 2.500 người tham gia; xây dựng hàng trăm cụm pa-nô, áp-phích; xuất bản trên 5.000 ấn phẩm thông tin về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; in, cấp phát hàng trăm nghìn tờ rơi tuyên truyền về công tác giảm nghèo cho các địa phương trong tỉnh... Bên cạnh đó, việc cân đối ngân sách nhà nước và huy động nguồn lực, quản lý, sử dụng nguồn lực thực hiện Chương trình được quan tâm thực hiện. Căn cứ các nghị quyết của Quốc hội, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và quy định của Trung ương về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước, tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành các nghị quyết về việc phân bổ, giao kế hoạch vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 và hằng năm giai đoạn 2021 - 2023; quy định cơ chế lồng ghép nguồn vốn trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; cơ chế huy động và sử dụng nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn hợp pháp khác thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành các quyết định phân bổ, giao dự toán ngân sách trung ương hằng năm giai đoạn 2021 - 2023 để thực hiện Chương trình; trong đó, bảo đảm tỷ lệ đối ứng vốn ngân sách địa phương đạt tối thiểu 10%/tổng vốn trung ương giao và thực hiện khi phê duyệt đối với từng dự án.

Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 đã tạo điều kiện để người dân ở các vùng nghèo tiếp cận với các dịch vụ cơ bản; giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, như đường giao thông, cầu, trường học, bệnh viện... Đặc biệt, Chương trình đã huy động được sự tham gia tích cực của các địa phương, cộng đồng và các tổ chức phi chính phủ; tăng cường sự tương tác và gắn kết giữa các cơ quan nhà nước với các đơn vị liên quan trong việc giải quyết vấn đề nghèo đói và phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn; góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh; thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền và nâng cao đời sống của người dân. Đến nay, 100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo của tỉnh Thanh Hóa đã được hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và làm thay đổi bộ mặt khu vực nông thôn, miền núi. Toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 63 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, với tổng kinh phí gần 21,8 tỷ đồng. Xác định hỗ trợ phát triển sản xuất, dạy nghề, giải quyết việc làm là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững, các cấp, các ngành, các địa phương hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, nâng cao năng lực sản xuất cho 90% người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn có nhu cầu; giải ngân 4.519,6 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách xã hội (đạt 100% kế hoạch) giúp cho 71,48 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn phát triển sản xuất, bình quân 63,2 triệu đồng/hộ... Những kết quả đạt được đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 - 2025) của tỉnh Thanh Hóa giảm 1,79%, từ 6,77% xuống còn 4,99% (tương ứng giảm 17.791 hộ, từ 67.684 hộ xuống còn 49.893 hộ), vượt mục tiêu Chương trình đề ra. Đến ngày 31-12-2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh ước giảm 1,2%, xuống còn 3,79% (tương ứng còn 37.936 hộ). Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số năm 2022 giảm 7,37%, từ 27,23% xuống còn 19,86%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu đề ra giảm 3%); đến ngày 31-12-2023 ước giảm 4,5%, xuống còn 15,36%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 5,4%, từ 32,88% xuống 27,48%, vượt mục tiêu đề ra (mục tiêu đề ra giảm từ 4 - 5%); đến ngày 31-12-2023, ước giảm 5,95%, xuống còn 21,53%. Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo giảm 2,48%, từ 7,1% xuống còn 4,62%; đến ngày 31-12-2023, ước giảm 1,1%, xuống còn 3,52%.

Những hạn chế và khó khăn, thách thức đặt ra

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn một số bất cập, hạn chế, đó là: Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn cao; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới theo tiêu chí đa chiều còn cao, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới. Việc lồng ghép nguồn vốn giữa các chương trình, dự án, chính sách, vốn tín dụng ưu đãi để thực hiện giảm nghèo hiệu quả chưa cao. Một số dự án sử dụng vốn đầu tư phát triển, vốn sự nghiệp từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chậm hoặc chưa giải ngân làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn. Năng lực lãnh đạo, điều hành của một số cấp ủy, chính quyền còn hạn chế, chưa linh hoạt, sáng tạo, thiếu quyết liệt trong tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giảm nghèo. Đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở còn thiếu, năng lực còn hạn chế và thường xuyên thay đổi. Một bộ phận cán bộ vẫn còn tư tưởng muốn “ở lại” xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn để được thụ hưởng các chính sách đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước. Công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành trong triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 chưa nhịp nhàng, hiệu quả chưa cao, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của Chương trình. Tư tưởng “trông chờ ỷ lại”, “quen chịu khổ, chưa chịu khó”, không muốn ra khỏi danh sách hộ nghèo để được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong một bộ phận người nghèo vẫn còn nặng; tình trạng hộ nghèo vay vốn sử dụng chưa đúng mục đích, hiệu quả chưa cao còn phổ biến...

Giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả trong thời gian tới

Tỉnh Thanh Hóa triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững- Ảnh 2.

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Thanh Hóa trao hỗ trợ dê giống cho hộ gia đình hội viên, phụ nữ nghèo dân tộc thiểu số là thành viên tổ hợp tác chăn nuôi dê sinh sản, giúp các thành viên trong tổ hợp tác thoát nghèo bền vững_Ảnh: TTXVN

Trong thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa xác định công tác giảm nghèo sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, do ảnh hưởng tiêu cực của mặt trái cơ chế thị trường; tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; sự phân hóa giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội có xu hướng gia tăng; các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng đa dạng, phức tạp. Đại dịch COVID-19 tác động sâu sắc và toàn diện đến tất cả quốc gia, để lại nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Tình hình dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường. Trong khi đó, phần lớn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo của tỉnh Thanh Hóa sinh sống ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, có sinh kế, thu nhập không ổn định, thiếu bền vững, thiếu kỹ năng nghề nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực thấp, khó tiếp cận việc làm... Các nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo còn thiếu và dàn trải, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đây là khó khăn, thách thức đang đặt ra đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Để hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm là:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 5-8-2020, của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Quyết định số 90/QĐ-TTg, ngày 18-1-2022, của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” và Kế hoạch số 77/KH-UBND, ngày 21-3-2022, của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa “Về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025”. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giảm nghèo; đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp giảm nghèo nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy và các kế hoạch, chỉ tiêu giảm nghèo, chỉ tiêu tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản để thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Thứ hai, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, toàn xã hội và đối tượng người nghèo đối với công tác giảm nghèo; thông tin kịp thời, đầy đủ chủ trương, chính sách của Trung ương, cơ chế, chính sách của tỉnh, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; động viên, khích lệ, khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, xóa bỏ tâm lý tự ti, cam chịu, tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ, giúp đỡ của Nhà nước và cộng đồng xã hội; khắc phục hiện tượng không muốn thoát nghèo để được hưởng trợ cấp của Nhà nước. Phát huy vai trò già làng, trưởng bản, trưởng họ và người có uy tín trong cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao trách nhiệm và phát huy vai trò của các lực lượng tại cơ sở, trước hết là Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân, lực lượng biên phòng, công an, quân đội, giáo viên,... trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, giúp đỡ người nghèo, hộ nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Thứ ba, thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm và từng giai đoạn, làm cơ sở để xây dựng và triển khai thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch, giải pháp hỗ trợ giảm nghèo phù hợp. Tập trung giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất, nước sinh hoạt, tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ xã hội cơ bản cho người nghèo. Triển khai thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người nghèo; phát huy nguồn lực và đóng góp của người dân trong thực hiện các dự án phát triển sản xuất, chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết, gắn phát triển sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất nhằm thay đổi tập quán canh tác, nâng cao trình độ thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất, chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, xem đây là giải pháp trọng tâm để giảm nghèo nhanh và bền vững.

Thứ tư, củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia các cấp; tăng cường quản lý, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ giảm nghèo trên địa bàn. Phát huy vai trò chủ động của cấp ủy, chính quyền ở cơ sở, cộng đồng dân cư ở thôn, bản trong quản lý, giám sát đầu tư, khai thác, sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng quy mô nhỏ và các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo, thôn, bản đặc biệt khó khăn. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với việc thực hiện chương trình, đề án, kế hoạch giảm nghèo. Nâng cao vai trò của người dân, cộng đồng dân cư trong việc theo dõi, giám sát tình hình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với những trường hợp gây lãng phí, thất thoát vốn, tài sản của Chương trình, xâm hại lợi ích của cộng đồng; hạn chế tối đa tác động tiêu cực của Chương trình đến môi trường sinh sống của cộng đồng.

Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sâu rộng, hiệu quả phong trào “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; kịp thời phát hiện, tôn vinh, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp cho công tác giảm nghèo và gương sáng, điển hình, tiêu biểu về thoát nghèo trong cộng đồng. Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai thực hiện các phong trào, cuộc vận động, nhất là cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Tháng hành động vì người nghèo”... tạo khí thế thi đua sôi nổi trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững của tỉnh Thanh Hóa.

Nguồn: www.tapchicongsan.org.vn

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Các khu vui chơi thu hút đông trẻ em dịp lễ

Các khu vui chơi thu hút đông trẻ em dịp lễ

07:33 , 02/05/2024

Trong đợt nghỉ lễ 30/4 - 1/5, các khu vui chơi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút lượng lớn trẻ em đến trải nghiệm, sử dụng các dịch vụ. Điều này không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi, giúp các em có kỳ nghỉ dài ý nghĩa mà còn thể hiện sự quan tâm của gia đình và cộng đồng xã hội trong việc chung tay chăm lo cho các em.

Lan tỏa phong trào “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” từ hội thi nghiệp vụ

Lan tỏa phong trào “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” từ hội thi nghiệp vụ

07:12 , 02/05/2024

Tỉnh Thanh Hóa vừa tổ chức thành công Hội thi nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn cứu hộ “Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy” năm 2024. Hội thi không chỉ nhằm lựa chọn ra Tổ liên gia xuất sắc nhất đại diện tỉnh Thanh Hóa tham gia vòng thi khu vực, mà còn là cơ hội để các thành viên Tổ liên gia nâng cao hiểu biết, thực hành thuần thục các kỹ năng thiết yếu trong chữa cháy và cứu người, cứu tài sản, từ đó tham gia tích cực vào phong trào “Toàn dân phòng cháy chữa cháy” tại địa bàn dân cư.

Sầm Sơn: Cứu nạn thành công nhiều người bị sóng cuốn

Sầm Sơn: Cứu nạn thành công nhiều người bị sóng cuốn

23:03 , 01/05/2024

Đội cứu nạn – cứu hộ thành phố Sầm Sơn vừa cứu nạn thành công nhiều du khách bị sóng cuốn ra xa bờ trong lúc tắm biển ở khu vực gần đền Độc Cước.

Tình hình giao thông ngày cuối kỳ nghỉ lễ

Tình hình giao thông ngày cuối kỳ nghỉ lễ

19:46 , 01/05/2024

Ghi nhận tại nhiều tuyến đường trên địa bàn Thanh Hóa, lượng người và phương tiện tham gia giao thông trong ngày nghỉ lễ cuối cùng dịp lễ 30/4 - 01/5 khá cao. Nhìn chung, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thanh Hóa cơ bản được đảm bảo, không xảy ra tình trạng lộn xộn và ùn tắc tại một số điểm giao thông trọng yếu.

Thanh Hóa: Tối ngày 01/5, các huyện miền núi có khả năng mưa rào và dông

Thanh Hóa: Tối ngày 01/5, các huyện miền núi có khả năng mưa rào và dông

19:10 , 01/05/2024

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, tối ngày 01/5, các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy, Thạch Thành, Thọ Xuân, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Lang Chánh, Bá Thước, Quan Hóa, Quan Sơn, Mường Lát, TX Nghi Sơn có khả năng mưa rào và dông (Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh).

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5

Bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 01/5

18:24 , 01/05/2024

Dịp nghỉ lễ năm nay lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường tăng cao. Tuy nhiên, do lực lượng chức năng làm tốt công tác đảm bảo an toàn giao thông, đặc biệt là phân luồng, điều tiết, hướng dẫn giao thông, nên tình hình trật tự giao thông được duy trì ổn định, an toàn và không xảy ra ùn tắc kéo dài.

Hơn 3.500 lượt khách tham quan triển lãm "Thanh Hóa – 70 năm với chiến thắng Điện Biên Phủ"

Hơn 3.500 lượt khách tham quan triển lãm "Thanh Hóa – 70 năm với chiến thắng Điện Biên Phủ"

18:04 , 01/05/2024

Được chính thức khai mạc từ ngày 26/4, triển lãm "Thanh Hóa – 70 năm với chiến thắng Điện Biên Phủ" do Trung tâm Triển lãm, Hội chợ và Quảng cáo Thanh Hóa phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh tổ chức đang trở thành điểm đến văn hóa ý nghĩa, thu hút đông đảo cán bộ, người dân, học sinh đến tham quan trong những ngày qua.

Video: Dự báo thời tiết khu vực tỉnh Thanh Hóa đêm 01/5, ngày 02/5/2024

Video: Dự báo thời tiết khu vực tỉnh Thanh Hóa đêm 01/5, ngày 02/5/2024

15:35 , 01/05/2024

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Thanh Hóa, đêm 01/5, ngày 02/5/2024, thời tiết các khu vực trên địa bàn tỉnh đêm và chiều tối có mưa rào và dông vài nơi, ngày trời nắng. Gió Đông đến Đông Nam cấp 2, cấp 3.

Lễ Quốc khánh 2/9 được nghỉ 4 ngày liên tiếp

Lễ Quốc khánh 2/9 được nghỉ 4 ngày liên tiếp

09:00 , 01/05/2024

Công chức, viên chức, người lao động sẽ được nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 kéo dài 4 ngày liên tiếp.

Ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 01/5 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa rào

Ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 01/5 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa rào

08:35 , 01/05/2024

Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thanh Hóa, do ảnh hưởng của không khí lạnh, ngày và đêm 01/5 ở khu vực tỉnh Thanh Hóa sẽ có mưa rào và rải rác có dông.