ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150
Podcast 14/08/2023 16:15

Truyện ngắn “Đêm thời xa ấy” | Trịnh Tuyên | TTV Podcast

Mời quý vị và các bạn nghe truyện ngắn “Đêm thời xa ấy” của nhà văn Trịnh Tuyên qua giọng đọc Huyền Linh.

Lão Tẻo đi nhanh vào ngõ. Trời đã mờ tối. Con chó mực chạy ra đón chủ, ngoáy đuôi tíu tít, vướng chân, lão đá đánh oẳng!

Đi làm thợ xây cả tháng trời hôm nay "hồi công", lão được chủ nhà đãi bữa rượu, lại thanh toán tiền sòng phẳng. Trong túi lão rủng rẻng hơn triệu bạc, tính ra giá trị gần hai tạ thóc chứ chơi! Rượu vào, hứng khởi, lão thấy mình cũng oai, cũng đáng là trụ cột trong nhà. Giả thử không có lão, vợ lão bây giờ yếu, không lương không lậu, lại tàn tật, nương tựa vào đâu? Lão muốn đi nhanh vào bếp dúi nắm tiền còn nóng hổi vào tay vợ. Chắc vợ lão đang sào nấu món gì ngon, đợi lão về nhấm nháp đây. Lão thấy một tình cảm gia đình thật ấm áp đang dâng lên.

Quái lạ? Sao hôm nay mụ vợ lão không thấy sào nấu mà lom khom làm cái gì ở ngoài bờ ao thế kia? Trời ơi! Tối om om mà chân với cẳng như thế, mạy mọ cái gì! Nhỡ ra thì khổ cái thân. Mà người đâu đến giờ này còn vô tâm thế! Chả lo cơm nước gì cả! Lão đi làm chứ có phải đi chơi đâu? May mà hôm nay lão được chủ nhà đãi cơm no rượu say, chứ không, đến giờ này về nhà mà chịu đói à?

Cảm thấy như bị "ngược đãi", lão ra vẻ hung hăng ném cái bay thợ xây vào tường bếp đánh "xoảng".

- Giờ này rồi mà chưa cơm nước? Mọ mẫm cái con khỉ gì hả giời?

Mụ Tỵ - vợ lão, ngòài bờ ao nghe thấy tiếng lão ném cái bay vào tường, biết tính lão lại hờn rồi, mụ chống nạng đi vào.

- Ái chà chà! Lại lên giọng quân tử cà hôi nước đây!

Lão Tẻo xuống giọng ngay lập tức

- Thì tôi thấy giờ này rồi mà bà còn lọm khọm ngoài ao...

- Ông tưởng người ta chơi đấy hử? Nhìn xem con gì này?

Mụ Tỵ giơ tay phải ra, một con cá quả bằng cổ tay đang dãy đành đạch.

- Tôi cắm câu, lừa mãi nó mới đớp mồi đấy. Để tôi đốt rơm nướng cho ông nhắm rượu!

Thì ra là thế! Nghe vợ nói, lão cảm động lắm. Mấy chục năm vợ chồng chung sống, mụ vẫn mãi một lòng một dạ, thủy chung, chăm lo sức khỏe cho lão. Ăn rồi, nhưng không nỡ để vợ mất hứng, lão vẫn nói: "Ừ! Thì bà nướng đi! Tôi tranh thủ tắm cái đã! Cả ngày vôi vữa, cặm cụi, người bẩn ơi là bẩn! Vừa nói, lão vừa dúi nắm tiền vào tay vợ: "Bà cất đi này!" Mụ Tỵ cầm nắm tiền từ tay lão, ánh mắt nhìn đầy vẻ biết ơn. Lão Tẻo cới áo, đi vào nhà tắm, vẻ mãn nguyện, hả hê…

* * *

Mới thế mà đã gần nửa thế kỷ! Nhiều đêm vợ chồng lão Tẻo nằm bên nhau, ôn lại chuyện cũ, vui thì vui nhưng rồi cũng cứ rấm rứt buồn. Thật đúng là ông trời khéo sắp đặt chứ đâu phải ngẫu nhiên mà tự dưng gắn kết hai người thành duyên vợ chồng? Ngày ấy, cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc của Mỹ đã leo đến nấc thang cuối cùng. Bấy giờ lão Tẻo là lính lái xe trên con đường chiến lược từ bắc trung bộ sang Lào. Lúc ấy lão còn trẻ lắm, mới ngoài hai mươi, lính xế "Zin ba cầu", loại xe tải cực khỏe do Liên Xô viện trợ, đêm đêm bật đèn gầm lặc lè chở gạo trên con đường chiến lược từ cảng Lễ Môn Thanh Hóa đầy ổ voi ổ ngựa sang Lào, men theo dãy Trường Sơn vào Nam. Cả tháng trời, hạt gạo mới đến tay bộ đội. Đêm ấy, lão nhớ như in là sau trận mưa to, xe lão chạy cuối đoàn, bị sa lầy. Lão càng đạp ga, hai bánh sau càng như lún xuống. "Cài" cả ba cầu, xe vẫn ì tại chỗ. Đoạn đường hóa thành bùn quánh. Đến nước này thì phải vào làng cầu cứu "hậu phương lớn" thôi!

Làng Thướn, làng lão đang ở bây giờ là quê vợ, tối om om. Nhà nào cũng để ngọn đèn "hoa kỳ" vặn nhỏ bằng hạt đỗ, vừa đỡ tốn dầu, vừa che mắt máy bay địch đánh đêm. Lão xộc vào một ngôi nhà gần nhất vì lão đã phát hiện ra ánh sáng leo lét lọt qua phên nứa.

Trong nhà chỉ có hai người đàn bà, một già một trẻ đang ngồi ăn cơm. Trên mâm chỉ có bát canh và một đĩa dưa muối. Nồi cơm mở nắp, lổn nhổn toàn khoai là khoai. Thấy khách đến nhà, cô gái vội đứng dậy. Lão Tẻo dụi mắt. Chui cha! Một cô nàng to cao lừng lững, tóc dài chấm gót, mắt nhìn sắc như dao cau. Tự nhiên lão thấy tim mình đập rộn lên. Lão nói hấp tấp: "Cháu chào bác! Chào cô. Bác cho cháu hỏi thăm, nhà ông xã đội trưởng ở đâu ạ"?

"Là nhà tôi đây! Đồng chí bộ đội có việc gì vậy"?

Ái chà! Lại một pha bất ngờ! Té ra không có ông mà là bà xã đội trưởng. Lão nhanh nhẩu: "Báo cáo đồng chí xã đội trưởng! Tôi lính lái xe đoàn vận tải C166, xe bị sa lầy. Đang nửa mùa chiến dịch, xin đồng chí huy động lực lượng giúp sức"!

"Xe đâu"?

"Ngoài đường"!

Cô ta đi ra đằng sau nhà. Lão đang ngẩn ngơ trước thân hình cân đối và khuôn mặt xinh đẹp của cô gái thì lại giật mình bởi những tiếng kẻng dồn dập. Mười lăm phút sau, có đến gần hai chục nữ dân quân tự vệ lục tục kéo đến, áo vải bạc màu, trên vai mỗi người đều khoác một khẩu súng trường K44.

"Toàn trung đội! Tập hợp"!

Lại bất ngờ! Lão Tẻo tròn mắt.

Cả trung đội nữ dân quân theo hàng dọc kéo ra đường. Sau khi quan sát hiện trường, xã đội trưởng, ra lệnh:

"Xe bị sa lầy sâu do hàng chở quá nặng. Phải "tăng bo" thôi , các đồng chí ạ"!

Sau tiếng ra lệnh của xã đội trưởng, hình như các cô gái đã được tập huấn trước tình huống, nên rất nhanh nhẹn, người trèo lên xe, người tựa vào thành xe, đỡ những bao gạo cỡ tạ, chuyền tay nhau xếp ngay ngắn bên lề đường. Riêng xã đội trưởng, một mình cô cắp nách bao gạo, không cần cô nào ghé vai, đi lại nhẹ như không.

Lại một bất ngờ nữa với lão Tẻo

Gần tiếng sau, gạo trên xe chỉ còn non một phần ba. Các cô nhanh chóng khiêng những thúng cát lẫn đá đã dự phòng từ trước đến lấp đầy hai cái ổ voi.

"Đồng chí lái xe! Nổ máy đi"!

Lão Tẻo vừa nể, vừa phục, vội trèo lên ca bin thi hành lệnh tắc lự. Chiến xe Zin ba cầu như một lực sỹ rùng mình gồng lên, từ từ thoát khỏi vũng lầy như một phép màu. Lại chừng ấy con người, nhanh nhẹn vác những bao gạo nặng gần gấp đôi trọng lượng cơ thế đưa lên xe xếp ngay ngắn trật tự trên thùng xe như ban đầu.

"Tạm biệt đồng chí lái xe nhé! Chúc lên đường may mắn"!

Cả trung đội nữ lần lượt bắt tay lão Tẻo. Ôi những bàn tay con gái, mềm mại nóng hổi, gặp một lần rồi mãi mãi không quên.

Tiếng bước chân tản dần vào các lối ngõ. Làng xóm lại chìm vào yên lặng như chưa hề có chuyện gì xẩy ra trong đêm. Phía chân trời xa, tiếng máy bay địch ầm ì vọng đến cùng với pháo sáng rực lên rồi từ từ tắt ngóm. Lão Tẻo vẫn còn đứng ngẩn ngơ. Nhớ lại lúc vào nhà, thấy mâm cơm và bà mẹ, lão chợt nẩy ra một ý. Lão mở "cabin" lôi ra bao gạo nhỏ (phần tiêu chuẩn của lái xe đi trên đường phòng khi xe bị hỏng hóc), xăm xăm đi vào làng.

Cửa vẫn mở. Có tiếng người dội nước ào ào ngoài giếng. Lão đứng như trời trồng giữa cửa. Cô gái từ ngoài giếng đi vào.

"Còn việc gì nữa hả đồng chí lái xe"?

"Báo cáo đồng chí xã đội trưởng! Đây là tiêu chuẩn gạo của tôi đi đường. Tôi mang vào biếu bà mẹ…

Hình như đoán được suy nghĩ trong đầu lão Tẻo lúc vào nhà trông thấy mâm cơm, nên giọng bà xã đội có vẻ bớt cứng nhắc nhưng vẫn rành rõ: "Đồng chí lái xe! Tôi biết đây là gạo tiêu chuẩn của đồng chí, nhưng đồng chí biếu bà mẹ rồi thì trên đường đi, đồng chí ăn bằng gì? Đồng chí mà nhịn đói thì làm sao lái được xe? Chắc chắn đồng chí phải bớt xén gạo trong các bao tải! Rất cảm ơn đồng chí! Đồng chí mang bao gạo ra xe hộ tôi".

Lão Tẻo quay vội ra nhưng bỏ lại bao gạo. Thoắt một cái, cô ta đã đứng trước mặt lão, dang tay chắn lại.

"Đồng chí không mang đi, tôi sẽ ra lệnh dân quân trói đồng chí dẫn về huyện đội vì tội " bớt xén lương thực bộ đội". Mỗi hạt gạo ra chiến trường, là mồ hôi, xương máu của hậu phương gửi tiền tuyến. Hậu phương có thể đói, có thể thiếu gạo, nhưng ngoài mặt trận, bộ đội phải được cung cấp đầy đủ lương thực, ăn no để đánh thắng".

Lại một cú bất ngờ nữa. Trước lý luận vững như chân kiềng của bà xã đội trưởng, lão Tẻo chịu cứng. Không mang bao gạo ra, lớ ngớ, bà ta cho dân quân bắt trói thật thì sao? Lão đành xách bao gạo lặng lẽ trở ra xe.

Lão lên xe dí ga, tiếng động cơ rì rầm vọng vào đêm miền trung du, bỏ lại làng quê thân thiết phía sau nhưng tiếng lòng của lão còn ở lại. Chao ơi! Một cô nàng mới tuyệt làm sao!

Phải gần hai tháng sau, lão mới trên con đường ấy trở về. Lần này vào nhà cô xã đội trưởng không phải xe sa lầy mà là người. Lão đã có quà tặng cho cô em quá quắt, đó là giò lan rừng, chiếc áo thun màu xanh dịu, bánh xà phòng thơm mà lão mua bên chợ nước bạn Lào. Lần này thì "bà xã đội trưởng" không từ chối. Cô đã nhận ra tình cảm chân thành của chàng lính lái xe, và hình như trái tim cô đêm hôm đó đã thổn thức…

Sau lần ấy, lão Tẻo từ biệt cô nàng ra đi, đến gần một năm sau không một dòng tin tức. Cô Tỵ thấp thỏm chờ, nhớ. Nhiều đêm lắng nghe tiếng xe tải nặng nề ì ầm đi qua quãng đường ngày xưa, cô lại thắc thỏm chờ. Đó là vào đầu năm 1973, hiệp định Pa Ri ký kết. Mỹ dừng ném bom miền Bắc. Đường vận tải không phải mượn đường qua Lào nữa. Các đoàn xe tải lương thực, xe pháo cứ quốc lộ một thẳng tiến. Theo binh đoàn hành quân vào Nam rầm rộ ấy, lão Tẻo không còn cơ hội rẽ vào thăm người yêu ở ven con đường chiến lược nữa…

* * *

Hai năm sau, chiến tranh kết thúc, lão Tẻo ngược đường hăm hở tìm đến nhà người yêu. Vẫn đường xưa ngõ cũ, nhưng người con gái ra đón lão bây giờ đã già đi nhiều, tay chống nạng. Cô Tỵ đã bị cụt một chân. Nhìn thấy em như thế, nước mắt lão chực ứa ra. Lão chỉ muốn ôm chầm lấy cô Tỵ mà hôn tới tấp lên môi, lên mắt cho bõ những đêm trường thương nhớ. Nhưng không thể! Ngày ấy quan hệ trái gái còn nghiêm lắm. Chưa có giấy kết hôn, đừng có mà đụng vào! Công an xã mà trông thấy, cho thế là vô văn hóa, xâm phạm thân thể người khác trái phép, trói gô ngay lập tức. Bà mẹ già đã qua đời. Thắp hương trên bàn thờ bà, lão nhìn người yêu như thầm trách. Giá đêm đó, em đừng từ chối bao gạo của anh, mẹ của chúng ta chẳng đã được ăn những bát cơm trắng ư? Giờ thì muộn rồi! Trước mắt lão, nồi cơm lổn nhổn khoai trong đêm hôm ấy lại hiện lên. Đứng cúi đầu trước bàn thờ mẹ, lão giơ tay quệt nước mắt. Cô Tỵ kể cho người yêu biết trường hợp bị thương của mình: Hôm ấy trời nắng chang chang. Vừa nghe xã phổ biến tình hình chiến sự xong, cô vội ra thăm mấy sào ruộng hợp tác xã mới vừa cấy giống lúa mới xem nắng to thế có ảnh hưởng gì không. Bất ngờ có tiếng máy bay rồi một quả bom lạc rơi xuống. ( chắc tên giặc trời nào đi ném bom, trên đường trở về, còn thừa một quả, hắn cắt nốt chăng?) Cô bị đất vùi, người ta moi tìm thấy cô trong tình trạng bị sức ép nặng, một chân dập nát…

Một tháng sau, họ cưới nhau. Vì lão Tẻo ở quê không còn cha mẹ nên lão ở rể nhà vợ. Mà cũng chẳng phải ở rể, vì bà mẹ vợ đã qua đời rồi còn đâu?

Lấy nhau rồi, lão Tẻo mới biết vợ mình không còn khả năng sinh đẻ sau cái lần bị thương nặng ấy. Sức ép ghê gớm của bom thù đã cướp đi niềm hạnh phúc được làm cha làm mẹ của vợ chồng lão. Lại còn khổ nỗi nữa là, chị Tỵ bị thương trong lúc làm đồng, không phải đang trực tiếp tham gia chiến đấu, nên cũng không được công nhận là thương binh, không một đồng trợ cấp thương tật. Lão Tẻo lính trơn, giải ngũ với hai bàn tay trắng. Những năm Đất nước sau chiến tranh, đời sống khốn khó chụp xuống đầu đôi vợ chồng trẻ. Thôi thì trồng rau, mót sắn, thợ hồ, lão nhận làm tất, miễn kiếm dăm bò gạo xấu nuôi người vợ hiền bị thương tật. Lão nhớ như in cái ngày mới cưới. Nhà hết gạo, vợ chồng dẫn nhau xuống vũng Thướn tát cá. Gọi là "vũng", vì mỗi năm, nước lụt dâng ngập bãi ngô, khi nước rút, nước đọng lại ở những chỗ trũng. Cá sông mắc lại khá nhiều. Muốn bắt cá, phải đắp bờ ngăn lại từng khoảnh nhỏ. Vợ cụt chân ngồi trên bờ, lão xuống bốc bùn đắp rồi hì hụi tát. Chiều tối, nước sắp cạn. Chị Tỵ ngồi trên bờ nhìn rõ những con cá chép, cá chày đã nổi lưng, chạy đi chạy lại loạn xạ. Hai vợ chồng phấn khởi lắm, bắt hết đám này, kiếm gần yến cá chứ không ít. Ngày mai có hàng cho vợ đi chợ, là có gạo, có mắm, có muối. Giữa lúc ấy một sự cố hi hữu xẩy ra. Bị áp lực nước quá lớn, một bên bờ bị nước đẩy, từ từ vỡ ra. Nước phía bờ bên kia đã bắt đầu tràn xuống. Nhìn thấy thành quả lao động của chồng phút chốc trắng tay, không ngần ngại, chị Tỵ tay chống nạng, một chân bước chồm xuống, ngã lăn ra, lấy thân mình làm bờ chắn nước. Chị cứ chống tay nằm nghiêng, cổ ngỏng lên cho nước khỏi chảy vào tai, còn miệng không ngớt hô chồng nhanh tay vợt cá. Trong khoảnh khắc, nhìn thấy vợ "hy sinh thân mình làm bờ chắn nước", lão Tẻo vội tay vợt, tay rổ, nhanh chóng vớt những chú cá to. Được non nửa rổ cá, lão đưa lên bờ rồi vội chạy vội lại đỡ vợ dậy. Chị Tỵ người ngợm, mặt mũi, tóc tai đầy bùn, chỉ còn hở hai con mắt đen sì. Hai người đứng ôm nhau vừa cười vừa khóc như hai con đười ươi trong bóng hoàng hôn dần lịm tắt. Từ trên trời cao, từng đám mây đen thấp dần như đang tràn xuống bờ bãi. Mưa đã bắt đầu rơi lộp bộp! Hú vía! Chậm chút nữa thì chả bắt được con cá nào! Phải một tuần sau, đêm nằm, lão ngửi tóc vợ vẫn chưa hết mùi bùn…

* * *

Gia đình anh chị Tẻo Tỵ bây giờ không còn ở chỗ cũ nữa. Vì nhà ở của anh chị gần đường quốc lộ, nên chính quyền đã ra Quyết định thu hồi đất để xây dựng trụ sở ủy ban nhân dân. Anh chị được đền bù một mảnh đất ở mãi dưới cuối làng, bên cạnh bãi ngô, gần vũng Thướn, nơi ngày đầu mới cưới nhau, anh be bờ tát cá, chị "hy sinh thân mình làm bờ chắn nước". Hôm hội người cao tuổi thôn làm lễ mừng thọ 70 cho hội viên Nguyễn Văn Tẻo, tôi xuống chơi, mừng anh chị và ngồi lại nói chuyện khá lâu. Nhắc lại chuyện cũ, chị Tỵ nhìn chồng cười, nói vui:

"Bây giờ trên ti vi, nghe đưa tin tham nhũng mà phát sợ! Cứ trăm tỷ, ngàn tỷ. So với cái ngày chiến tranh, một bao gạo nhỏ, đang đói xanh ruột mà vẫn không dám tơ hào, mới thấy cái thời đó, với bây giờ, nó khác xa nhau một trời một vực"!

Tôi góp chuyện: "Nói dại, nếu lỡ may chiến tranh lại xẩy ra, người ta tổng động viên, liệu bác Tẻo có dám xung phong ra mặt trận lần nữa không nhỉ"? Lão Tẻo cười ha hả: "Sợ gì chứ! Không cầm súng được thì tôi cầm bay xây công sự! Còn bà thì sao? Có dám theo tôi không, bà xã đội trưởng"? - Ông Tẻo ngó sang vợ hỏi vui.

"Sao lại không dám? Không còn chân thì còn tay! Tôi ngồi gõ kẻng canh chừng máy bay địch không tốt sao"? Miệng nói, nhưng mắt chị cứ nhìn đăm đăm vào khuôn mặt sớm già nua đã chằng chịt vết nhăn của chồng, ký ức về cái đêm thời xa ấy, khi xe anh bị sa lầy, vào nhà chị cầu cứu lại tái hiện, chị hạ giọng, chợt buồn: "Cái ngày ấy, đúng là dân mình, ai cũng một lòng tuyệt đối tin vào Đảng, vào Bác Hồ, triệu người như một, nên mới giải phóng miền Nam, thống nhất được đất nước chứ! Đúng không chú?

Nguồn: Trang văn nghệ phát sóng ngày 30/7/2023


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận