Theo Luật viên chức, viên chức được hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về lao động và pháp luật về bảo hiểm xã hội
Do đó, tuổi nghỉ hưu của cán bộ, công chức, viên chức cũng được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động hiện hành và Nghị định số 135 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Theo đó, điều kiện để cán bộ, công chức, viên chức được hưởng lương hưu trong điều kiện lao động bình thường là: Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Công chức viên chức đủ tuổi nghỉ hưu. Trong năm 2021, nam đủ 60 tuổi 3 tháng; nữ đủ 55 tuổi 4 tháng. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và tăng thêm 4 tháng với nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Do đó, sang đến năm 2022, tuổi nghỉ hưu công chức, viên chức làm việc trong điều kiện bình thường sẽ có sự thay đổi như sau: Nam là từ đủ 60 tuổi 6 tháng (Tăng 3 tháng so với năm 2021); Nữ là từ đủ 55 tuổi 8 tháng (Tăng 4 tháng so với năm 2021).
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức được về hưu trước tuổi tối đa 05 tuổi nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội trở lên;
Có một trong các điều kiện sau: Đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; Đủ 15 năm làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước 1.1.2021; Bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Theo Điểm b Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động năm 2019, cán bộ, công chức, viên chức được về hưu sớm hơn 10 tuổi so với độ tuổi của người lao động ở điều kiện bình thường nếu đáp ứng các điều kiện: Bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.