VinFast và con đường mở rộng tại các thị trường phương Tây
Dù sẽ phải đối mặt với không ít những khó khăn để thành công tại thị trường châu Âu và Mỹ nhưng VinFast được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế Việt Nam.
Tập đoàn kinh tế tư nhân lớn nhất Việt Nam, Vingroup, đang có kế hoạch mở rộng mảng ô tô dưới thương hiệu VinFast sang thị trường Mỹ và châu Âu trong năm tới, theo một nguồn tin.
Đầu năm 2021, VinFast đã thông báo về kế hoạch bán ra những chiếc ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam vào cuối năm nay. Xe sử dụng năng lượng xanh của thương hiệu này cũng sẽ cập bến thị trường Mỹ, Canada và châu Âu vào năm 2022.
Tháng 6/2021, hãng xe thương hiệu Việt cho biết California (Mỹ) đã cho phép VinFast bắt đầu thử nghiệm xe điện tự hành của mình tại đây. Có thông tin cho rằng VinFast dự định tung 5 mẫu ô tô điện mới được phát triển và 3 mẫu xe thông minh, trong đó có sản phẩm chỉ bán tại thị trường nước ngoài.
"Đã đến lúc chúng tôi, Vingroup và Việt Nam, thực hiện ước mơ vươn ra toàn cầu và ghi tên mình trên bản đồ thế giới", ông Phạm Nhật Vượng, nhà sáng lập Vingroup và là tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam, cho hay.
Tham vọng của Vingroup nhận được quan tâm của các chuyên gia trong ngành.
Đặt ra mục tiêu cao
Theo Báo đầu tư, VinFast đã hạ mục tiêu bán 15.000 xe điện trong năm tới, giảm so với ước tính trước đó là 56.000 xe.
Tuy nhiên, thương hiệu Việt vẫn kỳ vọng trong vài năm tới sẽ chiếm 1% tổng thị phần tại Mỹ, tương đương với việc bán 160.000 - 180.000 ô tô điện mỗi năm.
"Dường như không có đủ sự khác biệt trong các loại xe, công nghệ giữa chúng hay những giá trị bổ sung mà VinFast cung cấp để tạo ra đủ khác biệt, trừ khi hãng có một mức giá thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh", giáo sư Wells nói.
Đây cũng có thể là chiến lược của VinFast, mặc dù chưa có thông tin nào về mức giá được tiết lộ. Vấn đề với việc hạ giá thành là "rất khó khăn để nâng lên sau đó", Wells nói thêm.
Bill Russo, người đứng đầu công ty tư vấn Automobility có trụ sở tại Thượng Hải (Trung Quốc) và là cựu giám đốc điều hành của Chrysler, cho biết: "Những gì VinFast thể hiện là tốc độ vươn ra thị trường và dường như công ty sinh ra để hướng tới toàn cầu".
"Liệu người Mỹ có lựa chọn xe Việt Nam? Ô tô Nhật Bản từng được xem là "chiếc hộp kinh tế" và giá rẻ trong những năm 1970 và ô tô Hàn Quốc được nhận xét là xe tiết kiệm vào những năm 1980. Có thể thấy, các công ty châu Á có tiền lệ phá vỡ quy luật của thị trường", Russo nói thêm.
"Châu Âu có thể là thách thức khó khăn hơn, với một thị trường lớn chẳng hạn như Đức và Pháp. Nhưng VinFast vẫn có cơ hội nếu hình thành quan hệ đối tác phù hợp với các công ty dịch vụ sát sườn với khách hàng (như phân phối, bán lẻ...)".
Những khó khăn không có nghĩa là VinFast sẽ thất bại. Công ty đã tập hợp một đội ngũ quản lý giàu kinh nghiệm, nhiều người trong số họ là cựu giám đốc điều hành của General Motors, gã khổng lồ xe hơi của Mỹ, những người có kinh nghiệm trên thị trường.
Quan hệ đối tác và IPO
Có thể cho rằng, thành công của VinFast dựa trên hai vấn đề vẫn chưa được giải quyết.
Yếu tố thay đổi cuộc chơi lớn nhất với VinFast có lẽ sẽ là mối quan hệ hợp tác được đồn đoán với Foxconn, công ty gia công điện tử lớn nhất thế giới có trụ sở tại Đài Loan. Hồi tháng 3, có thông tin cho rằng hai công ty đang đàm phán để phát triển pin và các bộ phận điện tử trên xe.
Foxconn đã đầu tư mạnh vào Việt Nam trong những năm gần đây, sau khi chuyển hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc. Đầu năm nay, truyền thông đưa tin công ty Đài Loan có kế hoạch rót thêm 700 triệu USD vào Việt Nam vào năm 2021.
"Sự kết hợp trên có thể tạo nên sự khởi đầu căn bản từ ngành công nghiệp ô tô truyền thống, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu gì cụ thể", Wells nói.
Yếu tố thứ hai có thể làm thay đổi cuộc chơi đó là đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) theo kế hoạch tại Mỹ. Đây được xem là đợt IPO đầu tiên của một công ty Việt Nam.
VinFast ghi nhận khoản lỗ ròng 247,9 triệu USD trong năm 2019, tăng lên 286,6 triệu USD trong nửa đầu năm 2020. Tuy nhiên, tài chính dường như không phải vấn đề lớn đối với công ty.
Đầu tiên, VinSmart, một công ty con của Vingroup, sẽ chịu chi phí sản xuất và bảo trì pin sạc được sử dụng trên ô tô VinFast. Thông qua cách hạch toán thông minh này, VinFast đã giảm được các khoản nợ phải trả của mình. Ngoài ra, VinFast đã tăng vốn điều lệ lên 1,9 tỷ USD vào tháng 3 năm nay.
Làm việc với JPMorgan và Deutsche Bank, đầu năm nay có thông tin rằng VinFast có kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ. Với mức định giá tiềm năng là 60 tỷ USD sẽ cho phép hãng này huy động được 2 tỷ USD vốn. Tuy nhiên kế hoạch IPO hiện chưa có thông tin gì thêm.
Phát triển và kỳ vọng
Vingroup vươn lên trở thành công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam nhờ đầu tư mạnh vào lĩnh vực bất động sản trong những năm 2000. Kể từ đó, tập đoàn mở rộng hoạt động thông qua các công ty con, đến mọi lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả Vinbiocare, một công ty công nghệ sinh học mới ra mắt gần đây.
"Ông Vượng thể hiện tầm nhìn tốt trong lĩnh vực kinh doanh mới này, nhưng việc làm thế nào để ông ấy hiện thực tầm nhìn đó còn quan trọng hơn", ông Lê Hồng Hiệp của Viện nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS - Yusof Ishak Institute), cho biết.
Quan trọng không kém trong chiến lược của Vingroup là kế hoạch mở rộng sang các nền kinh tế phát triển của phương Tây, là minh chứng biểu tượng cho tầm quan trọng ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, trên cả phương diện chính trị và thương mại.
Ông Hiệp cho biết kế hoạch mở rộng sang các thị trường Mỹ và châu Âu của VinFast "dường như được cả chính phủ và người dân Việt Nam đón nhận vì Vingroup hiện được coi là một trong những "quán quân quốc gia" có thể giúp chuyển đổi nền kinh tế Việt Nam theo hướng đổi mới và hiệu quả hơn".
Và ngay cả khi kế hoạch vươn ra toàn cầu của VinFast không đạt kỳ vọng, nó chắc chắn sẽ đưa những "quán quân quốc gia" đang lên của Việt Nam ra bản đồ thế giới.
Gia An/ Dân trí
Bài viết cùng chuyên mục
Đọc thêm

Tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về giảm thuế VAT áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế 10% từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026. Theo đó, các ngành nghề, lĩnh vực như kinh doanh vận chuyển, logistic, hàng hoá, dịch vụ công nghệ thông tin thuộc đối tượng được giảm thuế VAT.

Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường triển vọng
Thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa đối diện với nhiều khó khăn, nhất là trước làn sóng thuế quan đang lan rộng trên toàn cầu. Để giữ vững thị trường, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã linh hoạt ứng phó với hàng rào thuế quan, gia tăng các hoạt động xuất khẩu sang các thị trường triển vọng.

Từ 1/7, sử dụng số định danh cá nhân thay cho mã số thuế
Kể từ ngày 1/7/2025, khi thực hiện kê khai thuế, người nộp thuế sẽ ghi số định danh cá nhân vào chỉ tiêu "Mã số thuế" trên các hồ sơ, chứng từ như tờ khai thuế, giấy nộp tiền, hóa đơn, hồ sơ khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và các loại giấy tờ có yêu cầu kê khai mã số thuế.

Bộ Tài chính rà soát, đơn giản thủ tục hành chính
6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã rà soát và bãi bỏ 31 thủ tục hành chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế 73 thủ tục hành chính; công bố mới 12 thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý. Các nỗ lực này nhằm góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Khuyến mại tập trung để kích cầu tiêu dùng
Với mục tiêu kích cầu tiêu dùng, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, Bộ Công thương đã phát động chương trình Khuyến mại tập trung quốc gia năm 2025 từ ngày 14/6 đến 14/7 trên toàn quốc. Hưởng ứng chương trình này, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn nhằm đưa đến cho người tiêu dùng những sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp, từ đó thúc đẩy tăng trưởng doanh số kinh doanh.

Giá xăng dầu đồng loạt tăng, RON95-III lên sát 21.300 đồng/lít
Bộ Công Thương vừa ban hành văn bản hỏa tốc gửi các thương nhân đầu mối và phân phối xăng dầu về việc điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước.

Xử lý hơn 3.100 vụ vi phạm trong Tháng cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường
Sau một tháng thực hiện cao điểm phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (từ 15/5 đến 15/6), lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra hơn 3.800 vụ việc, phát hiện và xử lý hơn 3.100 vụ vi phạm với tổng số tiền xử lý hơn 63 tỷ đồng.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bảo vệ người tiêu dùng
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, việc truy xuất nguồn gốc đã trở thành "giấy thông hành" không thể thiếu để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao uy tín doanh nghiệp, từng bước lành mạnh hóa môi trường kinh doanh và xuất khẩu bền vững.

Thị trường chứng khoán Việt Nam vượt mốc 10 triệu tài khoản
Lần đầu tiên trong lịch sử, số tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã vượt mốc 10 triệu, đánh dấu cột mốc phát triển mới cho thị trường tài chính quốc gia.

Bán lẻ hàng hoá tiếp tục tăng trưởng mạnh sau 5 tháng
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng tăng 9,7% so với cùng kỳ, cho thấy bán lẻ hàng hoá tiếp tục có sự chuyển động tích cực.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.