Thanh Hóa - miền đất trải rộng từ vùng non cao đến bên bờ sóng. Những dòng sông qua hàng triệu năm miệt mài đem phù sa kết nên đồng bãi, sóng gió biển Đông cần mẫn đưa vị mặn mòi ngưng tụ, tạo nên một vùng châu thổ rộng lớn. Với đầy đủ 3 vùng sinh thái: trung du miền núi, đồng bằng và ven biển, Thanh Hóa được xem là hình ảnh đất nước Việt Nam thu nhỏ.
Trên vùng đất ấy, tổ tiên loài người trải qua hàng vạn năm tiến hóa, di cư từ nơi rừng sâu, núi thẳm tiến dần xuống đồng bằng, hình thành các tộc người, các khu vực quần cư đông đúc. Suốt dọc đôi bờ sông Mã, sông Chu, từ miền núi đến trung du, đồng bằng, miền biển, hầu như nơi nào của xứ Thanh cũng đều in dấu chân người tiền sử. Hang Con Moong, hang Cổ Sinh, Mái đá Điều, di chỉ núi Đọ, Gò Trũng, di tích Cồn Cổ Ngựa.... là những minh chứng rõ nét.
Sự ra đời của Nhà nước Văn Lang, thời đại các vua Hùng dựng nước, là bước ngoặt lịch sử lớn lao, đánh dấu dân tộc ta bước ra khỏi thời tiền sử, tiến vào kỷ nguyên văn minh của loài người. Làng cổ Đông Sơn, nay thuộc phường Hàm Rồng, thành phố Thanh Hóa là nơi đầu tiên phát lộ các dấu tích của nền văn hóa Đông Sơn huy hoàng, có niên đại cách đây 2000-3000 năm. Trống đồng và rất nhiều hiện vật giá trị đã khẳng định sự tồn tại rực rỡ của nền văn hóa thời đại Hùng Vương trên mảnh đất xứ Thanh.
Sau thời đại vua Hùng, dân tộc ta bước vào đêm trường Bắc thuộc. Trong suốt ngàn năm dưới ách đô hộ của chính quyền phương Bắc, xứ Thanh là nơi khởi nguồn nhiều cuộc đấu tranh đòi độc lập cho dân tộc.
Trên mảnh đất này, năm 248, người con gái đất Quan Yên Triệu Thị Trinh đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống giặc Đông Ngô. Tuy không giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng cuộc khởi nghĩa của Vua Bà đã khiến chính quyền đô hộ kinh hồn, bạt vía.
Cũng trên mảnh đất này, vào thế kỷ thứ 10, võ tướng Dương Đình Nghệ xuất thân từ làng Dương Xá đã chiêu mộ 3.000 binh sỹ, chống lại ách đô hộ của nhà Nam Hán, rồi tự xưng Tiết Độ Sứ, đứng đầu Giao Châu.
Từ thuở hồng hoang, đến thời kỳ tiền sử ló dạng bình minh của loài người, chuyển tiếp sang thời đại Hùng Vương, rồi trải qua đêm trường nghìn năm Bắc thuộc, bước tới kỷ nguyên độc lập, tự chủ, bao thế hệ người xứ Thanh nối tiếp nhau chung sức, đồng lòng tranh đấu và dựng xây, sáng tạo ra những tinh hoa vật chất, tinh thần góp phần bồi đắp nên truyền thống văn hóa, lịch sử đầy tự hào của cả dân tộc. Bởi vậy, Thanh Hóa luôn có vị thế, tầm vóc khá đặc biệt trong lịch sử phát triển của đất nước, là vùng đất phên dậu của quốc gia. Đây chính là tiền đề để năm 1029, dưới thời nhà Lý, niên hiệu Thiên Thành, danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương chính thức ra đời.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam đã lý giải: "Thanh Hóa tức là cái đức của người dân được giáo hóa, được thấm nhuần từ khi phụng sự triều đình, tuy nhiên đấy là theo ý nghĩa giải thích của từ hán. Thanh Hóa là người ta mong muốn từ một ái châu, tức là một châu tốt đẹp trở thành một châu mà người dân luôn có sự sống yên bình, và cái đức của người dân trở thành thanh cao từ khi mà phụng sự triều đình nhà Lý".
Trong suốt ngàn năm lịch sử, Thanh Hóa còn được xem là vùng đất quý hương, vùng đất sinh tam vương, nhị chúa. Lê Hoàn - bậc vĩ nhân sinh ra từ giấc mộng hoa sen, đã có công dẹp yên thù trong, giặc ngoài, dựng nên vương triều Tiền Lê năm 980.
Tiếp đó, năm 1400, Hồ Quý Ly thay nhà Trần, dựng lên vương triều Đại Ngu. Dù chỉ tồn tại 7 năm ngắn ngủi, song Hồ Quý Ly đã để lại dấu ấn đặc biệt trong lịch sử dân tộc bởi khát vọng canh tân đất nước với những cải cách táo bạo. Nhà Hồ suy vong, Bình Định Vương Lê Lợi phất ngọn cờ khởi nghĩa trên đất Lam Sơn, đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh, giành độc lập cho dân tộc; lập ra vương triều Hậu Lê năm 1428, vương triều tồn tại lâu dài nhất trong lịch sử dân tộc với nhiều giai đoạn hưng thịnh rực rỡ.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử VIệt Nam cho biết: "Một trong những người con Thanh Hóa đã làm nên sự nghiệp rực rỡ chấm dứt 20 năm đô hộ của giặc Minh, và trong lịch sử như cụ Phan Bội Châu gọi Đức Lê Thái Tổ là vị tổ Trung Hưng thứ 2 sau người thứ nhất là Ngô Quyền".
Thanh Hóa cũng là đất phát tích của các đời chúa Trịnh và chúa Nguyễn. Để rồi, năm 1802, Nguyễn Ánh, hậu duệ của các chúa Nguyễn đã lập nên Nhà Nguyễn, vương triều cuối cùng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.
Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đức Nhuệ, nguyên Phó Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam cho biết: "Ông Chúa Nguyễn là xuất phát từ đất Thanh Hóa, cho nên Thanh Hóa là đất quý hương nên có một lý do rất đặc biệt mà sau này khi nghiên cứu về quan chế Thanh Hóa thì chúng ta biết rằng Năm 1831, khi Vua Minh Mệnh làm cải cách hành chính cho cả nước, ông đã xếp đặt lại các trấn các dinh đặt là các tỉnh, ở các tỉnh thì đặt các chức quan, chức tổng đốc thường là đứng đầu 2 tỉnh hoặc 3 tỉnh, nhưng riêng Thanh Hóa có riêng 1 chức tổng đốc, điều này để thấy rằng vị trí tầm, quan trọng của Thanh Hóa. Điều đặc biệt thứ 2 là riêng Thanh Hóa, viên tổng đốc phải là người trong dòng tôn thất chứ không phải là người ngoài, điều này để thấy được vị trí cực kỳ quan trọng của đất quý hương".
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Thanh Hóa trở thành một trong những căn cứ địa của phong trào Cần Vương kháng Pháp với khởi nghĩa Ba Đình; khởi nghĩa Hùng Lĩnh. Dù các cuộc khởi nghĩa thất bại, song, một lần nữa, đã khẳng định tinh thần vệ quốc kiên cường bất khuất của người xứ Thanh.
Bước sang đầu thế kỷ XX, phong trào chống ngoại xâm ngày càng lên cao. Vùng đất Thanh Hóa là nơi đã ươm lên những hạt giống cách mạng đầu tiên, tiêu biểu là Lê Hữu Lập, Trần Mai Ninh, Lê Thế Long... Thanh Hóa cũng là một trong những địa phương đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền trong cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu năm 1945.
Ngay sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đất nước ta lại bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Suốt 9 năm trường kỳ gian khổ, Thanh Hóa vừa là tiền tuyến, vừa là hậu phương lớn của toàn dân tộc; đóng góp sức người, sức của để phục vụ cho các chiến dịch. Nhờ sự đóng góp ấy, Thanh Hóa 2 lần vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cờ thi đua "Phục vụ tiền tuyến khá nhất", cùng hàng trăm Huân huy chương các loại.
Cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, đất nước ta bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc; đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong những năm tháng ấy, Thanh Hóa lại tiếp tục thực hiện tốt vai trò vừa là hậu phương lớn chi viện sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt, vừa là tiền tuyến trực tiếp chiến đấu chống cuộc chiến tranh theo thang bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ. Đò Lèn, Hàm Rồng, Phà Ghép đã trở thành những địa danh lịch sử, ghi dấu những chiến công oanh liệt của quân và dân Thanh Hóa anh hùng.
Giáo sư Sử học Lê Văn Lan cho biết: "Đất nước khi trở thành đích để những kẻ xâm lược hùng mạnh ở bốn phương tám hướng tràn đến đánh chiếm, thì nơi dự trữ chiến lược, nơi dự bị để cho sự nghiệp giải phóng cứu nguy đất nước được thực hiện chính là xứ Thanh, là Thanh Hóa. Chúng ta đều biết trong các cuộc kháng chiến cam go phức tạp nhưng rất oanh liệt để bảo vệ tổ quốc, chống giặc ngoại xâm, Thanh Hóa luôn luôn là miền đất hậu phương, mà không chỉ là hậu phương, những lúc cần thiết thì hậu phương biến thành tiền tuyến, vai trò ấy xuyên suốt tất cả các thời đều cho thấy vai trò của Thanh Hóa".
Không chỉ có lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đấu tranh anh dũng không ngại hy sinh gian khổ trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ tổ quốc; người xứ Thanh còn có đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động và học tập.
Trải qua suốt hàng nghìn năm lịch sử, những giá trị văn hóa đặc sắc dần được hình thành trên vùng đất này. Từ những công trình kiến trúc độc đáo, kỳ vĩ như Lam Kinh, Thành Nhà Hồ và hàng nghìn đền chùa, miếu mạo; đến những di sản văn hóa phi vật thể như dân ca dân vũ Đông Anh; trò Xuân Phả; hát nhà trò Văn Trinh; trò Chiềng; trò Tú Huần… đều phản ánh sức sáng tạo mãnh liệt, và ghi dấu đời sống văn hóa tinh thần phong phú, mang đậm bản sắc của đất và người xứ Thanh.
Những tín ngưỡng tốt đẹp cũng hình thành nên các lễ hội văn hóa rực rỡ sắc màu.... Hàng trăm lễ hội không chỉ góp phần làm giàu thêm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, mà còn giúp thế hệ cháu con ôn lại truyền thống cũ xưa, tỏ bày lòng tri ân đối với tiền nhân tiên tổ trong hành trình xây dựng và bảo vệ đất nước quê hương.
Quá trình lao động sản xuất cũng đã hình thành nên trên vùng đất Thanh Hóa những làng nghề truyền thống vang danh cả nước. Chiếu cói Nga Sơn, nhiễu Hồng Đô, mây tre đan Hoằng Thịnh, rượu Cầu Lộc, rượu làng Quảng, nước mắm Khúc Phụ, Ba Làng... Mỗi một làng nghề, trải qua năm tháng, vẫn giữ gìn hồn cốt của cha ông, giữ gìn cả những phong vị văn hóa đậm đà sắc thái xứ Thanh.
Qua hàng ngàn năm, những di sản văn hóa quý báu vẫn được các thế hệ người xứ Thanh trân trọng, giữ gìn, phát huy giá trị, cho hôm nay, và mai sau. Ông Đỗ Quang Trọng, Phó Giám đốc Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cho biết: "Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, đặc biệt là 995 năm kể từ khi danh xưng Thanh Hóa ra đời, xứ Thanh đã trở thành một nơi hội tụ nhiều di sản văn hóa, di tích, danh lam thắng cảnh quý giá. Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa tại địa phương trong những năm qua, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Thanh Hóa đã tham mưu cho tỉnh nhiều cơ chế chính sách để quản lý và phát huy giá trị di tích, đồng thời phối hợp với các địa phương triển khai nhiều nội dung nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, nhờ đó thời gian qua nhiều di tích đã được tu bổ phục hồi và phát huy giá trị di tích, trở thành những sản phẩm du lịch văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, có tác dụng thúc đẩy phát triển ngành kinh tế mũi nhọn du lịch, góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của địa phương".
Lịch sử huy hoàng là điểm tựa, để ngày hôm nay, lớp lớp cháu con của người xứ Thanh đang tiếp bước tiền nhân, xây dựng quê hương đất nước giàu mạnh và bền vững. Thực hiện Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Thanh Hóa đang quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả quan trọng và toàn diện.
Qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đã phát huy tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hàng năm giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt 9,69%, đứng thứ 5 cả nước và đứng thứ 3 trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có quy mô kinh tế lớn nhất cả nước; tuy thấp hơn mục tiêu đề ra, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức. Quy mô GRDP năm 2023 ước đạt 279.074 tỷ đồng, gấp 1,5 lần năm 2020, đứng thứ 8 cả nước và cao nhất các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người năm 2023 đạt 3.144 USD, gấp 1,42 lần năm 2020.
Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng mạnh, tổng thu ngân sách nhà nước 3 năm, từ 2021 - 2023 ước đạt 132.418 tỷ đồng, vượt dự toán Trung ương giao hằng năm. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước bình quân hằng năm ước đạt 11,3%, cao hơn mục tiêu Nghị quyết.
Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2021 - 2023 ước đạt trên 409.000 tỷ đồng, bằng 54,6% mục tiêu của cả giai đoạn, gấp 1,25 lần giai đoạn 2016 - 2018.
Đến hết năm 2023 toàn tỉnh có 13 đơn vị cấp huyện, 363 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 17 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thêm 160 sản phẩm được công nhận OCOP cấp tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên 452 sản phẩm, vươn lên đứng thứ 2 cả nước.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 1 Khu kinh tế ven biển và 08 Khu công nghiệp. Theo quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 , Thanh Hóa sẽ có hai khu kinh tế, 19 khu công nghiệp và 126 cụm công nghiệp. Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đang phát huy vai trò "đòn bẩy" thúc đẩy phát triển công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của tỉnh.
Ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang thị xã luôn đoàn kết thống nhất để triển khai các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và xây dựng Khu Kinh tế Nghi Sơn. Thị xã thường xuyên tuyên truyền vận động Nhân dân ủng hộ chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, chủ trương của tỉnh trong việc triển khai thực hiện các dự án giải phóng mặt bằng, bồi thường hỗ trợ tái định cư, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư công, các dự án đầu tư của doanh nghiệp trên địa bàn thị xã. Bên cạnh đó, thị xã cũng thường xuyên phối hợp với Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tranh thủ tối đa sự ủng hộ của Trung ương, của tỉnh để từng bước đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng hiện đại, phục vụ cho nhu cầu phát triển của các khu công nghiệp, các nhà máy và phục vụ đời sống Nhân dân, góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội của thị xã và của tỉnh".
Năm 2024 là năm thứ 4 Thanh Hóa thực hiện Kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2021 - 2025, năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà bứt phá để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 58 ngày 05/8/2022 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX...
Thanh Hóa sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống; thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; qua đó, phấn đấu sớm đưa Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới, trung tâm kinh tế lớn của đất nước.
Từ thuở vua Hùng dựng nước cho đến những cuộc đấu tranh không mệt mỏi chống ách cai trị của chính quyền phương Bắc; bước sang thời đại các vương triều tự chủ xây dựng nước nhà; rồi tôi luyện trong đạn lửa của chiến tranh vệ quốc chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, cho đến giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội hôm nay, ở bất cứ thời điểm nào, đất và người Thanh Hóa cũng gặt hái được những thành tựu to lớn và rực rỡ.
995 năm - thiên sử vàng của vùng đất "địa linh nhân kiệt". Cội nguồn quá khứ vẻ vang là tiền đề để Thanh Hóa vươn tới tương lai rạng rỡ, qua đó tiếp tục khẳng định, dù trong bối cảnh nào, xứ Thanh cũng luôn"là đất căn bản của nước Nam", từ nghìn xưa tới giờ và mãi đến mai sau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.