Thanh Hóa nằm ở cực bắc của miền Trung, một trong những "cái rốn" thiên tai của cả nước; trong đó để lại hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là hiện tượng sạt lở đất và lũ ống lũ quét. Sau mỗi thảm họa thiên tai, người dân lâm vào cảnh màn trời chiếu đất. Khát vọng an cư trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Càng trong những thời khắc khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa càng thể hiện được ý chí, khát vọng, cùng san sẻ yêu thương,nỗ lực đưa ra nhiều phương án ứng phó hiệu quả, chủ động đối mặt với thiên tai, giúp người dân vùng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất ổn định cuộc sống, an cư lạc nghiệp!
Nhà của Vi Thị Tuyết ở bản Na Chừa, xã Mường Chanh - vùng đất xa xôi nhất của huyện biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa. 5 năm về trước, sau những đợt mưa lớn, lũ và sạt lở đất ập đến bất ngờ, khiến hai người dân của bản Na Chừa tử nạn, trong đó có mẹ của Tuyết.
Dòng suối Xim là nơi người mẹ ra đi. Từ đó cho tới bây giờ, chị em Tuyết lớn lên như cây cỏ, thiếu vòng tay yêu thương của mẹ.
Nỗi đau có thể nguôi ngoai dần theo năm tháng, nhưng ám ảnh về tai tương ập đến bất ngờ... thì vẫn luôn ở đó, trong trái tim của những người dân nơi bản nhỏ này…
Thanh Hóa có 11 huyện vùng cao với 7 tộc người quần cư sinh sống nhiều đời dưới chân những cánh rừng, ngọn núi. Suốt nhiều thế kỷ, bà con các dân tộc nơi này đã chiếm lĩnh vùng non cao, tạo nên nền văn hóa giàu bản sắc. Song, vùng cao xứ Thanh cũng là nơi ẩn chứa nhiều hiểm họa tiềm tàng, bởi địa hình có độ dốc lớn, bề mặt bị chia cắt mạnh, tầng phủ mỏng kết cấu bở rời, rất dễ bị trượt lở khi có mưa lớn.
Thủy điện và quá trình ngăn sông bạt núi khiến dòng chảy của những con sông lớn dần thay đổi. Những cánh rừng nguyên sinh bị tàn phá, phục vụ cho lợi ích của con người. Các công trình giao thông, công trình dân sinh xây dựng ngày một nhiều, tác động lớn đến kết cấu địa chất…
Tất cả những nguyên nhân ấy khiến hiện tượng sạt lở đất, lũ ống, lũ quét ngày càng trở nên trầm trọng.
Hầu như năm nào, khu vực miền núi Thanh Hóa cũng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đặc biệt trong hai năm, 2018 và 2019, Thanh Hóa hứng chịu nhiều trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất vô cùng nghiêm trọng khiến hàng chục người chết và mất tích, hàng ngàn hộ dân phải di dời khẩn cấp. Những cái tên Sa Ná, bản Poọng - gắn với thảm họa thiên tai ngày ấy - mãi ghi dấu trong lòng người dân xứ Thanh và cả nước với những nỗi đau không thể nguôi ngoai…
Nhưng cũng chính trong đau thương và mất mát, tấm lòng tương thân tương ái, ý Đảng lòng dân gắn bó, kết đoàn càng được phát huy cao độ. Ngay trong những thời khắc đau thương, Đảng bộ, chính quyền Thanh Hóa đã đưa ra các giải pháp hiệu quả, nhanh chóng xây dựng các khu tái định cư khẩn cấp cho người dân vùng thiên tai. Mọi nguồn lực được huy động, mọi trái tim đều hướng về các bản làng.
Hiện nay, Thanh Hóa vẫn còn trên 4.000 hộ với khoảng 18.000 nhân khẩu đang sinh sống trong khu vực có nguy cơ xảy ra thiên tai. Trước tình hình đó, tỉnh đã phê duyệt quy hoạch nhiều dự án bố trí sắp xếp, ổn định dân cư tại các khu vực ảnh hưởng bởi thiên tai; đặt ra mục tiêu đến năm 2025, sắp xếp, ổn định cho gần 2.900 hộ dân tại khu vực có nguy cơ rất cao và nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Tháng 9 năm 2018, một trận lở đất lớn bất ngờ ập xuống bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát. Chỉ trong phút chốc, những mái nhà sàn vững chãi bao đời bị vùi dưới bùn sâu. Hầu hết các hộ dân lâm vào cảnh không nhà.
Thế nhưng, chỉ trong vòng 4 tháng, bản Pọong đã hồi sinh. Một khu tái định cư khang trang được dựng lên, tạo chỗ ở an toàn, vững chắc cho người dân nơi này. Ngày hôm nay, trở về với bản Pọong, hình ảnh tan hoang thuở nào đã không còn nữa. Người dân phấn khởi với cuộc sống mới, chăm lo lao động sản xuất. Bản Pọong ngời lên sức sống của sự trù phú, ấm no.
Màu cờ đỏ nhuộm thắm bản làng. Người dân ngày càng thêm tin tưởng vào sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, của các cấp chính quyền, để rồi, tiếp tục nỗ lực cố gắng xây dựng cuộc sống mới.
Ông Vi Văn Thuật, Bí thư Chi bộ bản Pọong, xã Tam Chung, huyện Mường Lát cho biết: từ khi chuyển về đây, phát triển kinh tế của bà con so với mọi năm khi ở bản cũ đạt hơn, bản giờ chỉ còn 25 hộ nghèo. Trung tá Lò Văn Hiền, Phó Bí thư tăng cường xã Tam Chung, huyện Mường Lát cũng cho biết thêm: "Về tư tưởng của bà con ở đây rất tin tưởng vào cán bộ cũng như Đảng và Nhà nước, được sự quan tâm nên đến nay, sau trận lũ quét 2018 - 2019, bà con đã ổn định an tâm lao động sản xuất".
Cánh đồng rau này từng là hiện trường của vụ lũ quét kinh hoàng, xóa sổ hoàn toàn bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn năm 2019. Từ đống hoang tàn đổ nát, trên những đau thương và mất mát, những chồi non lộc biếc đã tái sinh.
Cách đó gần 1 km, khu tái định cư mới khang trang được dựng lên cho người dân Sa Ná, chỉ sau thảm họa vài tháng. Người dân được an cư, cuộc sống chuyển mình kỳ diệu. Một Sa Ná bình yên sau đau thương. Một Sa Ná đang bừng lên sức sống của niềm tin và hy vọng. Một Sa Ná đã thực sự thoát khỏi nỗi ám ảnh tai ương, để phát triển ổn định và bền vững.
Cùng với Sa Ná và bản Pọong, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã hoàn thiện và phê duyệt hàng chục dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư vùng ảnh hưởng của thiên tai, với tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Những dự án tái định cư đang dần giúp người dân thay đổi quan niệm truyền đời về việc chọn nơi xây cất nhà ở, nâng cao ý thức trong phòng tránh lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.
Ngày hôm nay, trên những bản làng từng mang nỗi đau thiên tai một thời, thanh âm của tiếng trống, tiếng chiêng tưng bừng, rộn rã, vang vọng khắp đại ngàn, xua đi bất an lo lắng, mừng cuộc sống mới an cư.
Theo ông Hà Văn Ca, Bí Thư huyện ủy Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, bà con có tâm lý ổn định thì sẽ an tâm ở lại chính mảnh đất quê hương mình để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và gắn bó với mảnh đất Mường Lát thân yêu của mình. Ông Hà Văn Thủy, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Đề án của tỉnh có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp cho Quan Hóa sớm ổn định khu tái định cư. Hiện nay tại các khu tái định cư, ngoài việc ổn định sản xuất đời sống thì cũng đang tập trung hoàn thiện, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu xây dựng bản đạt chuẩn nông thôn mới và tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao".
Sau tai họa năm 2019, đến năm 2022, một bản tái định cư vững chãi mọc lên giữa núi đồi. Hơn 40 hộ dân có chỗ ở an toàn, ổn định. Nỗi lo âu, thấp thỏm về thiên tai không còn nữa. Cuộc sống nơi bản nhỏ mỗi ngày đều trôi qua trong sự êm ả, bình an.
Na Chừa từ vùng đất dữ, nay đã trở thành một nơi an cư lạc nghiệp của người dân vùng biên ải xa xôi nhất xứ Thanh.
Sáng hôm nay, Vi Thị Tuyết cùng các bạn đến trường. Nỗi đau mất mẹ vẫn còn đó, nhưng đã lùi lại phía sau. Một tương lai tươi sáng đang rộng mở trước mắt em và bạn bè cùng trang lứa.
Các em chính là những mầm xanh tươi tốt, lớn lên giữa đại ngàn, tiếp bước các thế hệ cha ông mình thực hiện khát vọng an cư lạc nghiệp, để từ đó, cùng các dân tộc anh em, chung tay trấn ải, bảo vệ vững chắc miền biên viễn xứ Thanh.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.