Longform
img
Ân tình xứ Thanh- Ảnh 1.

 

Những chuyến xe thiện nguyện tấp nập lên đường…

Những gói hàng thấm đẫm yêu thương kịp thời đến với đồng bào gặp nạn…

Những câu chuyện cảm động về ân tình của người xứ Thanh được lan tỏa từ nơi rốn lũ…

Bão số 3 Yagi mang đến vô vàn đau thương và mất mát cho đồng bào miền Bắc, nhưng cũng chính cơn bão lịch sử này đã khẳng định khối đại đoàn kết vững vàng, bền chặt của dân tộc Việt Nam; là minh chứng hùng hồn cho nghĩa đồng bào yêu thương gắn kết.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 2.

Trong suốt dặm dài lịch sử, mỗi khi đất nước nguy nan, mỗi khi đồng bào gặp thiên tai, địch họa, truyền thống "lá lành đùm lá rách", tinh thần "Thương người như thể thương thân" của người xứ Thanh lại được khơi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trở thành nguồn động lực to lớn, cùng cả nước vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách, khẳng định sức sống mãnh liệt, trường tồn.

Thanh Hóa, vùng đất được mệnh danh là "cái rốn" thiên tai của cả nước, nơi người dân luôn phải đối mặt với nguy cơ lụt bão, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Những cái tên Sa Ná, bản Pọng, Chiềng Cà… nơi vùng cao xứ Thanh đã ghi dấu trong lòng Nhân dân cả nước nỗi đau không thể nguôi ngoai về sự thảm khốc của tai ương.

Trong những thời khắc đau thương và gian khó nhất của xứ Thanh, đồng bào cả nước đã chung tay giúp đỡ, ủng hộ vật chất, san sẻ yêu thương, để nỗi đau thiên tai dần được xoa dịu, để những mất mát dần được lãng quên, và để những vùng đất bị vùi lấp trong thiên tai có cơ hội hồi sinh mạnh mẽ.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 3.

Hành trình đối mặt và chung sống với thiên tai đã hình thành nên nét tính cách của người dân Thanh Hóa, không chỉ kiên cường bất khuất, chịu thương chịu khó, mà còn giàu lòng nhân ái, sẻ chia.

Tháng 9 năm 2024, cơn bão Yagi và hoàn lưu sau bão với sức tàn phá khủng khiếp đã gây ra những trận lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét kinh hoàng, tàn phá hàng chục tỉnh thành miền Bắc nước ta.

Nhiều bản làng bị xóa sổ…

Hàng trăm sinh mạng mãi mãi ra đi…

Hàng triệu người dân sống trong cảnh màn trời chiếu đất...

Đứng trước thảm họa thiên nhiên, nghĩa đồng bào, tình dân tộc như nguồn lực nội sinh mạnh mẽ, cuộn trào. Cả nước hướng về miền Bắc yêu thương, tiếp thêm sức mạnh to lớn để đồng bào nơi tâm lũ vượt qua nghịch cảnh.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 4.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về vận động ủng hộ đồng bào khắc phục thiệt hại do bão số 3 gây ra, ngày 10/9, Tỉnh ủy, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức lễ quyên góp và kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, người lao động, đoàn viên, các tổ chức chính trị, các doanh nghiệp trên địa bàn chung tay chia sẻ những khó khăn, mất mát, thiệt hại với Nhân dân vùng lũ bằng vật chất và tinh thần để động viên các hộ gia đình bị thiệt hại sớm ổn định, vươn lên trong cuộc sống.

Phát huy truyền thống "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", với tinh thần "nhường cơm sẻ áo", các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư trong tỉnh Thanh Hóa đã có những việc làm thiết thực, chia sẻ khó khăn, trợ giúp Nhân dân, các địa phương khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ông Vũ Văn Hùng, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Nga Sơn cho biết: "Huyện Nga Sơn đã tổ chức phát động kêu gọi các cấp các ngành các lực lượng và Nhân dân trong huyện ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3 gây ra với tinh thần cao nhất"Ông Trương Văn Thuấn, Trưởng Ban Dân vận, Chủ tịch MTTQ huyện Hậu Lộc cũng cho biết thêm: "Sau 2 ngày triển khai công văn của Ban thường trực Mặt trận Tổ quốc huyện, đông đảo các cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện Hậu Lộc đã tham gia với tinh thần khẩn trương, khí thế".

Trên khắp những thôn làng, khu phố của tình Thanh Hóa đã xuất hiện nhiều câu chuyện cảm động dành cho bà con vùng lũ.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 5.

Bà Hoàng Thị Quý năm nay đã ngoài 70 tuổi. Sức khỏe yếu, cơ thể mang nhiều bệnh tật, đi lại khó khăn, lại không có lương hưu, nên toàn bộ chi phí sinh hoạt của bà dựa vào chu cấp của các con. Tiết kiệm nhiều năm trời, bà để dành được khoản tiền 5 triệu đồng. Khi Ủy ban Mặt trận tổ quốc thị trấn Hậu Lộc phát động, bà đã quyết định dành toàn bộ số tiền đó để ủng hộ đồng bào miền Bắc. Bà Quý chia sẻ: "Tôi muốn ủng hộ đồng bào để được đồng nào tốt đồng đấy, được ngậm nước, được cái kẹo, cái bánh cho các cháu là tôi thấy cảm thấy tôi thoải mái, vui vẻ. Cho nên có 5 triệu bạc tiết kiệm để thuốc men lúc ốm đau tôi sẵn sàng để ủng hộ đồng bào bão lụt".

Lễ chào cờ đầu tuần sau cơn bão Yagi của các em học sinh trường Tiểu học Trung Thành, huyện Nông Cống không giống như mọi lần. Thay vì thực hiện các nghi thức thông thường, nhà trường đã tổ chức phát động quyên góp, để các giáo viên và học sinh có cơ hội san sẻ yêu thương đến đồng bào miền núi phía Bắc. Khoản tiền ủng hộ có thể rất nhỏ, nhưng mang theo tấm lòng của thầy cô và các em nhỏ xứ Thanh gửi tới các thầy cô, bạn bè nơi tâm lũ.

Em Nguyễn Minh Khôi, học sinh trường Tiểu học Trung Thành, huyện Nông Cống chia sẻ: "Sau khi nghe nhà trường phát động ủng hộ các bạn nhỏ ở vùng núi lụt vừa qua, con đã lấy số tiền tiết kiệm của con từ trước đến giờ để ủng hộ các bạn. Con mong các bạn sẽ được đi học trở lại giống như các con". Bà Hà Thị Hành, Hiệu trưởng trường tiểu học Trung Thành, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Tất cả các thầy cô giáo cũng như học sinh của nhà trường muốn góp một phần nhỏ bé của mình gửi tới đồng bào đang bị bão lụt, nhằm sẻ chia khó khăn mất mát . Và qua đây, nhà trường muốn giáo dục lòng tương thân tương ái trong toàn thể học sinh cũng như giáo viên".

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 6.

Ngay từ khi thiên tai vừa xảy ra, các tổ chức xã hội và các tầng lớp Nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã tự nguyện quyên góp lương thực, thực phẩm, thuốc men và nhiều vật dụng thiết yếu để chuyển tới hỗ trợ đồng bào đang vật lộn trong thảm họa. Thanh Hóa trở thành một "hậu phương" vững vàng, tiếp sức cho đồng bào miền Bắc nơi tuyến đầu giông bão.

Rất nhiều người dân xã Thăng Long, huyện Nông Cống đã chung tay quyên góp củi, gạo, thịt và đậu xanh để gói hơn 1000 chiếc bánh chưng. Những chiếc bánh chưng xanh giản dị, nhưng được gói bằng cả tình yêu thương, sự sẻ chia ấm áp mà bà con xã Thăng Long dành cho đồng bào vùng lũ.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 7.

Nhiều câu lạc bộ, tổ chức thiện nguyện tại thành phố Thanh Hóa tranh thủ từng giờ tập kết, đóng gói hàng hóa, gồm đồ ăn nhanh, nước sạch, nhu yếu phẩm thiết yếu để vận chuyển đi các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và các tỉnh bị ngập lụt.

Tại phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn, chỉ trong vài ngày ngắn ngủi, Nhân dân đã quyên góp, ủng hộ gần 500 triệu đồng; tổ chức 14 chuyến xe cứu trợ lên các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhiều gia đình, nhiều quán ăn nấu cơm miễn phí cho các đoàn thiện nguyện từ phía Nam ra cứu giúp bà con các tỉnh vùng lũ.

Các đơn vị vận tải trên triển khai những chuyến xe "0 đồng" sẵn sàng lên đường, hỗ trợ các đoàn thiện nguyện vận chuyển hàng hoá, chuyển đến tận tay đồng bào nơi tâm lũ….

Hằng trăm câu chuyện, hàng ngàn hành động đẹp đã diễn ra trên khắp dải đất xứ Thanh.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 8.

Trong nỗi đau chồng chất nỗi đau, trong khó khăn chồng chất khó khăn, những câu chuyện và hành động ấy không chỉ tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về tinh thần "tương thân tương ái"; mà còn để lại ấn tượng tốt đẹp về ân tình của người xứ Thanh trong lòng Nhân dân cả nước.

Không chỉ ở "hậu phương" Thanh Hóa, mà ngay trong vùng tâm lũ, câu chuyện về tấm lòng của người Thanh Hóa giống như ngọn lửa ấm áp, thắp sáng niềm tin, xua đi lạnh giá, đau thương.

Đó là câu chuyện của người dân xóm Nổm, phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn vượt hàng trăm cây số, đến với bà con vùng thiên tai tỉnh Yên Bái. Số tiền gần 100 triệu đồng là nguồn quỹ mà người dân xóm Nổm quyên góp, dành dụm được, với dự định tổ chức Trung thu cho trẻ em trong xóm. Nhưng khi thiên tai xảy đến, cả xóm đã quyết định sử dụng số tiền ấy để hỗ trợ người dân vùng lũ. Trung bình mỗi ngày, những người dân xóm Nổm nấu được hơn 1.000 suất ăn phục vụ bà con tại Yên Bái. Những suất cơm nghĩa tình ấy được phát đến tận tay người dân, với mong muốn tiếp thêm sức mạnh để bà con vượt qua khó khăn, bộn bề trước mắt.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 9.

Chị Vũ Thị Hảo, xóm Nổm xúc động cho biết: "Chúng tôi lên đến đây mới biết người dân rất khổ. Trao cho họ những phần quà mà chúng tôi ứa nước mắt, rất thương người dân. Cảm xúc của chúng tôi không thể nói được. Chúng tôi rất cảm động".

Mùa trăng năm nay, nhiều đứa trẻ xóm Nổm đón trung thu mà không có bố mẹ ở bên. Các em tụ tập cùng nhau, chia sẻ mấy món đồ chơi, vài chiếc bánh kẹo. Xa bố mẹ, nhưng không đứa trẻ nào buồn, vì các em đều biết bố mẹ mình đi làm việc thiện…

Câu chuyện về người dân một xóm nhỏ nơi vùng biển xứ Thanh tập hợp cùng nhau đi cứu trợ đồng bào gặp nạn tuy giản dị, nhưng đã gieo vào lòng Nhân dân cả nước một ân nghĩa giản đơn mà nồng đượm, làm nảy lên chồi biếc của nghĩa đồng bào yêu thương, ấm áp. Đó là câu chuyện về 70 thành viên của Hội kỹ thuật xe máy Thanh Hóa tổ chức hành trình lên các tỉnh phía Bắc sửa chữa xe máy miễn phí cho đồng bào gặp nạn. Do anh hưởng của hoàn lưu bão số 3, nhiều ngôi nhà ngập chìm trong "biển nước", khiến cho đồ dùng, thiết bị điện, điện tử, phương tiện của người dân hư hỏng nặng. Chỉ trong vài ngày, hội kĩ thuật xe máy Thanh Hóa đã giúp bà con nhiều tỉnh thành phía Bắc sửa chữa, thay dầu miễn phí cho hàng ngàn chiếc xe máy.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 10.

Anh Nguyễn Trọng Giáp, Hội trưởng Hội kỹ thuật xe máy Thanh Hoá cho biết: "Mình kêu gọi chỉ trong vòng ba ngày, thực sự phải nói cả trong tỉnh, cả ngoài tỉnh, kể cả trong Sài Gòn mọi người đăng ký về đây cùng với đoàn để hỗ trợ bà con vùng lũ, để sửa xe thay dầu miễn phí giúp bà con có phương tiện đi lại". Anh Trương Văn Vượng, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai bày tỏ: "Xe của mình bị ngập nước, ra đây các anh sửa rất là nhanh chóng. Mình rất vui, ấm lòng, cảm ơn mọi người nhiều".

Và đó còn là câu chuyện của hàng ngàn con người, hàng trăm chuyến xe từ xứ Thanh tình nguyện lên với đồng bào vùng cao miền Bắc trong những thời khắc nguy nan, khẩn cấp, để kịp thời trợ giúp vật chất, san sẻ yêu thương….

Nghĩa đồng bào thiêng liêng, sâu nặng.

Nghĩa đồng bào lớn lao, vĩ đại.

Song, nghĩa đồng bào cũng thật bình dị, giản đơn.

Sự ủng hộ vật chất, tinh thần của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hóa những ngày qua đã tô thắm thêm hai tiếng "đồng bào", tiếp thêm niềm tin, động lực để người dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai sớm vượt qua khó khăn, mất mát, ổn định đời sống, chung sức tái thiết quê hương.

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 11.

Một xứ Thanh luôn phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt…

Nhưng cũng là xứ Thanh sâu nặng nghĩa tình…

Một xứ Thanh đi qua muôn ngàn gian khó…

Nhưng cũng là một xứ Thanh ấm áp sẻ chia...

Ân tình xứ Thanh- Ảnh 12.

Qua bao phong ba bão táp, ân tình của người Thanh Hóa vẫn vẹn nguyên. Ân tình ấy hòa chung vào cội nguồn lịch sử nghĩa nhân văn của dân tộc, làm nên sức mạnh, thắp sáng niềm tin, ươm lên khát vọng hùng cường cho Tổ quốc, trong quá khứ, ở hiện tại và mãi đến muôn sau.

An Thư
Thanh Sơn - Thùy Linh - Minh Thúy
Bá Ngọc
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận