Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ thôn, bản, người uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã trở thành cầu nối, truyền tải kịp thời chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với đồng bào, tạo sự gắn bó, đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng các dân tộc anh em. Với sự năng động, nhiệt tình, trách nhiệm, cán bộ thôn, bản đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Đảng ở vùng miền núi của tỉnh Thanh Hóa.
Không chỉ phát huy vai trò nêu gương, nhiều bí thư chi bộ, trưởng thôn còn tích cực hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, góp phần nâng cao cuộc sống vật chất và tinh thần cho người dân. Câu chuyện của bà Hà Thị Tự - Bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước là một ví dụ. Vì những việc bà đã làm được cho dân mà mọi người dân nơi đây đều yêu quý gọi bà với cái tên thân mật là "bà sáng" của thôn, bản.
10 năm trước, thôn Cao Hoong cùng với các thôn, bản ở khu Cao Sơn, xã Lũng Cao gần như là "biệt khu" của huyện Bá Thước với 3 không: không đường giao thông, không điện lưới quốc gia và không có sóng điện thoại. Tỷ lệ hộ đói nghèo lên tới 90%. Toàn thôn Cao Hoong chỉ có 24 hộ với 110 khẩu sống thưa thớt, xa trung tâm xã nên nhiều hộ dân cũng ngần ngại khi cho con em đến độ tuổi đi học mầm non.
Trước những khó khăn ấy, bà Hà Thị Tự, người dân tộc Mường luôn trăn trở làm thế nào để giúp Nhân dân trong thôn thay đổi cuộc sống? Bà hiểu rằng: Đó chỉ có thể là ánh sáng của Đảng, ánh sáng của tri thức, văn hoá và giải quyết được những bài toán phát triển kinh tế ở nơi "thâm sơn cùng cốc" này.
Năm 2015, được sự tài trợ của một tổ chức phi chính phủ, bà Hà Thị Tự khi ấy là trưởng thôn dù không biết ngoại ngữ nhưng đã mạnh dạn đăng ký tham gia khóa học lắp ráp thiết bị năng lượng mặt trời tại Ấn Độ do Dự án "Thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch" tài trợ. Câu chuyện bà Hà Thị Tự mang ánh sáng điện năng lượng mặt trời thắp sáng các thôn bản vùng cao của xã Lũng Cao huyện Bá Thước được bắt đầu từ đó.
Vượt qua nhiều khó khăn do bất đồng ngôn ngữ, bà đã tận dụng thời gian học tập theo phương pháp cầm tay chỉ việc của nước bạn. Sau 6 tháng hoàn thành khóa học trở về nước, bà đã mang về 83 bộ pin năng lượng mặt trời trị giá gần 1,5 tỷ đồng. Sau đó, bà đi đến từng hộ dân lắp ráp hệ thống điện năng lượng mặt trời, đem ánh sáng tới nhiều hộ dân tại các thôn Pốn, thôn Cao Hoong, thôn Kịt của xã Lũng Cao. Vì thế, người dân các thôn nơi đây đã sớm được sử dụng ánh sáng và điện sinh hoạt từ thiết bị năng lượng mặt trời từ năm 2015.
Đến nay, dù đã có điện lưới quốc gia nhưng hệ thống điện năng lượng mặt trời do bà lắp đặt vẫn được phát huy tác dụng, giúp người dân tiết kiệm điện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Ông Hà Văn Phiển, thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cho biết: "Từ lúc có năng lượng thì thấy tinh thần của Nhân dân luôn phấn khởi, có ánh sáng thì thoải mái hơn".
Bà Hà Thị Tự chia sẻ: "Khi về tôi đi lắp điện cho cả 3 thôn. Có hôm đến 12h đêm chưa lắp xong. Bà con ai cũng động viên. Tôi cũng cố gắng làm cả ngày, cả đêm để lắp cho bà con. Bà con vui lắm, họ bảo may là có bà, nếu không có bà thì không có ánh sáng. Họ bảo người đàn bà mà sao giỏi thế, đi nước ngoài về lấy ánh sáng cho bà con, vui mừng cả 3 thôn, ai cũng nhiệt tình và phấn khởi".
Không chỉ mang đến ánh sáng điện năng lượng mặt trời cho người dân, bà Hà Thị Tự còn là một bí thư chi bộ, trưởng thôn mẫu mực. Bà là cầu nối đưa "ánh sáng của Đảng" đến với người dân Cao Hoong bằng cách truyền tải những đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, được Nhân dân trong thôn tin tưởng, nghe và làm theo. Bà Hà Thị Tự đã phát huy vai trò là người đứng đầu, tập hợp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới.
Từ năm 2020 đến nay, Bà đã đưa ra chủ trương vận động Nhân dân hiến đất vườn, hiến công lao động để đào, đắp đất xây hai tuyến đường giao thông nội đồng. Người dân trong thôn cũng đã đóng góp hơn 100 triệu đồng tiền mặt, hiến hơn 3.000m2 đất làm đường giao thông, các công trình phúc lợi của thôn. Riêng gia đình bà đã hiến hơn 3 sào đất để thôn xây nhà văn hóa và sân vận động.
Với tư cách là Bí thư Chi bộ, bà Hà Thị Tự luôn tâm niệm lời Bác dạy: "Đảng viên phải nêu cao tinh thần gương mẫu, dám nghĩ, dám làm", từ đó nuôi dưỡng ý chí phấn đấu và quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện, dìu dắt những quần chúng ưu tú vào Đảng. Đến nay chi bộ đã có 7 đảng viên. Các đảng viên trong chi bộ đều nêu cao tính tiền phong gương mẫu trong thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Anh Ngân Văn Hình, thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cho biết: "Tôi thấy bà Tự là một người rất mẫu mực. Được bà triển khai chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, dân làm theo bà Tự trong phát triển kinh tế, chúng tôi học hỏi bà Tự rất nhiều kinh nghiệm. Bà đã tuyên truyền để tôi phấn đấu vào Đảng và tham gia phát triển kinh tế".
Với điều kiện nhiều khó khăn, giải pháp phát triển kinh tế cho bà con trong thôn là bài toán không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với quyết tâm đưa quê hương thoát nghèo, dưới sự lãnh đạo của bà Hà Thị Tự, Chi bộ thôn Cao Hoong ra ban hành nghị quyết, đồng thời đồng hành cùng Nhân dân phát triển nông nghiệp, ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, biến những khó khăn về điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng thành lợi thế.
Thôn Cao Hoong đã trồng được cây lá giang giá trị kinh tế gấp 10 lần trồng lúa. Cùng với đó, bà Hà Thị Tự đã đưa giống cây mướp đắng và cây cà chua về hướng dẫn người dân trồng theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn. Do hợp thổ những nên hai loại cây này phát triển tốt và hy vọng là cây xoá nghèo cho nhân dân Cao Hoong.
Từ chỗ 90% hộ nghèo, đến nay, thôn Cao Hoong đã trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước. Ông Hà Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, huyện Bá Thước cho biết: "Bà Tự đã làm tốt vai trò làm cầu nối quan trọng giữa cấp ủy, bà con Nhân dân, làm cầu nối quan trọng. Chính vì thế các chủ trương của Đảng, nhà nước đều đến với người dân được biết và thực hiện. Đồng chí Tự cùng với các đồng chí trong ban quản lý và bà con Nhân dân trong thôn đã đưa thôn Cao Hoong thành điểm sáng trong phát triển kinh tế, văn hóa và giáo dục".
Năm nay đã 63 tuổi nhưng bước chân của bà Hà Thị Tự vẫn không ngừng nghỉ. Khi người dân có việc, bà luôn có mặt để tháo gỡ khó khăn, lo cho dân như lo cho gia đình của mình. Trong triển khai thực hiện Chỉ thị 22 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh, bà Hà Thị Tự đã đến từng hộ dân rà soát, thống kê danh sách hộ cần giúp đỡ, đề xuất lên cấp trên. Khi các hộ dân đã được đưa vào danh sách hỗ trợ, trong quá trình làm nhà, Bà thường xuyên có mặt, động viên, chia sẻ, vận động người dân trong thôn cùng chung tay vận chuyển vật liệu xây dựng để người dân hoàn thành nhà đúng tiến độ. Nhờ đó đến nay, toàn thôn đã có 3 nhà ở của hộ nghèo được hỗ trợ theo Chỉ thị 22 đã được xây dựng hoàn thiện.
Đến nay, toàn thôn Cao Hoong đã có 3 nhà ở của hộ nghèo được hỗ trợ theo Chỉ thị 22 đã được xây dựng hoàn thiện.
Ông Ngân Văn Nga, thôn Cao Hoong, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước chia sẻ: Trong quá trình làm nhà, gia đình ông rất khó khăn, nhưng được bà trao đổi với thôn bản ở đây, bà đã bàn bạc với anh em họ hàng giúp đỡ gia đình. Đường khó khăn, vật liệu không xuống được thì bà kêu mọi người giúp đỡ. Bà Tự là người nói được làm được, giúp bà con ở đây phát triển rất nhiều.
Với những nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ, bà Hà Thị Tự là một trong 25 điển hình tiêu biểu toàn quốc trong Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vừa được tôn vinh tại chương trình "Hồ Chí Minh - hành trình khát vọng năm 2024" do Ban Tuyên giáo Trung ương và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức. Với bà, phần thưởng cao quý ấy chính là động lực để bà tiếp tục nỗ lực làm nhiều việc hơn nữa vì dân. Bà Hà Thị Tự tâm sự: "Tôi rất vui sướng và hồi hộp, nhưng trong cái vui đó thì có cái lo, mình làm sao sống xứng đáng với danh hiệu mình được ghi nhận, phải lo cho dân thế nào để đời sống dân có thể là sung túc hơn trước".
Trăn trở lớn nhất của bà Hà Thị Tự là hiện nay thôn Cao Hoong vẫn chưa được đầu tư hạ tầng thông tin, nơi đây vẫn là 1 trong 3 thôn của xã Lũng Cao chưa có sóng điện thoại, chưa có Internet… Trong khi chờ nhà nước đầu tư hạ tầng, bà Tự lại tiếp tục cùng với người dân làm những việc có thể trong khả năng theo lời dạy giản dị mà sâu sắc của Bác Hồ: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm".
Với cách làm, cách suy nghĩ giản dị ấy, Bà Hà Thị Tự đã và đang góp phần mang ánh sáng văn hóa, ánh sáng tri thức, ánh sáng của Đảng đến thắp sáng bản làng vùng cao xa xôi, hẻo lánh này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.