Longform
img
Bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan ở xứ Thanh - Ảnh 2.

Những năm gầy đây, nghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh phát triển mạnh nhờ mô hình liên kết giữa Công ty Mây tre Quốc Đại và các hộ làm nghề. Các mặt hàng mây tre đan ở Hoằng Thịnh ngày càng đa dạng, phong phú, thị trường tiêu thụ được mở rộng. Bên cạnh việc làm mới sản phẩm truyền thống, các nghệ nhân đi sâu nghiên cứu sáng tạo sản phẩm mới đáp ứng thị hiếu của nhiều đối tượng khách hàng như tranh phong cảnh, hoành phi, rèm cửa, chao đèn… dùng trang trí nội thất. Xã Hoằng Thịnh có 1.500 hộ dân thì có tới 80% số hộ tham gia sản xuất các mặt hàng mây tre đan, trong đó sản phẩm của làng nghề Hoằng Thịnh đã xuất khẩu sang thị trường Châu Âu. Trong 2 năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch covid-19, nhưng doanh thu từ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ vẫn ổn định nhờ doanh nghiệp duy trì được thị trường xuất khẩu.

Không chỉ trao truyền và phát triển nghề mây tre đan ở xã Hoằng Thịnh, Công ty TNHH Quốc Đại còn mở rộng liên kết và đào tạo nghề cho người lao động tại nhiều địa phương trong tỉnh như Nông Cống, Vĩnh Lộc. Huyện Nông Cống đã hình thành nhiều hợp tác xã, tổ hợp, cơ sở sản xuất mây tre đan thủ công mỹ nghệ quy mô tập trung, mỗi cơ sở thu hút hàng trăm hộ dân tham gia.

Bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan ở xứ Thanh - Ảnh 1.

Người xưa thường ví von "hay làm nghề hát, mạt làm nghề đan" để nói sự rẻ rúng, nhọc nhằn của nghề đan lát. Nhưng nay nghề mây tre đan lại là nghề cứu đói, cứu nghèo rất thiết thực cho bà con nông dân. Những ngày này, làng nghề mây giang xiên ở xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống nhộn nhịp hơn vì các đơn hàng xuất khẩu cuối năm. Từ làng trên, xóm dưới, đâu đâu cũng bắt gặp hình ảnh người dân cần mẫn ngồi đan lát, tạo nên những sản phẩm đa dạng, phong phú.

Các chủ cơ sở chính là đầu mối quan trọng tổ chức sản xuất, thu gom sản phẩm, sơ chế, bảo quản và tiêu thụ. Mặc dù mới thành lập được 3 năm nay, Cơ sở mây tre đan Huyền Ngân ở xã Tượng Sơn luôn sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thu hút sự tham gia thường xuyên của 300 lao động.

Kể từ khi nghề sản xuất thủ công mỹ nghệ mây tre đan được du nhập về địa phương, chị Lương Thị Huyền và những người phụ nữ nông dân ở thôn Cát Vân xã Tượng Sơn, huyện Nông Cống có thêm công ăn việc làm và thu nhập để cải thiện cuộc sống gia đình. 

Những đôi bàn tay của các chị vốn chỉ quen với công việc đồng áng, nay lại thoăn thoắt theo từng đường đan, sợi lạt để tạo nên những sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, vừa đẹp vừa thân thiện với môi trường. Để đan được một chiếc lồng đèn bằng tay như thế này, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của những người làm ra nó. Họ không chỉ phải kiên trì, mà còn phải đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, để sản phẩm hoàn thiện đúng quy cách, mẫu mã của đơn hàng.

Bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan ở xứ Thanh - Ảnh 2.

Không chỉ ở xã Tượng Sơn, nghề thủ công mỹ nghệ mây giang xiên giờ đây đã lan tỏa đến nhiều địa phương, nhiều làng quê trong huyện Nông Cống như xã Công Liêm, Tân Thọ. Tại xã Tân Thọ, từ một tổ học nghề, bằng sự nhanh nhẹn, sáng tạo trong cách phối hợp sản xuất, nay bà con đã mở rộng được sản xuất, phát triển thị trường. Các sản phẩm mỹ nghệ từ mây, tre, cói, HTX đang sản xuất có hàng chục mẫu mã và kích cỡ khác nhau. Để cập nhật thường xuyên và đa dạng nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, HTX đã đào tạo đội ngũ 10 kỹ thuật viên, thường xuyên nghiên cứu, đổi mới sản phẩm và tổ chức dạy nghề cho các hội viên. Với những người tham gia sản xuất trực tiếp, HTX tạo điều kiện cho hội viên nhận nguyên liệu về nhà làm.

Với áp lực cạnh tranh trên thị trường, HTX thủ công mĩ nghệ Tân Thọ đang nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm mới, mẫu mã đẹp, đáp ứng ngày càng tốt hơn thị hiếu của khách hàng. Bên cạnh duy trì các đơn hàng truyền thống, HTX cũng đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều kênh thông tin để tiếp cận rộng rãi thị trường trong nước. Đây là động tác "đón đầu" khi xu hướng sử dụng hàng mỹ nghệ vật liệu từ thiên nhiên đang dần trở thành sự lựa chọn của nhiều người. Trong năm 2020, mặc dù dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng doanh thu từ sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của đơn vị vẫn đạt trên 4 tỉ đồng, tạo việc làm cho trên 500 lao động.

Bảo tồn và phát triển nghề mây tre đan ở xứ Thanh - Ảnh 3.

Theo các chuyên gia, để ngành mây tre đan phát triển, trước hết, phải tăng cường xây dựng thương hiệu, xúc tiến đầu tư nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm có tính ổn định và lâu dài. Do hầu hết làng nghề mây tre đan ở Thanh Hóa có quy mô nhỏ lẻ, nên để nghề này phát triển bền vững, đòi hỏi phải có sự phối hợp, liên kết các làng nghề trong việc mở rộng quy mô sản xuất. Các doanh nghiệp, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có những giải pháp đồng bộ từ việc khai thác nguyên liệu tại chỗ, xây dựng kho bãi và liên kết tiêu thụ sản phẩm. Mặt khác, tỉnh cần đẩy mạnh việcy dựng làng nghề gắn với phát triển du lịch để quảng bá và giới thiệu sản phẩm đến đông đảo du khách trong và ngoài nước. Để các làng nghề nói chung và làng nghề mây tre đan nói riêng phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và thúc đẩy mạnh mẽ chương trình xây dựng nông thôn mới.

Mai Ngọc
Lê Quang
Phạm Ngọc
Minh Hương



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận