Longform
img
Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng  đồng - Ảnh 2.

Di sản văn hóa phi vật thể không dễ hình thành, nhưng lại rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ biến mất. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, nhận thức của cộng đồng và cách ứng xử của cộng đồng đối với loại di sản này là yếu tố quyết định sự tồn vong của nó. Do đó, trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn xác định: phải lấy vai trò cộng đồng làm trung tâm của công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 1.

Lễ Tạ ơn của đồng bào dân tộc Thái ở làng Beo, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh, hay còn gọi là lễ Chá Mùn. Ban đầu, lễ Chá Mùn là một nghi thức truyền thống của gia đình, dòng tộc những người hành nghề nam dược, với ý nghĩa là tạ ơn trời đất đã ban cho những vị thuốc, chữa lành cho con người. Tuy nhiên, qua sự bồi đắp của thời gian, vượt ra khỏi nghi thức tạ ơn của gia đình, dòng tộc, lễ hội Chá Mùn đã trở thành lễ hội chung của cộng đồng người Thái ở làng Beo, thu hút sự tham gia của đông đảo người dân trong làng. 

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 2.

Lễ thường được tổ chức vào dịp cuối năm. Sau một năm lao động vất vả, đây là dịp để cộng đồng dâng lên những mâm cỗ tri ân thần linh đã phù hộ và che chở cho con người khỏi những tai ương cuộc sống, đồng thời cầu mong sang năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ông Lò Viết Lâm, xã Yên Thắng, huyện Lang Chánh cho biết lúc đầu lễ hội là của gia đình, dòng họ như sau này lễ hội thành của bản làng bởi sự vui nhộn và ý nghĩa của nó trong cuộc sống cộng đồng, các chương trình văn hóa, văn nghệ ngày càng thu hút đảo người dân tham gia. 

Các giá trị văn hóa truyền thống phi vật thể được bồi đắp, tạo dựng từ quá trình lao động, các sinh hoạt văn hóa, phong tục tập quán và tín ngưỡng dân gian của các cộng đồng người. Điều đặc biệt, người dân vừa là chủ thể sáng tạo, chủ thể hưởng thụ các giá trị văn hóa, đồng thời cũng chính là người lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 3.

Ngoài việc cung cấp các thông tin, tư liệu về di sản cho thế hệ sau, thì đồng bào cũng chính là người được thực hành đầy đủ các giá trị văn hóa truyền thống ấy. Do đó, để các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng được ăn sâu, bám rễ vào đời sống của đồng bào, thì cần phải đề cao ý thức và tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên và cả cộng đồng trong việc bảo vệ, gìn giữ và trao truyền di sản cho các thế hệ sau.

Ông Đỗ Văn Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Lang Chánh cho biết huyện sẽ tập trung bảo tồn các giá trị văn hóa của lễ hội thông qua việc tiếp tục khuyến khích, động viên Nhân dân tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm làm phong phú thêm các nội dung, lễ nghi của lễ hội Chá Mùn. Ông Vi Văn Cói, Chủ tịch UBND xã Thanh Quân, huyện Như Xuân cũng cho biết xã sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức về công tác bảo tồn các giá trị truyền thống, tiếp tục nghiên cứu và bổ sung đầy đủ các nghi thức dân gian, trò chơi trò triển, phối hợp với các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá gắn với du lịch.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng  đồng - Ảnh 6.

Đồng bào dân tộc Mường huyện Ngọc Lặc hầu như ai cũng biết tiếng nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng ở làng Lỏ, xã Cao Ngọc. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm nghề "ông Mo  - bà Máy", bốc thuốc nam kết hợp với thực hành tín ngưỡng tâm linh để cứu giúp người bệnh, nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng bằng niềm đam mê với nghề truyền thống của cha ông, đã góp phần làm sống dậy một lễ hội được xem như "linh hồn" của văn hóa Mường, đó là lễ hội Pồn Pông. Bà đã dành nhiều công sức để ghi chép, sưu tầm các lễ nghi, trò chơi, trò diễn trong lễ hội Pồn Pông. 

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 6.

Với những nỗ lực không mệt mỏi của bà và các nhà nghiên cứu say mê với văn hóa truyền thống dân tộc Mường, năm 2017, lễ hội Pồn Pông xã Cao Ngọc đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, năm 2015, bà Phạm Thị Tắng được công nhận nghệ nhân ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng, làng Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc chia sẻ: "Từ bé tôi đã rất thích hát xường, rất thích múa cây bông hoa. Sau này lớn lên tôi đi vào các bản làng, ghi chép rồi thực hành các nghi thức lễ hội Pồn Pông để phục vụ bà con và gắn bó tận đến bây giờ".

Giờ đây, mặc dù đã ở cái tuổi "xưa nay hiếm", sức khỏe không còn được như xưa, nhưng nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng vẫn say sưa với Pồn Pông. Bà nhớ đầy đủ các chi tiết của lễ hội với 48 trò chơi, trò diễn đặc sắc. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng cũng luôn miệt mài trong việc truyền dạy các nghi lễ, điệu múa, bài xường... để lễ hội Pồn Pông hòa vào đời sống cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân, đặc biệt là giới trẻ. 

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 6.

Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng đã truyền dạy cho hàng trăm người, ở nhiều lứa tuổi khác nhau, chỉ cần có nhu cầu học thì sẽ được bà tận tình chỉ dạy. Nhờ vậy, trò diễn Pồn Pông xã Cao Ngọc đã được đưa đi biểu diễn ở nhiều liên hoan văn hóa lớn tại các tỉnh thành trong cả nước. Nghệ nhân ưu tú Phạm Thị Tắng, làng Lỏ, xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc cho biết: "Tôi vẫn tiếp tục múa Pồn Pông cho đến khi nào yếu không thể hoạt động được nữa. Tôi thường xuyên truyền đạt lại điệu múa, lời ca cho con cháu trong câu lạc bộ với mong muốn các giá trị văn hóa của Pồn Pông được lan tỏa và trường tồn".

Ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc, ai cũng biết và mến trọng ông Phùng Quang Du, một nghệ nhân tâm huyết với việc bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào Dao Quần Chẹt. Dù tuổi đã ngoài 70, nhưng ông vẫn luôn đau đáu với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc Dao. 

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 7.

Trong suốt nhiều năm qua, ông đã dày công nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng đầy đủ các nghi lễ truyền thống của người Dao quần chẹt. Vào những dịp lễ tết hay mọi "công to, việc lớn" của làng, từ nghi lễ Cấp sắc cho thanh niên, Tết nhảy, cúng đặt tên, cúng cưới hỏi của người Dao, ông Du cũng đều có mặt để hướng dẫn người dân thực hiện các nghi thức truyền thống. 

Những việc làm của ông Phùng Quang Du đã góp phần lan tỏa ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, đồng bào Dao quần chẹt ở phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc nói riêng. Ông Phùng Quang Du, khu Phố Hạ Sơn, thị trấn Ngọc Lặc, huyện Ngọc Lặc chia sẻ: "Lớn lên tôi thấy văn hóa của người Dao bị mai một nhiều, nhất là các lễ hội, lễ tục. Dó đó tôi đã dày công sưu tầm đầy đủ các nghi thức, truyền dạy cho con cháu làng trên xóm dưới để mỗi dịp tết nhảy, tết năm cùng các nghi lễ làm vui bản làng".

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 8.

Thanh Hóa hiện có 66 người được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, 3 người đã được phong tặng nghệ nhân nhân dân. Đây vừa là những chủ thể tiêu biểu trong sáng tạo và phát huy di sản, đồng thời cũng là một thành viên trong cộng đồng. Với khả năng nổi trội trong thực hành nghệ thuật diễn xướng, họ miệt mài cống hiến, sáng tạo, truyền dạy điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống cho lớp cháu con. 

Để phát huy vai trò, đóng góp của đội ngũ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, trong suốt những năm qua, ngành văn hóa tỉnh thông qua các chương trình dự án bảo tồn văn hóa, đã tổ chức gặp gỡ, động viên, mời họ tham gia vào các chương trình bảo tồn các di sản văn hóa truyền thống của cộng đồng dân cử. Đồng thời, qua đó cũng tạo điều kiện môi trường và động lực để họ tiếp tục đóng góp cho việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ông Phạm Văn Đạt, Phó Chủ tịch UBND huyện Ngọc Lặc cho biết: "Huyện Ngọc Lặc vinh dự được phong tặng nhiều nghệ nhân ưu tú, đây là tài sản vô giá để trao truyền văn hóa truyền thống cho thế hệ sau. Vì vậy huyện rất quan tâm tạo điều kiện để các nghệ nhân ưu tú thực hành giá trị văn hóa và khuyến khích họ truyền dạy cho cháu con".

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 6.

Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa có 120 câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian đang hoạt động. Với tâm huyết và sự nỗ lực không mệt mỏi, các thành viên câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian đã tiếp thu tinh hoa từ các nghệ nhân, người cao tuổi để bồi đắp và làm phong phú các giá trị văn hóa phi vật thể. Đồng thời, các câu lạc bộ này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hành và trao truyền các giá trị quý báu đó cho thế hệ trẻ. Có thể kể đến một số câu lạc bộ tiêu biểu, đang có nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả như: câu lạc bộ diễn trò Xuân Phả, huyện Thọ Xuân; dân ca Đông Anh, huyện Đông Sơn; Hò sông Mã huyện Hà Trung; hát chèo thờ Làng Mưng, huyện Nông Cống; biểu diễn séc bùa ở các huyện Ngọc Lặc, Cẩm Thủy….vv

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 10.

Làng Viên Khê nằm ở trung tâm xã Đông Anh cũ, nay là xã Đông Khê, huyện Đông Sơn. Dù ngày nay, cuộc sống hiện đại đã làm đổi thay nhiều thứ, nhưng Viên Khê vẫn giữ được vẻ đẹp thanh bình của một làng quê truyền thống. Mảnh đất này chính là nơi đã sản sinh ra Ngũ trò Viên Khê, thuộc hệ thống 12 trò diễn dân ca dân vũ Đông Anh nức tiếng trong cả nước. Trải qua nhiều biến động thời cuộc, nhờ những nỗ lực của các nghệ sĩ dân gian tâm huyết, giá trị nghệ thuật và sức hấp dẫn của dân ca dân vũ Đông Anh chưa bao giờ phai nhạt. Ngày hôm nay, thế hệ con cháu của họ lại tiếp nối  ngọn lửa đam mê nghệ thuật, gìn giữ giá trị tinh túy của lời ca, câu hát cổ truyền. 

Để có thể biểu diễn thành thục các trò trong hệ thống tổ hợp dân ca dân vũ Đông Anh, dù là nghệ nhân hay các con trò trẻ, đều phải nỗ lực và tâm huyết trong quá trình học hỏi. Chị Lê Thị Cảnh, làng Viên Khê, xã Đông Khê, huyện Đông Sơn cho biết: "Chúng tôi cố gắng bảo ban thành viên câu lạc bộ tập luyện thường xuyên và tham gia biểu diễn khắp các sân khấu. Mong muốn gìn giữ và phát huy dân ca dân vũ Đông Anh".

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 11.

Xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương là nơi phát tích của  nghệ thuật hát nhà trò Văn Trinh. Để gìn giữ giá trị nghệ thuật truyền thống của quê hương, năm 2006, câu lạc bộ "Hát Nhà trò Văn Trinh" ra đời với 20 thành viên và được duy trì cho đến hôm nay. Các thành viên của câu lạc bộ tuy không được đào tạo chuyên nghiệp, nhưng đều được lựa chọn từ những người có năng khiếu âm nhạc trong làng xã. Nhiều ca nương, kép đàn đã được tạo điều kiện tham gia các lớp rèn luyện kĩ năng biểu diễn. 

Phải trải qua nhiều vất vả, khổ luyện, những nghệ sĩ dân gian mới có thể biểu diễn thành thục, truyền tải được tinh hoa của loại hình nghệ thuật tao nhã này. Chị Bùi Thị Nhung, câu lạc bộ Hát Nhà trò Văn Trinh, xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương cũng cho biết các thành viên của câu lạc bộ thường xuyên tổ chức tập luyện để nhuần nhuyễn lời ca, phách đàn phục vụ cho các dịp lễ hội và biểu diễn trong các sân khấu. Anh Nguyễn Ngọc Tính, câu lạc bộ Hát Nhà trò Văn Trinh cũng mong muốn thế hệ trẻ trong làng tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ để học hỏi và bảo tồn hát nhà trò, để nét văn hóa đặc sắc này mãi được bảo tồn và phát triển.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng đồng - Ảnh 12.

Có thể khẳng định rằng, sự dày công sưu tầm, đóng góp của các các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian, các câu lạc bộ dân ca, dân vũ và chính những người dân đang lưu giữ, thực hành các nghi lễ, trò chơi, trò diễn dân gian đặc sắc, đã hỗ trợ quan trọng cho ngành văn hóa trong việc phục dựng, bảo tồn và phát triển nhiều lễ hội, nghi lễ văn hóa truyền thống đặc sắc của các cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh. 

Trong gần 20 năm qua, toàn tỉnh đã tiến hành sưu tầm, khôi phục hàng trăm lễ hội truyền thống, trò chơi, trò diễn, dân ca, dân vũ, ca dao, tục ngữ, truyện thơ của các dân tộc Kinh, Mường, Thái, Dao, Mông. Điển hình như dân ca dân vũ Đông Anh, trò Xuân Phả, hò Sông Mã, chèo cổ làng Mưng …Chỉ tính riêng tại các huyện miền núi, trong10 năm trở lại đây đã triển khai thực hiện 12 dự án bảo tồn văn hóa phi vật thể tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số,  như: Lễ tục làm vía kéo si - dân tộc Mường (huyện Cẩm Thủy); Lễ hội Xên Cung của đồng bào Khơ Mú (huyện Mường Lát); Lễ hội Mường Khô, Căm Mương ( huyện Bá Thước); Lễ hội Đình Thi (huyện Như Xuân); Lễ hội sết Boọc Mạy (huyện Như Thanh), lễ cấp sắc của người Dao...vv.

Bảo tồn văn hóa phi vật thể dựa vào cộng  đồng - Ảnh 15.

Các giá trị di sản văn hóa phi vật thể được sinh ra từ cộng đồng, tồn tại và phát triển dựa vào cộng đồng, để rồi phục vụ lợi ích của chính cộng đồng, làm giầu có thêm đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Đồng thời, đây còn là sợi dây bền chặt kết nối các thế hệ, giữa tiền nhân với thế hệ hôm nay và mai sau, để dòng chảy và mạch nguồn văn hóa không bị đứt đoạn mà trường tồn mãi mãi.

 

Mai Ngọc
Xuân Quang - Văn Tráng
Đức Anh
Minh Hương



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận