Longform
img
Bình minh sau cổng trời- Ảnh 1.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 2.

Nhà của vợ chồng Hờ Thị Dua và Sồng A Lềnh nằm trên đỉnh núi cao của bản Tà Cóm, xã Trung Lý, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa.

6 năm về trước, Hờ Thị Dua từ xã Pù Nhi theo chồng về Trung Lý làm dâu. Bố chồng Dua nghiện ma túy nặng từ vài chục năm nay. Của nả trong nhà đều đội nón ra đi theo những làn khói trắng. Bởi thế, A Lềnh chồng Dua và 11 anh chị em trong nhà đều thất học.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 3.

Ở tuổi 22, Hờ Thị Dua đã là mẹ của 3 đứa con, là chị dâu của một đàn em nhỏ. Không trình độ, không học vấn, không cả những hiểu biết xã hội, nên vợ chồng Dua không có công ăn việc làm. Cuộc sống khó khăn, vất vả, các con của Dua và Lềnh đều không được chăm sóc chu đáo. Còn Dua, ở tuổi đôi mươi, đã chôn vùi ước mơ thanh xuân của mình trong những lo toan vây bủa, và một tương lai bất định đang đón chờ phía trước.

Tà Cóm xa vời vợi...

Tà Cóm khắc nghiệt và nhiều tệ nạn xã hội...

Tà Cóm từng một thời bị mệnh danh là thủ phủ ma túy, khi có tới 1/10 số dân trong bản bị nghiện...

Bà Hạng Thị Sua nhớ lại: "Gần 20 năm trước, hai vợ chồng tôi bắt đầu nghiện ma túy. Đi làm được bao nhiêu tiền là mua ma túy về chích. Con cái đói khổ, nheo nhóc, nhưng vì nghiện nên không chăm lo được. Lúc nghiện thì chỉ nghĩ đến làm sao có ma túy mà chích thôi..."

Ở Tà Cóm, hủ tục lạc hậu và những cơn bão ma túy quét qua bao nhiêu số phận, để lại một bản làng xác xơ, với nỗi ám ảnh khôn nguôi về sự túng quẫn, đói nghèo không lối thoát…

Nhà anh Lương Văn Nàng nằm giữa bản Lách - một bản của người Khơ Mú, thuộc xã Mường Chanh, huyện Mường Lát. Nhà nghèo, vợ ốm, một mình anh vừa lên nương, vừa chăm sóc đàn con nhỏ. Bữa cơm nghèo khó, đạm bạc trải từ ngày này sang ngày khác, khiến những đứa trẻ trong gia đình anh gầy gò, còi cọc, như cái cây trơ trọi bên rừng, mãi không chịu lớn...

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 4.

Nằm dưới chân những ngọn đồi, bản Lách là nơi cư ngụ của hơn 50 nóc nhà, với gần 300 nhân khẩu người Khơ Mú. Ở Thanh Hóa, Khơ Mú là một trong những cộng đồng dân tộc thiểu số ít người nhất, với số dân chỉ khoảng 1.000 người. Tập quán du canh du cư, cùng những hủ tục truyền đời đã khiến một thời, những bản làng Khơ Mú chìm trong bóng đêm của đói nghèo, lạc hậu.

Người Khơ Mú ở bản Lách tin rằng, cuộc sống luôn tồn tại những thế lực siêu nhiên, với nhiều thần linh, ma quỷ. Bởi vậy, trước đây, khi ốm đau, bệnh tật, khi gặp thiên tai, địch họa, người dân lại tìm đến thầy cúng, với niềm tin ngây thơ, những lễ cúng ma sẽ xua đuổi được tai ương ...

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 5.

"Trước đây người Khơ Mú bị quân giặc đánh đuổi nên phiêu dạt khắp nơi, không có quê hương. Bản làng ta phải du canh du cư khắp núi rừng... Ngày ấy, cuộc sống của bản ta nghèo lắm, đói lắm"...

Bên bếp lửa đêm đêm, già làng vẫn nhắc nhớ cho các thế hệ cháu con một thời tối tăm của người Khơ Mú bản Lách, khi mê tín, đói nghèo diễn ra triền miên, dai dẳng…

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 6.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 7.

Nhà của Ly Thị Mai ở bản Sa Lung, xã Mường Lý, huyện Mường Lát. Kết hôn khi chưa đầy 14 tuổi, đến bây giờ, vừa bước sang tuổi 15, Mai đã là mẹ của một cô con gái nhỏ. Ở độ tuổi còn quá trẻ, gánh nặng gia đình đã bắt đầu đè lên đôi vai nhỏ bé, non nớt của Mai.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 8.

Trên những bản làng xa xôi của huyện vùng cao Mường Lát, có biết bao chàng trai, cô gái giống như Ly Thị Mai. Nạn tảo hôn cùng nhiều hủ tục lạc hậu đã biến những đứa trẻ chưa kịp lớn trở thành cha mẹ, biến sự đói nghèo trở thành vòng lặp, và biến những ước mơ vốn rất đỗi bình thường, trở thành một điều gì đó xa thăm thẳm, không thể nào thực hiện…

Để giúp Mường Lát vượt qua khó khăn, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình quan trọng dành riêng cho vùng đất khó khăn này.

Đặc biệt, ngày 29/9/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Nghị quyết số 11 về xây dựng và phát triển huyện Mường Lát đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó, đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Mường Lát thoát khỏi huyện nghèo.

Nghị quyết số 11 ra đời là minh chứng sâu sắc, cho thấy sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hóa đối với huyện vùng cao biên giới Mường Lát.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 9.

Sau hai năm triển khai, Nghị quyết số 11 đã tạo nên luồng gió mới để Mường Lát phát triển toàn diện về mọi mặt, đặc biệt là trên lĩnh vực kinh tế. Những hủ tục dần bị loại bỏ, tệ nạn xã hội dần được dẹp trừ, người dân chăm lo lao động, sản xuất với những mô hình kinh tế mới mang lại hiệu quả cao. Và điều quan trọng nhất, Nghị quyết số 11 đã nhân lên niềm tin, khát vọng để Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát vượt khó, nỗ lực phấn đấu, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 10.

Sáng nay, người dân bản Lách đến nhà văn hóa thôn dự cuộc họp tuyên truyền về việc triển khai nghị quyết 11 về Xây dựng và phát triển huyện Mường Lát, trong không khí phấn khởi, rộn ràng. Nhờ sự quan tâm tâm, vào cuộc của các cấp ủy đảng, chính quyền, người dân bản Lách giờ đây đã dần xa rời các hành vi mê tín, dị đoan, chăm lo làm kinh tế, phát triển bản làng. Trước năm 2016, bản có 100% hộ nghèo, tình trạng thiếu ăn diễn ra liên tục. Còn bây giờ, tỷ lệ hộ nghèo trong bản đã giảm.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 11.

Bản Khơ Mú du canh du cư khi xưa, giờ đã ổn định chỗ ở. Người dân phấn khởi chung tay xây dựng quê hương. Mảnh đất khó nghèo bậc nhất nơi biên viễn xứ Thanh đang bừng lên sức sống mới. Anh Lương Văn Phành, Bí thư chi bộ, trưởng bản Lách, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Được Đảng và chính quyền, nhà nước quan tâm đến Nhân dân và bà con. Bây giờ bà con Nhân dân ở đây có 10% hộ nghèo, bà con và Nhân dân rất phấn khởi, rất vui mừng".

Như mọi tuần, các cán bộ đồn biên phòng Trung Lý và tổ công tác liên ngành lại vào bản Tà Cóm vận động tuyên truyền người dân từ bỏ ma túy, chăm lo làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 12.

Như mọi tuần, các cán bộ đồn biên phòng Trung Lý và tổ công tác liên ngành lại vào bản Tà Cóm vận động tuyên truyền người dân từ bỏ ma túy, chăm lo làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 13.

Bóng ma của cái chết trắng đang dần rời xa bản làng. Những nỗi buồn do ma túy và hủ tục lạc hậu gây nên đang lùi lại phía sau. Những nụ cười đã bắt đầu trở lại trên vùng đất khó. Người dân chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng các mô hình trồng sắn và các mô hình chăn nuôi hiệu quả. Năm 2023, bản đã có 5 hộ thoát nghèo.

Một Tà Cóm bình yên sau bão trắng.
Một Tà Cóm vẫn còn khó khăn, nhưng đã bắt đầu có khát vọng vượt lên đói nghèo.
Một Tà Cóm đang dần đi dần qua bóng tối, để đón niềm hy vọng tươi sáng của sự đổi thay.

Bình minh sau cổng trời- Ảnh 14.

Sáng nay, khi bình minh thức dậy, những em nhỏ của vùng đất phía sau cổng trời lại bắt đầu đến lớp. Các em là mầm non hy vọng của núi rừng biên viễn. Được học tập dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, các em sẽ dần lớn lên, bằng niềm tin, khát vọng, trí tuệ và tài năng, mang ước mơ về thắp sáng những bản làng.


An Thư - Nam Phương
Việt Đức - Minh Tâm
Minh Đức
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận