Bút ký “Tiền đồn bất khuất trấn lưng đồi” - Phần 1 | Lê Vũ Trường Giang | TTV Podcast
Mời quý vị và các bạn nghe Bút ký “Tiền đồn bất khuất trấn lưng đồi” của tác giả Lê Vũ Trường Giang qua giọng đọc của Thùy Dung.
Trong mường ta nghe tiếng ca, tiếng khặp,
Tiếng hát văn, ngâm thơ, ca cẩm,
Tiếng thơ giục giã mời anh lấy em,
Ta thấy bao chàng trai,
Bao cô gái đến bên mường,
Mến yêu mường không rời nửa bước.
Lời dân ca Thái chừng như vang động núi rừng trong một chiều thu sương phủ, gieo vào lòng lữ khách lên miền Quan Sơn biên viễn một chút nhớ nhung, hoài cổ. Từ thuở bé thơ, những bài văn trong sách giáo khoa ca ngợi cảnh đẹp biên cương một dải xanh ngát trời mây đã đọng lại trong tâm trí tôi bao cảm mến. Giữa khung cảnh mộng mơ ấy, hình tượng người lính biên phòng vận quân phục xanh, hiên ngang khoác súng, cưỡi ngựa phi giữa mây ngàn gió núi thật hùng tráng, kiên cường. Chiếc xe công vụ của Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa bon bon chạy trên quốc lộ 217 đưa chúng tôi về hướng cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Thành phố với những tòa nhà cao tầng, những ngã tư sầm uất, những cột đèn giao thông, những dòng người hối hả dần khuất phía sau lưng. Chẳng mấy chốc con đường quốc lộ 217 đi vào giữa lòng núi rừng, hai bên màu xanh che kín. Màu xanh ấy là của rừng vầu, luồng, giang, bương… nhấp nhô đến tận trời xanh. Thỉnh thoảng trên đường đi, tôi lại thấy cái màu trắng ngà của một vách núi thẳng đứng nhô ra khỏi biển cây cỏ xanh tươi, nắng chiều buông đỉnh núi chơi vơi. Dường như ngọn núi bạc đầu năm tháng gió mưa dãi dầu nơi biên viễn còn đây thầm thỉ bước chân người đi mở cõi, bao lớp cha anh gian khổ canh giữ vùng trời biên cương. Tôi chợt nhớ một đoạn văn của nhà dân tộc học R.Rober viết về vùng đất này: "...Ở đó, có những cây cổ thụ đâm lên trời cao, có loài vượn bạc má thường hay dậy sớm nhảy nhót, kêu thét hoặc cuồng loạn đáp lại với mọi thứ tiếng vang vọng đến, có những đám dây leo chằng chéo ở đỉnh những cây to, rũ xuống thành hình vòng tròn hoa trang trí để rồi lại leo lên nữa... Những nơi khác là rừng rậm không ai có thể lọt vào nổi, gồm có cây và cỏ gianh chằng chịt, là nơi trú ẩn của loài cọp và lợn lòi" . Đoạn miêu tả trên khiến tôi bồi hồi, háo hức tìm về đất Quan Sơn với rừng già cổ thụ, những chim thú khơi gợi hình dung chỉ mong một lần được mục sở thị. Quan Sơn thành lập vào năm 1996, được tách từ huyện Quan Hóa thành 3 huyện là Quan Hóa, Quan Sơn và Mường Lát. Tên Quan Sơn là từ ghép chữ Quan, là từ gốc của Quan Hóa và chữ Sơn nghĩa là núi. Tên gọi ấy thật đúng với miền đất nước non hữu tình, cảnh trí trác tuyệt như tranh thủy mặc. Nơi đây cuộc sống yên bình, dân các mường sống chan hòa, giàu tình cảm: Mường Xia, Mường Mìn bắc máng hai sông/ Máng dù nhỏ cũng đủ tưới ruộng mường, cần cù, lam lũ cấy cày để lúa về đầy kho cho năm tháng dồi dào như ước nguyện của người rẻo cao. Toàn huyện hiện có 87.854,6 ha rừng các loại, chiếm 14,6% tổng diện tích rừng toàn tỉnh, độ che phủ rừng năm là 88%, một con số rất ấn tượng. Trữ lượng ước tính có khoảng 2,3 triệu m3 gỗ; 60 triệu cây luồng; 170 triệu cây tre, nứa nên bảo đây lá xứ sở của dòng họ tre, luồng thật đúng biết bao.
Xe chầm chậm leo lên những dốc khốc khuỷu, quanh co, lúc lên tận tầng mây, lúc xuống thung lũng bàng bạc làn khói đốt đồng sau vụ. Có những đoạn đường vầu, luồng men ra tận mép đường, tán giao nhau tạo thành một mái nhà xanh ngát khổng lồ. Rừng chạy theo xe, xe nương theo rừng. Quan Sơn như cõi thiên thai mộng mị khói sương, tưởng là chốn ẩn cư của những dật sĩ hải hồ, những võ hiệp trong các tiểu thuyết trường thiên. Nếu còn sử dụng trúc thư, ắt kẻ bút nghiên reo lên sung sướng. Đến địa phận xã Sơn Điện, một dòng nước xanh trong chảy len qua đá réo rắt tơ đồng. "Sông Luồng đấy!", một người bạn đồng hành nói. Lên tới cửa khẩu Na Mèo mới biết đây chính là nơi bắt nguồn của con sông Luồng chúng tôi gặp một đoạn dưới kia. Từ hai dòng suối Xôi (Nặm Xôi) và suối Pùn (Nặm Pùn) bắt nguồn từ nước bạn Lào chảy vào địa phận xã Na Mèo thì hợp lại tại đó tạo thành sông Luồng, cư dân bản địa gọi là Nặm Luồng. Dư địa chí Quan Sơn cắt nghĩa chữ Luồng này vốn là "Tuộng", nghĩa là chào trong tiếng Thái, qua năm tháng nói chệch đi là Tuồng, tiếng phổ thông gọi là Luồng. Sông Luồng có tên từ đó. Thật ngẫu nhiên làm sao, ở xứ của cây luồng lại có dòng sông mang tên Luồng cùng đồng hiện. Nhưng dù có tên gì thì dòng nước vẫn chảy qua biên giới hai nước, chảy từ Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo rồi đổ ra sông Mã tại hòn Đá Ngang (Cón hín khoáng) sộp Tuồng ngoài hang Ma, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa. Con sông này có tổng chiều dài trên 106km, trong đó 46km chảy qua 4 xã huyện Quan Sơn và gần 60km chảy qua 3 xã của huyện Quan Hóa. Sông chảy theo hướng tây - đông, càng xuống hạ lưu thì lượng nước càng nhiều, sông càng rộng do nhiều con suối có nước đổ vào. Chuyến đi của chúng tôi qua hai đồn biên phòng Na Mèo và Mường Mìn ở Quan Sơn luôn có sự chào đón của dòng sông Luồng nên thơ ấy.
*
Đêm Na Mèo xuống nhanh, chẳng mấy chốc trời đã nhá nhem. Đoàn chúng tôi cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo một đêm giao lưu nồng ấm. Tôi bắt chuyện với Thiếu tá Trần Trung Hiếu (sinh năm 1984), là Phó Đồn phụ trách về vũ trang. Đồng chí Hiếu là người thành phố Ninh Bình, đã có thâm niên công tác 21 năm. Anh đi khắp vùng phía Tây Thanh Hóa, lúc ở Quang Chiểu, khi ở Mường Lát và nay gắn bó với Na Mèo được 3 năm chẵn. Anh bén duyên với cô gái người Yên Định, rồi làm rể xứ Thanh từ đó. "Được khoác màu áo lính biên phòng là niềm vinh dự nhất, là lựa chọn đúng đắn nhất trong cuộc đời tôi. Đời lính xa nhà nhiều vất vả, khó khăn nhưng cũng may là vợ tôi ở nhà rất thông cảm, góp phần tạo điều kiện cho tôi yên tâm công tác", anh nói. Chúng tôi nói rất nhiều chuyện về Na Mèo, về những ngày trong quân ngũ của anh, chuyện về những người lính nước bạn Lào… Câu chuyện lên men cùng sương núi, cùng những vì sao khuya khoắt soi rạng góc trời biên cương. Giữa khuya nhìn lên núi nơi có đường vành đai vẫn có ánh đèn lấp lóa tuần tra. Gà vừa gáy sáng, tôi liền thức dậy theo thói quen tản bộ một vòng Na Mèo. Hàng quán bắt đầu sáng đèn, lửa trong bếp đã đượm. Mùi nước phở thơm lan trong gió, mẻ bánh cuốn đầu ngày bốc khói nóng hổi. Tôi đi ra đoạn đường đèo nơi sông Luồng uốn khúc, một đoạn nữa thôi sẽ đến km38 ngắm bình minh. Sông quanh co uốn khúc, giữa lưng chừng đèo, một cây sung già mọc sát mép nước, quả chín rụng đỏ một bến sông. Mây thu phủ trên đỉnh núi, nhà sàn soi bóng bên sông, gió quyện hương mùa se chật lòng người. Dọc đường, hoa rừng sau đêm đẫm nước mưa rụng xuống từng vạt trắng xóa cả lối đi. Gió sớm lùa vào đám rau cải con thành một vệt dài như vẽ.
Đúng 7h30, đoàn làm việc với Ban Chỉ huy đồn. Thượng tá Dương Thế Anh, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, người con miền biển làm việc cùng chúng tôi tại trụ sở đồn trước khi đoàn chia thành từng nhóm đi thực tế địa bàn. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo được thành lập ngày 01 tháng 5 năm 1959. Đồn có nhiều phiên hiệu trước đó như Đồn 22, 101, 43. Từ năm 1987 đến năm 1991 gọi là Đồn 497. Đến tháng 10 năm 1991, Đồn Biên phòng 497 và Trạm Cảnh sát cửa khẩu Na Mèo được hợp nhất lại thành Đồn Biên phòng Cửa khẩu Na Mèo. Từ năm 2004 đến nay gọi là Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Đồn đứng chân trên tuyến biên giới phía tây của tỉnh Thanh Hóa, giáp huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào. Địa bàn đồn quản lý gồm có 2 xã biên giới là Sơn Thủy và Na Mèo, thuộc huyện Quan Sơn, trước đây gọi là Mường Xia. Dân cư trong địa bàn chủ yếu gồm 4 dân tộc: Thái, Kinh, Mường và Mông, trong đó dân tộc Thái chiếm 80%. Đặc biệt, địa bàn còn có 3 bản người Mông được hình thành từ năm 1990 chuyển cư từ Pù Nhi sang và cũng là 3 bản Mông duy nhất của huyện Quan Sơn. Đối diện với địa bàn hoạt động của đồn là 2 cụm là Mường Pùn và Mường Xôi thuộc huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn, nước bạn Lào. Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo được Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ quản lý bảo vệ 30km đường biên giới, với 15 mốc/12 vị trí; quản lý 01 cặp Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo (Việt Nam) – Nặm Xôi (Lào); bảo đảm an ninh trật tự, xây dựng cơ sở chính trị địa phương và duy trì thực hiện công tác đối ngoại Biên phòng tại Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo. Trong quá trình công tác, Đồn đã đạt được nhiều thành tích góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới, được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Tôi nhìn vào bảng thành tích rất ấn tượng như danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân (năm 1978); Được thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Hai, hạng Ba cùng nhiều phần thưởng cao quý khác của Chính phủ, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Biên phòng, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương. Những thành tích ấy góp phần củng cố xây dựng truyền thống của đơn vị anh hùng - Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo trong thời kỳ đổi mới. Thượng tá Dương Thế Anh cho biết: "Trong những năm qua đơn vị đạt được nhiều thành tựu xuất sắc trên nhiều lĩnh vực công tác bao gồm quản lý bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng chống tội phạm, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, xóa đói giảm nghèo… Đơn vị luôn bố trí cán bộ, chiến sĩ đóng tại đồn, một trạm tại cửa khẩu, và nhiều tổ rải rác ở hai địa bàn xã Na Mèo và Sơn Thủy. Hiện duy trì 15 người dân tham gia công tác bảo vệ đường biên, cột mốc theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ. Về trụ sở, so với thời kỳ trước, cơ sở vật chất của đồn hôm nay đã khang trang, hiện đại hơn". Từ chiều hôm qua và cả một đêm say giấc nồng trong chuyến hành trình khá dài đã được chúng tôi cảm nhận những đổi thay của Đồn. Trong câu chuyện, chúng tôi biết thêm nhiều cán bộ của đồn là những tấm gương điển hình trong công tác. Đó là Thiếu tá Vũ Xuân Thu, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy người có công lao vận động xây dựng bản làng, thành lập 3 bản người Mông và ổn định sinh kế cho họ. Anh đã dày công hướng dẫn bà con làm ruộng nước, khai hoang 7ha ruộng lúa. Do hệ thống thủy lợi còn hạn chế nên chỉ làm được một vụ, cán bộ Đồn đã vận động doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí, lắp thêm đường nước tưới tiêu, nhờ đó bà con làm lúa được 2 vụ, giải quyết tình trạng thiếu ăn tại địa bàn xã Sơn Thủy, trong đó có sự góp công sức của Thiếu tá Lương Văn Khăm, hiện là Phó Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy.
Cuộc gặp mặt có sự tham gia củaThượng tá Hồ Ngọc Thu, Phó Chủ nhiệm chính trị Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Thanh Hóa, từng là Chính trị viên Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Na Mèo. Anh cho biết có nhiều cán bộ khi lên công tác trên đây đã đưa vợ con lên cùng ổn định cuộc sống, nói như cách anh em hay động viên nhau là "cùng gia đình bảo vệ biên giới". Công tác tuyên truyền vận động nếp sống văn minh được cán bộ Đồn đặc biệt chú trọng. Tập tục người dân bản địa chết không có quan tài, để 5-6 ngày ở góc cột, khách đến chấm xôi vào miệng, rất mất vệ sinh, hay hình thức táng người chết bằng cách treo trong hang động… Trước tình hình đó, cán bộ đồn cùng với chính quyền vận động, và với chính sách hỗ trợ 1 người chết 1 quan tài có giá trị từ 6-8 triệu đồng nên hủ tục đó dần biến mất. Thượng tá Thu kể thêm về tấm gương đồng chí Đặng Văn Hòa, quê Quảng Xương, thâm niên 30 năm công tác tại địa bàn, được bà con người Mông nhận làm con và cho họ Chá, mỗi năm được may hai bộ quần áo theo truyền thống gia đình người Mông và được làm vía như một thành viên. Đồng chí Hòa có nhiều thành tích về công tác hòa giải vợ chồng, mâu thuẫn trong quan hệ người dân bản làng, ngăn chặn tình trạng ăn lá ngón, tục tảo hôn... Đồng chí Đặng Văn Hòa để lại một câu chuyện vui cho vùng đất Na Mèo. Một lần nọ, có hai vợ chồng trong bản mâu thuẫn, người vợ dọa ăn lá ngón tự tử. Đồng chí Hòa đến hòa giải, can ngăn, sau khi xem xét tình hình liền dửng dưng bảo: "Kệ, cứ để bà ăn lá ngón, anh có cơ hội lấy người khác đẹp hơn. Sướng!". Người vợ nghe thế nhảy xổ lên: "Còn lâu mới chết được!". Thế là hòa... cả nhà. Đó là niềm vui của những người lính mang quân hàm xanh, vui lây sang cả chúng tôi nụ cười bình dị. Nhưng đâu đó vẫn còn những vết thương lòng gim trong trí nhớ. Thượng tá Thu bồi hồi nhớ lại những năm vất vả, gian khó. Cơn lũ xảy ra ở bản Sa Ná vào tháng 8 năm 2019 là một ám ảnh thê lương. Thời điểm đó, mưa lũ đã làm 23 nhà bị nước cuốn trôi, 11 nhà bị sập, 14 người bị mất tích và chết. Dòng suối Son dài khoảng 15 km chạy quanh các sườn đồi, triền núi trước khi hoàn mình vào sông Luồng ở bản Bo Hiềng đã trở nên hung dữ khi ảnh hưởng mưa bão, tích tụ nước ở thượng nguồn sau đó bất ngờ đổ về cuốn trôi người và tài sản tại bản Sa Ná. Đồng chí Thu cho hay lúc đó Ban chỉ huy đồn được báo cáo sự việc và xác định mục tiêu cao nhất là cứu người. Rất nhiều người chết, nhà mất, tài sản không còn, ruộng nương cũng bị lũ cuốn đi ở cả bản Sa Ná, bản Son. "Tôi chỉ đạo anh em huy động 2,2 tấn gạo, trong đồn còn gì ăn được đều chở ra cứu trợ bà con. Lúc bấy giờ cứu đói là quan trọng nhất". Quả nhiên đó đúng là mệnh lệnh đúng đắn, cần kíp lúc bấy giờ. Đồn giao đồng chí quân y, cán bộ sĩ quan và 7 đồng chí chia làm 3 tổ cắt rừng tìm đường vào bản. Sau nhiều phương án được lựa chọn cuối cùng chỉ duy nhất 1 tổ cắt rừng vào tiếp cận được sau 5,5 tiếng đồng hồ. Tin vui đó khiến cả tỉnh, cả đồn vỡ òa. Tổ công tác ngay lập tức tìm vị trí có sóng điện thoại để liên lạc báo cáo tình hình. Đơn vị cho dồn dân, gom gạo vào những nhà cao ráo để nấu ăn. Ngay sau thông tin thiên tai, rất nhiều bà con nhân dân trong tỉnh, ngoài tỉnh đến hỗ trợ, chia khó. Người dân chia khó rất nhiều đoàn, có thể nói như lễ hội, dòng người xe dọc quốc lộ 217 kín bưng. Lúc đấy, ca nô cao tốc của cảnh sát cơ động ở Sầm Sơn huy động hết để phục vụ lương thực, thuốc men hỗ trợ hết sức cho đồng bào gặp nạn. Ngày nay, đến Sa Ná, khu 51 hộ bị sập, trôi nhà đã chuyển đến khu tái định cư mới để an cư trong niềm vui, phấn khởi. Cơn lũ đã qua, tình người vẫn ở lại, sự cống hiến, hết lòng vì dân của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo khiến chúng tôi cảm động.
*
Được sự giới thiệu của Thượng tá Dương Thế Anh, chúng tôi được bố trí vào bản Cha Khót, một bản sát biên giới với nước bạn Lào, nơi có những người dân hết lòng chăm lo bảo vệ đường biên, cột mốc. Chúng tôi 4 người gồm tôi và 3 anh chị bên Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh Thanh Hóa như chị Minh Quyên, anh Đăng Tuyển và bạn Thanh Thư. Đại úy Thao Văn Vư thuộc tổ công tác tại bản Cha Khót đèo tôi trên chiếc xe honda cùng nhóm đi vào Cha Khót. Vư cho biết anh sinh năm 1989, đã có vợ và hai con. Tôi hỏi Vư: "Vậy gia đình của cậu hiện ở quê hay sao?". Vư trả lời: "Em đưa lên cả đây rồi anh ạ. Cả nhà cùng ra biên giới". Vư cười. Sau khi tốt nghiệp trường biên phòng năm 2012, Vư lên công tác ở Mường Lát rồi về Na Mèo. Vư lập thất với một cô giáo, một mối tình chung thủy 4 năm xa cách và hai vợ chồng xác định gắn bó vùng đất biên cương cho đến bây giờ. Vợ Vư làm giáo viên mầm non ở xã Na Mèo, mọi việc đều nhờ "hậu phương" lo liệu vì đặc thù công việc của lính biên phòng thường xuyên xa nhà. "Chúng em có với nhau hai cháu kháu khỉnh lắm anh ạ. Công việc trên biên giới dù khó khăn thế nào nhưng chỉ cần về nhà nghe tiếng bi bô cười nói của các con là em quên hết mệt nhọc", Vư cười mỗi khi nhắc về những đứa trẻ. Đường vành đai biên giới cứ quanh co, dốc nối dốc, đèo nối đèo ngoạn mục. Chúng tôi đi dưới rừng xanh, đi trong sương trắng, qua suối qua khe cô liêu chảy dưới những vực núi sâu. Nói về bản Cha Khót, Vư cho biết bản hiện có 53 hộ, 214 nhân khẩu, 100% là dân tộc Thái. Bản giáp với huyện Viêng Xay, tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào. Từ Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, chúng tôi vào Cha Khót đi qua quãng đường 14km theo đường vành đai biên giới đã láng bê tông sạch đẹp. Bây giờ đường vào Cha Khót đã rất thuận tiện thay vì đường đất trước đó, chỉ độ nửa tiếng ngồi trên xe máy do Đại úy Thào Văn Vư chở tôi đã vào đến Cha Khót. Dọc đường, rất nhiều bà con đang chặt cây trông giống cây tre, cây luồng. Tôi thắc mắc hỏi đó là cây gì mới biết là cây vầu, bà con đang thu hoạch làm nan giữa đường. Cây vầu có trữ lượng chiếm khoảng 30% tổng trữ lượng vầu, nứa, bường, giang và cây họ tre trúc trong rừng tự nhiên ở Quan Sơn. Loại cây này vừa có lợi kinh tế vừa có lợi cho môi trường, góp phần tích cực trong việc tạo độ che phủ, độ tàn che, chống xói mòn, làm mát không khí. Tôi hỏi Vư giá vầu hiện nay khoảng bao nhiêu? Vư trả lời: "Bà con thu hoạch vầu bán cho thương lái giá tầm 140.000đ – 150.000đ/ 1 tạ. So với những năm trước dịch, giá thấp đi nhiều nên bà con nhiều người không mặn mà khai thác nữa." Chiếc xe ì ì leo lên từng con dốc cao vút. Rừng xanh ngút ngàn, xanh lên non cao, xanh nhoài xuống suối vắng, xanh bao bản làng, xanh ôm nương lúa. Dường như núi rừng nhắn gửi ai về xuôi cho gửi chút màu xanh biên thùy trấn giữ vùng trời tổ quốc bình yên./.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.