Longform
img

Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững

Ngày 21/11, tại Trung tâm hội nghị 25B (TP Thanh Hóa), đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024. Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu quan trọng này.

Kính thưa Đoàn Chủ tịch Đại hội; 

Kính thưa đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc;

Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh;

Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý; Thưa toàn thể Đại hội!

Hôm nay, tôi và các đồng chí lãnh đạo tỉnh rất vui mừng tới dự Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ 4, năm 2024. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong đời sống chính trị - xã hội của đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh nhà; là dịp để biểu dương, tôn vinh những đóng góp to lớn của đồng bào trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng và trân trọng gửi tới đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các vị đại biểu, khách quý, cùng 246 đại biểu ưu tú - đại diện cho hơn 700 nghìn đồng bào các dân tộc thiểu số của tỉnh về dự Đại hội những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân tình và lời chúc tốt đẹp nhất. Chúc Đại hội thành công tốt đẹp! 

Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững- Ảnh 1.

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số (DTTS) tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV - năm 2024.

Thưa các quý vị đại biểu!

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu đặc biệt quan tâm đến vấn đề dân tộc và đoàn kết toàn dân tộc. Người đã dành nhiều tâm huyết để củng cố, vun đắp và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; Người khẳng định:"Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Jrai hay Ê đê, Xơ đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau... chúng ta phải thương yêu nhau, kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu cầu hạnh phúc. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt". Đối với Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh ta, Người luôn dành những tình cảm đặc biệt và sự quan tâm sâu sắc. Người từng nhiều lần khẳng định "Thượng du thắng là Thanh Hóa thắng".

Quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối và chỉ đạo của Trung ương về công tác dân tộc, thời gian qua, tỉnh ta đã ban hành và triển khai nhiều nghị quyết, chỉ thị, cơ chế, chính sách; huy động, lồng ghép nhiều nguồn lực từ các chương trình, kế hoạch, đề án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã phát huy cao độ truyền thống đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn, đạt được những thành tựu quan trọng và toàn diện trên các lĩnh vực. Kinh tế toàn vùng liên tục tăng trưởng, các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ - thương mại đều có bước phát triển; nhiều mô hình phát triển kinh tế mới được triển khai, tạo nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Kết cấu hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của đồng bào ngày càng hoàn thiện. Các lĩnh vực y tế, văn hóa - giáo dục có nhiều tiến bộ. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể, một số vấn đề bức thiết như: Xóa nhà tạm, bố trí ổn định dân cư, chuyển đổi nghề cho hộ gia đình thiếu đất sản xuất… được tập trung giải quyết hiệu quả; tỉ lệ hộ nghèo đến nay còn 6,61%. Quốc phòng - an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững. Hệ thống chính trị cơ sở được tăng cường; công tác xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số được quan tâm, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Khối đại đoàn kết các dân tộc tiếp tục được củng cố, phát huy. Đồng bào dân tộc thiểu số tích cực hưởng ứng, tham gia có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào "Giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững", "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư", "Xây dựng nông thôn mới", phong trào quần chúng tự quản đường biên, mốc giới, gìn giữ an ninh trật tự ở khu vực biên giới… Từ đó đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiêu biểu trên các lĩnh vực, được các cấp, các ngành tuyên dương, khen thưởng.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng ghi nhận, đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương những nỗ lực, cố gắng và những thành tích, kết quả mà cấp uỷ, chính quyền và đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã đạt được trong thời gian qua.

Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững- Ảnh 2.

Đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và các đại biểu dự Đại hội.

Thưa các quý vị đại biểu; Thưa toàn thể Đại hội!

Công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc tỉnh ta có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là trong điều kiện vùng dân tộc miền núi vẫn là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế còn thấp, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm; sản xuất nông, lâm nghiệp còn nhỏ lẻ, manh mún chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh. Quy mô công nghiệp còn nhỏ, tiểu - thủ công nghiệp và các ngành nghề nông thôn phát triển chậm. Kết cấu hạ tầng tuy đã được tăng cường nhưng vẫn còn nhiều yếu kém. Tỉ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo còn ở mức cao; một bộ phận cán bộ, đảng viên và đồng bào vẫn còn tư tưởng trông chờ, thiếu quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo. An ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa bàn còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp, mất ổn định. Việc triển khai thực hiện một số chính sách dân tộc, chương trình mục tiêu quốc gia có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu…

Tôi bày tỏ thống nhất cao với phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2024 - 2029 được nêu trong Báo cáo chính trị và các ý kiến tham luận tại Đại hội. Đề nghị Đại hội tiếp thu ý kiến phát biểu chỉ đạo tâm huyết, sâu sắc của đồng chí Hầu A Lềnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc để cụ thể hóa, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp cho giai đoạn tới. Tại Đại hội, tôi nhấn mạnh, gợi mở thêm một số vấn đề để các đại biểu xem xét, quyết nghị.

Thứ nhất, Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh cần quán triệt, tuyên truyền, tiếp tục thực hiện có hiệu quảcác chủ trương, chính sách về phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là: Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 9 "Về công tác dân tộc trong tình hình mới"; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội và Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ về "Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; 3 chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.Phải xác định công tác dân tộc là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân và cả hệ thống chính trị.

Thứ hai,Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, gắn với nhiệm vụ công tác dân tộc, nhất là giải quyết đất sản xuất, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi; huy động các nguồn lực phát triển kinh tế ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn. Chú trọng đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình thiết yếunhư: giao thông, cấp điện, nước sinh hoạt, thông tin liên lạc, trường học, trạm y tế.

Thứ ba,Phát triển toàn diện giáo dục và đào tạo nhằmnâng cao dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực là người dân tộc thiểu số. Thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt độngcủa hệ thống Trường dân tộc nội trú, các cơ sở dạy nghề, trung tâm học tập cộng đồng ở khu vực miền núi; triển khai thực hiện tốt chương trình đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động; tăng cường trang bị kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện đời sống và nâng cao thu nhập cho đồng bào. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực phát triển sản xuất, xây dựng bản, làng giàu đẹp, văn minh; động viên đồng bào phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên, nhanh chóng hội nhập với sự phát triển chung của tỉnh và cả nước.

Thứ tư, Tăng cường đảm bảo quốc phòng, an ninh,trật tự an toàn xã hội, nhất là khu vực biên giới phía Tây của tỉnh; xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đấu tranh với mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, tự do tín ngưỡng để lừa gạt, lôi kéo, kích động đồng bào các dân tộc thiểu số vi phạm chính sách đoàn kết dân tộc.

Thứ năm, Tập trung củng cố, kiện toàn và nâng cao hơn nữa chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở, gắn với xây dựng xã, thị trấn, thôn, bản vững mạnh toàn diện; tập trung quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển. Nâng cao hiệu quả phong trào "Dân vận khéo", chủ động nắm bắt tình hình đời sống Nhân dân, giải quyết kịp thời các vấn đề phức tạp phát sinh. Tăng cường quản lý, bảo vệ tài nguyên, môi trường; làm tốt công tác phòng, chống thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất.

Để giúp cấp ủy, chính quyền làm tốt những nhiệm vụ nêu trên, Tôi mong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tiếp tục giữ vững tình đoàn kết, nêu cao tinh thần yêu nước, chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực thi đua lao động sản xuất,tự tin, tự lực, tự cường, vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng; chung tay xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa văn minh, tiến bộ; đồng thời tích cực tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở khu vực và địa bàn dân cư, đấu tranh với nạn tàng trữ, buôn bán và sử dụng các chất ma túy, cùng với lực lượng chức năng bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; tích cực tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở.

Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững- Ảnh 3.

Các đại biểu dự Đại hội.

Thưa các quý vị đại biểu; Thưa toàn thể Đại hội!

Tiếp nối và phát huy truyền thống quý báu của dân tộc và quê hương, Tôi tin tưởng rằng, thời gian tới, công tác dân tộc tỉnh ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện;đồng bào các dân tộc sẽ đạt được nhiều thành tích hơn nữa, đóng góp xứng đáng cùng với Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh văn minh và hiện đại, tỉnh giàu đẹp và kiểu mẫu của cả nước.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo tỉnh, tôi trân trọng cảm ơn Ủy ban Dân tộc, các cơ quan Trung ương, trong những năm qua đã luôn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc và chính sách dân tộc; trong thời gian tới, rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm củacác đồng chí.

Một lần nữa, xin chúc các đồng chí đại biểu, khách quý, cùng toàn thể đại biểu dự Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

*****

Nhân dịp Đại hội đại biểu dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ 4, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng Đại hội bức trướng với dòng chữ: "Các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hội nhập và phát triển bền vững".


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận