Longform
img
Cột mốc lòng dân- Ảnh 1.

Bản Suối Tút yên bình nép mình dưới chân dãy Poom Dưới của vùng biên giới Việt - Lào. Trong căn nhà nhỏ, anh Phan Văn San ngồi ôn lại những câu chuyện về cuộc sống đổi thay của người dân bản Suối Tút, về những nét văn hóa của người Dao đỏ và câu chuyện truyền thống gia đình giữ cột mốc vùng biên.

Cột mốc lòng dân- Ảnh 2.

Nhiều năm về trước, người Dao ở Suối Tút sinh sống trên đỉnh Pù Quăn cao ngất, cuộc sống quanh năm luẩn quẩn với đói nghèo và lạc hậu. Một số hộ đã đi tìm vùng đất thấp, bằng phẳng hơn để khai hoang lập ra bản Suối Tút và gắn bó với mảnh đất này. Đoàn người năm đó có cha anh – già làng Phan Văn Xiết. Trong câu chuyện cha anh từng kể lại, đó là thời điểm khó khăn nhất với bản Suối Tút, là khi đất nước vừa thống nhất, bọn phản động lợi dụng tuyên truyền, lôi kéo bà con bỏ bản, theo chúng sang bên kia biên giới với lời hứa về một cuộc sống giàu sang, không vất vả, cực nhọc. Nhiều người lúc đó tin theo, đốt nương, phá nhà cửa, giết trâu bò ăn khao rồi kéo nhau vượt biên. Cả bản ngày ấy mới có 37 hộ thì mất 30 hộ vượt biên. Những hộ còn lại rất nao núng và định đi theo, ngay trong gia đình anh lúc ấy cũng có người rơi vào tâm trạng hoang mang...

Cột mốc lòng dân- Ảnh 3.

Nhưng bằng tình yêu máu thịt với mảnh đất quê hương, cha anh đã báo cáo với bộ đội rồi cùng bộ đội giảng giải, thuyết phục bà con quay trở lại bản sinh sống. Kẻ xấu đã tìm cách trả thù, phá ruộng lúa, nương ngô thậm chí là ném mìn vào nhà nhưng cha anh vẫn kiên cường đấu tranh đến cùng. Cha anh được bầu làm già làng, cùng bộ đội biên phòng tuyên truyền, hướng dẫn bà con dân bản cách làm nương sao cho năng suất, sống đoàn kết, không để kẻ xấu lợi dụng, chăm chỉ làm ăn và bảo vệ đường biên mốc giới.

Cột mốc lòng dân- Ảnh 4.

Truyền thống bảo vệ cột mốc của gia đình anh vốn được bắt đầu từ năm 1980, khi cột mốc G6 (sau này có thêm các cột 285, 286, 287 và 288) được xây dựng, người chú họ của anh là ông Tặng Phú Minh được giao nhiệm vụ trông coi. Tuy nhiên, đến năm 1985, ông Minh ốm nặng rồi qua đời, không còn ai canh giữ cột mốc G6 nên cha anh – già làng Phan Văn Xiết xung phong thay em lãnh trách nhiệm. 

Cột mốc lòng dân- Ảnh 5.

Cột mốc G6, nay là cột mốc 286 và 287 nằm trên đỉnh Poom Dưới, phân định ranh giới giữa bản Suối Tút, xã Quang Chiểu với bản Suối Tung, cụm Súp Hào, huyện Súp Bâu, tỉnh Hủa Phăn (Lào). Để đến được cột mốc này, phải mất non nửa ngày đi bộ, băng qua hơn 5km đường rừng với vô số đèo cao, suối sâu.

Mỗi lần anh Phan Văn Cấu, anh trai anh Phan Văn San sẽ đi kiểm tra cột mốc. Trước mỗi chuyến đi, chị Náy đều dậy sớm chuẩn bị hành trang cho chồng đầy đủ từ cơm nắm, nước uống đến những vật dụng quen thuộc, bởi một chuyến đi rừng có thể mất nhiều giờ. 

Cột mốc lòng dân- Ảnh 6.

Rời khỏi nhà từ khi sương mù còn giăng mắc trên các đỉnh núi, chuyến đi lên cột mốc phải qua nhiều cánh rừng, vượt dốc cao lên đỉnh núi Kéo Táp, cao gần 2.000m so với mặt nước biển để thực hiện nhiệm vụ trông coi, bảo vệ cột mốc. Chuyến đi lần này, anh Phan Văn Cấu có thêm người bạn đồng hành là người con trai. Ngồi bên cột mốc 286, anh Cấu lại kể cho con nghe về truyền thống thiêng liêng của gia đình.

Cột mốc lòng dân- Ảnh 7.

Đều đặn mỗi tuần, anh Cấu và anh San thay phiên nhau lên thăm mốc. Công việc trong mỗi chuyến tuần tra của các anh bây giờ cũng như của cha anh trước kia là phát quang cỏ dại, sơn vẽ lại chính xác thông tin trên cây cột mốc quốc gia và ghi chép những điều bất thường để báo cáo với cơ quan chức năng. Không chỉ tự nguyện bảo vệ đường biên, cột mốc, mỗi lần có cuộc họp dân bản, các anh lại tuyên truyền để bà con hiểu được tầm quan trọng của việc bảo vệ, chăm sóc cột mốc. Các anh còn trực tiếp đến từng hộ dân, gặp từng người để nhắc nhở bà con mỗi lần lên rừng, lên nương là phải lên đến cột mốc quan sát tình hình ngoại biên, nội biên, nếu thấy có gì khác thường thì báo cáo kịp thời cho bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương.

Cột mốc lòng dân- Ảnh 8.

Là người dân ở vùng biên giới, phát huy truyền thống gia đình quyết tâm bảo vệ cột mốc, bảo vệ từng tấc đất quê hương, việc làm ý nghĩa của gia đình anh Phan Văn Cấu, Phan Văn San trong những năm vừa qua đã góp phần bảo đảm sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc và an ninh biên giới. Phong trào này cũng được các đồn biên phòng tỉnh Thanh Hóa phát động sâu rộng đến các gia đình, dòng họ nhằm giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia, đồng thời thắt chặt thêm tinh thần đoàn kết quân dân và tình hữu nghị láng giềng giữa tỉnh Thanh Hóa và tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.


Minh Quyên
Thanh Sơn – Xuân Quang
Khánh Phượng
Đất và người xứ Thanh




Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận