tin ảnh

Ký sự Nhất nghệ tinh- Măng chua Phú Nghiêm

Ai đã từng ghé qua vùng đất Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa có lẽ đều say đắm vẻ đẹp thiên nhiên của nơi này. Trải qua lịch sử phát triển lâu dài, Phú Nghiêm trở thành vùng đất chứa đựng nhiều nét văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc Thái. Được mệnh danh là một trong những thủ phủ tre luồng của Quan Hóa, Phú Nghiêm bạt ngàn màu xanh của những rừng tre, nứa, luồng, vầu…Tre luồng không chỉ che chở cho con người, là nguyên liệu của các vật dụng thiết yếu, mà còn góp phần làm nên một trong những món ăn trứ danh của vùng đất này- đặc sản măng chua. Thu hái, chế biến măng là việc làm quen thuộc, một nghề truyền thống lâu đời của người dân nơi đây.

An Thư - Việt Đức

19/09/2022 09:13

Từ thuở xa xưa, măng chua đã là món ăn vô cùng thân thuộc của bao thế hệ người dân Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa. Ban đầu, chỉ là sản phẩm dùng trong bữa cơm hàng ngày, giờ đây, măng chua Phú Nghiêm đã trở thành một món hàng hóa đặc sản được thực khách nhiều vùng miền ưa thích.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 2.

Đảng bộ, chính quyền xã Phú Nghiêm, huyện Quan Hóa đã khuyến khích người dân tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có, phát triển thương hiệu măng chua; biến món ăn truyền thống này trở thành một sản phẩm có vai trò quan trọng trong xóa đói giảm nghèo.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 3.

Năm 2021, xã Phú Nghiêm đã thành lập Tổ hợp tác xã Tân Thành, bản Chăm, nhằm chuyên môn hóa hoạt động sản xuất, để từ đó, cho ra đời những sản phẩm không chỉ thơm ngon, mạng đậm dấu ấn truyền thống, mà còn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. giản dị và thân thuộc là thế, nhưng để làm ra bình măng thơm hương vị núi rừng, phải tốn biết bao công lênh.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 4.

Nguyên liệu để làm măng chua là thân non của cây nứa. Thời điểm thu hoạch măng nứa tốt nhất là dịp cuối hạ, đầu thu. Khi cơn nóng của mùa hạ sắp qua, những người phụ nữ trong bản sẽ lên rừng đào măng.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 5.

Điểm khác biệt nhất của măng chua Phú Nghiêm so với nơi khác, là măng được lấy từ rừng già Piềng Cú. Đây là cánh rừng tre luồng có từ rất xa xưa, nơi không khí trong lành, cách xa khu dân cư, không chịu ảnh hưởng, tác động môi trường sống của con người. Măng ở đây không chỉ sạch sẽ, mà còn đặc biệt giòn, ngọt. Với kinh nghiệm lâu năm, những người phụ nữ Phú Nghiêm sẽ biết lựa chọn những cây măng ngon nhất, vừa độ nhất để làm món ăn.

Măng lấy về, phải đem chế biến ngay mới giữ được hương vị. Nếu để lâu, măng già, cứng, vị cũng không còn tươi. Thông thường, để có sản phẩm măng chua ngon nhất, phần gốc măng sẽ được bỏ đi, chỉ lấy phần thân và ngọn.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 7.

Những cây măng đạt yêu cầu, kích cỡ không to, cũng không nhỏ quá. Khi vỏ ngoài được bóc hết, thân non trắng nõn lộ ra. Đây là phần duy nhất được sử dụng để chế biến măng chua.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 8.

Sau khi măng bóc xong, sẽ được đem rửa thật sạch bằng nước lọc. Trong khi rửa phải khéo léo, để măng non không bị úng dập, ảnh hưởng đến quá trình chế biến về sau.

Măng rửa xong, sẽ được đem đi thái. Công đoạn này, nhìn thì thật dễ, nhưng lại đòi hỏi sự khéo léo, tinh tế của các bà, các mẹ. Lát măng phải thái sao cho vừa độ mỏng. Kĩ thuật không nhiều, nhưng để có thể thao tác nhanh, gọn, những người phụ nữ Thái ở Phú Nghiêm đã phải trải qua mấy chục năm tự học hỏi, rèn luyện qua lao động. Măng thái đến đâu, ngâm vào nước lọc đến đó. Quá trình ngâm măng kéo dài 8 tiếng, nhằm loại bỏ các độc tố, giúp măng ngọt, trắng và giòn hơn.

Thái và ngâm xong, măng sẽ được để ráo, chờ ủ chua. Hiện nay, để đảm bảo an toàn thực phẩm, nước ủ măng phải là nước lọc thật sạch, đem đun sôi trên bếp lửa. Khi nước sôi, nhắc xuống khỏi bếp, để cho nguội bớt rồi pha muối. Tỉ lệ muối phải thật hài hòa, làm sao để nước không nhạt quá, không mặn quá.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 11.

Nước đun sôi pha muối để nguội mới cho măng vào ủ. Ngày nay, do sản xuất với số lượng lớn, măng chua Phú Nghiêm thường được ủ trong các bình có kích thước lớn. Dụng cụ ủ măng luôn được rửa sạch sẽ, tráng qua nước sôi. Khi ủ, măng phải luôn được nén chìm dưới nước, để tránh bị đen.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 12.

Măng ủ đúng kĩ thuật, sau một tháng có thể lấy ra ăn. Nhưng để măng thơm đậm vị, thì thời gian ủ phải từ 6 tháng đến 1 năm. Khi bán, măng thường được chiết sang các bình nhỏ, để thuận tiện cho việc giao dịch đến tay khách hàng. 

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 13.

Như vậy, để có được một bình măng chua đặc sản Phú Nghiêm, phải mất hàng năm trời ngâm ủ. Bình măng thành phẩm tròn vị, đậm đà, bởi chứa đựng công sức và cả tấm lòng của những người phụ nữ trên vùng đất này.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 14.

Hiện nay, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Phú Nghiêm đang nỗ lực xây dựng thương hiệu măng chua; hoàn thiện các khâu sản xuất; tìm và mở rộng thị trường, phấn đấu để sản phẩm này được chứng nhận OCOP cấp tỉnh trong năm 2021.

Đặc sản núi rừng Thanh Hóa: Măng chua Phú Nghiêm - Ảnh 15.

Phú Nghiêm là xã duy nhất của huyện Quan Hóa đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao. Nếu sản phẩm măng chua đạt chứng nhận OCOP sẽ tạo động lực để Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Khi đã có thương hiệu, hương vị núi rừng của măng chua Phú Nghiêm càng có cơ hội lan tỏa đến nhiều vùng miền trong cả nước.

Thực hiện: An Thư - Việt Đức _ Trình bày ảnh: Minh Hương
Nguồn: Ký sự Nhất nghệ tinh phát sóng 1.11.2021

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận