Longform
img
DANH THƠM "QUẾ NGỌC - CHÂU THƯỜNG" - Ảnh 1.

Nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa, cách thành phố Thanh Hóa gần 60km, Thường Xuân là nơi quần cư sinh tụ của 3 dân tộc: Thái, Mường, Kinh. Ngoài vẻ đẹp thiên nhiên nên thơ hữu tình, Thường Xuân còn nổi tiếng với nền văn hóa lịch sử dày sâu; nơi chứa đựng những di tích, công trình lịch sử tâm linh, những phong tục tập quán độc đáo của đồng bào các dân tộc anh em.

Nằm ở hữu ngạn sông Chu, Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt là một trong những địa danh có sức hấp dẫn đặc biệt đối với những người ưa thích việc hành hương, vãn cảnh. Nơi đây có 2 công trình tâm linh nổi tiếng, là đền thờ Cầm Bá Thước và đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 3.

 

Cầm Bá Thước là một thủ lĩnh của phong trào Cần Vương ở Thanh Hóa cuối thế kỷ 19. Cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo mặc dù không giành được thắng lợi, nhưng đã khẳng định lòng yêu nước và ý chí quật cường của người dân miền Tây xứ Thanh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Sau nhiều lần giặc Pháp mua chuộc không thành, năm 1895, ông đã bị địch xử tử ngay trên mảnh đất Châu Thường khi tròn 37 tuổi.

Hai công trình tâm linh nổi tiếng: Đền thờ Cầm Bá Thước và Đền thờ Bà Chúa Thượng Ngàn.

Còn Bà Chúa Thượng Ngàn là nhân vật dân gian sinh ra vào thời nhà Trần, có công cứu khổ cứu nạn dân chúng nên được phong thánh cai quản vùng đất này. Hằng năm, vào dịp tết đến, xuân về, không khí lễ hội tại Khu di tích lịch sử văn hóa Cửa Đạt diễn ra tưng bừng rộn rã. Du khách thập phương về dự lễ vừa để tưởng nhớ tiền nhân, vừa được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên giao hòa.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 5.

 

Ngay gần đó là công trình thủy điện Cửa Đặt hùng vĩ, mặt hồ rộng 3.300 ha với đáy nước trong xanh in bóng núi non tạo nên khung cảnh trầm mặc và hữu tình. Du khách có thể đi thuyền hơn 1 giờ đồng hồ để thưởng ngoạn cảnh sắc lòng hồ Cửa Đặt, sau đó đi bộ khoảng 300m, Thác Hón Yên hiện ra với những dòng nước trắng xóa như những dải lụa giữa trời, đến đây du khách như lạc vào xứ thần tiên, chỉ muốn được ở mãi không muốn về.

Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có thể xem là "món quà" vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho Thường Xuân và cho Xứ Thanh. Với tổng diện tích hơn 63.000 ha, khu bảo tồn có 5.000 ha rừng nguyên sinh, hơn 1.000 loại động, thực vật. Hệ thống thác nước chảy ra từ các đỉnh núi cao đã tạo cho Xuân Liên một vùng sinh thái đẹp, trong lành.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 6.

Những bản làng truyền thống, mang đậm dấu ấn văn hóa của đồng bào Mường – Thái hòa cùng vẻ đẹp thiên nhiên thuần khiết là tiềm năng to lớn để Thường Xuân phát triển du lịch cộng đồng.

Bản Mạ, nay là khu phố Thanh Xuân, thị trấn Thường Xuân nằm bên dòng sông Chu thơ mộng. Vượt qua cây cầu treo, du khách sẽ được chiêm ngưỡng không gian yên bình, mộng mơ với những mái nhà sàn, những thửa ruộng bậc thang tạo nên khung cảnh bình yên, trữ tình.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 7.

Đồng bào Thái ở đây sống quây quần đoàn kết, hiền hậu và mến khách, đặc biệt người dân vẫn còn lưu giữ được nét văn hóa đặc sắc của mình như: Hát khặp, múa sạp, cồng, chiêng và khua luống. Du khách đến đây, ngoài trải nghiệm cuộc sống, văn hóa của người Thái, còn được gia chủ thết đãi nhiều món ngon, là ẩm thực độc đáo của địa phương như: Canh uôi, măng rừng, canh đắng, thịt trâu gác bếp, cá nướng, các loại chẻo. Đặc biệt là các loại đặc sản như: Cá mướn, cá sứt mũi, cá thiết lình, cá lăng, cá leo, lợn cỏ, gà đồi... Hiện nay hoạt động du lịch cộng đồng tại bản Mạ đang ngày càng khởi sắc. Địa danh bản Mạ dần trở thành một điểm đến hấp dẫn với du khách trong tỉnh và trong nước.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 8.

 

Mặc dù tiềm năng, lợi thế lớn nhưng để nơi đây trở thành điểm đến du lịch thu hút du khách cần rất nhiều sự nỗ lực, chung tay của các cấp, ngành và đặc biệt là những nhà đầu tư.

Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch, huyện Thường Xuân đã xây dựng Đề án Phát triển du lịch cộng đồng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó huyện sẽ tăng cường phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch Thanh Hóa trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời tiến hành các hoạt động khảo sát điểm đến, tour, tuyến; tham vấn phát triển du lịch; xây dựng chương trình tour và ký kết hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành.

Thời gian qua, nhiều hội nghị giới thiệu, tuyên truyền về văn hoá dân tộc Mường, Thái trên địa bàn huyện Thường Xuân đã được tổ chức với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm hình thành tour, kết nối tour, xu thế hình thành sản phẩm du lịch từ loại hình văn hoá và thị hiếu khách du lịch đối với thị trường du lịch cộng đồng. Đây cũng là dịp để các học viên tham gia trao đổi, chia sẻ và học hỏi được những kinh nghiệm về lĩnh vực phát triển du lịch cộng đồng, từ đó có phương pháp, cách thức tốt nhất trong việc gìn giữ, tuyên truyền, quảng bá để phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 10.

Thường Xuân đang thay da đổi thịt, du lịch Thường Xuân cũng đang dần khởi sắc. Những nỗ lực của chính quyền và người dân địa phương đang tạo động lực để Thường Xuân cất cánh, để vùng đất danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" thực sự là vùng đất đáng sống và đáng để ghé thăm.

Danh thơm "Quế ngọc - Châu Thường" - Ảnh 11.


Minh Quyên
Đức Anh
Minh Hương

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận