Longform
img

Dấu ấn khởi nghĩa Bà Triệu trên vùng đất xứ Thanh - Ảnh 2.

 

Làng Yên Thôn nằm bên dòng sông Mã, ngay dưới chân núi Quan Yên thuộc quận Cửu Chân xưa, nay thuộc xã Định Tiến, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Địa thế của làng rất đẹp, với hình sông dáng núi thơ mộng, thiên nhiên trời đất giao hòa. Năm 226, vùng đất sơn thủy hữu tình này đã chứng kiến sự ra đời của người con gái mang tên Triệu Thị Trinh hay còn gọi là Triệu Trinh Nương, để rồi sau này trở thành vị liệt nữ làm rạng danh quê hương, đất nước. Câu nói bất hủ của Triệu Trinh Nương "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở Biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người" đã hun đúc nên truyền thống anh hùng, bất khuất trong chống giặc ngoại xâm suốt chiểu dài lịch sử của dân tộc.

Dấu ấn khởi nghĩa Bà Triệu trên vùng đất xứ Thanh - Ảnh 2.

Theo các các cụ cao niên làng Yên Thôn, bãi sông này trước kia gọi là "cánh đồng Kho", tương truyền là nơi đặt kho quân lương của Bà Triệu. Trước những năm 50 của thế kỉ XX, đây là một ngôi làng nhỏ thuộc Yên Thôn. Đền thờ Bà Triệu được lập ở đây, nhân dân địa phương nhang khói thời tự quanh năm. Do sự bồi lở của dòng sông Mã, làng và đền xưa không còn nữa, những ngày hội đền náo nức nay chỉ còn trong ký ức.

Sau này, khi Đền thờ Bà Triệu không còn, dân làng Yên Thôn đã chọn Nghè Trúc linh thiêng nằm ở lưng chừng núi Quan Yên để thờ Bà cùng thần hoàng làng. Khi nghè Trúc bị hư hỏng, Chính quyền và Nhân dân địa phương đã tổ chức quyên góp, phát tâm công đức, xây dựng nghè mới khang trang như hiện nay. Hàng năm, vào ngày 21/2 âm lịch, dân làng đều tổ chức rước kiệu, tế lễ để bày tỏ lòng biết ơn đối với Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, người con ưu tú đã sinh ra trên mảnh đất này. Vùng đất xứ Thanh thấm đẫm những câu chuyện lịch sử, những huyền tích đẹp về Nữ vương Triệu Thị Trinh và cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm do Bà lãnh đạo.

Ngược dòng lịch sử cách đây gần 2 thiên niên kỉ, dãy núi Ngàn Nưa hùng vĩ đã được Triệu Trinh Nương lựa chọn để xây dựng căn cứ địa khởi nghĩa. Trong tầm nhìn của vị Nữ tướng tài ba, dãy Ngàn Nưa có vị trí quân sự chiến lược, có thể đạt được hai mặt tiến công và phòng thủ toàn diện. Dựa vào các thung lũng và eo núi, Bà chiêu mộ binh sĩ, rèn binh luyện tướng để chuẩn bị kéo quân về thành Tư Phố tiêu diệt giặc Đông Ngô.

Dấu ấn khởi nghĩa Bà Triệu trên vùng đất xứ Thanh - Ảnh 3.

 

Ngày nay trên dãy núi Ngàn Nưa vẫn còn một số địa danh được lưu truyền gắn với khởi nghĩa Bà Triệu như: giếng Tiên là nơi lấy nước uống cho nghĩa quân, Bãi Bò là nơi Nữ tướng luyện binh và mổ bò khao quân; Eo En, nơi Bà cùng binh sĩ tập bắn cung nỏ… Đặc biệt, trong gian trưng bày của chùa Am Tiên trên đỉnh núi Nưa có rất nhiều binh khí bằng đồng như dao, mũi tên do nhân dân đào được xung quanh chân núi. Các nhà khảo cổ đã giám định và cho rằng những binh khí này có niên đại từ 1700 - 2000 năm, phù hợp với thời điểm diễn ra cuộc khởi nghĩa Bà Triệu vào năm 248 sau công nguyên. Dưới chân núi và trên đỉnh Am Tiên hùng vĩ này đều có những điểm thờ tự linh thiêng, ghi nhớ công đức của Bà Triệu và các tướng sỹ, đã làm nên cuộc khởi nghĩa oai hùng bảo vệ giang sơn.

Dọc theo dãy Ngàn Nưa bát ngát có rất nhiều địa danh, công trình tâm linh gắn với các truyền thuyết dân gian về cuộc khởi nghĩa của Vua Bà. Riêng xã Trung Thành, huyện Nông Cống có tới hai ngôi đền thờ Bà Triệu tại làng Yên Dân và làng Đông Yên. Xung quanh ngôi đền ở làng Yên Dân có nhiều điểm gắn với cuộc khởi nghĩa như: bãi đất trống tương truyền là nơi Bà Triệu luyện quân, đầm lầy có hòn đá Thùng Voi là nơi Bà thu phục voi dữ. Cách đó không xa là đền thờ Triệu Quốc Đạt, anh trai Bà. Hai ngôi đền nằm trong không gian sơn thủy hữu tình, vừa giản dị, bình yên, vừa linh thiêng, trầm mặc. Riêng với đền thờ tại làng Đông Yên, trước kia khu vực xung quanh, người dân đào được khá nhiều trống đồng và các binh khí bằng đồng, minh chứng rõ nét về căn cứ địa của cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm xưa. Hiện nay, hai ngôi đền linh thiêng, giàu huyền tích gắn với vị Nữ tướng Triệu Trinh Nương đã được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh, được xác định là điểm đến tâm linh trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện Nông Cống trong tương lai.

Dấu ấn khởi nghĩa Bà Triệu trên vùng đất xứ Thanh - Ảnh 4.

Từ núi Quan Yên đến Ngàn Nưa, những vùng đất thiêng đã sinh ra Triệu Thị Trinh và bảo bọc nghĩa quân của Bà trong những ngày đầu gian khó; để rồi, khởi nghĩa dần lớn mạnh, tiến về xuôi và làm nên những chiến công oanh liệt tại căn cứ Bồ Điền, nay thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc. Mảnh đất Bồ Điền trong lịch sử đã được Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh chọn để xây dựng căn cứ địa thứ 2, đồng thời cũng là nơi chứng kiến trận đánh cuối cùng và sự hy sinh oanh liệt của Bà.

Ngày nay, xã Triệu Lộc cũng là nơi lưu giữ nhiều công trình tâm linh thờ Bà Triệu có quy mô lớn. Nằm dưới chân núi Gai, thuộc thôn Phú Lộc, xã Triệu Lộc, đền Bà Triệu là công trình lớn nhất trong cả nước, thờ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Qua hàng ngàn năm, sau rất nhiều lần xây mới, trùng tu, tôn tạo, đền có diện mạo như ngày nay. Đền Bà Triệu được xây dựng theo kiến trúc đền thờ truyền thống của vùng đồng bằng Bắc Bộ, với bố cục tổng thể từ ngoài vào trong: Cổng ngoại, hồ nước, bình phong, cổng nội, tả hữu mạc, tiền đường, trung đường và hậu cung. Không gian Kiến trúc đền Bà Triệu được bố cục hài hòa, uyển chuyển, tạo nên vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng.

Nằm trong quần thể Khu di tích Quốc gia đền Bà Triệu còn có nhiều di tích vệ tinh, ghi dấu ấn về cuộc khởi nghĩa do Bà lãnh đạo. Đỉnh núi Tùng tương truyền là nơi Nữ Vương Triệu Thị Trinh hi sinh để giữ trọn khí tiết; nơi đây Nhân dân đã xây lăng mộ Bà, để người liệt nữ này được yên nghỉ giữa không gian bao la của đất trời. Dưới chân núi Tùng còn có ngôi mộ của 3 vị tướng họ Lý người làng Phú Điền đã theo phò Vua Bà đánh giặc. Cách đó không xa là đình làng Phú Điền, được xem là nơi tụ linh, tụ phúc của làng, được xây dựng từ thế kỷ XVII để thờ thành hoàng làng, cũng chính là Nữ vương Triệu Trinh Nương.

Dấu ấn khởi nghĩa Bà Triệu trên vùng đất xứ Thanh - Ảnh 6.

Khu di tích Bà Triệu không chỉ là chứng tích quan trọng, nơi lưu giữ nhiều tư liệu lịch sử và giá trị văn hóa quý giá; mà còn thể hiện lòng biết ơn của lớp lớp cháu con dành cho vị Nữ anh hùng dân tộc. Tháng 12 năm 2014, khu di tích Bà Triệu đã được Thủ tướng chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt.

Mặc dù không đi đến thắng lợi cuối cùng, nhưng dấu ấn cuộc khởi nghĩa Bà Triệu cùng hình ảnh vị Nữ Vương huyền thoại vẫn ghi vào trang sử dân tộc một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của Nhân dân ta. Gần 2 thiên niên kỷ đã trôi qua, thời gian có thể xóa mờ những dấu tích, tên đất, tên người… Nhưng trên mảnh đất Phú Điền xưa, trên đỉnh núi Tùng, Quan Yên, Ngàn Nưa hùng vĩ và nhiều nơi khác ở khắp dải đất xứ Thanh tươi đẹp này, những dấu tích lịch sử, những công trình tâm linh còn đó, nhắc nhở các thế hệ cháu con về công ơn, sự nghiệp oanh liệt của Nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh với non sông đất nước.


Mai Ngọc
Xuân Quang - Linh Sơn
Hồ Hai
Minh Hương



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận