Khi bình minh còn chưa ló rạng, mây mù bao phủ khắp sườn núi, từ mọi nẻo đường, tiếng nói cười, tiếng gọi nhau í ới vang lên như xua tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi sớm mai nơi biên viễn.
6 giờ sáng, không khí của buổi chợ đã trở nên náo nhiệt. Để kịp đến phiên chợ, có người phải đi bộ từ lúc 4h sáng, người thì gùi những mớ rau, người bê rổ bánh, người lại xách con gà, con vịt… Ai nấy đều tất bật tìm cho mình một chỗ ngồi thích hợp để bắt đầu phiên chợ.
Bắt đầu đi vào hoạt động từ năm 2018, từ một ngôi chợ nhỏ, đến nay sau gần 6 năm hoạt động, chợ phiên Nhi Sơn ngày càng càng hoàn thiện về cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa không chỉ của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mường Lát mà còn thu hút đông đảo người dân các huyện Quan Hóa, Quan Sơn tới tham gia.
Nét khác biệt của chợ phiên Nhi Sơn so với các chợ truyền thống ở miền xuôi, đó là phần lớn các mặt hàng đều là những nông sản, đặc sản của núi rừng do bà con tự làm ra.
Gian hàng nông sản thu hút được nhiều người tới mua ngay khi phiên chợ mới bắt đầu. Dễ dàng nhận thấy các mặt hàng rất đa dạng, nhưng số lượng không nhiều. Bởi hầu hết chúng đều được người dân tự sản xuất để phục vụ nhu cầu gia đình, phần dôi dư thì trở thành món hàng trao đổi. Sự đa dạng, phong phú của những hàng hóa mang đặc trưng của miền sơn cước đã làm nên nét độc đáo của phiên chợ.
Với bà Hơ Thị Chông và chị Hơ Thị Dế, bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn, gùi hàng được chuẩn bị cho buổi chợ phiên đều là những sản phẩm được thu hái trên nương, trong vườn nhà và có cả bó hương thơm, sản phẩm gia truyền của gia đình.
10 giờ sáng, ở khắp các gian hàng trong chợ nơi nào cũng tấp nập cảnh bán mua. Người bán thì vui vẻ, người mua thì xởi lởi, không có sự mặc cả về giá, mọi người đều thuận mua, vừa bán.
Hẹn gặp nhau ở buổi chợ phiên, người dân cùng nhau trao đổi và lựa chọn các nông cụ mới thay thế cho các dụng cụ lao động đã bị hỏng, với mong muốn chúng sẽ giúp cho sản xuất thuận lợi, mùa màng bội thu.
Trước kia, khi chưa có chợ phiên, việc tìm mua các nông cụ khó khăn hơn. Từ ngày chợ phiên hoạt động, việc mua nông cụ trở nên dễ dàng, có nhiều mặt hàng được bày bán để người dân thoải mái lựa chọn.
Điểm nhấn tạo nên sự độc đáo của chợ phiên Nhi Sơn không chỉ là sản phẩm hàng hóa đặc trưng của vùng miền mà còn là nét đẹp trong trang phục truyền thống của đồng bào Mông nơi đây. Những phụ nữ xúng xính trong bộ trang phục nhiều màu sắc.
Từ nhiều đời nay, trang phục là một trong những biểu trưng của văn hóa dân tộc Mông. Với các chất liệu như: len, thổ cẩm... dưới bàn tay khéo léo của các mẹ, các chị, đã tạo nên những bộ váy áo rực rỡ sắc màu. Đối với đồng bào Mông, vào dịp lễ tết, hội hè hay gia đình có việc lớn, việc trưng diện những bộ trang phục truyền thống là không thể thiếu. Do vậy, đến ngày chợ phiên, gian hàng quần áo luôn tấp nập người mua bán. Từ người già đến trẻ nhỏ, ai nấy đều say mê lựa chọn cho mình những bộ trang phục đẹp nhất.
Càng về trưa, không khí buổi chợ càng thêm đông vui, nhộn nhịp. Nếu như mọi người dành cả buổi sáng để tham quan, mua sắm thì bây giờ cũng là lúc để họ tìm một chỗ nghỉ ngơi, tự thưởng cho mình những món ăn ngon.
Thắng cố được nấu từ tất cả các bộ phận của ngựa hoặc bò, kết hợp với các loại gia vị đặc trưng của núi rừng tạo nên hương vị độc đáo của món ăn này, khiến ai cũng chỉ một lần thưởng thức là nhớ mãi. Bát thắng cố nóng hổi, thêm chén rượu ngô ấm nồng, cùng bạn bè, người thân hàn huyên tâm sự, chia sẻ vui buồn, cảm thấy cuộc sống có thêm nhiều ý nghĩa.
Để chợ phiên Nhi Sơn vừa phục vụ nhu cầu giao thương, vừa là điểm đến tham quan của du khách yêu văn hóa vùng cao, chính quyền địa phương đã có định hướng quy hoạch lại chợ nhằm tăng cường công năng sử dụng, khai thác có hiệu quả hơn nữa. Bên cạnh đó, tiếp tục tuyên truyền người dân gìn giữ và phát huy những nét văn hóa đặc sắc vốn có của chợ phiên vùng cao.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.