ằm trên địa bàn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên được biết đến là một trong 5 trung tâm đa dạng sinh học lớn của Việt Nam. Giới nghiên cứu chuyên môn đánh giá Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có nhiều loại động, thực vật quý hiếm. Theo thống kê, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên có 1.142 loài thực vật bậc cao (trong đó 35 loài trong sách đỏ Việt Nam, 12 loài trong sách đỏ thế giới), 1.631 loài động vật với nhiều loài quý hiếm như Vượn đen má trắng, Vooc xám... Rừng Xuân Liên còn là nơi có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng với những đỉnh núi cao, hệ thống hang động huyền ảo, thác nước hùng vĩ, cùng những suối nước thiên nhiên, những bãi đá trăm hình vạn dạng... Đến với Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, du khách không chỉ được đắm chìm trong không gian thanh khiết của đất trời, mà còn được cảm nhận những nét văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường ở những bản làng, những điểm di tích lịch sử, tâm linh. Trong những năm gầy đây, du khách đến với khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên nói riêng và huyện Thường Xuân nói chung ngày một đông.
Hoa Hậu Việt Nam H'Hen Niê
Xác định phát triển du lịch là nhiệm vụ trọng tâm, Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đã huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng, xây dựng các phân khu chức năng, bao gồm: khu nghỉ dưỡng cao cấp, khu bảo tồn động thực vật, xây dựng các tour, tuyến du lịch trong khu bảo tồn và kết nối với các tour du lịch nổi tiếng trong tỉnh; đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ gắn với quảng bá hình ảnh du lịch Xuân Liên. Đơn vị đã chủ động tổ chức du lịch sinh thái trong khu bảo tồn, mở 03 tuyến du lịch gồm: Tuyến du lịch khám phá rừng nguyên sinh, cây di sản; tuyến Lòng hồ Cửa Đạt- Thác Hón Yên; Tuyến tắm thác Thiên Thủy- khám phá rừng nguyên sinh; hoàn thiện và đưa vào hoạt động Khu nghỉ dưỡng trạm Kiểm lâm Sông Khao. Việc UBND tỉnh phê duyệt đề án" Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030" và quyết định phê duyệt phương án phát triển bền vững Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên giai đoạn 2021-2030 sẽ mở ra nhiều cơ hội mới để đánh thức tiềm năng về du lịch sinh thái gắn với bảo tồn tài nguyên rừng nơi đây.
Vườn quốc gia Bến En có diện tích tự nhiên hơn 16.500 ha, trong đó có trên 8500 ha rừng nguyên sinh. Nơi đây có hệ động thực vật phong phú và đa dạng, riêng hệ thực vật có trên 462 loài và 125 bộ, trong đó có nhiều loại cây gỗ quý hiếm. Hiện nay, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã xây dựng 8 tour du lịch bằng thuyền để tham quan lòng hồ và các ốc đảo, trong đó tour du lịch thuận tiện nhất là tham quan đảo thực vật - đặc trưng của hệ sinh thái rừng Bến En. Chỉ mất khoảng 15- 20 phút đi thuyền du lịch, du khách đã có thể khám phá những loại cây rừng đặc hữu như lim xanh, vù hương... Đi dạo dưới những tán cây cổ thụ, nghe tiếng hú xa xa của loài vượn, tiếng chim hót và tiếng côn trùng kêu rả rích, khiến du khách có cảm giác như đang được sống giữa ''thời cổ tích". Sau khi đi bộ đã thấm mệt, du khách có thể lên chòi nghỉ chân và phóng tầm mắt ra xa để chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp hùng vĩ của hồ sông Mực.
Có một "Hạ Long" ở xứ Thanh
Để các điểm du lịch xanh phát huy được tiềm năng, lợi thế trong việc thu hút khách du lịch, những năm qua, huyện Như Thanh đã và đang tích cực xây dựng kết nối với các tour, tuyến du lịch tâm linh trên địa bàn. Đồng thời, phát huy hiệu quả các hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tại các điểm du lịch, huyện cũng tăng cường quảng bá, bán sản phẩm đặc trưng của địa phương, giới thiệu và phục vụ những đặc sản ẩm thực như cá mè sông mực, lợn mán, nem chua lợn mán, dúi, gà đồi... Cùng với đó, huyện đã chủ động xây dựng các đề án phát triển du lịch và triển khai thực hiện Chương trình phát triển du lịch huyện giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; đồng thời đang chuẩn bị tốt các điều kiện khi Tập đoàn Mặt trời (Sun Group), Công ty CP Khoáng sản Phong Thủy và các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương.
Ông Đinh Xuân Hướng - Bí thư Huyện ủy Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa
Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được thành lập năm 1999, với tổng diện tích hơn 17.000 ha, thuộc địa phận hai huyện Bá Thước và Quan Hóa. Được thiên nhiên ưu ái, Pù Luông được các nhà khoa học đánh giá là một trong những Khu bảo tồn thiên nhiên có giá trị lớn về khoa học, kinh tế xã hội và du lịch sinh thái. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất ở miền Bắc Việt Nam, với những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn hàng nghìn năm tuổi. Bên cạnh đó, Pù Luông còn lưu giữ nhiều hệ động thực vật quý hiếm có trong sách đỏ như Thông Pà Cò, nghiến, lan hài, voọc, báo gấm, gấu đen…Đến với cảnh sắc của Pù Luông, du khách còn được khám phá những "thiên đường du lịch" hoang sơ giữa đại ngàn mà ai đến cũng vô cùng thích thú như bản Đôn- xã Thanh Lâm, bản Hiêu - xã Cổ Lũng, Cao Sơn - xã Lũng Cao và bản Đông Điểng, Kho Mường - xã Thành Sơn. Trong những năm qua, Bá Thước đặc biệt quan tâm đến việc phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện. Nhiều bản du lịch nằm trong vùng lõi và vùng đệm của khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông được hình thành, hoạt động hiệu quả, trở thành điểm đến hấp dẫn, lý tưởng cho du khách.
Pù Luông phát triển du lịch cộng đồng
Tuy nhiên, trong tương quan so sánh với sản phẩm nghỉ dưỡng biển, thì du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia vẫn chiếm vị trí khá khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân, song điểm yếu cơ bản nhất khiến sản phẩm này vẫn chưa "bật lên" được là hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế, nhất là đường giao thông kết nối nội vùng và ngoại vùng chưa đồng bộ. Trong khi đó, các dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí, y tế, thông tin liên lạc, điện, nước còn thiếu; nguồn nhân lực du lịch hạn chế cả về trình độ và kỹ năng nghề. Ngoài ra, du lịch sinh thái là sản phẩm có khả năng cạnh tranh ở mức trung bình, khả năng phát triển độc lập, nhưng việc liên kết và thúc đẩy các sản phẩm khác vẫn khá hạn chế....
Thanh Hóa là vùng đất có ưu thế tài nguyên thiên nhiên phong phú và đa dạng. Nhiều khu rừng tự nhiên với núi non hùng vĩ đã tạo nên những cảnh sắc thơ mộng huyền bí, mang nhiều sắc thái văn hóa đậm nét. Đây chính là điều kiện thuận lợi, để Thanh Hóa phát huy tiềm năng, biến nơi đây thành thế mạnh trong phát triển du lịch sinh thái./.
Nguồn: Chuyên mục Phát triển du lịch ngày 3/8/2022
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.