Longform
img
Hàm Rồng - một miền thắng tích - Ảnh 1.

Nằm ở cửa ngõ phía Bắc của thành phố Thanh Hóa, Hàm Rồng là vùng đất có địa thế vô cùng trọng yếu trong tiến trình lịch sử xứ Thanh nói riêng và dân tộc nói chung. Khi nhắc tới cầu Hàm Rồng, người Việt nói chung, người quê Thanh nói riêng đều cảm thấy yêu mến, tự hào. Bởi lẽ, cây cầu ấy gắn liền với lịch sử của dân tộc ta trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian lao chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

58 năm về trước, Hàm Rồng trở thành trọng điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ nhằm cắt đứt tuyến giao thông huyết mạch, ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Và sự kiện diễn ra trong ngày mùng 3 - 4/4/1965 tại khu vực cầu Hàm Rồng mãi là "cuộc đụng đầu" ghi dấu ấn đậm nét trên những trang sử vàng của dân tộc. Trong hai ngày này, đế quốc Mỹ điên cuồng sử dụng hơn 300 lượt máy bay, tổ chức thành 12 đợt công kích dữ dội xuống cầu Hàm Rồng. Với khẩu hiệu "Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược", quân và dân Thanh Hóa đã kiên cường chống trả quyết liệt, kết quả "bắn rơi 47 chiếc máy bay, bắt sống giặc lái", bảo vệ an toàn cầu Hàm Rồng, khiến cho dư luận nước Mỹ xôn xao, bạn bè yêu chuộng công lý và hòa bình trên toàn thế giới khâm phục. Mỹ cay đắng thú nhận: "Đó là 2 ngày đen tối của không lực Hoa Kỳ".

Chiến thắng Hàm Rồng ngày ấy là chiến thắng của toàn quân và dân, là hình ảnh đẹp của cuộc chiến tranh nhân dân cách mạng với sự góp mặt của đủ mọi lực lượng: không quân, hải quân, bộ đội cao xạ, dân quân tự vệ và cả những người công nhân cầu trong đội cầu 19/5. 

Cựu chiến binh Lê Xuân Giang, Nguyên Chính trị viên Đại đội 4 Hàm Rồng

Trang sử vàng lấp lánh chiến công của Hàm Rồng đã khép lại cùng lịch sử nhưng bản hùng ca ấy vẫn vang mãi cùng núi sông để rồi những cái tên như: Đồi C4, cầu Hàm Rồng, đồi Quyết Thắng, Đền thờ các bà mẹ Việt Nam anh hùng và các anh hùng liệt sĩ... đã trở thành những điểm đến mang ý nghĩa giáo dục, nêu cao truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "đền ơn đáp nghĩa" và là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Không chỉ đi vào những trang vàng chói lọi của lịch sử dân tộc, từ xa xưa Hàm rồng đã được biết đến là một vùng danh thắng kỳ tú. Trong lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú có viết về Hàm Rồng: "Một dòng sông, một con suối, một quả núi, chỗ nào cũng là danh thắng". Và quả thật, cảnh sơn thủy hữu tình khắp Việt Nam không ít nhưng hiếm có một nơi nào, ngay giữa châu thổ, cận kề đô thị vẫn có núi rộng, sông dài, và thế núi, dòng sông tạo thành một vẻ thiêng liêng, kỳ thú đặc biệt như Hàm Rồng.

Mạch núi Rồng bắt nguồn từ Dương Xá, men theo sông Mã uốn lượn nhấp nhô thành hình rồng, đến đoạn cầu Hàm Rồng ngày nay thì đột khởi thành hình đầu rồng có đủ cả mắt rồng (Long Quang), hàm rồng (Long Hạm), mũi rồng (Long Tỷ)... Bên kia sông là ngọn núi Nít (núi Ngọc) đứng riêng lẻ, tạo thành hình rồng vờn ngọc. Ở nước ta không ít địa danh gắn với hình rồng, nhưng thế núi tạo thành hình một con rồng toàn vẹn đang vờn ngọc như ở Hàm Rồng - Thanh Hóa là độc nhất vô nhị.

Hàm Rồng - một miền thắng tích - Ảnh 3.

Có lẽ cũng chính bởi vậy mà Núi rồng - Sông Mã đã là điểm hẹn cuốn hút du khách, những bậc danh thần như Phạm Sư Mạnh, Lê Quát, Nguyễn Trãi và cả những vị vua thi sĩ như Trần Nghệ Tông, Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông; những danh sĩ Bắc Hà như Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ninh Tốn đến những nhà thơ cận hiện đại như Sầm Phố, Tản Đà, Xuân Diệu, Huy Cận, Trinh Đường và biết bao tài tử giai nhân khác phải nao lòng trước cảnh đẹp thiên nhiên ban tặng nơi đây.

Nằm nép mình bên bờ Nam sông Mã thơ mộng, được bao bọc bởi các dãy núi đá nhỏ, đồi đất thấp nằm xen kẽ lẫn nhau, làng cổ Đông Sơn hiện lên như một bức tranh thu nhỏ của một làng quê Việt Nam truyền thống, mang đậm nét văn hóa lâu đời. Được mệnh danh là một trong những làng cổ đẹp nhất Việt Nam, nơi lưu lại dấu ấn cho cả một giai đoạn lịch sử của nền văn minh Đông Sơn. Cho đến nay, làng cổ Đông Sơn vẫn còn lưu giữ được những nét kiến trúc, văn hóa tiêu biểu của làng quê Việt Nam truyền thống với giếng cổ hơn 2.000 năm tuổi, những con ngõ rêu phong và 13 ngôi nhà cổ ghi dấu thời gian. Mỗi ngôi nhà không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc, văn hóa thẩm mĩ mà ẩn sâu trong đó còn là sự bảo tồn và phát huy nề nếp gia phong, phong tục tập quán…

Để quảng bá rộng rãi nét độc đáo trong những lớp lang văn hóa của làng cổ đến du khách, những năm qua, rất nhiều các hoạt động du lịch đã được triển khai, thực hiện từng bước đưa làng cổ Đông Sơn trở thành điểm du lịch hấp dẫn, trọng điểm trên bản đồ du lịch của thành phố Thanh Hóa. Bên cạnh tuyến du lịch tham quan làng cổ Đông Sơn được đưa vào khai thác từ năm 2019, năm nay UBND phường Hàm Rồng cũng đã tổ chức hoạt động "Tết xưa làng cổ" với mong muốn góp phần giữ gìn và lan tỏa những nét đẹp, giá trị văn hóa truyền thống đồng thời thu hút và gia tăng trải nghiệm cho du khách khi đến với làng cổ Đông Sơn.

Bà Lê Thị Thanh, Chủ tịch UBND phường Hàm Rồng, Thành phố Thanh Hóa

Cùng với các sản phẩm du lịch truyền thống, trong những năm gần đây, Hàm Rồng đang trở thành điểm đến được đông đảo Nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh biết đến bởi một địa danh du lịch, check-in vô cùng hấp dẫn. Nằm ở lưng chừng núi Mướn, thuộc làng cổ Đông Sơn, động Tiên Sơn tựa chốn bồng lai tiên cảnh giữa trần gian với những phiến nhũ đá lấp lánh mang nhiều hình dáng kỳ thú. Bên cạnh vẻ đẹp diệu kỳ của tạo hóa, khu du lịch Động Tiên Sơn còn được ví như "vườn địa đàng" với muôn ngàn sắc hoa rực rỡ, cùng với đó là nhiều trải nghiệm thú vị với nhiều bối cảnh khác để cho ra đời những bức ảnh đẹp.

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, thắng tích Hàm Rồng vẫn còn vẹn nguyên những giá trị về văn hóa, lịch sử cũng như tiềm năng du lịch. Với sự quan tâm của các cấp các ngành, địa phương, thắng tích Hàm Rồng đã và đang trở thành một điểm hẹn lý tưởng của du khách muôn phương.


Đất và người xứ Thanh, PS 9/2/2023
Phương Anh
Mạnh Tuấn
Minh Đức
Khánh Phượng

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận