Longform
img
Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 1.

Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 3.

Thành Nhà Hồ được xây dựng vào năm 1397 dưới triều Trần do quyền thần Hồ Quý Ly chỉ huy, người không lâu sau lập ra nhà Hồ (1400). Với tư cách là kinh đô của nhà nước Đại Việt cuối Trần đầu Hồ, Tây Đô được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản về địa thế, phong thủy, tiền án hậu chẩm đều có hình sông thế núi bao bọc. 

Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 3.

Thành tọa lạc ở vị trí giáp ranh đồng bằng và miền núi, cảnh quan đẹp, sông núi hài hòa, địa hình đa dạng tạo lợi thế về quân sự. Sử dụng tới 20.000 m3 đá để xây dựng và gần 100.000 m3 đất được đào đắp, thành được kết cấu gồm 3 phần: Hoàng thành (nội thành); Hào thành bao bên ngoài, cách chân thành chừng 50m, có tác dụng bảo vệ nội thành và La thành là vòng ngoài cùng.

Chính sử chép: "Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397), Hồ Quý Ly sai Thượng thư Lại bộ kiêm Thái sử lệnh Đỗ Tỉnh về Yên Tôn khảo sát thực địa, đo đạc, đắp thành, đào hào, lập nhà tông miếu, xây đàn thờ thần, mở phố sá lập đường ngõ" (sách "Đại Việt Sử ký toàn thư" của Ngô Sĩ Liên).

Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 4.

Với khối lượng công việc lớn, đặc biệt là việc xây 4 bức tường thành bằng các phiến đá lớn, người xưa chỉ mất 3 tháng. Đó không chỉ là sức lực, đó còn là trí lực tuyệt vời của con người đã đổ xuống và hằn lên công trình này. Trải qua 6 thế kỷ tồn tại, phần kiến trúc bên trong hoàng thành đã bị hủy hoại, vùi lấp hết, song 4 bức tường thành - biểu tượng của Thành Nhà Hồ - vẫn giữ tương đối nguyên vẹn kiến trúc ban đầu, nổi bật với 4 cổng Nam, Bắc, Đông, Tây.

Trải qua hơn 600 năm với những thăng trầm của lịch sử và tác động của thiên tai, địch họa nhưng những bức tường đá nơi đây cơ bản còn khá nguyên vẹn… Vẫn còn vô số bí ẩn về quá trình xây dựng thành bị vùi sâu bên trong những đoạn tường đã mọc đầy cây bụi hay bị chôn chặt dưới chân thành. Những cuộc khảo cổ cho tới nay mới hé lộ phần nào những bí ẩn đó. Dù vậy, vẫn có những bí ẩn đã trở thành huyền thoại… để hôm nay những tour du lịch hành trình tâm linh đã làm cho di tích có hồn và sống lại với thời gian.

Ông Trịnh Hữu Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ

Có một đoạn tường thành không hoàn chỉnh tồn tại hàng trăm năm qua gắn liền với câu chuyện nàng Bình Khương gieo mình vào đá tuẫn tiết theo chồng. Đoạn tường thành oan nghiệt suốt hơn 600 năm qua vẫn sừng sững như không chịu bất kì sự mài mòn nào của thời gian, cũng là nơi bắt đầu tấn bi kịch oan khuất. "Tấm lòng trinh tiết in vào đá/ Lưu mãi muôn đời vạn tiếng thơm"…

Câu chuyện từ hơn 6 thế kỷ chưa bao giờ bị bụi thời gian phủ mờ, cũng như những sự tôn kính của người dân địa phương trước tấm lòng thủy chung, tiết nghĩa của nàng Bình Khương chưa bao giờ phai nhạt. Ngôi đền được dựng lên trong sự cảm thương tấm chân tình nàng Bình Khương dành cho chồng và trong suốt dặm dài thời gian, nhang khói trong đền chưa bao giờ thôi bảng lảng bay lên .

Lần này tới đây, tôi cảm nhận rằng có nhiều thay đổi rất tích cực, giúp tôi hiểu hơn về Thành Nhà Hồ, về Hồ Quý Ly, Hồ Nguyên Trừng, Hồ Hán Thương. Đây cũng là địa chỉ giúp du khách cả nước biết thêm nhiều thông tin về một triều đại ngắn ngủi trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Ông Nông Thành Thông, Du khách đến từ tỉnh Đồng Tháp

Trên hành trình tham quan các di tích tâm linh dọc sông Mã (vùng đệm di sản), ngôi nhà cổ của gia đình ông Phạm Ngọc Tùng là một điểm đến có nhiều dấu ấn đặc biệt. Ngôi nhà này được xây dựng năm 1810, người chủ đầu tiên là cụ tổ 7 đời của ông Phạm Ngọc Tùng. Khi xây dựng ngôi nhà ông giữ chức quan Bát Phẩm của triều đình nhà Nguyễn, người dân địa phương vẫn thường gọi ông là cụ Bát.

Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 8.

Đây là một công trình kiến trúc gỗ nhà ở mang tính chất niên đại, thời đại của kiến trúc dân gian, văn hóa dân gian thế kỷ XIX. Với kết cấu kiến trúc và đường nét chạm khắc tinh xảo, hài hòa tạo cho công trình kiến trúc có sự đồng nhất, bền vững mang đậm tính dân tộc. Ngôi nhà này được UNESCO công nhận là một trong 06 ngôi nhà cổ dân gian truyền thống đẹp nhất Việt Nam cùng với các ngôi nhà khác, như ngôi nhà ở làng Đình Bảng – Bắc Ninh, Hội An -  Quảng Nam, Biên Hòa – Đồng Nai….

Ông Lê Hồng Tâm, du khách tham quan chia sẻ: "Chúng ta bảo tồn di tích này để giáo dục thế hệ sau biết tôn trọng lịch sử, tôn trong sự thật và cố gắng bảo tồn càng được lâu càng tốt".

Dọc theo sông Mã, trong chuyến hành trình tâm linh vùng đệm di sản Thành Nhà Hồ, du khách còn được đến thăm ngôi chùa thiêng có tên gọi Linh Giang. Ngôi chùa lưng tựa vào núi, mặt hướng về phía con sông Mã êm đềm nước chảy, nằm ngay gần với dãy núi An Tôn - một trong những công trường khai thác đá xây Thành Nhà Hồ. 

Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 10.

Linh Giang có nghĩa là "sông linh" hay "sự linh thiêng của một dòng sông". Do đó, ngôi chùa không chỉ mang vẻ đẹp của non nước mà còn là chốn tâm linh, thanh tịnh mang ý niệm về sự che chở, bảo hộ của thần, Phật cho cuộc sống người dân nơi đây. Hiện nay chưa có một tài liệu cụ thể xác định niên đại xây dựng chùa, tất cả chỉ được lưu truyền trong dân gian. Về quy mô, kiến trúc, trước đây chùa Linh Giang được xây dựng trên một diện tích đất khá rộng, bề thế gồm 4 dãy nhà; chùa có gác chuông lớn, liền với gác chuông là tháp... Theo thời gian, biến động lịch sử, chùa Linh Giang trải qua trùng tu, tôn tạo, tuy quy mô, kiến trúc xưa không còn nhưng chùa vẫn lưu giữ được nhiều nét cổ, hiện vật cổ... Với những giá trị lịch sử, kiến trúc riêng biệt, chùa Linh Giang đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh năm 2000.

Hành trình tâm linh trên đất Vĩnh Lộc - Ảnh 11.

Tuyến tham quan các điểm di tích tâm linh dọc sông Mã của Trung tâm Bảo tồn di sản Thành Nhà Hồ đang trong quá trình hoàn thiện. Với hành trình này du khách sẽ có thêm nhiều cơ hội để hiểu và yêu hơn vùng đất ven sông Mã này, góp phần phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của huyện Vĩnh Lộc nói riêng tỉnh Thanh Hóa nói chung.


Đất và người xứ Thanh
Minh Quyên - Huyền Linh
Xuân Sơn
Minh Đức
Khánh Phượng

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận