gày giỗ của lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ, cháu con từ các vùng miền tụ về đông đủ trong căn nhà xưa cũ. Trong các cuộc hội ngộ như thế này, những kỷ vật về một đời hoạt động cách mạng trung kiên của ông được lần giở lại. Để rồi từ đó, niềm tự hào về ông cha, về truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương lại thêm lần nữa được nhắc nhớ và nhân lên trong lòng thế hệ cháu con.
Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ sinh năm 1908, mất năm 1984. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, dù đi nhiều nơi, hoạt động nhiều vùng trong và ngoài tỉnh, song ông luôn gắn bó với mảnh đất Xuân Minh quê nhà. Tất cả những thăng trầm của đời cách mạng đều được ông ghi lại trong cuốn hồi ký Nguyễn Văn Hồ. Dù năm tháng đã đi qua, ông Nguyễn Văn Hồ đã rời xa cõi thế gần 40 năm, song cho đến hôm nay, cháu con vẫn gìn giữ cuốn hồi ký như báu vật riêng của gia đình. Những dòng chữ ố màu thời gian, chứa đựng trong nó ký ức cả một đoạn đời vinh quang, tự hào song cũng nhiều đắng cay, gian khó của một chiến sĩ cách mạng tận hiếu, tận trung với Đảng, với dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Hồ, hay còn có các tên gọi khác là Nguyễn Văn Lãng, Nguyễn Văn Phổ, Nguyễn Thạch, Giang Hồ. Tuổi thiếu thời, ông được cha mẹ cho đi học, và luôn là học sinh giỏi có tiếng của lớp, của trường, được thầy cô, bạn bè yêu mến. Trong quá trình học tập, Nguyễn Văn Hồ được giác ngộ cách mạng từ rất sớm. Tuổi mười tám đôi mươi, ông bỏ học, đứng vào hàng ngũ đảng Tân Việt. Lời thề của ông trong lễ kết nạp được hồi ký ghi rõ: " Đứng trước chí khí thiêng liêng của non sông Việt Nam và cái oai phong lẫm liệt của cách mạng thế giới, tôi xin thề từ nay tôi được vào Đảng, sẽ đem hết tinh thần để phục vụ Đảng và sẵn sàng hy sinh cả tính mạng"…
Hồi ký Cách mạng và một số hình ảnh hoạt động của đồng chí Nguyễn Văn Hồ
Tham gia đảng Tân Việt, ông tích cực tuyên truyền đọc sách báo, học quốc ngữ, dùng đồ nội hóa; giác ngộ và huấn luyện cho nhiều nhân sĩ trí thức. Giai đoạn này, ông bắt đầu được học chủ nghĩa Mác, học viết bài Quốc tế ca; tiếp cận với Tư bản luận, Chủ nghĩa xã hội khoa học, chủ nghĩa tư bản dân quyền, tiểu sử Các Mác, Ăng Ghen… Từ tháng 3 năm 1928, ông được cử giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Đảng bộ Tân Việt tỉnh Thanh Hóa cho đến lúc Tân Việt bị khủng bố.
Giai đoạn 1930-1945, phong trào cách mạng tại Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung phát triển nhanh chóng. Những năm tháng tự do, không bị tù đày, ông Nguyễn Văn Hồ tích cực hoạt động. Khi ở trong thôn xã, lúc về các huyện thị trong tỉnh, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, ông cũng chứng tỏ vai trò của một người lãnh đạo phong trào, một chiến sĩ trung kiên. Khi Tân Việt chuyển hướng hoạt động, thành lập tổ chức cộng sản, ông là một trong những người đầu tiên ở Xuân Minh được chuyển sang sinh hoạt đảng cộng sản. Từ nhóm cộng sản đầu tiên ở làng Phong Cốc, phong trào cộng sản đã nhanh chóng phát triển sang nhiều làng tại xã Xuân Minh, rồi lan ra khắp huyện Thọ Xuân.
Năm 1931, đồng chí Nguyễn Văn Hồ tham gia hội nghị tái thành lập Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa, diễn ra tại làng Hồ Thượng, xã Tân Dân, huyện Tĩnh Gia (nay là phường Tân Dân, thị xã Nghi Sơn). Theo hồi ký của ông, tháng 01/1931, đồng chí Ngô Đức Mậu triệu tập hội nghị đại biểu các huyện tại nhà đồng chí Nguyễn Văn Giảng để tái thành lập Đảng bộ tỉnh. Hội nghị đề ra các nhiệm vụ quan trọng: Phát triển đảng viên và cơ sở Đảng; coi trọng viêc tổ chức các hội quần chúng.
Hội nghị bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 5 đồng chí: Ngô Đức Mậu, Nguyễn Xuân Thúy, Nguyễn Văn Hồ, Nguyễn Văn Giảng, Phạm Tiến Năng và bầu đồng chí Ngô Đức Mậu làm Bí thư. Tháng 4 năm 1931, xứ ủy Trung Kỳ công nhận Tỉnh ủy chính thức và bổ sung thêm các đồng chí Lê Văn Thiệp, Hà Duyên Đạt, Nguyễn Trinh Thụ vào Tỉnh ủy. Thực hiện nghị quyết của Hội nghị, ngay sau đó, tại thị xã Thanh Hóa có rải truyền đơn, tổ chức Nông hội đỏ đã được thành lập ở nhiều nơi.
Giai đoạn 1936-1944, đồng chí Nguyễn Văn Hồ hoạt động cách mạng tích cực. Ông trở thành đồng chí tin cậy, hỗ trợ đắc lực cho nhiều nhà cách mạng nổi tiếng như Lê Tất Đắc, Tố Hữu, Đinh Chương Dương.
Năm 1941, ông Nguyễn Văn Hồ tham gia sự kiện nổi tiếng: Hội nghị Vườn trầu. Ngôi nhà của gia đình ông Nguyễn Xuân Oanh, thôn Phong Cốc, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân là nơi diễn ra Hội nghị đại biểu Đảng bộ tỉnh vào trung tuần tháng 2 năm 1941. Người dân địa phương vẫn gọi nôm na là "Hội nghị vườn trầu", bởi thời ấy khu vườn này cây cối um tùm và có nhiều giàn trầu không che chắn.
Tại đây, các đại biểu đã nghiên cứu Thông báo khẩn cấp của Ban thường vụ TW Đảng và đề ra các nhiệm vụ: Xây dựng lực lượng tự vệ, tiến lên đấu tranh vũ trang; thành lập căn cứ địa cách mạng; phát động phong trào quần chúng; bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chính thức gồm 11 đồng chí, do đồng chí Trần Hoạt làm Bí thư.
Trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí Nguyễn Văn Hồ bị bắt giam 3 lần. Lần thứ nhất diễn ra vào tháng 8 năm 1929, khi tổ chức Tân Việt ở Thanh Hóa bị khủng bố. Ông chịu cảnh tù tội gần một năm. Giữa năm 1931, ông tiếp tục cùng nhiều đồng chí cốt cán của Tỉnh ủy Thanh Hóa bị bắt giam; bị kết án 10 năm khổ sai, giam cầm tại nhà tù khét tiếng bậc nhất lúc bấy giờ - nhà tù Lao Bảo- trong suốt gần 5 năm cho tới khi được thả. Vào khoảng tháng 5/1944, ông bị bắt lần thứ 3, bị giam cầm gần nửa năm, cho tới trước thời điểm Nhật đảo chính Pháp mới được thả. Ba lần bị bắt, bị giam cầm, đọa đày cả thể xác và tinh thần, chiến sỹ cách mạng Nguyễn Văn Hồ vẫn luôn giữ nguyên tấm lòng kiên trung với dân với Đảng, với sự nghiệp Cách mạng. Ở trong tù, ông tích cực hoạt động, tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho bạn tù. Ông và các đồng chí của mình dùng những vần thơ để cùng nhau vượt qua nghịch cảnh, thắp sáng tinh thần lạc quan, giữ nguyên ngọn lửa cách mạng trong lòng.
Tư liệu Nhà đày Lao Bảo (1896-1945)
Nhờ đóng góp của những hạt giống đỏ trung kiên như đồng chí Nguyễn Văn Hồ, phong trào cách mạng tại huyện Thọ Xuân nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung ngày càng lên cao. Đỉnh cao của phong trào là thành công của Cách mạngtháng 8/1945. Cuộc cách mạng vĩ đại ấy đã đưa dân tộc thoát khỏi xiềng xích nô lệ của thực dân phong kiến, trở thành một đất nước độc lập, tự do.
Sau khi khởi nghĩa Tháng 8/1945 giành thắng lợi, ông Nguyễn Văn Hồ cùng một số đồng chí được điều lên làm cố vấn chính trị tại các châu miền núi Thanh Hóa. Năm 1946, ông được cử về tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy Thọ Xuân.
Cho tới bây giờ, dù đã ở tuổi 90, ông Lê Văn Lân, nguyên Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thọ Xuân vẫn còn nhớ những năm tháng được làm việc cùng Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ. Ngày ấy, nhờ khả năng lãnh đạo và được tín nhiệm, năm 1953, ông Nguyễn Văn Hồ được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân. Trong giai đoạn Cải cách ruộng đất 1954-1955, ông từng phải chịu nỗi oan tày liếp, khi bị truy bức tham gia tổ chức phản động. Đến năm 1956, ông mới được minh oan và trở lại làm Bí thư Huyện ủy Thọ Xuân cho tới khi nghỉ chế độ. Dù lúc thăng, lúc trầm, dù khi vinh, khi nhục, song Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ luôn giữ vững tác phong giản dị của một trí thức yêu nước, một chiến sĩ cách mạng trung thành và một đầy tớ mẫn cán của nhân dân.
Ông Lê Văn Lân - Nguyên Phó bí thư thường trực Huyện ủy Thọ Xuân
Do nhiều năm tháng sống trong cảnh tù đày, tra tấn của thực dân - phong kiến, càng về những năm tháng cuối đời, sức khỏe của đồng chí Nguyễn Văn Hồ càng suy yếu. Năm 1984, ông qua đời ở tuổi ngoài 70. Sự ra đi của ông để lại bao thương tiếc đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa; đặc biệt là đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Thọ Xuân.
Sau khi mất, ông được cháu con đưa về an nghỉ tại quê nhà, làng Phong Cốc, xã Xuân Minh. Ngày hôm nay, mộ phần của ông nằm giữa cánh đồng làng Phong Cốc thanh bình. Con cháu, xóm giềng vẫn thường xuyên nhang khói, để tưởng nhớ một người chiến sĩ kiên trung của gia đình, dòng họ và quê hương.
Trong dòng họ Nguyễn ở làng Phong Cốc, không chỉ một mình Lão thành Nguyễn Văn Hồ tham gia hoạt động cách mạng. Gia đình ông có 5 anh chị em, thì có tới 4 người tham gia cách mạng.Con trai ông, Liệt sỹ Nguyễn Văn Hòa hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ.
Ngày hôm nay, căn nhà giản dị mà Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ đã sống những năm tháng cuối đời vẫn còn đó. Đây là nơi để cháu con ông trở về, ôn lại những ký ức đáng tự hào về cha ông, về truyền thống cách mạng của gia đình.Ở đây, mọi kỷ vật đều in đậm bóng dáng của ông. Chiếc tủ này là nơi ông từng ngồi đọc sách, cất giữ những kỷ vật quan trọng của đời hoạt động cách mạng. Chiếc sập gỗ nhỏ là nơi ông nghỉ ngơi.
Những đồ vật giản dị, đơn sơ như cuộc đời bình dị, không tư lợi của nhà cách mạng lão thành.Suốt cuộc đời hoạt động bôn ba, ông Nguyễn Văn Hồ dù gánh vác việc nước, nhưng vẫn luôn làm tròn trách nhiệm của người chồng, người cha. Bởi vậy, dù ông đã ra đi nhiều thập kỷ, ký ức về ông vẫn rưng rưng xúc động trong lòng con cháu.
Trong khu vườn nhỏ, cây bồ kết ông trồng từ lúc sinh thời vẫn xum xuê xanh tốt. Đây là chốn kỷ niệm thiêng liêng trong lòng những người con trai, con gái của ông. Cây gỗ quý, qua nhiều thập kỷ vẫn nguyên vẹn màu xanh, lặng im tỏa bóng,tưởng như ông vẫn còn đây, vững chãi chở che cho cháu con mình, là động lực để họ nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.
Ông Nguyễn Thanh Đại - Con trai Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ
Năm 1993, căn nhà của đồng chí Nguyễn Văn Hồ được công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đây là cách để đất nước, quê hương bày tỏ lòng biết ơn đối với Lão thành cách mạngNguyễn Văn Hồ. Hiện nay, di tích đã xuống cấp, cần được quy hoạch và xây dựng lại, để xứng tầm vị thế di tích cấpQuốc gia, đồng thời, cũng là cách tỏ bày lòng biết ơn của hậu thế đối với một trong những bậc Lão thành cách mạng đáng kính của quê hương Thọ Xuân.
Thôn Phong Cốc, quê hương Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ, ngày nay đã trở thành Thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Xã Xuân Minh nói riêng, huyện Thọ Xuân nói chung ngày một phát triển, là điểm sáng của xứ Thanh trong phát triển kinh tế, văn hóa, ổn định tình hình an ninh chính trị.
Ông Nguyễn Văn Hải - Bí thư Chi bộ thôn Phong Cốc, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân
Để làm nên một Mùa Thu Cách Mạng vang dậy non sông, biết bao "hạt giống đỏ" đã được ươm mầm, biết bao người âm thầm ngã xuống, biết bao người lặng lẽ hy sinh hạnh phúc cá nhân… Tấm gương yêu nước của Lão thành cách mạng Nguyễn Văn Hồ cùng rất nhiều người con ưu tú khác đã góp phần tô thắm truyền thống cách mạng của quê hương Thọ Xuân, của xứ Thanh "địa linh nhân kiệt". Truyền thống ấy đã trở thành động lực, để quê hương đất nước vươn mình trong vận hội mới hôm nay.
Phim tài liệu: Hạt giống đỏ trên quê hương Thọ Xuân
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.