Longform
img


ự hy sinh thầm lặng và vĩ đại của Mẹ Việt Nam cho đất nước đã trở thành những huyền thoại đi vào thi ca, sử sách và lưu truyền trong dân gian. Các Mẹ đã được Đảng, Nhà nước, Nhân dân tri ân và suy tôn bằng danh hiệu cao quý, thiêng liêng:  Mẹ Việt Nam anh hùng!

Huyền thoại Mẹ - Ảnh 1.

Mẹ biết cũng phải có người hy sinh thì đất nước mới độc lập được, nhưng có những lúc thấy con người ta đi về có con có cái, có cháu có chắt... con mẹ chả viền được... mẹ mong chỉ viền một đứa thôi cũng được.

Mẹ Việt Nam anh hùng Hoàng Thị Vạy ở thôn Phong Cốc, xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân đã bao ngày đêm không tròn giấc ngủ vì thương nhớ 2 người con trai là liệt sĩ Nguyễn Văn Tuyển và liệt sĩ Nguyễn Văn Thành. Các anh hy sinh ở chiến trường miền Nam, đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt. 

Mẹ thường mơ thấy 2 anh trong giấc ngủ chập chờn, và thức dậy thắp hương để an ủi chính mình và an ủi vong linh của những người con đã hy sinh vì nước. Ngày các anh đi... Mẹ còn nhớ rõ. Lúc đó các anh còn trẻ lắm, mới 18, đôi mươi. Các anh động viên Mẹ đừng khóc.  Mẹ lại động viên các anh yên tâm lên đường, rồi lặng lẽ khóc thầm. Tuổi đã cao, những ký ức, hoài niệm của Mẹ Hoàng Thị Vạy thường không còn rõ ràng. Có lúc Mẹ mơ hồ giật mình, tưởng tượng tiếng súng giặc thù bắn trúng con mình ngoài mặt trận, mà như bắn vào tim Mẹ nơi quê nhà.

Mỗi buổi chiều về, khi làn khói lam bay trên mái bếp, Mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Miến ở thôn 8, xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn lại ngồi bên thềm nhà nhìn ra ngoài ngõ trông đợi các con trở về.  Đất nước giải phóng đã gần 50 năm rồi, nhưng Mẹ vẫn ngồi đó đằng đẵng chờ đợi, dù biết rằng hai người con trai là liệt sĩ Lê Văn Nhạn và liệt sĩ Lê Văn Yến sẽ mãi mãi không về. Một mình mẹ lặng lẽ suốt bao năm qua, ra ngóng vào trông, đôi mắt đã cạn khô dòng lệ vì thương nhớ. Mẹ nhớ hồi đó, người anh đi trước, 18 tuổi, còn người em đi sau, mới tròn 15. Ra đi rồi không về nữa....Người em hy sinh trước, rồi đến giấy báo tử của người anh. Có nỗi đau nào xé lòng hơn, khi chỉ trong 3 ngày, mẹ nhận về 2 giấy báo tử của 2 con?. 

Huyền thoại Mẹ - Ảnh 3.

Tuổi đời đã gần tròn một thế kỷ, sức khỏe Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Miến đã yếu, đi lại khó khăn hơn và những cơn đau mỏi tuổi già ngày một nhiều hơn. Năm xưa, người mẹ kiên cường này đã từng nuốt nước mắt tiễn con ra mặt trận, nay Mẹ vẫn vẹn nguyên, sắt son một lòng vì nước, biết nén nỗi đau riêng vì cuộc đời chung. Tinh thần ấy, được Mẹ truyền cho thế hệ sau gìn giữ và phát huy. Mẹ gắng sức đến nghĩa trang thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ và thăm phần mộ con mình là liệt sỹ Lê Văn Yến. Hài cốt Liệt sĩ Lê Văn Yến mới  được quy tập về đây 3 năm trước. Còn liệt sĩ Lê Văn Nhạn là anh trai của liệt sĩ Lê Văn Yến thì vẫn chưa tìm thấy mộ.

Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thông ở xã Trường Trung huyện Nông Cống sinh năm 1924. Tuổi già thường hay lẫn, nhưng những câu chuyện về chồng, về con, về cách mạng thì Mẹ vẫn nhớ như in. Qua lời kể của Mẹ, ký ức như những thước phim quay chậm tái hiện một phần lịch sử dân tộc. Cũng như những người phụ nữ khác trải qua chiến tranh, cả cuộc đời Mẹ Thông gắn với sự nghiệp cách mạng của quê hương, đất nước. Chồng đi bộ đội chống Pháp, Mẹ ở nhà nuôi con một mình, rồi lại động viên 5 người con tham gia kháng chiến chống Mỹ và bảo vệ biên giới của Tổ quốc. Hai con trai của Mẹ: liệt sĩ Nguyễn Bá Cường  hy sinh trên chiến trường chống Mỹ năm 1968, liệt sĩ Nguyễn Bá Hoa hy sinh khi làm nhiệm vụ Quốc tế tại Campuchia năm 1981. Hai người con khác  lại noi gương các anh, tiếp tục lên đường nhập ngũ bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Ở vùng quê chiêm trũng “chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn” này, Mẹ Thông đã trải qua những tháng ngày gian truân, nghèo đói. Khi hạt thóc, củ khoai còn thiếu thốn, thì các con của mẹ đã khoác ba lô lên đường. Mẹ vẫn nhớ kỷ niệm năm ấy, khi nghe tin đơn vị huấn luyện đóng quân ở gần nhà, Mẹ gặt lúa mới về, nấu một nồi cơm to để mang lên thăm con trai, hi vọng rằng những nắm cơm gạo mới sẽ ủ ấm lòng con và đồng đội. Nhưng lần đó mẹ không gặp được con. Rồi hai anh lần lượt hy sinh, không để lại di ảnh hay lá thư nào. 

Đã 97 tuổi đời, nhưng hôm nay Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị The ở xã Minh Nghĩa, huyện Nông Cống vẫn cố gượng dậy, được con cháu dìu đến đài tưởng niệm liệt sĩ. Mẹ lần tìm tên chồng, tên con trong tấm bia hơn 100 liệt sĩ của xã Minh Nghĩa đã hy sinh trên các mặt trận.

Huyền thoại Mẹ - Ảnh 4.

Mẹ Việt Nam anh hùng Đỗ Thị The sinh hạ được 4 người con. Chồng mẹ là liệt sĩ Trần Gia Hương hy sinh trong kháng chiến chống Pháp năm 1950, và con trai là liệt sĩ Trần Dương Hoan hy sinh năm 1979 ở biên giới Việt – Lào. Mẹ tiễn chồng, tiễn con ra trận, rồi lại hai lần nhận giấy báo tử. Mẹ lặng lẽ nén nỗi đau để tiếp tục sống, lao động, vượt qua những năm tháng đau thương, vất vả nhất của cuộc đời.

Kết thúc các cuộc chiến tranh cách mạng, Thanh Hóa có 4.630 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, hiện nay chỉ có 96 mẹ còn sống. Để bù đắp những đau thương, mất mát, giúp các Mẹ Việt Nam Anh hùng có cuộc sống tốt hơn, ngoài thực hiện đầy đủ các chế độ ưu đãi của Nhà nước, nhiều năm qua, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã chăm sóc, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng bằng những hành động cụ thể, thiết thực. Những tình cảm chân thành xuất phát từ lòng tôn kính, cùng sự biết ơn sâu sắc đã giúp các Mẹ sống vui khỏe, sống thọ hơn để thấy quê hương, đất nước ngày càng đổi mới và phát triển.

Huyền thoại Mẹ - Ảnh 3.

Theo quy luật đời người, con người ta rồi ai cũng sẽ đến ngày về cùng tiên tổ. Nhưng đối với những Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, câu chuyện cuộc đời và sự hy sinh vô cùng to lớn của các Mẹ sẽ sống mãi với thời gian, trở thành huyền thoại lung linh tỏa sáng, ngàn đời Tổ quốc  ghi công.

Minh Thuý- Linh Sơn- Văn Tráng, Linh Sơn/Phim tài liệu chuyên đề ngày 21.7

Trình bày: Minh Hương


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận