Longform
img

Khởi nghĩa Lam Sơn - Dấu son rực rỡ

Thọ Xuân, nơi khí thiêng tụ hội tạo nên địa linh, trời đất giao hòa sản sinh nhân kiệt. Trong lịch sử, Thọ Xuân là quê hương của không ít vĩ nhân lẫy lừng, trong đó có Lê Lợi - Lê Thái Tổ, anh hùng giải phóng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn huyền thoại, lật đổ ách đô hộ của nhà Minh, xây dựng nền thái bình thịnh trị cho dân tộc. 605 năm trôi qua kể từ ngày Lê Lợi - Lê Thái Tổ dựng cờ khởi nghĩa, hào khí Lam Sơn vẫn còn đó, như dấu son rực rỡ, minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước bất diệt, tinh thần tự lập tự cường của dân tộc Việt Nam.

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 1.

Ngọn núi thiêng Lam Sơn nằm bên dòng sông Chu là đất phát tích của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và vương triều Hậu Lê. Chuyện xưa kể lại: Cụ Tằng Tổ của Lê Lợi là Lê Hối, vốn người huyện Nga Lạc (nay là huyện Ngọc Lặc), một hôm ngao du sơn thủy đến đây, thấy chim chóc tụ họp, cho rằng chỗ này đất tốt nên dời nhà đến ở. Kể từ đó "Con cháu ngày một đông, tôi tớ ngày càng nhiều".

Lê Lợi là hậu duệ đời thứ 4 của Lê Hối. Ông chào đời năm Ất Sửu, 1385 tại quê mẹ, xã Xuân Thắng. Ngay từ nhỏ, ông đã bộc lộ tư chất hơn người, miệng rộng, trán cao, bước đi như hổ.

Khi Lê Lợi đến tuổi trưởng thành cũng là lúc đất nước rơi vào cảnh loạn lạc. Năm 1400, Hồ Quý Ly đoạt ngôi nhà Trần, xây dựng vương triều Hồ rồi đặt tên nước là Đại Ngu. Khi nhà Minh xâm lược nước ta, triều Hồ non trẻ, không tập hợp  được lòng dân, nên đã nhanh chóng thất bại trong cuộc kháng chiến chống ngoại bang. Đất nước ta thêm một lần nữa rơi vào ách đô hộ của phương Bắc.

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 2.

Với lòng yêu nước và ý chí căm thù giặc, mùa đông năm 1416, khi mới ngoài 30 tuổi, Lê Lợi đã cùng 18 bằng hữu lập ra hội thề Lũng Nhai, cùng nhau tuyên thệ: "(Có kẻ) bằng đảng xâm chiếm nước ta… nên Lê Lợi cùng Lê Lai đến Trương Chiến, 19 người chung sức đồng lòng, gìn giữ đất nước, làm cho xóm làng được ăn ở bình yên". Kể từ đó, các anh hùng Lũng Nhai gấp rút chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa chống giặc Minh.

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 3.

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 4.

Khi điều kiện đã chín muồi, ngày 7/2/1418 (tức ngày mùng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất), Lê Lợi dấy binh trên đất Lam Sơn, tự xưng là Bình Định Vương, chính thức phát động cuộc chiến chống giặc Minh, truyền hịch đi khắp mọi nơi kêu gọi nhân dân cùng đứng lên chống giặc. Ngày mồng 2 Tết năm ấy đã đi vào lịch sử dân tộc, như mốc son khởi đầu cho cuộc kháng chiến thần thánh kéo dài suốt 10 năm.

Giai đoạn đầu tiên, từ năm 1418 đến năm 1424, nghĩa quân hoạt động ở vùng rừng núi Thanh Hóa. Đây là quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc khởi nghĩa. Lực lượng nghĩa quân Lam Sơn chỉ có vài ngàn người, thiếu thốn trăm bề, lại bị giặc đàn áp ráo riết. Quân Minh vây đánh nhiều trận, khiến nghĩa quân phải 3 lần rút lui lên núi Chí Linh vào các năm 1418, 1419, 1422.

Tháng 4 Âm lịch năm 1418, trong lần đầu tiên nghĩa quân rút lên núi Chí Linh, giặc Minh vây ráp gắt gao, quân tướng hết lương, tiến thoái lưỡng nan, tình thế vô cùng nguy cấp. Lê Lai một trong số 18 bằng hữu của Lê Lợi đã tình nguyện đóng giả làm chủ soái Lê Lợi, dẫn theo 500 quân cảm tử khiêu chiến với giặc Minh. Ông bị giặc bắt và sau đó hy sinh anh dũng. Quân Minh tưởng đã bắt được Lê Lợi nên nới lỏng phòng bị, nghĩa quân Lam Sơn nhờ đó có điều kiện thoát khỏi vòng vây, chờ thời cơ gây dựng lại lực lượng.

Trong thời khắc nguy nan nhất của cuộc kháng chiến, nghĩa quân Lam Sơn đã được nhân dân đã hết lòng bảo vệ và giúp sức. Núi Lam Sơn - nơi Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa - còn có tên gọi là núi Dầu. Tên gọi ấy bắt nguồn từ một câu chuyện cảm động. Tương truyền, ngày ấy, nghĩa quân bị địch bao vây, cô lập trên đỉnh núi. Có người đàn bà bán dầu, ngày ngày vẫn vượt qua nguy hiểm, đem dầu và lương thực lên tiếp viện cho nghĩa quân. Sau này, bà bị giặc bắt, dù bị tra khảo thế nào, bà cũng nhất định không chịu khai nơi ẩn náu của nghĩa quân. Không khuất phục được người phụ nữ kiên trung ấy, quân Minh đem bà ra hành hình. Bình Định Vương Lê Lợi biết chuyện, vô cùng cảm động, sai quân tìm xác bà, đem về táng tại núi Lam Sơn, và đặt tên cho ngọn núi ấy là núi Dầu. Những câu chuyện về bà hàng Dầu, cô gái hóa Hồ Ly cứu Lê Lợi, vợ chồng ông bà lão nghèo làm cơm đãi quân sỹ... phần nào cho thấy, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ngay từ những buổi ban đầu đã được nhân dân hết lòng ủng hộ và theo giúp.

Năm 1424, theo kế của Nguyễn Chích, Lê Lợi quyết định đưa quân vào đồng bằng Nghệ An. Đây được xem là bước ngoặt chiến thuật quan trọng của nghĩa quân Lam Sơn. Từ khi vào Nghệ An, quân Lam Sơn đánh đâu thắng đó, liên tiếp chiếm các thành trì của địch. Tháng 10 năm 1425nghĩa quân đã làm chủ một phần rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến đèo Hải Vân.

Từ khi vào Nghệ An, quân Lam Sơn đánh đâu thắng đó, liên tiếp chiếm các thành trì của địch. Tháng 10 năm 1425, nghĩa quân đã làm chủ một phần rộng lớn từ Thanh Hóa vào đến đèo Hải Vân.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ (Nguyên Phó viện trưởng Viện sử học Việt Nam) cho biết: "Nguyễn Chích đã từng xây dựng lực lượng chống quân Minh từ năm 1412, ông sử dụng 2 ngọn núi Hoàng và Ngưu làm căn cứ. Sau này khi nghiên cứu, các nhà nghiên cứu sử học đã tìm được rất nhiều dấu vết ở 2 ngọn núi này, mà người ta cho rằng đến năm 1420, Nguyễn Chích đem toàn bộ lực lượng mình đã xây dựng về với Lê Lợi và ông trở thành một rong những tướng trụ cột của Lê Lợi."

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 7.

Tháng 8 năm 1426, Bình Định Vương Lê Lợi quyết định Bắc tiến với 3 đạo quân.

Tháng 8 năm 1426, nhận thấy lực lượng đủ mạnh, Bình Định Vương Lê Lợi quyết định Bắc tiến với 3 đạo quân. Đạo thứ nhất tiến ra phía Tây Bắc, chặn quân cứu viện của địch từ Vân Nam sang. Đạo thứ 2 giải phóng hạ lưu sông Hồng và chặn đường rút lui của địch từ Nghệ An về Đông Quan, đồng thời chặn viện binh từ Quảng Tây sang. Đạo thứ 3 tiến thẳng về Đông Quan. Được sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân giành thắng lợi liên tiếp.

Trước tình thế ấy, nhà Minh vội vã cử quân sang tiếp viện. Năm 1426, viện  binh của nhà Minh do Vương Thông chỉ huy ồ ạt tiến vào nước ta. Nghĩa quân Lam Sơn bày binh bố trận, mai phục địch ở Tốt Động - Chúc Động. Quân Minh lọt hẳn vào vị trí phục kích, bị nghĩa quân đánh cho tan tác. Vương Thông hoảng hốt, vội lui binh về Đông Quan cố thủ. 

Tháng 10 năm 1427, 15 vạn quân tiếp viện của nhà Minh do Liễu Thăng và Mộc Thạch dẫn đầu, chia làm 2 đạo, tiến vào nước ta. Ngày 8/10/1427, Liễu Thăng ào ạt tiến binh vào theo ải Chi Lăng, nhưng bị nghĩa quân phục kích đánh cho tan tác. Nghe tin cánh quân của Liễu Thăng thất bại, Mộc Thạch hốt hoảng vội rút về Trung Quốc. Vương Thông ở Đông Quan, biết đội quân cứu viện thất bại, vội vàng xin giảng hòa và chấp nhận mở hội thề Đông Quan. Ngày 10/12/1427, hội thề Đông Quan diễn ra. Bình Định Vương Lê Lợi cấp lương bổng, tàu thuyền cho Vương Thông dẫn quân về nước. Đất nước ta sạch bóng quân thù, giang sơn thu về một mối.

Nhà nghiên cứu Vũ Duy Mền Cho biết: "Lý ra, theo đề nghị của rất nhiều tướng sỹ và nhân dân lúc bấy giờ là đề nghị giết hết quân Minh vì quân Minh rất tàn ác và gây bao nhiêu tội ác mà Nguyễn Trãi đã nêu trong Đại cáo bình Ngô. Nhưng sau đó ta đồng ý cho họ rút về an toàn, đó là quyết định rất nhân đạo và rất nhân văn, cách kết thúc chiến tranh như thế rất tuyệt vời, thể hiện chủ nghĩa nhân đạo rất cao cả của lãnh tụ Lê Lợi và của nhân dân Đại Việt. Tôi nghĩ đấy là bài học lịch sử cực kỳ quý giá, cho cả chúng ta bây giờ tham khảo."

Nhân dân Đại Việt đồng ý cho tàn quân nhà Minh rút về nước an toàn, không đuổi cùng giết tận.

Mười năm, từ núi rừng Lam Sơn, cuộc khởi nghĩa do Lê Lợi lãnh đạo đã chuyển biến thành cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc vĩ đại, đánh bại một trong những lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới, đập tan ách đô hộ 20 năm của phong kiến Trung Hoa, mở ra một thời kỳ huy hoàng cho lịch sử dân tộc Việt Nam.

GS.TS Nguyễn Quang Ngọc (Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) cho rằng: "Ý nghĩa lớn nhất của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn là giải phóng đất nước ta hoàn toàn khỏi ách đô hộ. Bằng nỗ lực phi thường của anh hùng dân tộc Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn, chúng ta đã dành lại nền độc lập dân tộc, và trên nền độc lập ấy, chúng ta đã xây dựng được một vương triều có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của đất nước."

Nhà sử học Dương Trung Quốc (Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam) nói: "Tôi nghĩ Thanh Hóa có thể tự hào về những thời kỳ lịch sử với những đóng góp của mình cho đất nước. Đặc biệt là khi có một người con của Thanh Hóa đã làm nên một sự nghiệp rực rỡ, đó là chấm dứt 20 năm đô hộ của giặc Minh. Như cụ Phan Bội Châu gọi Đức Lê Thái Tổ là vị Tổ trung hưng thứ 2, sau vị thứ nhất là Ngô Quyền."

Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn giành thắng lợi, ngày 15 tháng 4 năm 1428, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế ở Đông Đô, lấy niên hiệu Thuận Thiên, đặt tên nước là Đại Việt. Ông chính là người đặt nền móng vững chắc đầu tiên, xây dựng vương triều Hậu Lê thịnh trị, kéo dài 360 năm, từ 1428 đến 1788.

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 10.

Từ khi lên ngôi, Lê Thái Tổ đã chủ trương xây dựng quê hương Lam Sơn thành kinh thành thứ hai của đất nước, gọi là Tây Đô (để phân biệt với Đông Đô), sau này đổi thành Tây Kinh. Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời, được đưa về Lam Sơn an táng. Từ đây, Lam Kinh bắt đầu trở thành sơn lăng của triều Hậu Lê. Sau này, để phục vụ cho hoàng tộc mỗi khi về thăm quê, bái yết  sơn lăng, điện Lam Kinh dần được mở rộng, với quy mô to lớn và bề thế.

Qua hơn hơn 600 năm, trải qua bao biến cố và thăng trầm lịch sử, giờ đây, khu di tích Lam Kinh đã được trùng tu xây dựng lại khang trang, lưu dấu một thời kỳ lịch sử huy hoàng của dân tộc - từ khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa cho đến khi xây dựng Đại Việt trở thành một Nhà nước phát triển thịnh vượng nhất khu vực Đông Nam Á.

Nằm phía sau cùng của quần thể di tích lịch sử Lam Kinh là khu lăng miếu đã trường tồn nhiều thế kỷ. Vĩnh Lăng - nơi an táng vua Lê Thái Tổ chưa bao giờ ngớt khói hương của hậu thế. Phía trước lăng là 2 tượng quan hầu và 4 đôi tượng đá đối nhau, hướng về đường thần đạo để canh gác, trấn trạch mộ phần. Cách đó không xa, bia Vĩnh Lăng - một trong những bức văn bia cổ và đẹp nhất Việt Nam - khắc ghi công trạng của Vua Lê Thái Tổ do Nguyễn Trãi soạn năm Thuận Thiên thứ VI. Nhiều thế kỷ đã trôi qua, những lời trên văn bia vẫn còn vang vọng, nhắc nhở cháu con về công lao của vị anh hùng dân tộc Lê Lợi cùng chiến tích lẫy lừng của Khởi nghĩa Lam Sơn.

605 năm sau ngày Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa, trong tâm thức của mỗi người dân xứ Thanh, hình tượng "Lê Lai cứu chúa" cùng câu ca "Hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi" vẫn gợi nên niềm xúc động lớn lao về nghĩa vua tôi thủy chung son sắt. Lễ hội Lam Kinh ra đời là để tưởng nhớ công lao của Lê Lợi, Lê Lai cùng các nghĩa sỹ Lam Sơn thuở nào. Hàng năm, cứ đến ngày 21, 22 tháng 8 âm lịch, lễ hội Lam Kinh lại tưng bừng diễn ra với quy mô lớn. Trong không khí linh thiêng thành kính, đoàn rước kiệu Lê Lợi và Lê Lai, mỗi kiệu từ 16 đến 18 người mặc trang phục áo đỏ, thắt lưng đỏ, quần vàng, khăn vàng… xuất phát từ đền vua Lê Thái Tổ về sân điện Lam Kinh hành lễ. Nghi thức Đại tế gồm 45 người do 3 đội tế nam làng Cham, làng Tép và Xuân Lam phối hợp thực hiện. Ngoài ra, phần lễ còn nhiều nghi thức công phu, được thực hiện bài bản theo lối cổ truyền.

Phần hội tưng bừng với chương trình nghệ thuật, tái hiện các sự kiện trong khởi nghĩa Lam Sơn, như: Hội thề Lũng Nhai, sự tích Lê Lai cứu chúa, giải phóng thành Đông Quan… Phần hội còn mang bản sắc riêng với những trò chơi, trò diễn dân gian đặc trưng của xứ Thanh như trò Xuân Phả, múa rồng, trống hội, dân ca dân vũ Đông Anh… Tất cả những nghi thức, trò diễn ấy đã tái hiện lại không khí bi tráng, hào hùng của một thời kỳ chiến tranh khốc liệt nhưng chất chứa tinh thần yêu nước sục sôi, ý chí kiên cường bất khuất của ông cha.

Khởi nghĩa Lam Sơn - Một dấu son rực rỡ - Ảnh 12.

Hơn 6 thế kỷ, biết bao sự kiện đã lùi sâu vào quá vãng. Thế nhưng, cuộc khởi nghĩa trên đất Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo mãi là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc, trong tâm thức của muôn triệu người dân. Hào khí Lam Sơn, hào khí của tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết và sự hy sinh anh dũng quật cường là bất diệt. Ngày hôm nay hào khí ấy đang trở thành động lực để các thế hệ cháu con người xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung tiếp bước cha ông, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp.


An Thư
Bá Tình - Thanh Sơn - Xuân Sơn - Sỹ Thảo
Khánh Linh

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận