Longform
img
Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 2.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, ký ức về những năm tháng vệ quốc đầy hy sinh gian khổ, nhưng cũng rất đỗi hào hùng ấy vẫn luôn sống mãi trong lòng những người lính Vị Xuyên và cả dân tộc Việt Nam.

Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 2.

Tháng 2 năm 1979, khi chiến tranh biên giới phía Bắc xảy ra, cũng như lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam lúc bấy giờ, chàng trai trẻ Đinh Ngọc Tuấn khi ấy mới 17 tuổi đã tòng quân lên đường ra mặt trận. Người lính trẻ quê Thanh được tăng cường vào Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 chiến đấu tại khu vực Lao Chải, Xín Chải thuộc huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Tuyên trước kia, nay là tỉnh Hà Giang.

Trở lại thăm chiến trường xưa sau gần 1/2 thế kỷ, trong cái tĩnh lặng bao la của núi rừng, ký ức đau thương về liệt sĩ Nguyễn Vũ Nở - người đồng đội, đồng hương thân thiết năm xưa hi sinh tại đây ùa về trong tâm trí của cựu chiến binh Đinh Ngọc Tuấn. Trực tiếp băng bó vết thương cho đồng đội, rồi tận mắt chứng kiến người đồng đội – đồng hương ra đi mãi mãi do vết thương quá nặng, ánh mắt tha thiết mong được sống, để được nhìn mặt người con trai mới chào đời ở quê nhà trước khi hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Vũ Nở ám ảnh ông suốt cuộc đời sau này.


Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 4.

Trong chiến tranh bảo vệ bên giới phía Bắc của Tổ quốc, tỉnh Hà Tuyên là địa bàn trọng điểm bị địch tiến hành chiến tranh lấn chiếm và phá hoại nhiều mặt so với toàn tuyến biên giới phía Bắc. Ngay từ năm 1979, trận chiến đầu tiên của quân và dân Hà Tuyên diễn ra ở các điểm cao thuộc vùng Lao Chải, Xín Chải, huyện Vị Xuyên và huyện Mèo Vạc. Sau này khi Trung Quốc rút quân khỏi lãnh thổ Việt Nam, chúng vẫn tiếp tục gây hấn tại các vùng biên giới Lao Chải, Xín Chải. Bắt đầu từ ngày 7/5/1981, Trung Quốc đã đưa Trung đoàn bộ binh cùng với hỏa lực mạnh tấn công và chiếm giữ lần lượt các cao điểm 1800a, 1800b, 1558 và 1688 tại Lao Chải, Xín Chải, buộc ta phải rút xuống phía dưới để phòng ngự.    

Cựu chiến binh Phạm Văn Khoát nguyên là Tiểu đoàn Phó chính trị, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 và cựu chiến binh Trịnh Hồng Sơn nguyên là chiến sĩ Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 14, Sư đoàn 313 từng chiến đấu ở các điểm cao thuộc xã Lao Chải, Xín Chải. Hơn 40 năm trôi qua, trở lại các điểm cao này, mặc dù cảnh vật đã thay đổi nhiều nhưng các cựu chiến binh vẫn nhớ rất rõ các cuộc phản kích dữ đội mà quân ta thực hiện để chiếm lại các cao điểm, rồi lại phải rút xuống phòng ngự ở dưới chân núi do hỏa lực phía địch quá mạnh và quân số đông gấn nhiều lần so với ta. Trong trí nhớ của các cựu chiến binh, các cao điểm 1800a, 1800b, 1558, và 1688 trước khi bị Trung Quốc bắn phá là những rừng cây um tùm, sau này bị đạn pháo địch băm nát.

Từ ngày 2/4 đến ngày 27/4/1984, quân Trung Quốc đã bắn vào dọc biên giới lãnh thổ Việt Nam hơn 28.300 viên đạn pháo. Riêng biên giới Hà Tuyên mà tập trung chủ yếu ở khu vực Vị Xuyên đã hứng chịu 12.000 quả đạn pháo. Ngày 28/4/1984, Trung Quốc huy động tới 4 sư đoàn bộ binh, dưới sự chi viện của pháo binh tấn công toàn diện biên giới Hà Tuyên, trong đó tiến công chính diện mặt trận Vị Xuyên tại các điểm cao 1509, 772, 685, 400, 233 và 266 tại cửa khẩu Thanh Thủy.

Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 4.

Mặc dù quân ta đã chiến đấu vô cùng anh dũng, nhưng với lực lượng của quân địch đông hơn gấp nhiều lần, lại được hỏa lực pháo binh, súng cối chi viện ác liệt, nên đến hết ngày 30/4/1984 kẻ địch đã chiếm được các điểm cao trên tuyến biên giới gồm: 1590, 772, 685, 266, 233, Tây Sông Lô…

Ngã ba Thanh Thủy, trong chiến tranh biên giới phía Bắc còn được gọi là "Ngã 3 tử thần", hoặc "Ngã 3 cửa tử". Từ thị xã Hà Giang, bộ đội ta hành quân hoặc vận chuyển vũ khí, lương thực lên mặt trận Vị Xuyên đều phải đi qua đây. Khi chiếm được các cao điểm, quân địch đã xây dựng các hệ thống phòng ngự kiên cố, đưa pháo hạng nặng lên để trấn áp ta từ trên cao. Chúng bắn đạn pháo cối liên  tục cả ngày lẫn đêm nhằm ngăn chặn con đường chi viện của ta lên mặt trận Vị Xuyên. Rừng núi xung quanh bị băm nát, những mỏm núi bị bạt dần. Bộ đội ta đã mở những con đường riêng, vòng sau những cánh rừng, ngọn đồi, để lên các điểm cao chốt giữ.

Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 5.

Sau khi bị Trung Quốc chiếm toàn bộ các trận địa phòng ngự trên tuyến biên giới cả Tây và Đông sông Lô, Bộ Tư lệnh quân khu 2 chủ trương tiếp tục củng cố các trận địa đang chốt giữ. Kiên quyết chiến đấu ngăn chặn không cho quân địch tiếp tục lấn sâu đất ta, đồng thời các đơn vị củng cố lực lượng, bổ sung quân số, vũ khí trang bị… từng bước phản kích lấy lại các điểm cao đã mất. Nhiều đơn vị dày dạn kinh nghiệm trận mạc đã được đưa lên mặt trận Vị Xuyên thay nhau chốt giữ các điểm tựa quan trọng và giành lại các vị trí đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm. Đặc biệt vào lúc cao điểm có tới 9 Sư đoàn chủ lực, một số Trung đoàn bộ binh, đặc công, các binh chủng cùng hàng vạn quân dân, du kích và hàng chục vạn thanh niên xung phong, dân quân phục vụ chiến đấu ở Vị Xuyên.

Ngày 12/7/1984, quân và dân ta mở cuộc tiến công lớn để giành lại các điểm cao 1030, 233, 685... và bình độ 300, 400 ở phía Tây sông Lô. Mặc dù không thu hồi được hết các vị trí chiến lược nêu trên, song cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 174 (Sư doàn 316), Trung đoàn 876 (Sư đoàn 356) và các đơn vị phối hợp trong trận đánh này đã chiến đấu rất quả cảm. Sau này rút kinh nghiệm, ta lại thay đổi cách đánh, thay đổi chiến thuật, sử dụng bộ binh kết hợp với đặc công, có hỏa lực pháo binh chi viện mạnh từng bước chia cắt và lấn sát nên từ tháng 10/1984 đến 3/1985, bộ đội ta đã giành lại được nhiều trận địa chốt quan trọng tạo thế xen kẽ giữa ta và địch.



Đại tá Bùi Như Lạc, nguyên Phó Sư đoàn Trưởng, kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 313, Sư đoàn chủ lực có mặt đầu tiên tại mặt trận Vị Xuyên, đến nay vẫn còn nhớ rất rõ những cơn mưa đạn pháo của kẻ địch bắn vào các trận địa của ta suốt dọc biên giới. Có những thời điểm mỗi ngày địch bắn vào đây hàng vạn viên đạn pháo. Dựa vào lực lượng đông, hỏa lực của pháo binh cực mạnh, kẻ địch đã liên tiếp mở nhiều cuộc tiến công vào Điểm cao 1509 và các vị trí quan trọng khác như đồi Đài, đồi Cô Ích…  

Mặc dù thương vong nhiều song các chiến sĩ ta không chùn bước, không rút lui mà chuyển sang triển khai thế trận phòng ngự, giành giật với địch từng công sự, từng đoạn chiến hào, giao thông hào, từng mỏm đá. Khó có thể nói hết tinh thần chịu đựng khó khăn gian khổ, hiểm nguy và hy sinh mà quân và dân Vị Xuyên gặp phải trong khoảng thời gian này.                      

Tại khu vực biên giới Thanh Thủy, những ngọn đồi lịch sử như đồi Cô Ích, đồi Đài năm xưa nay đã phủ lên màu xanh của sự bình yên. Dẫu vậy  kí ức về sự hủy diệt của chiến tranh năm xưa vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí những người lính Vị Xuyên từng chiến đấu ở đây. Những ngọn núi đá trong khu vực tác chiến từng bị đạn pháo nung chảy, vỡ trắng như miệng các lò vôi nên quân ta ví như "lò vôi thế kỉ", có những ngọn núi bị bạt đi tới 3m. Nhưng với ý chí anh dũng, kiên cường, quyết tâm cao "Sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử" bộ đội ta đã bám giữ trận địa, đẩy lùi các đợt tấn công của địch.

Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 7.

Giai đoạn từ 1984 -1989, tại mặt trận Vị Xuyên quân và dân ta đã chiến đấu oanh liệt để ngăn chặn và đẩy lùi hàng trăm cuộc tấn công lấn chiếm của kẻ thù. Để bảo vệ vẹn nguyên từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc, đã có biết bao thanh xuân của đời người đã gửi lại nơi này, xương thịt của họ đã hóa thân vào đất, vào đá, vào cỏ cây bao la nơi miền biên viễn xa xôi. 

Hiện nay, trong số hơn 4000 cán bộ, chiến sĩ và đồng bào hi sinh tại mặt trận Vị Xuyên mới có gần 2000 liệt sĩ được tìm thấy thi hài, được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên hoặc đưa về quê hương theo nguyện vọng của gia đình, người thân. Những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Hà Giang vẫn đang miệt mài đi tìm đồng chí, đồng đội, vượt qua nắng mưa và mối hiểm nguy do bom mìn, đạn cối còn sót lại để tìm kiếm, cất bốc, đưa thi hài các liệt sĩ về an nghỉ vĩnh hằng.


Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 8.

Chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, trong đội ngũ những chiến sĩ chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên năm xưa, người thì tiếp tục con đường binh nghiệp, người chuyển sang lĩnh vực công tác khác, người trở về gắn bó với ruộng vườn quê hương. Dù ở vị trí nào, những người chiến sĩ Vị Xuyên vẫn phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, cống hiến sức lực, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, sống xứng đáng với sự hi sinh của các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống. Các Trung đoàn chủ lực chiến đấu tại Vị Xuyên đã thành lập các Ban liên lạc chiến sĩ mặt trận Vị Xuyên để thường xuyên gặp gỡ, ôn lại những năm tháng gian khổ, ác liệt và hào hùng. Cùng thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống, tổ chức các chuyến hành trình về thăm lại chiến trường xưa để cung cấp thông tin, kết nối và tìm kiếm đồng đội đã hi sinh.

Tại" Ngã ba cửa tử" thuộc xã Thanh Thủy, một tấm bia lớn đã được dựng lên từ năm 2011 để tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại các cao điểm trên mặt trận Vị Xuyên. Tấm bia đá được các cựu binh Sư đoàn 313 đóng góp kinh phí làm nên và kì công đưa từ Thanh Hóa ra đây. Mỗi lần đến nơi này, những người lính Vị Xuyên năm xưa nay tóc đã ngả màu thời gian, rưng rưng xúc động thắp nén tâm nhang cho những ngươi đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ từng tất đất thiêng liêng của Tổ quốc…

Một ngày tháng 2 năm 2023, sau ngày rời quân ngũ, vì cuộc sống mưu sinh và thông tin bị thất lạc, nên mãi tới hôm nay cựu chiến binh Đinh Ngọc Tuấn mới thực hiện được tâm nguyện tới thăm vợ con liệt sĩ Nguyễn Vũ Nở; rồi ra Nghĩa trang liệt sỹ Hàm Rồng, châm điếu thuốc lá đặt lên phần mộ của người bạn chiến đấu đang yên nghỉ ở đây. Những lời tâm sự như trải lòng của vợ và con người liệt sỹ, càng khơi dậy trong ông kỷ niệm về những tháng năm đã kề vai sát cánh cùng đồng đội trong cuộc chiến sinh tử với kẻ thù xâm lược; và ông cũng thanh thản, an lòng hơn khi con trai người đồng đội nay đã khôn lớn, trưởng thành, sống xứng đáng với sự hi sinh của cha mình.


Hơn 30 năm sau khi chiến tranh biên giới phía Bắc kết thúc, tinh thần yêu nước, dám xả thân vì sự toàn vẹn lãnh thổ dân tộc của những người lính Vị Xuyên năm xưa sẽ luôn được lịch sử khắc ghi, để lớp lớp con cháu hôm nay tự hào, biết ơn và tiếp nối truyền thống của cha anh, tiếp tục sự nghiệp bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới và từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

Kí ức mặt trận Vị Xuyên - Ảnh 11.


Mai Ngọc
Xuân Sơn - Xuân Quang
Hồ Hai
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận