Kinh thành Huế thu nhỏ giữa lòng xứ Thanh
Vùng Gia Miêu xưa thuộc tổng Thượng Bạn, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung, trấn Thanh Hoa, nay thuộc xã Hà Long, huyện Hà Trung, cách thành phố Thanh Hóa hơn 40 km về hướng Bắc. Tổ tiên nhà Nguyễn định cư ở đây rồi sinh cơ lập nghiệp. Vùng đất này về sau là nơi an táng Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim, bố của chúa Nguyễn Hoàng, người mở mang bờ cõi về phương nam. Trong vùng Gia Miêu có khu di tích lăng miếu Triệu Tường từng được các nhà sử học đánh giá là "kinh thành Huế thu nhỏ" ở xứ Thanh bởi kiến trúc bề thế do các vua nhà Nguyễn xây dựng đầu thế kỷ 19.
Lăng miếu Triệu Tường được xây dựng năm 1803 dưới thời vua Gia Long để tưởng nhớ đến tiền nhân, tiên tổ nơi phát tích 9 chúa, 13 vua triều Nguyễn. Công trình này được ví như một "kinh thành Huế" thu nhỏ giữa lòng xứ Thanh.

Với các dòng tộc vua chúa phong kiến, việc hướng về tổ tiên, nguồn cội không chỉ nhằm thực hành đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", ngợi ca công đức tiền nhân, mà còn là nơi để gửi gắm và bày tỏ khát vọng vững bền muôn đời cho vương triều. Gia Miêu ngoại trang (làng Gia Miêu, xã Hà Long, huyện Hà Trung ngày nay) - "đất tổ" nhà Nguyễn - nơi "Đất lớn chúa thiêng sinh ra Triệu tổ/Vun đắp cương thường nêu rạng thánh võ", cũng từng giữ vai trò như vậy. Và dấu ấn sâu đậm nhất minh chứng cho sự tồn tại của vương triều này trên đất xứ Thanh, phải kể đến Khu di tích lăng miếu Triệu Tường.

Theo sử sách, năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh (hậu duệ đời thứ 11 của Nguyễn Kim) đã thống nhất hai xứ Đàng trong và Đàng ngoài, lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long, lấy quốc hiệu là Việt Nam. Trong chuyến tuần thú Bắc Hà, vua Gia Long tìm về Gia Miêu yết bái tổ tiên, truy tôn Nguyễn Kim là Triệu tổ Tĩnh hoàng đế. Đồng thời, vua Gia Long cũng cho đắp nền Phương Cơ, dựng lăng Trường Nguyên thờ Triệu tổ ngay dưới chân núi Thiên Tôn. Sách Niên giám Đông Dương chép "Làng Quý Hương, huyện Tống Sơn, phủ Hà Trung có tiếng là cái nôi của triều đại đương thời. Các miếu tháp thờ cúng các vị tiên vương được xây dựng ở đây, có tường gạch bao quanh, tường được giữ phòng bằng lũy, làm đúng như một tòa thành nhỏ, đó là Tôn Thanh hay còn gọi là Triệu Tường".

Khu miếu Triệu Tường có diện tích khoảng 5 ha, có tường thành xây kín, bao quanh là hào nước, cầu gạch bắc qua, lại có hai lớp lũy bao bọc nên được ví như tòa thành nhỏ. Cửa Nam có một vọng lâu, cổng tam quan, phía sau là hồ sen hình bán nguyệt. Miếu được chia làm ba khu vực. Khu chính giữa là Nguyên miếu thờ Triệu tổ Tĩnh hoàng đế Nguyễn Kim và Thái tổ Gia dụ hoàng đế Nguyễn Hoàng. Khu phía Đông thờ Trừng quốc công Nguyễn Văn Lựu (thân phụ của Nguyễn Kim) và Lỵ nhân công Nguyễn Hán (con trai Nguyễn Hoàng). Khu phía Tây là trại lính và nhà ở của gia nhân các quan trông coi lăng miếu. Toàn bộ công trình đều nhìn về phương Nam. Hàng năm, gặp tiết ngũ hưởng và các tiết khác theo quy định của triều đình, quan tỉnh Thanh Hóa vâng mệnh hành lễ theo lệ như các miếu ở Kinh thành Huế. Đồng thời, nhiều vua Nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Thành Thái, Khải Định sau khi lên ngôi đều về dâng hương, bái yết tổ tiên.
Với những giá trị của di tích, năm 2007, khu lăng miếu Triệu Tường đã được Bộ Văn hóa, Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia. Hiện Khu di tích lăng miếu Triệu Tường đã và đang được tôn tạo lại dựa trên kết quả khảo cổ học và ảnh tư liệu từ thời Pháp thuộc. Từ đó, diện mạo một "cố đô Huế" thu nhỏ đang dần hiện hữu trên vùng đất Gia Miêu.
Ông Nguyễn Văn Lê, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Long, huyện Hà Trung cho biết: "Di tích lăng miếu Triệu Tường đã và đang được trùng tu, tôn tạo tương xứng với vị thế là nơi phát tích vương triều nhà Nguyễn".



Những dấu tích vương triều nhà Nguyễn còn hiện diện thông qua hình ảnh của "kinh thành Huế" thu nhỏ - lăng miếu Triệu Tường là kho tàng lịch sử - văn hóa độc đáo, tư liệu khoa học, khảo cổ quý báu. Lịch sử là những điều thuộc về quá khứ nhưng quá khứ giàu truyền thống lịch sử của đất và người xứ Thanh ấy vẫn như cây cổ thụ muôn đời tỏa bóng, che mát đường ta vươn tới tương lai, góp phần dệt nên khát vọng thịnh vượng. Đó cũng là cách hậu thế thể hiện sự tri ân với khát vọng của tiền nhân: "Trông ngắm non sông nhớ đến gốc cõi/ Khắc chữ vào bia lưu ức vạn tài".

Bình yên giữa tán cây rừng
Giữa tán cây rừng bình yên, ẩn giấu biết bao huyền tích, ngôi đền thiêng thờ Bạch Y Công Chúa ở xã Phú Nhuận, huyện Như Thanh hiện đang lưu giữ bốn sắc phong quý có từ thời nhà Nguyễn, là một trong những minh chứng cho sự tồn tại của ngôi đền thờ chúa Thượng Ngàn.

Nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam
Từ ngày 1/4 đến ngày 4/5, tại Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam, thành phố Hà Nội diễn ra các hoạt động tháng 4 với chủ đề "Sắc màu văn hoá các dân tộc".

Phát huy giá trị Khu Di tích Hàm Rồng gắn với phát triển du lịch
Hàm Rồng không chỉ là địa danh lịch sử ghi dấu chiến công vang dội của quân và dân ta. Ngày nay, Khu Di tích Hàm Rồng còn đang dần trở thành trung tâm du lịch, văn hóa lịch sử và cảnh quan sinh thái của thành phố Thanh Hoá nói riêng, tỉnh Thanh Hoá nói chung.

Team building trải nghiệm lịch sử
Team building không phải là hoạt động du lịch quá mới mẻ. Nhưng “Team building trải nghiệm lịch sử” thông qua các trò chơi, trải nghiệm thực tế tiếp cận lịch sử lại là một trong những nội dung mới trong hoạt động du lịch dành cho lứa tuổi học sinh đang được lựa chọn nhiều tại Thanh Hoá.

Sôi nổi các hoạt động “Tìm hiểu 60 năm Hàm Rồng chiến thắng”
Sáng ngày 31/3, UBND thành phố Thanh Hóa đã tổng kết Hội thi trực tuyến và các hoạt động của ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố chào mừng kỷ niệm 60 năm Hàm Rồng chiến thắng. Đồng chí Lê Anh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy dự lễ tổng kết.

Hướng đi nào để khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên phát triển xứng tầm?
Mặc dù sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển quy mô, xứng tầm một khu di tích lịch sử Quốc gia, nhưng Đền Nưa – Am Tiên thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn hiện vẫn chưa khai thác tối đa được các lợi thế này.

Hàm Rồng chiến thắng, nguồn cảm xúc trong sáng tác văn học nghệ thuật
Với vẻ đẹp sơn thuỷ hữu tình, chứa đựng nhiều giá trị văn hoá lịch sử, từ xa xưa, vùng đất Huyền tích Hàm Rồng - Sông Mã đã mê hoặc nhiều tao nhân mặc khách đến thưởng ngoạn, làm thơ. Đặc biệt trong những năm tháng khói lửa chiến tranh chống lại kẻ thù xâm lược, Cầu Hàm Rồng huyền thoại và chiến công oai hùng của quân và dân ta là niềm cảm xúc bất tận để các văn nghệ sỹ viết nên hàng trăm tác phẩm thơ, văn và những bản tình ca hay về "Hàm Rồng - Sông Mã" đi cùng năm tháng.

Tổng kết và trao giải Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa năm 2025
Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi, Liên hoan nghệ thuật quần chúng tỉnh Thanh Hóa năm 2025 với chủ đề "Hàm Rồng - Bản hùng ca chiến thắng" đã khép lại vào tối ngày 29/3.

Lễ hội truyền thống chùa Báo Ân năm 2025
Ngày 29/3 (tức ngày mùng 1 tháng 3 âm lịch), xã Thiệu Vân phối hợp Hội Phật giáo thành phố Thanh Hóa khai mạc lễ hội truyền thống chùa Báo Ân.

Khu di tích lịch sử Quốc gia Am Tiên và những “rào cản” để phát triển xứng tầm
Nằm trên đỉnh Núi Nưa ở làng Cổ Định, xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, khu di tích Quốc gia Am Tiên là quần thể danh thắng gồm “núi Nưa – Đền Nưa – Am Tiên” Khu di tích có tổng diện tích 100 ha, gắn với sự tích về cuộc dấy binh khởi nghĩa của nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Nơi đây còn được biết đến là huyệt đạo linh thiêng nhất của Việt Nam. Những năm vừa qua, khu di tích Quốc gia Am Tiên đã nhiều lần được tu bổ, trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển của khu di tích vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.