Longform
img


Ký sự "Hành trình biển đảo mùa xuân" phần 1

Những chuyến tàu chở mùa xuân ra biển. Nhà giàn DK1, nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tận cùng của sự khắc nghiệt, nhưng cũng là nơi vinh quang nhất. Một hành trình gian nan nhưng nhiều ý nghĩa: Hành trình biển đảo mùa xuân.


Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 1.

Trên bến cảng Lữ đoàn 171, Bộ tư lệnh vùng 2 Hải quân, thành phố Vũng Tàu những ngày cuối năm, không khí tết cổ truyền như đến sớm hơn. Những phần quà tết được cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 171 và tiểu đoàn DK1 vùng 2 Hải quân khẩn trương vận chuyển, tập kết tại cảng và đưa lên tàu. Đó là những món quà vật chất và tinh thần, do Bộ quốc phòng, Quân chủng Hải quân, Bộ Tư lệnh vùng 2 Hải quân, các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và Nhân dân cả nước gửi tặng cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên biển, đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Cùng với hàng hoá thiết yếu, thực phẩm, là những cây quất, mai, đào khoe sắc. Để đảm bảo an toàn cho một hải trình dài ngày mùa biển động, những chiến sĩ được giao nhiệm vụ đã chuẩn bị hết sức chu đáo, cẩn trọng, tiếp nhận, bảo quản và sắp xếp hàng hoá một cách khoa học, với mong muốn gửi đến cán bộ chiến sĩ tấm lòng, tình cảm của quân dân cả nước một cách trọn vẹn nhất.

Trong hành trình này có nhiều cán bộ, chiến sĩ Hải quân tình nguyện ra đảo và các nhà giàn nhận nhiệm vụ. Chia tay người thân trong sự lưu luyến, những chiến sĩ trẻ sắp trải qua một cái tết xa nhà vô cùng đặc biệt. Dù không ở bên gia đình trong thời khắc thiêng liêng Tết đến Xuân về, nhưng các anh luôn có sự quan tâm, sát cánh của Đảng, Nhà nước, Quân chủng Hải Quân, và sự dõi theo của Nhân dân cả nước cũng như người thân nơi quê nhà.

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 4.

Sau một hồi còi kéo dài, những con tàu rời cảng, hướng về khơi xa. Các phóng viên của đài Phát thanh truyền hình Thanh Hoá được phân công đi theo đoàn công tác trên tàu Trường Sa 21. Đây là một trong những con tàu thuộc Hải đội 1, Lữ đoàn 125,làm nhiệm vụ chuyên chở hàng hoá, nước ngọt cho các nhà giàn, các tàu trực và những đảo thuộc Vùng 2 Hải quân quản lý. Điều may mắn của chúng tôi là được gặp những đồng hương quê Thanh Hoá trên tàu. Trung uý trẻ Nguyễn Duy Hoàng, mới 25 tuổi, Phó thuyền trưởng, là người con quê xã Quảng Giao, huyện Quảng Xương. Thượng uý Lê Đình Tuyên, nhân viên hàng hải, là người xã Hoằng Quỳ, huyện Hoằng Hoá. Quanh năm bám biển, làm bạn với sóng gió gian lao, tâm hồn những người con quê Thanh luôn dạt dào tình yêu, nỗi nhớ quê hương. Trong sâu thẳm trong trái tim người lính, hình ảnh quê nhà là nguồn động lực để các anh can trường vượt qua gian khó, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Buổi sáng đầu tiên trên biển, trong điều kiện sóng to, gió lớn, đoàn công tác vẫn thực hiện nghi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trải qua các cuộc chiến tranh và cả trong hòa bình, nhiều cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ trên biển đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho đất nước. Máu đào của các anh hòa vào sóng nước, để đổi lại màu xanh vĩnh hằng cho biển cả quê hương. Nhiều người mãi mãi nằm lại giữa đại dương mênh mông, trở thành biểu tượng cao đẹp, sáng ngời phẩm chất anh hùng của người chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 5.

Hành trình diễn ra đúng vào mùa biển động. Những ngày đầu,biển động mạnh cấp 5, cấp 6, rồi cấp 7. Thế nhưng con tàu vẫn lừng lững vượt sóng lớn, thẳng tiến tới các nhà giàn. Thời tiết bất thường cùng với việc không quen đi biển dài ngày, đã khiến chúng tôi có những trải nghiệm khó quên.

Những nhà giàn trên biển, hay còn gọi là trạm dịch vụ kinh tế khoa học kỹ thuật, được Nhà nước ta xây dựng từ năm 1989 với tư cách là "cột mốc chủ quyền quốc gia đặc biệt trên biển". Tại đây, bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã thay nhau làm nhiệm vụ xây dựng nhà giàn, canh giữ biển đảo, trải qua nhiều gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy vinh quang.

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 6.

Sau hơn 48 giờ rời cảng, tàu đã đến nhà giàn đầu tiên ở bãi cạn Phúc Nguyên 2, hay còn gọi là DK1/15. Do sóng to gió lớn, tàu không thể tiếp cận nhà giàn. Các chiến sĩ tàu Trường sa 21 phải bọc từng phần quà vào túi ni lông, buộc lại một cách cẩn thận, sau đó thả dây neo xuống biển, và từ bên kia, các chiến sĩ nhà giàn sẽ kéo lên. Hiệp đồng giữa  tàu và nhà giàn phải được thực hiện hết sức nhịp nhàng, lựa theo con sóng để thả và kéo, sao cho hàng hóa được giao nhận an toàn, không xảy ra sự cố. Như một "trận đánh" với thủy thần, cả đoàn công tác trên tàu và những chiến sĩ nhà giàn đã chiến thắng sự hung dữ của biển cả.

Nhưng, sóng gió vẫn không dừng. Đảm bảo an toàn cho từng thành viên trong đoàn công tác là yếu tố quan trọng nhất mà tàu Trường Sa 21 đặt lên hàng đầu. Vì vậy, chỉ huy tàu quyết định chúc Tết  các chiến sĩ nhà giàn qua bộ đàm. Máy bộ đàm lúc này đóng vai trò nối gần khoảng cách giữa tàu và nhà giàn.

Từ nhà giàn, dù không thể gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng các chiến sĩ làm nhiệm vụ trực tết vẫn cảm nhận được hơi ấm mùa xuân từ đất liền, để thêm vững vàng trước sóng gió. Dù cách xa nhau bởi những con sóng lớn, nhưng những lời trò chuyện, tâm tình, những khúc hát vang lên, đã làm tràn đầy sinh khí mùa xuân trên vùng biển lớn. Cán bộ chiến sĩ nhà giàn được đón tết, vui xuân ấm áp với sự quan tâm của Đảng, Nhà  nước và Nhân dân từ đất liền.

Tạm biệt các chiến sĩ nhà giàn, những cánh tay vẫy chào lưu luyến,chứa chan tình thương nỗi nhớ của những người lính biển, trong đó có những người con quê Thanh mà chúng tôi chưa từng gặp mặt. Con tàu kéo một hồi còi dài như lời chào, lời nhắn nhủ với những chiến sĩ trên nhà giàn. Họ ở lại, can trường, dũng cảm nơi tuyến đầu, hy sinh mùa xuân của riêng mình, để góp phần làm nên mùa xuân của quê hương, đất nước. Tiếng còi tàu cũng chính là âm thanh mà cán bộ, chiến sĩ trên các nhà giàn khác đang khắc khoải mong chờ....

Ký sự "Hành trình biển đảo mùa xuân" phần 2

Trong hành trình biển đảo mùa xuân, theo kế hoạch, tàu Trường Sa 21 dự kiến sẽ đến chúc tết 5 nhà giàn, tàu trực trên biển, quân và dân huyện Côn Đảo. Buổi chiều ngày thứ 6 của chuyến đi. Bầu trời trong xanh trở lại và sóng gió đã bớt mạnh hơn, như báo hiệu mùa xuân đã về trên biển. 

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 9.

Chúng tôi đến nhà giàn thứ 5 ở bãi cạn Cà Mau: Nhà giàn DK 1/10. Đây là nhà giàn xa nhất trong hành trình, tính từ cảng Lữ đoàn 171 ở thành phố Vũng Tàu. Nhìn từ xa, nhà giàn như một pháo đài nhỏ kiên gan giữa trùng khơi. Điều kiện thời tiết thuận lợi, nên Ban chỉ huy tàu Trường Sa 21 quyết định tổ chức cho đoàn công tác di chuyển bằng xuồng để lên thăm, chúc tết các cán bộ chiến sĩ nhà giàn. Tuy nhiên, việc lên xuống xuồng cũng không hề dễ dàng, nhất là với những người chưa có kinh nghiệm đi biển. Khi những con sóng giảm dần biên độ, các chiến sĩ nhanh chóng hạ xuồng và hướng dẫn từng người rời tàu bước xuống. 

Chiếc xuồng trồi lên, ngụp xuống giữa những con sóng lớn, người lái xuồng cũng phải có kỹ năng lựa theo từng con sóng để khẩn trương tiếp cận nhà giàn. Trung uý Nguyễn Duy Hoàng, Thượng uý Lê Đình Tuyên và những cán bộ, chiến sĩ trên tàu Trường Sa 21 đã thể hiện bản lĩnh của người thủy thủ giỏi, quen vật lộn với sóng gió, giúp chúng tôi cảm thấy yên tâm khi ngồi trên chiếc xuồng nhỏ bồng bềnh để lên nhà giàn an toàn. Những cán bộ chiến sĩ của nhà giàn đã nhiều năm quen với sóng gió, gặp chúng tôi tay bắt mặt mừng như gặp lại người thân trong gia đình sau những tháng ngày xa cách.

Trong niềm vui tươi, phấn khởi, chúng tôi được hòa mình vào không khí vui Xuân, đón Tết của cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn với nhiều cung bậc cảm xúc. Những phần quà đong đầy tình cảm, công sức của bao người đã được chuyển tới tận tay các cán bộ, chiến sĩ. Bằng gạo và lá dong từ đất liền gửi tới, cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1/10 đã gói những chiếc bánh chưng vuông vắn.  Hoa đào, hoa mai, bánh mứt kẹo và câu đối tết được sắp đặt trang trọng trong căn phòng giữa nhà giàn. Mỗi cán bộ chiến sĩ và các thành viên đoàn công tác cùng chung tay chuẩn bị cho một cái tết đầm ấm giữa trùng khơi.

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 11.

Tết ở nhà giàn không thể thiếu những hoạt động văn hoá, văn nghệ tạo không khí phấn khởi, vui tươi, mang đến đời sống tinh thần phong phú. Trung tá Ngô Văn Danh quê ở Nghệ An là "cây văn nghệ" của nhà giàn. Ạnh đã làm nhiệm vụ trên biển hơn 20 năm, trong đó có một thời gian dài đóng quân ở đảo Trường Sa và thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc. Anh không nhớ nổi mình đã trải qua cái tết thứ bao nhiêu xa gia đình. Những tâm tình, nỗi nhớ quê hương  được anh gửi gắm qua tiếng sáo du dương, tha thiết. Sau những phút thả hồn trong âm nhạc, anh và đồng đội lại trở về tâm thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 12.

Cùng với những phần quà tết trao tận tay cán bộ chiến sĩ, còn có những lá thư,tấm thiệp chúc mừng năm mới, đó là những món quà giản dị nhưng giàu ý nghĩa, do các em học sinh khắp mọi miền Tổ quốc gửi đến. Nâng niu bức thư của em Nguyễn Thị Thanh Thảo ở thành phố Yên Bái, trung úy Đặng Văn Tiến, nhà giàn DK1/10 vô cùng xúc động, bởi những lời tâm sự trong thư không chỉ là lòng yêu thương, kính phục dành cho người lính biển, mà còn thể hiện tình cảm thiêng liêng của thế hệ trẻ đối với Tổ quốc.

Tuy các em chưa một lần được đặt chân đến nhà giàn DK1, nhưng mỗi lá thư, tấm thiệp chúc Tết mộc mạc của tuổi học tròđều thể hiện lòng khâm phục, biết ơn và sẻ chia với những khó khăn mà người chiến sĩ phải trải qua. Không gì ấm áp bằng giữa muôn trùng sóng gió, người chiến sĩ nhận được bao tình cảm thương mến từ đất liền. 

"Cháu thương chú bộ đội

Canh giữ ngoài đảo xa

Cho chúng cháu ở nhà

Có mùa xuân nở hoa

Cho tiếng hát hòa bình

Vang trời xanh quê ta.."

Những món quà sâu nặng nghĩa tình, những khúc hát cùng đồng đội vang trên biển cả, đã làm cho cán bộ chiến sĩcó thêm nguồn động viên,như đang được ở giữavòng tay yêu thương của người thân, bạn bè nơi đất liền.Đây chính là động lực để các anh vượt qua gian lao, hoàn thành sứ mệnh thiêng liêng bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Lá cờ đỏ thắm kiêu hãnh tung bay giữa trùng khơi mênh mông, khẳng định vùng biển chủ quyền của Việt Nam. 

Ký sự “Hành trình biển đảo mùa xuân” - Ảnh 13.

Đón tết xa nhà, tất cả các chiến sĩ đều xác định tư tưởng vững vàng như tinh thần của câu đối: "Nhà giàn kiên cường mừng tết đến/ Chủ quyền giữ vững đón xuân về". Đó cũng là niềm tự hào của những người lính "đầu đội trời, chân đạp sóng" nơi đảo xa và thềm lục địa của Tổ quốc. Họ chính là những "cột mốc sống" kiên cường giữa biển khơi. Trong khoảnh khắc mùa xuân hạnh phúc,mỗi người hãy hướng về biển đảo - một phần máu thịt của Tổ quốc - nơi có các cán bộ, chiến sĩ đang cống hiến những ngày tháng thanh xuân tươi đẹp để canh giữ  biển trời, vì mùa xuân bình yên của quê hương, đất nước.


Minh Thúy
Xuân Quang
Hồ Hai
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận