Longform
img

Phim Tài liệu: Thành cổ Quảng Trị - Khúc tráng ca bất tử

Tập 1: Ký ức một thời hoa lửa

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 2.

háng 5 năm 1972, sau khi bị mất căn cứ chiến lược tại Quảng Trị vào tay quân giải phóng và nguy cơ mất tiếp tỉnh Thừa Thiên, dẫn đến đổ vỡ kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, Đế quốc Mỹ đã bổ sung khí tài để quân đội Việt Nam Cộng hòa phản công, chiếm lại Quảng Trị, đặc biệt là khu Thành Cổ, nhằm gây sức ép với ta tại Hội nghị Paris. Ngày 28/6/1972, chính quyền Việt Nam cộng hòa với sự hậu thuẩn của Mỹ, đã điên cuồng mở cuộc phản công mang mật danh "Lam Sơn 72" trên quy mô lớn, hòng tái chiếm Thành Cổ Quảng Trị. Chúng huy động lực lượng gồm 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn xe tăng và nhiều đơn vị công binh, không quân, hải quân. Đây được xem là trận chiến khốc liệt nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, được mệnh danh là "mùa hè đỏ lửa", với sự huy động hỏa lực lớn chưa từng có.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 4.

Trong suốt 81 ngày đêm diễn ra cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, Mỹ - Ngụy đã trút xuống đây 328.000 tấn bom đạn các loại, tính ra mỗi chiến sĩ của ta phải chịu 100 tấn bom và 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời đó so sánh lượng thuốc nổ bom đạn Mỹ - Ngụy trút xuống Thành Cổ Quảng Trị tương đương với 7 trái bom nguyên tử, có thể khiến thị xã Quảng Trị bị san thành bình địa, Thành cổ Quảng Trị cũng chỉ còn là "những đống gạch đổ nát".

Trong cuộc chiến bảo vệ Thành Cổ, sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để chặn đường tiếp tế của ta, địch điên cuồng ném bom bắn phá cả ngày lẫn đêm, nhiều nhất là đoạn từ cầu Quảng Trị, thôn Nhan Biều đến căn cứ Ái Tử. Bất chấp mọi hiểm nguy, các chiến sĩ của ta vẫn dũng cảm tìm mọi cách vượt sông để tiếp viện cho Thành Cổ. Nhiều người hi sinh khi đang vượt sông, máu xương của các anh đã hòa vào sóng nước mênh mang, để làm nên một dòng Thạch Hãn huyền thoại và linh thiêng.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 6.

Đây là cuộc chiến khốc liệt giữa một bên là vũ khí tối tân của Đế quốc Mỹ với một bên là lòng quả cảm, ý chí quyết tâm của cả dân tộc Việt Nam anh hùng. Trong những đổ nát, hoang tàn tưởng không còn sự sống ấy, quân và dân nơi đây vẫn kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào; mưu trí, linh hoạt, phát hiện và tiêu diệt nhiều sinh lực địch. Người này hi sinh thì người khác ngay lập tức xông lên chiến đấu, quyết bảo vệ trận địa. Báo Quân đội nhân dân ra ngày 9/8/1972 viết: "Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu".

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 7.

Mùa hè năm 1972, khi đang là giáo viên Học viện Quân y, Đại tá - Bác sĩ chuyên khoa 1 Lê Văn An được giao nhiệm vụ dẫn đoàn sinh viên năm cuối tăng cường cho mặt trận Quảng Trị. Ông là bác sĩ phẫu thuật duy nhất của Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B tại trung tâm Thành Cổ. Cuộc đời của một bác sĩ binh nghiệp đưa ông qua khắp các chiến trường, nhưng chiến trường Quảng Trị luôn là nỗi ám ảnh, day dứt khôn nguôi, khi ông tham gia cứu chữa cho hàng nghìn chiến sĩ, trong đó rất nhiều người hi sinh trên tay ông.

Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trường Bồ Đề tại phố Trần Hưng Đạo, thị xã Quảng Trị.  Mùa hè 1972, Trường Bồ Đề là chốt chiến đấu của quân ta đánh trả hàng trăm đợt phản kích của địch. Những dấu vết bom đạn chi chít không chỉ thể hiện sự khốc liệt của 81 ngày đêm, mà còn chứng minh rằng: kẻ thù có thể dùng vũ khí tối tân hủy diệt cả một thị xã, hủy diệt sinh mệnh nhiều người, nhưng không thể hủy diệt được ý chí và khát vọng của những con người chiến đấu vì lí tưởng cao cả và chính nghĩa, đó là giành lại độc lập tự do cho dân tộc.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 8.

Đã tròn 50 năm trôi qua, nhưng những hình ảnh về 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị vẫn còn nguyên vẹn trong kí ức của anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Mai Ngọc Thoảng. Ngày đó ông Thoảng là tiểu đội trưởng, phụ trách bảo vệ đường dây thông tin của Trung đoàn 48 Quang Sơn. Giữa bom đạn bủa vây, sự sống và cái chết trong gang tấc, ông và đồng đội vẫn nêu cao quyết tâm "Quang Sơn còn, Thành Cổ còn" và "quyết tử cho tổ quốc quyết sinh", lần theo các đường dây để kết nối liên lạc từ trong Thành Cổ với Sở chỉ huy chiến dịch.

Nằm ở tuyến đầu của mặt trận Thành Cổ, Ngã ba Long Hưng có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự. Trong cuộc quyết chiến này, bên nào chiếm được Long Hưng sẽ làm chủ để tiến công vào thị xã Quảng Trị từ hướng Nam và Đông Nam. Vì vậy ngay từ khi diễn ra chiến dịch, chốt thép này đã trở thành điểm giao tranh liên tục và ác liệt giữa ta với địch. Anh hùng lực lượng vũ trang Vũ Trung Thướng - Nguyên Chính trị viên Đại đội 5, Trung Đoàn 48, Sư đoàn 320 - vẫn hình dung rất rõ những ngày tháng rực lửa, hết bom B52 rải thảm đến pháo từ Hạm đội 7 ở biển, bom tọa độ, pháo bầy 106,7mm từ phía Nam xả vào, tất cả bị san phẳng. Nhưng bằng kỷ luật quân đội, ý chí ngoan cường và tinh thần dám hi sinh, các chiến sĩ đã đánh bật và đẩy lùi tất cả các cuộc tấn công của địch để giữ vững trận địa.

Phía Đông thị xã Quảng Trị, khu vực Tri Bưu, Quy Thiện, An Thái, là nơi quân giải phóng của Trung đoàn 48 đã chiến đấu anh dũng, giành giật từng mét đất, đẩy lùi các cuộc tấn công của địch. Kẻ thù tập trung rất nhiều hỏa lực vào Nhà thờ Tri Bưu, để đánh bật ta ra khỏi trận địa. Ngày nay dấu vết đạn bom vẫn hiện hữu trong căn nhà này. Dưới lớp đất kia đã từng thấm đẫm bao máu xương của những chiến sĩ Trung đoàn 48.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 10.

Qua 81 ngày đêm, Thành Cổ Quảng Trị được giữ vững bởi sự hiệp đồng tác chiến của các lực lượng cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Khi thăm lại các cao điểm 105, 367, 235 thuộc huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, các chiến sĩ bảo vệ Thành Cổ thuộc Trung đoàn 304 vẫn còn hình dung rất rõ sự ác liệt năm xưa. Những đỉnh đồi cao này từng là trận địa bảo vệ Thành Cổ ở phía Nam. Máy bay địch quần thảo, thả bom cả ngày lẫn đêm cùng với pháo từ phía Hạm Đội 7 bắn vào dữ dội, lại chốt trên các cao điểm thiếu nước, thiếu lương thực, nhiều chiến sĩ bị thương, nhưng anh em vẫn động viên nhau kiên cường chiến đấu để chia lửa với Thành Cổ, đồng thời giữ vững phòng tuyến, ngăn sự tấn công của địch vào thị xã Quảng Trị.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị ghi dấu sức mạnh kiên cường, ý chí bền bỉ của quân và dân ta. Cuộc chiến đấu ấy đã diễn ra như một huyền thoại, và cách đánh cũng vượt qua mọi quy ước thông thường. Các lực lượng trong và ngoài thành đã hiệp đồng tác chiến, hỗ trợ nhau để tiến hành các đợt phản kích, đánh bên sườn, sau lưng địch, đẩy lùi nhiều đợt tấn công, giữ vững Thành Cổ trong suốt 81 ngày đêm.

Do hỏa lực của địch quá mạnh, phòng tuyến vòng ngoài của ta bị vỡ dần. Từ đầu tháng 9/1972, cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt trong lòng Thị xã và Thành Cổ Quảng Trị. Ta và địch giành nhau từng căn nhà, góc phố, từng mảng tường Thành Cổ. Thời tiết lúc này không thuận lợi, áp thấp nhiệt đới liên tục xảy ra, nước sông Thạch Hãn dâng cao, cả thị xã chìm trong biển nước. Lợi dụng tình hình, địch tăng cường bắn phá vào công sự của ta, thương vong rất lớn, có ngày trên 100 người. Trước tình thế đó, ngày 16/9, Quân ủy Trung ương quyết định rút toàn bộ quân sang bờ Bắc sông Thạch Hãn để bảo toàn lực lượng. Tuy nhiên, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét, không đủ sức chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của nhiều chiến sĩ Thành Cổ… Máu xương của các anh đã hòa vào dòng Thạch Hãn, để ngàn đời sau mãi khắc ghi, như lời bài thơ của một cựu chiến binh, từng là chiến sĩ Thành Cổ, Nhà thơ Lê Bá Dương.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 10.

Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt lịch sử, làm thay đổi cục diện chiến tranh, buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và đi đến ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; tạo tiền đề để quân và dân ta mở Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, làm nên Đại thắng mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn di nguyện thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu: Bắc - Nam sum họp một nhà, Tổ quốc Việt Nam thống nhất.

81 ngày đêm lịch sử ấy là khúc tráng ca của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, được viết bằng máu xương của hàng vạn người con ưu tú. Những người lính Thành Cổ, đa số tuổi đời còn rất trẻ, đã lấy gan vàng chọi với sắt thép, để tạc nên một tượng đài sừng sững về khát vọng độc lập, thống nhất, về lương tri và phẩm giá con người trước vận mệnh đất nước. Máu xương của họ đã tan vào đất đai cây cỏ, linh hồn của họ bất tử nơi vùng đất thiêng này.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 14.

Ký ức một thời hoa lửa - Ảnh 11.

Liệt sĩ Nguyễn Tiến Cường sinh năm 1952, là một chàng trai Hà Nội. Năm 1972, anh cùng 1 lúc nhận được cả giấy báo đậu Đại học tổng hợp và giấy gọi nhập ngũ. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như lớp học sinh, sinh viên Hà Nội ngày ấy, chàng trai trẻ đã " xếp bút nghiên" lên đường vào Nam chiến đấu, và được tăng cường vào chiến trường Quảng Trị. Lá thư cuối cùng liệt sĩ Nguyễn Tiến Cường viết về cho gia đình khi đang bên bờ Nam của dòng sông Thạch Hãn. Sau này nhận giấy báo tử, bố mẹ và các em đã nhiều lần vào Quảng Trị để tìm hài cốt anh, nhưng tất cả đều vô vọng. Bố mẹ liệt sĩ Nguyễn Tiến Cường lần lượt qua đời, song mỗi năm cứ vào tháng 7, các em gái đều vào đây thắp hương tưởng nhớ anh trai bên dòng sông Thạch Hãn.

Vùng đất Quảng Trị đau thương và hào hùng hôm nay đã vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới. Sự bình yên đang hiện hữu ở Thành Cổ, với sắc xanh bất tận của cỏ cây hoa lá. Những cựu chiến binh từng đi qua mùa hè ác liệt ở Thành Cổ Quảng Trị năm 1972, nay cũng đã vào độ tuổi "cổ lai hi". Họ bên nhau trong thinh lặng, để được đắm mình vào kí ức về một thời hoa lửa…

Giữa không gian ngào ngạt khói hương của Thành Cổ, lời hát cất lên từ trái tim, là tiếng lòng thổn thức của những người lính khi hồi tưởng về đồng đội đã ngã xuống, như lời thơ của tác giả Phan Đình Lân: "Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng"…

Chiến tranh đã lùi xa tròn nửa thế kỉ. Nhưng những câu chuyện về máu và hoa trong "mùa hè đỏ lửa" năm 1972 sẽ còn được kể lại, nối dài vô tận, là bản hùng ca bất diệt của một thế hệ biết dấn thân và biết hi sinh cho lí tưởng cao cả: vì hòa bình, độc lập, tự do của dân tộc. Khúc tráng ca Thành Cổ được viết bằng máu của biết bao người con ưu tú, sẽ mãi trường tồn với thời gian...


Mai Ngọc
Văn Tráng-Xuân Quang
Đức Anh
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận