uyện Thọ Xuân nằm ở phía Tây xứ Thanh, là quê hương của nhiều bậc tiền nhân tên tuổi lẫy lừng trong lịch sử, trong đó có Đức Thái Tổ Cao Hoàng Đế Lê Lợi, vị anh hùng dân tộc, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn huyền thoại chống giặc Minh xâm lược. Hơn 600 năm trôi qua kể từ ngày Bình Định Vương Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, hào khí Lam Sơn vẫn chảy trong mạch nguồn dân tộc, là minh chứng hùng hồn cho truyền thống yêu nước bất diệt, tinh thần tự lập tự cường của đất nước, con người Việt Nam.
Từ khi lên ngôi, mở ra một trong những triều đại huy hoàng nhất của lịch sử dân tộc, Lê Thái Tổ đã chủ trương xây dựng quê hương Lam Sơn là kinh thành thứ hai của đất nước, gọi là Tây Đô ( để phân biệt với Đông Đô), sau này đổi thành Tây Kinh. Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời, được đưa về Lam Sơn an táng. Từ đây, Lam Kinh bắt đầu trở thành sơn lăng của triều Hậu Lê.
Qua hơn nửa thiên niên kỷ thi gan cùng tuế nguyệt, nếm trải bao mưa nắng thời gian và những biến cố thăng trầm lịch sử, thành điện Lam Kinh xưa chỉ còn dấu vết. Nhờ sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Lam Kinh đã được phục dựng lại trên nền kiến trúc xưa, với quy mô bề thế, bao gồm các công trình chính: Nghi môn, Chính điện, các tòa Thái miếu, cầu Bạch, giếng Ngọc, hệ thống tường thành, lăng mộ, bia ký…vv…
Với ý nghĩa đặc biệt quan trọng, từ năm 1962, di tích Lam Kinh đã được Bộ Văn hóa – Thông tin ( nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Ngày 20/10/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định số 3728, về việc thành lập Ban quản lý di tích Lam Kinh trên cơ sở tách ra từ bộ phận quản lý di tích Lam Kinh thuộc Ban quản lý Di tích và Danh thắng Thanh Hóa, trực thuộc Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch.
Những ngày đầu thành lập, Ban quản lý di tích Lam Kinh đối mặt với bộn bề khó khăn, thử thách: Cơ sở vật chất nghèo nàn, trang thiết bị phục vụ nhu cầu công tác thiếu thốn, đội ngũ cán bộ, nhân viên chưa được xác định chức năng, nhiệm vụ rõ ràng; môi trường văn hóa, ứng xử du lịch tại Khu di tích Lam Kinh còn yếu kém…
Càng trong khó khăn, thử thách, tinh thần trách nhiệm, quyết tâm của cán bộ, nhân viên Ban quản lý di tích Lam Kinh càng được nâng cao. Nhờ đó, công tác tổ chức quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích từng bước được ổn định và đi vào nề nếp.
Nhiều hạng mục công trình di tích được tôn tạo, phục hồi, đem đến cho Lam Kinh diện mạo mới nguy nga, bề thế. Đội ngũ cán bộ nhân viên được đào tạo, nâng cao về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách tham quan. Công tác truyền thông quảng bá được chú trọng và đạt hiệu quả cao.
Năm 2012, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa chỉ đạo Ban quản lý di tích Lam Kinh lập hồ sơ Di tích Quốc gia đặc biệt.
Ngày 27/9/2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật Lam Kinh là di tích Quốc gia đặc biệt.
Và đến ngày 26/9/2013, Khu di tích Lam Kinh vinh dự được đón Bằng công nhận. Sự kiện này cho thấy, Lam Kinh không chỉ là nơi an táng, thờ cúng, tri ân các vị vua và hoàng hậu triều Lê, mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn văn hóa cung đình.
Ông Vũ Đình Sỹ - Trưởng Ban quản lý Khu di tích Lam Kinh
Suốt 10 năm kể từ khi Lam Kinh được trao bằng công nhận Khu di tích Quốc gia đặc biệt, Ban quản lý Khu di tích đã không ngừng nỗ lực cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích; kêu gọi đầu tư, huy động các nguồn lực thực hiện tốt dự án phục dựng, tôn tạo, phát huy giá trị khu di tích lịch sử Lam Kinh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt…
Năm 2013, Ban quản lý Khu di tích đã lập hồ sơ Bảo vật Quốc gia Bia Vĩnh Lăng trình lên Chính phủ. Ngày 30/12/2013, Bia Vĩnh Lăng được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận Bảo vật Quốc gia. Từ năm 2013 đến 2019, di tích Lam Kinh đã có 5 tấm bia được công nhận Bảo vật Quốc gia.
Cũng trong năm 2013, Ban quản lý hoàn thành hồ sơ đề nghị công nhận Cây di sản và đã được Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam công nhận 18 cây di sản ở rừng Lam Kinh.
Năm 2013 – 2014, Ban quản lý tiếp nhận bàn giao Đền thờ vua Lê Thái Tổ ( xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân) và Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai ( xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc) để quản lý theo đúng chức năng nhiệm vụ và phát huy giá trị di tích.
Ban quản lý di tích Lam Kinh đã tiến hành nhiều biện pháp tuyên truyền sâu rộng, động viên nhân dân trong tỉnh và cả nước tích cực công đức, cung tiến nhiều hạng mục đồ thờ, nội thất tại các tòa Thái miếu, Đền thờ vua Lê Thái Tổ, Đền thờ Trung Túc Vương Lê Lai...
Công tác bảo vệ, phục hồi rừng đặc dụng; đảm bảo vệ sinh môi trường, chăm sóc bồn hoa, cây cảnh trong các khu lăng mộ, đường nội bộ… cũng được nỗ lực thực hiện, tạo cảnh quan, diện mạo tươi mới cho Khu di tích Lam Kinh.
Để giữ gìn Di tích, đảm bảo an toàn cho du khách tham quan, công tác bảo vệ an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ luôn được lãnh đạo Ban quản lý quan tâm, chỉ đạo sâu sát. Hàng năm Ban quản lý phối hợp với cảnh sát PCCC, kiểm lâm mở các lớp tập huấn phòng chống cháy nổ, phòng chống cháy rừng cho cán bộ, viên chức, người lao động và nhân dân địa phưong các xã giáp ranh di tích. Phương tiện phòng cháy nổ, cháy rừng luôn được chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng.
Hàng chục năm qua, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động du lịch không ngừng được nâng cấp. Ban quản lý đã xây dựng được tuyến đường với tổng chiều dài 7km, kết nối các điểm di tích trong toàn khu.
Hiện nay, Khu di tích Lam Kinh cũng đã đưa hàng chục xe điện vào hoạt động với đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, phục vụ nhu cầu di chuyển, tham quan của du khách.
Cùng với đó, cán bộ, nhân viên, người lao động của Ban quản lý còn tích cực phát huy vai trò sáng tạo trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, đa dạng hóa các sản phẩm du lịch tại Khu di tích. Nhiều sản vật mang đặc trưng của xứ Thanh đã được xây dựng thành sản phẩm quà tặng ý nghĩa phục vụ nhu cầu du khách, nhất là các du khách đến từ phương xa.
Bên cạnh đó, Ban quản lý cũng nỗ lực hết mình trong công tác xây dựng và quảng bá hình ảnh Khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh. Ngoài việc phối hợp với các cơ quan báo chí truyền thông trong cả nước xây dựng các chương trình giới thiệu về Lam Kinh, Ban quản lý còn xây dựng trang Website quảng bá cho di tích, thực hiện nhiều hoạt động chuyển đổi số, nhằm giúp du khách trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu vẻ đẹp, giá trị, ý nghĩa của di tích Lam Kinh; biến nơi đây thành địa điểm du lịch tâm linh hấp dẫn; góp phần giúp công chúng hiểu hơn về một vùng cố đô huyền thoại đã tồn tại trong suốt chiều dài gần 6 thế kỷ của dân tộc.
Đến nay, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh đã trở thành địa chỉ quan trọng trên bản đồ du lịch của Thanh Hóa và cả nước. Lượng du khách đến với Lam Kinh ngày càng đông. Sau thời gian khó khăn do dịch bệnh Covid -19, khi du lịch mở cửa trở lại, lượng khách đến với Lam Kinh đã tăng đột biến. Tính đến hết tháng 7 năm 2022, Lam Kinh đã đã đón trên 200 nghìn lượt khách, vượt chỉ tiêu của cả năm.
Hiện nay, Ban quản lý di tích Lam Kinh có hơn 40 cán bộ, viên chức, người lao động, được bố trí, sắp xếp tại 3 phòng ban; có một chi bộ luôn giữ vững danh hiệu trong sạch vững mạnh, một tổ chức Công đoàn năng động và một số tổ chức đoàn thể khác… Với đội ngũ nhân sự ngày càng được nâng cao về trình độ, phẩm chất đạo đức và trách nhiệm trong công việc, Ban quản lý di tích Lam Kinh ngày càng khẳng định vai trò trong công tác quản lý, bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị khu di tích.
Ngày hôm nay, du khách về với Lam Kinh là để được chiêm ngưỡng vẻ đẹp cổ kính, linh thiêng và bề thế, thể hiện qua những công trình kiến trúc tâm linh, những bảo vật Quốc gia độc đáo… Cùng với đó là không gian sinh thái xanh mát, với nhiều loài cây quý hiếm, chứa đựng trong đó vẻ đẹp thiên nhiên và cả những giai thoại đầy bí ẩn. Tất cả đã tạo nên hình ảnh một Lam Kinh uy nghi, tráng lệ, xứng đáng là cố đô của vương triều lẫy lừng bậc nhất trong lịch sử dân tộc.
10 năm, kể từ khi Lam Kinh được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt. Khoảng thời gian không quá dài, nhưng với sự nỗ lực cao nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa nói chung, Sở VH-TT&DL Thanh Hóa, Ban Quản lý Khu di tích nói riêng; Lam Kinh đã thực sự có những bước chuyển mình to lớn về quy mô, diện mạo và trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong, ngoài nước.
Ông Đỗ Quang Trọng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa
Ngày hôm nay, về với Lam Kinh…. Những lăng tẩm đền đài xưa đã rêu phong… Những công trình được trùng tu tôn tạo cũng bắt đầu in hằn dấu vết thời gian… Cố đô Lam Kinh trầm mặc, mà vẫn rạng rỡ hào quang một thuở vàng son của dân tộc: Đó là hào khí quật cường trong đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Đại Việt xưa, đó là hình ảnh một anh hùng áo vải dựng cờ khởi nghĩa, giành lại nền độc lập tự chủ cho giang sơn, xã tắc…
Dòng chảy Hào khí Lam Sơn từ trong quá khứ, đang được kết nối mạch nguồn đến hôm nay, trở thành động lực để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa tiếp bước cha ông, xây dựng quê hương đất nước ngày càng thịnh vượng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.