Longform
img
Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 2.

Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh được phục dựng trên nền móng công trình cổ có từ hơn 600 năm trước. Với vị trí địa lý thuận lợi, Lam Kinh được xây dựng theo địa thế " tọa sơn hướng thủy", một tiêu chuẩn vàng trong phong thủy của người Á Đông. Phía Bắc của kinh thành dựa vào núi Dầu, phía Nam nhìn ra sông Chu, có núi Chúa làm bình phong, phía Đông là rừng Phú Lâm, còn phía Tây được bảo vệ bởi núi Hương và núi Hàm Rồng. Cùng với những ngọn đồi lượn sóng, rừng Lam Kinh đã tạo nên một cảnh quan sơn thủy hữu tình.

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 3.

Lê Lợi và vương triều Hậu Lê thái bình thịnh trị

Để xây dựng nên một vương triều Hậu Lê thái bình thịnh trị dài nhất trong lịch sử dân tộc, Lê Lợi - người con đất Lam Sơn một lòng yêu nước, thương dân đã nung nấu ý chí đánh đuổi xâm lăng.

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 4.

Lớn lên trong cảnh đất nước bị kẻ thù giày xéo, đầu năm 1416, tại núi rừng Lam Sơn, Lê Lợi cùng mười tám thân hào, nhân sĩ tế cáo trời đất, kết nghĩa làm anh em đồng tâm cứu nước. Lê Lợi đã trở thành linh hồn, là lãnh tụ tối cao của cuộc khởi nghĩa ấy. Năm 1427, cuộc khởi nghĩa bắt đầu từ "cái nôi" Lam Sơn đã kết thúc thắng lợi. Sau khi đuổi hết giặc Minh, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế năm 1428, sáng lập ra vương triều Lê. Cuộc khởi nghĩa Lam Sơn thực sự là biểu tượng của ý chí sắt đá, tinh thần chịu đựng gian khổ, kháng chiến trường kỳ, vượt qua khó khăn để chiến thắng kẻ thù xâm lược mạnh hơn gấp nhiều lần.

Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn - Tổng thư ký hội khoa học lịch sử Thanh Hóa

Nếu việc dựng nghiệp của nhà Lê là thuận mệnh trời và hợp lòng người, thì hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh nơi khởi thủy đại nghiệp trung hưng cũng là việc hợp đạo lý và truyền thống dân tộc. Lam Kinh cũng chính là Lam Sơn, vùng đất có vị thế và vai trò đặc biệt quan trọng đối với cơ đồ nhà Lê, cả trong giai đoạn khởi nghĩa đến khi xây dựng đất nước. Để rồi, việc tôn vinh quê cha đất tổ đã được vua Lê Thái tổ chú trọng ngay sau khi giành lại độc lập. Bởi nguyện vọng của vua khi "trở về" với bậc hiền nhân tiên tổ, thi hài sẽ được an táng tại quê hương. Vậy nên, ý tưởng về một khu điện miếu, lăng mộ đã được phác thảo và manh nha hình thành. Song, phải chờ đến các đời vua Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông... thì diện mạo và quy mô to lớn của một khu điện miếu, lăng mộ, bia ký, cùng nhiều công trình văn hóa mới được hoàn thành và hiện hữu ở trung tâm Lam Kinh. Năm 1433, vua Lê Thái Tổ qua đời được đưa về Lam Sơn an táng lại Vĩnh Lăng. Từ đây, Lam Kinh bắt đầu trở thành sơn lăng của triều Hậu Lê. Sau này, để phục vụ cho hoàng tộc mỗi khi về thăm quê, bái yết sơn lăng, điện Lam Kinh dần được mở rộng, với quy mô to lớn và bề thế.

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 6.

Sự ra đời của khu miếu điện, lăng tẩm này thêm một lần khẳng định cho vị thế của Lam Kinh với tư cách là đất "căn bản" nhà Lê; góp phần tạo uy thế cho triều đình nhà Lê cả về đối nội lẫn đối ngoại; đồng thời, mang ý nghĩa đặc biệt về lòng tôn kính tổ tiên, hướng về nguồn cội của con dân đất Việt.

Trong khu Sơn Lăng của triều Lê Sơ ở Lam Kinh có 6 lăng của các vua và hoàng Hậu: Lăng vua Lê Thái Tổ, Lăng vua Lê Thái Tông, Lăng Hoàng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Giao (mẹ Vua Lê Thánh Tông), Lăng vua Lê Thánh Tông, Lăng vua Lê Hiến Tông, Lăng vua Lê Túc Tông. Theo cách nhìn tinh tế của nhiều người am hiểu thuyết phong thuỷ xưa và nay, Vĩnh Lăng nơi an nghỉ của vua Lê Thái Tổ, được xem là một thế đất đẹp, có vượng khí tốt tươi, núi sông kỳ tú, là điểm huyệt quan trọng và thần diệu nhất trong khu sơn lăng. Bố cục và phong cách mai táng của mỗi lăng và mỗi văn bia mang một kiểu dáng khác nhau nhưng tất cả đều toát lên vẻ giản dị, gần gũi, tôn nghiêm, tự nhiên và trang nhã. 

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 7.

Lam Kinh - Di tích quốc gia đặc biệt

Tổ hợp kiến trúc tao nhã và bề thế giữa mảnh đất hội tụ hồn thiêng sông núi ấy cũng chẳng thể thoát khỏi sự tàn phá của tự nhiên, cùng sự khắc nghiệt trong quan điểm, ý thức hệ và cả sự bất lực của con người. Để rồi, những thớ gỗ nơi điện miếu Lam Kinh từng được bàn tay nghệ nhân tài hoa nhất kỳ công dựng nên, những đền đài, bia ký đã bị vùi dưới 3 tấc đất. Lam Kinh chìm trong hoang phế, điêu tàn suốt mấy trăm năm, mà nếu không được quan tâm, khôi phục lại, sẽ thật có tội với tiền nhân tiên tổ. Bước khởi động ban đầu cho công cuộc tìm lại dáng dấp Lam Kinh xưa được bắt đầu từ năm 1962 với việc Lam Kinh được công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Cùng với việc vinh danh di sản, năm 1994, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Dự án phục hồi, tôn tạo, bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, làm cơ sở cho việc bảo tồn và khôi phục lại diện mạo Lam Kinh.

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 8.

Hơn hai thập kỷ với hàng chục dự án phục dựng, phỏng dựng, bảo tồn di tích Lam Kinh đã được triển khai, với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Nhờ đó, hình dáng của những Chính điện, Thái Miếu, Nghinh Môn, sân Rồng, Bạch Kiều, sông Ngọc, giếng cổ... được khôi phục; các lăng mộ, bia đá được bảo vệ; cảnh quan thiên nhiên được cải tạo. Trong quá trình nghiên cứu khảo cổ để trùng tu tôn tạo khu di tích lịch sử Lam Kinh, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều hiện vật giá trị, hiện nay đang được trưng bày tại phòng trưng bày khu di tích.

Nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn - Tổng thư ký hội khoa học lịch sử Thanh Hóa

Năm 2012, Lam Kinh được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt. Sự vinh danh ấy một lần nữa khẳng định cho những giá trị to lớn, trường tồn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật của di tích Lam Kinh. Ngày nay, Lam Kinh mang dáng dấp hiện đại nhưng vẫn không mất đi giá trị cổ xưa với những văn bia, phiến đá, hiện vật trường tồn với thời gian. Khu Di tích lịch sử Lam Kinh hiện đang lưu giữ 5 Bảo vật quốc gia gồm bia Vĩnh Lăng (tức bia Vua Lê Thái Tổ), bia Khôn Nguyên Chí Đức (tức bia Hoàng Thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao), bia Chiêu Lăng (tức bia Vua Lê Thánh Tông), bia Dụ Lăng (tức bia Vua Lê Hiến Tông), bia Kính Lăng (tức bia Vua Lê Dụ Tông). Mỗi bảo vật này không chỉ là một công trình nghệ thuật giàu giá trị mà còn có thể ví như một "lát cắt" lịch sử được phản ánh qua thân thế, sự nghiệp của nhân vật được khắc trên bia, lưu giữ nhiều câu chuyện thú vị về văn hóa, lịch sử hay truyền thống dân tộc được hình thành từ chiều sâu quá khứ và sẽ còn được lưu lại cho mai sau.

Ông Vũ Đình Sỹ - Trưởng Ban quản lí khu di tích lịch sử Lam Kinh

Ngày nay, Lam Kinh đã trở thành điểm đến du lịch tâm linh- sinh thái hấp dẫn. Du khách đến đây được chìm đắm trong không gian tuyệt vời của "khối kiến trúc xanh" tự nhiên, được "dệt" từ những vạt rừng già cùng dòng sông Ngọc. Bao bọc ở giữa là hàng chục công trình kiến trúc - nghệ thuật, vừa đậm nét cung đình vừa mang nét dân gian của Lam Kinh. Đã có không ít công trình nghiên cứu và nhiều nhận định sâu sắc về giá trị di sản. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, bố cục tổng thể của Lam Kinh hoàn toàn phụ thuộc vào địa hình có sẵn, do thiên nhiên tạo ra. Nói cách khác, đồ án bố cục khu Lam Kinh đã có sẵn trong tự nhiên. 

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 11.

Thế đất Lam Kinh hội tụ đầy đủ các yếu tố của đất quý, mà không cần sự tác động của con người. Các công trình kiến trúc được xây dựng trên cơ sở tận dụng, cải biến môi trường tự nhiên, kết hợp với tư duy "phong thủy", tạo cho Lam Kinh một không gian bề thế và linh thiêng, in đậm tâm thức dân gian. Đặc biệt, với ý nghĩa ban đầu là " Kinh đô tưởng niệm" của nhà Lê; song, trải qua sự mài mòn và kiểm chứng của thời gian ngót 600 năm, cho thấy sự hiện hữu của Lam Kinh phản ánh một cách sâu sắc, sinh động tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên người Việt. Vậy nên, Lam Kinh đã trở thành cội nguồn tiên tổ - nơi trở về của con dân xứ Thanh và con dân đất Việt. Đó là biểu tượng của văn hóa truyền thống dân tộc, là tinh thần tự hào, tự tôn, tự cường dân tộc, đã được nâng lên thang giá trị mới từ thời Hậu Lê và trao truyền cho lớp lớp thế hệ. Chính vì lẽ đó, việc gìn giữ, bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa của khu miếu điện, lăng tẩm, bia ký và cả thảm rừng già, nguồn nước, muông thú bao quanh di tích, luôn luôn là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra cho hậu thế.

Ông Vũ Đình Sỹ - Trưởng Ban quản lí khu di tích lịch sử Lam Kinh

Với Lam Kinh, vẫn còn không ít việc phải làm, nhiều hạng mục cần tiếp tục đầu tư và cả những vấn đề cần đặt ra trong công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích. Song, dáng vóc Lam Kinh của thế kỷ XV đã và đang dần "sống lại", không chỉ ở hình hài vật chất mà quan trọng hơn là ở vị thế của nó trong dòng chảy văn hóa – tinh thần dân tộc.

Nói về di sản Lam Kinh, sẽ vô cùng thiếu sót nếu không nhắc đến di sản phi vật thể vô giá: lễ hội Lam Kinh. Di tích Lam Kinh gắn với lễ hội Lam Kinh, vốn dĩ là mối quan hệ hòa hợp hữu cơ, khi di sản vật thể đã góp phần làm sống dậy một sinh hoạt văn hóa đặc trưng và đến lượt nó, di sản phi vật thể đã điểm tô và tăng thêm vẻ đẹp cho di tích. Du khách về với Lam kinh mùa này được chiêm ngưỡng những lăng tẩm, miếu mạo với những nét kiến trúc độc đáo, tiêu biểu của vương triều Hậu Lê, đắm mình trong không gian xanh mát của rừng cây cổ thụ và trực tiếp trải nghiệm những chuyện lạ mà đến nay các nhà khoa học vẫn chưa có lời giải đáp. Với những người đã ít nhất một lần về với Lam Kinh đều cảm nhận dường như không khí trong lành, tĩnh tại, trầm mặc và linh thiêng của Lam Kinh có khả năng thanh lọc tâm hồn con người.

Lam Kinh xưa và nay - Ảnh 14.

 

Minh Thúy
Xuân Quang
Linh Phượng
Văn Hùng

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận