Longform
img
Lê Đại Hành Hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 2.

Làng Trung Lập, xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân là vùng đất cổ ngàn năm của xứ Thanh. Thuở sơ khai, làng được định danh là Kẻ Sập. Sang thời Đinh, làng đổi tên thành Trung Lập. Tên gọi này gắn với làng từ thuở ấy cho tới hôm nay. Trung Lập nằm giữa hai dòng thủy lưu, phía bắc là sông Cầu Chày, phía nam là dòng Lương Giang mải miết chảy về xuôi. Đất trời chung đúc khí thiêng, khiến nơi này trở thành vùng địa linh, sản sinh ra bậc nhân kiệt vĩ đại cho quê hương đất nước- Lê Đại Hành hoàng đế.

Vua Lê Đại Hành sinh năm 941, húy là Lê Hoàn, xuất thân từ gia đình nghèo khó. Thân phụ ông là Lê Mịch, thân mẫu họ Đặng, không rõ tên, nên thường được gọi là Đăng Thị. Ở giữa làng Trung Lập hiện vẫn còn một ngôi miếu nhỏ, gọi là "nền sinh thánh". Tương truyền, đây chính là nơi bà Đặng Thị hoài thai và sinh ra Lê Hoàn. Sự ra đời của Lê Hoàn nhuốm sắc màu thần thoại. 

Lê Đại Hành Hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 3.

Theo truyền thuyết dân gian địa phương, một hôm, bà Đặng Thị nằm mộng thấy hoa sen nở trên bụng mình, lát sau sinh ra một bé trai khai ngô, tuấn tú, đặt tên là Lê Hoàn. Giấc mộng hoa sen là biểu tượng cao quý mà có lẽ dân gian gán cho quá trình sinh nở của người mẹ, để tôn vinh xuất thân của một cậu bé - sau này trở thành vĩ nhân của quê hương, đất nước.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân

Cha mẹ mất sớm, cậu bé Lê Hoàn được một vị quan  trong vùng, tên Lê Đột nhận nuôi, chăm sóc dạy dỗ không khác gì con đẻ. Lớn lên, Lê Hoàn thông minh, đĩnh ngộ, có chí lớn hơn người. Dưới triều nhà Đinh, ông lập nhiều công trạng, được phong chức Thập đạo tướng quân. Khi vua Đinh Tiên Hoàng băng hà, thiếu đế Đinh Toàn nhỏ tuổi, trước họa xâm lăng, Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga và triều thần tôn phò lên ngôi vua năm 980, để gánh vác vận mệnh Quốc gia.

Một trong những công lao vĩ đại của Lê Đại Hành hoàng đế đối với dân tộc là công cuộc chống Tống, bình Chiêm. Bằng tài năng quân sự kiệt xuất, trong 2 năm 980, 981, ông lãnh đạo nhân dân Đại Cồ Việt đứng lên kháng chiến, đánh đuổi giặc Tống; đồng thời giữ vững bờ cõi trước sự quấy nhiễu của quân Chiêm Thành. Đặc biệt, cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược do Lê Hoàn lãnh đạo được xem là cuộc chiến tranh nhân dân đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Lê Hoàn, với tài năng đức độ đã hiệu triệu được mọi tầng lớp nhân dân tham gia dưới ngọn cờ nghĩa chống xâm lăng. Đó chính là lý do quan trọng, để Đại Cồ Việt nhỏ bé có thể giành chiến thắng lẫy lừng trước kẻ thù ngoại bang hùng mạnh. 

Lê Đại hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 2.

Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân

Triều Tiền Lê dưới sự trị vì của Lê Đại Hành hoàng đế, đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, ngoại giao, quân sự, văn hóa... Ông ghi dấu ấn trên nhiều lĩnh vực, là vị vua đầu tiên của Việt Nam tổ chức đào sông để khai thác giao thông thủy ở quy mô lớn.

Kênh nhà Lê, đoạn chảy qua thị xã Nghi Sơn, giáp tỉnh Nghệ An là dòng kênh đào đầu tiên, được hình thành dưới thời vua Lê Đại Hành để kết nối giao thông đường thủy từ kinh đô Hoa Lư tới đèo Ngang - biên giới giữa Đại Cồ Việt và Chăm Pa. Dưới thời phong kiến, kênh nhà Lê có vai trò quan trọng vận tải quân lương, mở rộng lãnh thổ về phía Nam và phát triển nông nghiệp. Trải qua ngàn năm, bước sang thời hiện đại, Kênh nhà Lê vẫn là một hệ thống đường thủy có giá trị lớn. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, hệ thống Kênh nhà Lê được xem là tuyến đường mòn Hồ Chí Minh trên biển, con đường giao thông thủy thuận lợi, giúp các đoàn thuyền nan của xứ Thanh chuyên chở vũ khí, lương thực phục vụ đồng bào, chiến sĩ miền Nam.

Lê Đại hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 4.

Lê Hoàn cũng là vị vua khởi xướng Lễ Tịch điền đầu xuân nhằm khuyến khích canh nông. Sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Đinh Hợi (năm Thiên Phúc năm thứ 8, tức là năm 987). Mùa xuân, vua lần đầu cày ruộng tịch điền ở núi Đọi, được một hũ nhỏ vàng. Lại cày ở núi Bàn Hải, được một hũ nhỏ bạc, nhân đó đặt tên là ruộng Kim Ngân".

Cũng từ buổi ấy, cày tịch điền trở thành một phong tục đẹp, được lưu giữ suốt ngàn năm, thể hiện tinh thần trọng nông của cư dân văn minh lúa nước. Ngày nay, ở gần khu vực Đền thờ Lê Hoàn vẫn còn khoảnh ruộng, tương truyền là nơi xưa kia nhà vua trở về quê hương cày ruộng tịch điền trong dịp đầu xuân.

Lê Đại hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 5.

Là quê hương của một bậc minh quân, ngày nay, làng Trung Lập vẫn còn lưu giữ nhiều lễ tục có lịch sử ngàn năm; một trong số đó là tục làm bánh răng bừa. Theo câu chuyện truyền miệng của người dân địa phương, bánh răng bừa là sản vật liên quan đến Lễ Tịch điền của vua Lê Đại Hành. Năm ấy, nhà vua về quê cày ruộng. Để thể hiện lòng thành kính, người dân bèn chọn gạo ngon và thịt lợn, làm thành chiếc bánh có hình dạng giống như răng chiếc bừa, đem dâng ngài. Từ đó, nghề làm bánh răng bừa ra đời và được người dân làng Trung Lập giữ gìn cho đến hôm nay. Chiếc bánh dẻo thơm, hòa quyện hương vị của các sản vật quý trong nền văn minh lúa nước không chỉ là món ăn quý tiến vua, mà còn là tấm lòng thơm thảo tri ân của nhân dân dành cho những bậc thần nhân có công với quê hương, đất nước.

Sau 24 năm trị vì, năm 1005, vua Lê Đại Hành băng hà. Tưởng nhớ công ơn người anh hùng kiệt xuất của quê hương, Nhân dân làng Trung Lập lập Đền thờ ông ngay trên mảnh đất mẹ con nhà vua từng ở khi xưa. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Đền vẫn giữ nguyên giá trị kiến trúc cổ, với 3 tòa, được kết cấu như hình chữ "công". Hệ vì kèo, những bức chạm khắc, hoành phi, câu đối… thể hiện sự tài hoa, khéo léo trong kĩ thuật kiến trúc, tạo tác của người xưa.

Lê Đại hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 6.

Tại Đền thờ hiện còn 2 tấm bia được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XVII. Tấm bia thứ nhất được dựng vào năm Hoàng Định thứ 2 (năm 1602) Triều vua Lê Kính Tông, do Thượng thư Tế tửu Quốc tử giám Mai lĩnh hầu Phùng Khắc Khoan soạn. Nội dung văn bia nói về việc năm Hồng Đức thứ 15 (1484), vua Lê Thánh Tông cấp cho làng Trung Lập 67 mẫu ruộng dùng trong việc thờ cúng ở đền thờ vua Lê Đại Hành.

Bia thứ hai, được dựng vào năm Vĩnh Tộ thứ 8 (1626), do Lễ bộ Tả thị lang Phương lan hầu Nguyễn Thực soạn; nội dung nói về thân thế, ca tụng sự nghiệp, công đức của nhà vua. Với giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, năm 1990 Đền thờ Lê Hoàn được công nhận là Di tích cấp quốc gia; năm 2018 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt.

Trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Đền thờ Lê Hoàn còn có lăng Quốc Mẫu thờ bà Đặng Thị. Khu lăng mộ có diện tích không lớn, nhưng uy nghi, trầm mặc. Thành lăng được làm từ đá, vuông vức, vững chai. Từ trên cao nhìn xuống, trông khu lăng mộ Quốc mẫu như một đóa sen, gợi nhắc giấc mộng liên hoa, cũng là thể hiện lòng thành kính của Nhân dân với bậc từ mẫu có công sinh thành một vĩ nhân cho dân tộc. Gần với lăng Quốc mẫu, là lăng Hoàng Khảo, thờ cha ruột của Lê Hoàn, ông Lê Mịch. Ngày nay, ở làng Yên Lạc, xã Phú Yên, huyện Thọ Xuân, hiện vẫn còn lăng mộ thờ ông Lê Đột, cha nuôi Lê Hoàn. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, lăng đã được cấp bằng Công nhận Di tích Lịch sử Văn hóa cấp tỉnh.

Lê Đại Hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 9.

Đặc biệt, Đền thờ Lê Hoàn vẫn lưu giữ, bảo tồn được những tài liệu, hiện vật cổ như: bia ký, sắc phong, lệnh chỉ, câu đối, hoành phi, hương án, khám thờ, tượng pháp, gốm sứ cổ rất giá trị. Trong đó có bộ bát đũa, thường được coi là đồ vua ngự thiện, với hoa văn chạm khắc tinh xảo. Quý giá bậc nhất là chiếc đĩa cổ bằng ngọc, tương truyền của vua nhà Tống tặng vua Lê Đại Hành. Giữa lòng đĩa có hai hàng chữ "Giang Nam nhất phiến tuyết/Trác khí vạn niên trân", nghĩa là "Một phiến đá trắng ở Giang Nam, mài gọt nên vật quý vạn năm". Bên góc đĩa là dấu triện của hai nước.

Tại cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, hiện vẫn còn ngôi Đền thờ vua Lê Đại Hành, phối thờ thái hậu Dương Vân Nga, Lê Long Đĩnh. Đền nằm cách Đền vua Đinh Tiên Hoàng 300m, được xây theo kiểu nội công ngoại quốc nhưng có quy mô nhỏ hơn đền vua Đinh. Ðền có ba toà: toà ngoài là Bái đường, toà giữa là Thiên hương  và tòa cuối là Chính cung. Nét độc đáo ở Đền thờ vua Lê Đại Hành là nghệ thuật chạm gỗ thế kỷ 17 với những hoa văn tinh xảo, điêu luyện. Ngôi Đền là di tích quan trọng tại cố đô Hoa Lư, được lưu giữ qua nhiều thể kỷ, thể hiện lòng biết ơn của hậu thế đối với vị vua có công sáng lập vương triều Tiền Lê, xây dựng Đại Cồ Việt thành một quốc gia hưng thịnh lúc bấy giờ.

Lê Đại Hành Hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 11.

Lễ hội Lê Hoàn được tổ chức vào tháng 3 âm lịch hàng năm, là một trong những sự kiện văn hóa lớn của huyện Thọ Xuân và tỉnh Thanh Hóa. Trải qua nhiều thế kỷ, lễ hội vẫn lưu giữ và tiếp tục phát huy những giá trị quý báu trong đời sống hôm nay.

Đã vài năm nay, cứ chuẩn bị vào dịp lễ hội Lê Hoàn, căn nhà của ông Trịnh Xuân Bốn, ở thôn 4, xã Phú Xuân, huyện Thọ Xuân lại nhộn nhịp như một công xưởng nhỏ. Những người thợ lành nghề trong xã được huy động, cùng nhau sản xuất trại binh - lán trại chứa quân lương, vũ khí - phục vụ cho Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn. 

Thiết kế, thi công, dựng trại… là những công việc mà các thành viên trong đội của ông Bốn đã quen thuộc suốt nhiều năm qua. Nhưng năm nay, trại được sản xuất với quy mô lớn hơn, theo bản vẽ thiết kế riêng, nên cũng đòi hỏi nhiều công sức và tâm huyết của những người thợ. Ông Trịnh Xuân Bốn cho biết, năm nay, trại binh có cấu trúc lớn hơn, độ khó hơn so với các năm trước. Đội phải mất khoảng 10 ngày mới xong được trại. Vì vậy, các ông phải cố gắng làm cả ngày để kịp tiến độ.

Lê Đại Hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 11.

Vào những ngày lễ hội, từ 7 - 9/3 âm lịch, không gian Đền thờ Lê Hoàn trở nên náo nhiệt, bởi hàng ngàn người dân và du khách thập phương về dâng hương chiêm bái, tưởng nhớ Lê Đại Hành hoàng đế. Trải qua lịch sử ngàn năm, Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn thể hiện sâu sắc truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc. Phần lễ linh thiêng, uy nghiêm với nghi thức dâng hương rước kiệu tưởng nhớ công đức của Lê Đại Hành hoàng đế và các tướng lĩnh; cùng màn nghệ thuật sân khấu hóa, nêu bật tài năng, đức độ và công lao to lớn của nhà vua trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc.

Sau phần lễ là phần hội tưng bừng với những trò chơi, trò diễn, nghệ thuật ẩm thực dân gian... Một trong những nét đặc sắc nhất của Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn, là đã tái hiện nhiều lễ tục độc đáo gắn với đời sống sinh hoạt dưới triều Tiền Lê, tạo nên một không gian văn hóa đa dạng, nhiều màu sắc và mang đậm dấu ấn cổ truyền. Những lễ tục được duy trì suốt hàng ngàn năm này cũng góp phần minh chứng làng Trung Lập, xã Xuân Lập chính là mảnh đất quý hương, nơi sinh ra vị anh tài kiệt xuất của dân tộc - Lê Đại Hành hoàng đế. Nhà nghiên cứu Hoàng Hùng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử huyện Thọ Xuân cho biết: điểm đặc biệt của Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn là tái hiện nhiều tập tục với lịch sử hàng ngàn năm từ thời Tiền Lê. Ngoài ra, còn một nét đặc sắc là trước khi làm lễ ở đền chính sẽ phải làm lễ ở nền sinh thánh - một nơi được xem là huyệt đạo linh thiêng.

Lê Đại Hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 12.

Với ý nghĩa và giá trị lịch sử quan trọng, năm 2023, Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; qua đó tiếp tục khẳng định vị thế của lễ hội trong đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân Thanh Hóa nói riêng, cả nước nói chung; góp phần gìn giữ, phát huy giá trị của di sản quý báu này cho các thế hệ mai sau. Ông Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân cho biết: "Trong những năm qua, chính quyền, người dân xã Xuân Lập đã nỗ lực gìn giữ các giá trị của Lễ hội Đền thờ Lê Hoàn. Năm nay, với việc được công nhận là di sản phi vật thể quốc gia, lễ hội đền thờ Lê Hoàn được chuẩn bị công phu, bài bản hơn so với mọi năm."

Ngày hôm nay, về với làng Trung Lập, tiếng chuông Đền thờ Lê Hoàn vẫn ngân vang; không gian lễ hội vẫn được lưu giữ trong dòng chảy văn hóa với tất cả sự linh thiêng, thành kính.

Hơn một ngàn năm trôi qua, kể từ ngày Lê Đại Hành hoàng đế băng hà, song công huân sự nghiệp lẫy lừng của ông vẫn còn sống mãi cùng lịch sử dân tộc; trở thành tấm gương sáng ngời cho hậu thế trong sự nghiệp gìn giữ, bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước hôm nay.

Lê Đại Hành hoàng đế- Ngàn năm rạng rỡ chiến công - Ảnh 11.

 

An Thư
Xuân Quang - Mạnh Tuấn
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận