Longform
img
“LÊN BỜ” - Ảnh 1.

Buổi chiều của những đứa trẻ làng chài sau khi đi học về… Không có sân chơi, các em chỉ quanh quẩn bên con thuyền của gia đình để chờ giờ cơm… Bởi thuyền chật nên bữa cơm của một gia đình ba thế hệ chưa bao giờ đầy đủ các thành viên. Bữa cơm cũng phải chia ca…  

Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở các xóm chài trên sông đều có một sợi dây buộc vào người để đề phòng trường hợp các em sơ sẩy rơi xuống sông. Nhưng có khi, sợi dây ấy cũng chẳng cứu được.

“LÊN BỜ” - Ảnh 1.

Ở những xóm chài dọc các con sông Mã, sông Chu, sông Bưởi… những cái chết do đuối nước, gần như, năm nào cũng có. Trẻ con, kể cả người lớn, mỗi mùa mưa bão, lại một lần thấp thỏm. Trong một lần mưa bão như thế, mẹ Huy bị đuối nước, ra đi mãi mãi, bỏ lại 4 anh em tự đùm bọc lấy nhau.

“LÊN BỜ” - Ảnh 2.

Những xóm chài này luôn có nhiều "không", không điện, không đường, không nước sạch, người dân không có việc làm ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào con cá, mớ tôm kiếm được trong ngày. Chạy ăn từng bữa; nên thành tất yếu, cái nghèo, cái khó cứ đeo đẳng mãi, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, những thế hệ không tấc đất cắm dùi, bố mẹ, con cái lênh đênh theo từng con nước trên những dòng sông; để rồi câu chuyện thất học cứ thành nỗi ám ảnh khôn nguôi.


“LÊN BỜ” - Ảnh 3.

Thanh Hóa hiện có hàng trăm hộ dân sinh sống trên các con sông, đa phần là đồng bào công giáo nghèo, không có khả năng mua đất, làm nhà để ổn định cuộc sống trên bờ. Quẩn quanh bên con thuyền, từ đời ông bà đến bố mẹ, cho đến con cháu, những vất vả, khổ cực của cuộc sống trên sông, trong con thuyền nhỏ lụp sụp ba, bốn thế hệ cùng chung sống; rồi những lần bị mất con, mất cháu vì rơi xuống sông trong mùa mưa bão… giống như những vết sẹo hằn sâu trong tâm trí họ, thành ký ức chung của người dân làng chài. Cái nghèo buộc chặt họ trên những dòng sông, muốn vùng vẫy để thoát ra nhưng không được.

“LÊN BỜ” - Ảnh 4.

An cư thì mới lạc nghiệp. Do vậy, muốn thay đổi cuộc sống thì trước hết phải có đất, có nhà trên bờ. Tất cả các hộ dân chài đều đã nghĩ vậy. Nhưng đất đâu để định cư? Tiền đâu để làm nhà? Bao thế hệ người dân chài không nhà, sinh sống trên các con sông ở Thanh Hóa đã đặt ra những câu hỏi đó. Nhưng chính họ cũng chưa bao giờ giải được. Và cứ thế, trở thành nỗi lo canh cánh từ đời này sang đời khác.

Trong cuộc chiến chống đói thoát nghèo, những hộ dân này không thể thắng nếu phải đi một mình, nếu cấp ủy, chính quyền và cộng đồng không vào cuộc để giúp họ lên bờ, ổn định cuộc sống cho họ trên bờ.

Tháng 4 năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ra chủ trương cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông lên bờ để ổn định cuộc sống, với mục tiêu: phấn đấu đưa đồng bào lên bờ trước mùa mưa bão năm 2023.

“LÊN BỜ” - Ảnh 5.

“LÊN BỜ” - Ảnh 7.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã khẩn trương vào cuộc. Những việc lớn, việc khó, những nút thắt, điểm nghẽn, như tạo quỹ đất, xây dựng các mặt bằng tái định cư, thực hiện các thủ tục cấp đất không thu tiền cho người dân chài… từng bước được tháo gỡ. Hàng chục lô đất ở những vị trí thuận lợi, gần đường, gần chợ, gần trường học được bàn giao cho các hộ dân chài để khởi công làm nhà. Cả hệ thống chính trị của Thanh Hóa, từ tỉnh đến cơ sở, cùng vận hành đồng bộ trong cuộc đại di cư cho đồng bào trên sông lên bờ.

Trong cuộc di cư lên bờ của đồng bào công giáo sinh sống trên sông, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 50 triệu, Tòa Giám mục Thanh Hóa cũng hỗ trợ 50 triệu đồng; đồng thời vận động thêm các tổ chức, các nhà hảo tâm để cùng chung tay, góp sức xây nhà cho đồng bào.


“LÊN BỜ” - Ảnh 8.

Khi nghe tin được cấp đất và hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Sơn, chị Hà đã quyết định bán con thuyền cả nhà đang sinh sống, để dồn tiền làm nhà trên bờ. Từ nguồn tiền hỗ trợ, cùng với tiền vay mượn, một ngôi nhà vững chãi, khang trang đã thành hình, khởi đầu cho ước mơ thoát nghèo của gia đình anh chị, ước mơ mà những thế hệ ông bà, cha mẹ chưa làm được.

Sinh được ba người con thì người con trai duy nhất lại bị mù; hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên ông Nguyễn Văn Thoa, ở xã Vĩnh Hòa, huyện Vĩnh Lộc, chưa bao giờ dám nghĩ đến việc có mảnh đất, có nhà ở trên bờ để ổn định cuộc sống. Do vậy, được cấp đất và hỗ trợ làm nhà, với ông Thoa, là giấc mơ thành hiện thực.

“LÊN BỜ” - Ảnh 10.

Buổi chiều ở một xóm định cư cho các hộ dân chài… Tiếng cười nói của những đứa trẻ râm ran khắp khoảng sân… Cuộc sống của các em có thể chưa hết khó khăn trong một sớm, một chiều; nhưng nó đã thay đổi, thay đổi hoàn toàn kể từ lúc gia đình các em có một căn nhà vững chãi trên bờ…

“LÊN BỜ” - Ảnh 7.

Không còn phải lội qua bùn đất hay chờ người lớn chèo thuyền đón, con đường đi học về của những đứa trẻ làng chài vừa được lên bờ định cư đã dễ dàng hơn rất nhiều. Một tương lai tốt hơn, đẹp hơn cho những đứa trẻ lần đầu tiên được bỏ thuyền lên bờ sinh sống.

Sau gần 2 tháng khởi công xây dựng, nhà ông Nguyễn Văn Ba ở xã Minh Tân, huyện Vĩnh Lộc đã hoàn thành… Đây là lần đầu tiên, ông Ba, khi đã hơn 75 tuổi, mới có điều kiện được đón khách trong căn nhà vững chãi trên bờ; vợ chồng ông mới một căn phòng riêng đúng nghĩa. Hạnh phúc tưởng như đơn giản với nhiều người, nhưng ở tuổi xế chiều, với ông Ba, đây là điều ông chưa bao giờ dám nghĩ tới.

“LÊN BỜ” - Ảnh 12.

Đưa dân lên bờ, không chỉ là một nhiệm vụ chính trị, mà sâu xa hơn, chính là lương tri của một cộng đồng không để ai ở lại phía sau trong quá trình phát triển. Khi khát vọng lên bờ của bao thế hệ dân chài sinh sống trên các dòng sông ở Thanh Hóa đã thành hiện thực, thì sẽ không còn những phận người phải lênh đênh…

Hữu Đại
Thanh Tùng
Minh Hương

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận