Longform
img
Linh thiêng Ngàn Nưa - Ảnh 1.

Cách thành phố Thanh Hóa khoảng 30 km, khu di tích Am Tiên nằm trên đỉnh núi Nưa thuộc xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn. Quần thể khu di tích bao gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên có tổng diện tích 100 ha, gắn với sự tích cuộc khởi nghĩa của nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh. Riêng khu vực đền Am Tiên rộng 4 ha. Trải qua thời gian, mặc dù đã đổi thay nhiều nhưng không gian của núi thiêng dường như vẫn vẹn nguyên vẻ hoang sơ, mờ ảo như chính những câu chuyện kỳ bí được lưu truyền qua bao đời ở vùng đất này. 

Linh thiêng Ngàn Nưa - Ảnh 3.

Trên đỉnh ngàn Nưa,  ngoài Am Tiên - ngôi đền cao 585m so với mực nước biển - là nơi thờ Đức Thánh Mẫu, thờ Phật… còn có nhiều địa điểm mang màu sắc huyền bí như bàn cờ Tiên - tương truyền là nơi các tiên ông thấy cảnh đẹp thường lui tới thượng cờ, ngồi ngắm núi sông làng mạc, dấu tích bàn cờ tiên cho đến bây giờ vẫn được gìn giữ và bảo tồn. Hay chuyện giếng Tiên không bao giờ cạn dù nhiều năm quanh vùng khô cạn nhưng giếng vẫn đầy nước và trong xanh, ai tới giếng cầu xin nước về uống hay rửa mặt, sẽ gặp được nhiều may mắn. Rồi chuyện về vườn đào Tiên, vườn thuốc Tiên… vì thế mà ngày nay, người dân vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện kỳ bí….

Từ cổng đền Am Tiên đi sâu vào trong sẽ thấy huyệt thiêng. Đó là khoảng đất rộng hơn 100 mét vuông được rào chắn kỹ lưỡng. Ngay lối vào là phiến đá trắng có khắc dòng chữ "Cầu cho quốc thái dân an". Đây được xem là 1 trong 3 huyệt đạo thiêng nhất cả nước. Theo sử sách để lại, đây chính là 1 trong những huyệt đạo quan trọng nhất của nước Nam mà tướng Cao Biền không thể trấn yểm nổi. Huyệt thiêng chính là nơi giao hòa giữa trời và đất.

Linh thiêng Ngàn Nưa - Ảnh 3.

Theo sử sách, năm 248, Triệu Thị Trinh (tức Bà Triệu) cùng người anh trai là Triệu Quốc Đạt, một huyện lệnh có thế lực trong vùng, đã tập hợp nghĩa sĩ, chọn núi Nưa làm căn cứ để luyện tập võ nghệ, dấy binh khởi nghĩa, đánh đuổi quân Đông Ngô xâm lược. Hình ảnh Bà Triệu cưỡi voi, đánh cồng đã đi vào tiềm thức của bao lớp người, trở thành biểu tượng của quê hương xứ sở với những câu ca dao, lời ru dịu ngọt…

"Ru con con ngủ cho lành

Để mẹ gánh nước rửa bành cho voi

Muốn coi lên núi mà coi

Coi Bà Triệu tướng cưỡi voi đánh cồng

Túi gấm cho lẫn túi hồng

Têm trầu cánh phượng cho chồng ra quân"

Linh thiêng Ngàn Nưa - Ảnh 4.

Sở dĩ, Bà Triệu chọn núi Nưa là nơi hiệu triệu nghĩa quân, bởi theo lời sấm truyền: dãy Ngàn Nưa được tạo thành từ bảy ngọn núi xếp liền kề tạo thế rồng cuốn, đầu nhô cao như đầu hổ vươn mình về biển Đông - nơi đặt Am Tiên - đứng ở đây hét lớn tứ phía đều nghe rõ. Trên đỉnh núi Nưa, Bà cho xây dựng Bích Vân cung tự nhằm bố cáo với muôn dân: cuộc khởi nghĩa này có sự trợ giúp của trời đất. Câu nói nổi tiêng "Na Sơn nhất phiến nhất hộ thiên hạ biến" - nghĩa là "Một tiếng hô ở Núi Nưa đã chuyển biến ở thiên hạ" chính là đề cao sự nghiệp anh hùng bất tử của Bà Triệu luôn sống mãi, là niềm tự hào của cả dân tộc nói chung và xứ Thanh nói riêng.

Linh thiêng Ngàn Nưa - Ảnh 5.

Sau khi Bà Triệu mất, Nhân dân trong vùng với lòng tiếc thương, đã lập đền thờ Bà, dân gian gọi là Đền Đức Vua Bà. Mặc dù sinh ra ở Yên Định, hy sinh ở Hậu Lộc nhưng đền Nưa vẫn là ngôi đền thờ vị nữ anh hùng dân tộc được nhiều du khách tới dâng hương, tham quan mỗi khi đến với Triệu Sơn bởi sự linh thiêng và những nét đẹp đặc biệt của nó.

Trong những năm chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, ngôi đền bị phá hủy gần như hoàn toàn, chỉ còn công trình cổng nghinh môn bốn tầng mái được xây dựng từ thời Tự Đức và được vua Bảo Đại cho tu bổ lại vào năm 1926, Nghinh môn ở đền Nưa là một loại hình kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn còn khá nguyên vẹn ở Thanh Hóa, đã góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ và cổ kính của di tích. Ngày 27/3/2009, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh địa điểm khởi nghĩa Bà Triệu gồm Núi Nưa - Đền Nưa - Am Tiên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích, danh thắng cấp quốc gia. Đây là niềm tự hào đối với Nhân dân huyện Triệu Sơn nói riêng và Nhân dân Thanh Hóa nói chung.

Khu di tích Núi Nưa – đền Nưa – Am Tiên ngày nay đã khác xưa, con đường dẫn vào khang trang, đẹp đẽ hơn… Những hoạt động văn hóa, du lịch ngày càng được quan tâm, đầu tư, mang đến diện mạo mới cho khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt này. Tuy nhiên, hơn tất cả, nơi đây là minh chứng cho những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là nơi đã góp phần làm nên trang vàng lịch sử chói lọi trong những ngày đầu dựng nước, giữ nước cùng vị nữ tướng Triệu Thị Trinh. Để rồi câu nói nổi tiếng của nữ anh hùng huyền thoại ấy sẽ còn vang vọng mãi ngàn đời trong tâm khảm của mỗi người dân nước Nam…


Đất và người xứ Thanh
Lương Trang
Đăng Tuyển - Hữu Dần - Xuân Quang
Minh Đức
Khánh Phượng - Khánh Linh





Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận