Trang trại Hón Mũ, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân. Cỏ cây tươi mởn dưới làn mưa xuân nhẹ bay. Những ngôi nhà với vẻ đẹp nên thơ lấp ló sau rặng cây. Chủ nhân của trang trại là đôi vợ chồng trẻ 9X Lê Xuân Hà và Lê Thị Ưng. Cuộc sống của những người trẻ này không ồn ào, vội vã mà thật bình yên, chậm rãi.
Nơi Hà ở có rất nhiều đồng bào Thái, Mường - những người có kinh nghiệm trồng tre nứa và làm đồ thủ công mỹ nghệ, đan lát. Học hỏi bà con, cùng với kiến thức về cơ khí động lực học tại trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, Hà đã thành thạo việc dựng nhà tre. Năm ngoái Hà đã bán được 5 ngôi nhà với giá gần 150 triệu mỗi căn. Đầu năm nay, khách cũng đã đặt vài ngôi nhà nên anh tranh thủ tìm vật liệu ưng ý để làm.
Trước khi làm nhà tre, Hà đã dày công nghiên cứu thị trường và sản xuất thành công sản phẩm ống hút tre. Hiện sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 4 sao của huyện Thường Xuân, có mặt tại một số nước ở châu Âu. Hà đã tự tay xây dựng khu xưởng quy mô hơn 1.000 m2. Năm qua, việc bán ống hút tre đạt doanh thu trên 2,3 tỷ đồng. Xưởng đang tạo việc làm cho vài chục lao động địa phương với mức thu nhập ổn định. Hiện, công việc này, Hà bàn giao cho người thân trong gia đình quản lý, còn mình thì tập trung vào công việc làm nhà tre.
Sau một số năm lăn lộn nơi đô thị, cuối cùng Hà chọn trở về quê. Làm đồ thủ công mỹ nghệ, ống hút tre, hay nhà tre, đó là tất cả các công việc mà Lê Xuân Hà đã thử nghiệm và thành công trong vòng 10 năm qua ở quê nhà, đồng hành với việc xây dựng trang trại Hón Mũ.
Năm 2013, Hà đưa vợ con vào vùng rừng núi để ở, cuộc sống gần như hoang dã, tách biệt với bên ngoài. Anh không chạy đua với việc làm giàu để có nhà cao cửa rộng khang trang với nhiều tiện nghi đắt tiền, mà lặng lẽ trong ngôi nhà lá giữa nơi "khỉ ho cò gáy", cách xa khu dân cư. Khi ấy, người ta gọi gia đình anh là "người rừng", và xem anh như một gã gàn dở, điên khùng… Ít ai biết, giữa thiên nhiên tĩnh lặng ấy, anh âm thầm nghiên cứu, thực hành cách làm kinh tế thuận tự nhiên, tiết kiệm sinh khối rừng, tạo dựng một môi trường nơi con người có thể sống hài hoà với thiên nhiên. Trang trại Hón Mũ của anh rộng tới 10 ha.
Bà Nguyễn Thị Vinh, mẹ của Lê Xuân Hà cho biết thời gian đầu bà rất phản đối, vì ý tưởng của bà lúc đó là muốn cho con học ở thành ngành nghề, sau này về đi làm công việc nhà nước. Nhưng sau này, khi biết được rằng là ý tưởng của con, tâm huyết của con, bà mới dần dần hiểu ra. Anh Lê Xuân Hà cũng chia sẻ: "Khi ra thành phố Hà Nội làm sinh viên, tôi đã tiếp xúc với hai môi trường chênh lệch quá nhiều về chất lượng sống, chất lượng môi trường, chất lượng đồ ăn, chất lượng nước uống. Chính vì thế mà tôi đã quyết chí luôn, đây là cuộc sống của mình, đây là lối sống của mình chứ không hẳn là công việc. Công việc chỉ là một phần ở trong đó thôi".
Trong hành trình của mình, Hà không cô đơn. Đã có những người bạn luôn đồng hành với Hà. Anh Lê Văn Tĩnh ở thành phố Hà Nội chia sẻ: "Tôi thấy cuộc sống ở đô thị phồn hoa, tấp nập và hơi ồn ào. Khi về đây thấy không khí trong lành với nghề truyền thống của địa phương rất hay cho nên tôi cũng muốn tìm hiểu thêm và tham khảo thêm. Dự định sẽ gắn bó lâu dài, có thể là tiếp bước luôn của Hà".
Quả đồi trọc trước kia, giờ đã xanh mướt bởi keo, tre, vầu, nứa, xen kẽ là những vườn cây ăn quả, cây dược liệu. Toàn bộ đồi rừng được trồng theo phương pháp hữu cơ thuận tự nhiên. Ngay cả những thảm cỏ lạc này cũng được Hà và các bạn trẻ trồng nhằm tăng độ đạm cho đất, chống xói mòn, tạo cảnh quan cho trang trại.
Trang trại dần hình thành, ước mơ trong Hà cũng ngày càng lớn hơn. Làm sao để có thêm nhiều việc làm, tạo ra nhiều sản phẩm thân thiện với môi trường, dễ làm, dễ chuyển giao, để không chỉ gia đình anh mà cộng đồng xung quanh cũng có thể sống tốt, sống khoẻ. Lê Xuân Hà, Chủ trang trại Hón Mũ, xã Tân Thành, huyện Thường Xuân mong muốn tiếp tục phát triển nông trại thành một mô hình mẫu về nông nghiệp bền vững để lan tỏa đến bà con xung quanh, nếu hơn nữa thì có thể lan tỏa tỏa đến cộng đồng ờ trong huyện, trong tỉnh rồi bạn bè các miền.
Cũng thuộc thế hệ 9X, Nguyễn Lê Ngọc Linh - một người con của người Thổ ở huyện Như Xuân - cách đây 10 năm, cũng đã rời bỏ công việc và cuộc sống ổn định ở thủ đô, trở về quê hương. Gia đình cho Linh ăn học, những mong cô theo con đường học vấn để thoát cảnh "chân lấm tay bùn". Ai ngờ, Linh lại rời bỏ Hà Nội phồn hoa, trở về xóm núi nghèo, làm một nông dân "tập sự". Đường đời đang thẳng tiến, bỗng "quay xe bẻ lái", chọn con đường gập ghềnh sỏi đá… Mọi người nhìn Linh như một người đang "ngược lối", thậm chí "lạc lối".
Lên đồi từ sáng tinh mơ. Lầm lũi làm việc, đổ mồ hôi, sôi nước mắt trên vùng đất "chó ăn đá, gà ăn sỏi". Mặc kệ mọi nghi kị, dèm pha. Khi ấy, quả đồi mang tên Hón Mang này, ngoài phần đất bố mẹ Linh trồng cao su, còn lại chỉ là lau lách hoang sơ. Từ trung tâm xã Hóa Quỳ vào đồi Hón Mang, đường đi khó, điện không có. Linh khởi nghiệp lại từ đầu bằng tình yêu rừng mãnh liệt và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
Nguyễn Lê Ngọc Linh tâm sự: "Khi mình quyết định trở về là lúc mà mọi người nghĩ mình đang có một cuộc sống trong mơ, một cuộc sống ngồi mát ăn bát vàng. Trong mắt của mỗi người trong làng thì khi mà mình quay trở về đó là một cú sốc, người ta nghĩ là chỉ có những người thất bại, chỉ có những người mà trải qua những biến cố rất kinh khủng về mặt tâm lý thì mới quay trở về".
Từ năm 2018 đến năm 2020, Linh đã làm tất cả mọi việc để vừa giữ rừng, vừa hiện thực hóa ước mơ xây dựng mô hình nông nghiệp thuận tự nhiên. Làm đồ handmade, sản phẩm chế biến từ rừng; tiếp tục trồng rừng, giữ các tầng tán rừng tự nhiên trên quả đồi 6 ha này.
Trồng thảo dược... Trồng cây ăn quả... Trồng lim...
Thành lập Hợp tác xã mang tên "Vườn rừng Bản Thổ"…
Nhẫn nại lao động trong cô độc, chẳng một ai trong gia đình ủng hộ vì không tin nổi Linh sẽ thành công.
Rồi những sản phẩm thương mại đầu tiên ra đời: Năm 2020, "Vườn rừng Bản Thổ" của Linh đã đưa ra thị trường các sản phẩm nông nghiệp chế biến, với 100% nguyên liệu bản địa. Những điều Linh nói đã trở thành hiện thực. Đến lúc này, mọi người mới tin rằng: Linh, người "đi ngược" đã đúng, khi chọn con đường về với quê hương, cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn để lập nghiệp.
Anh Phạm Văn Phong, chồng của Nguyễn Lê Ngọc Linh chia sẻ: "Ngay từ khi Linh lên ý tưởng đã phản đối và khi đang triển khai về làm, bắt đầu đặt nền móng đầu tiên làm nhà thì trong quá trình đấy 2 vợ chồng vẫn có những mâu thuẫn và vẫn có phản đối. Nhưng đến hết năm 2020, bắt đầu sang 2021 thì gần như là ủng hộ, 90 %. Bởi vì khi đấy trong đầu chỉ suy nghĩ là mình kiếm ra tiền đưa cho vợ để có thể phát triển thêm ở bản thổ". Bà Lê Thị Biếc, mẹ của Nguyễn Lê Ngọc Linh cũng cho biết: "Trồng rừng ở Như Xuân thì thường người ta dùng thuốc trừ cỏ, phân hóa học, trồng cây thì phun thuốc sâu. Linh không cho phát cỏ, ủ đất. Đào thấy giun là reo lên. Lúc đó tôi nghĩ là con mình đi đúng hướng".
Hàng chục năm trước, từ một làng quê nghèo thuộc huyện Lang Chánh, ông Hà Đức Tài đã ra đi, lăn lộn mưu sinh nơi đất khách. Năm 2021, đại dịch Covid - 19 bùng phát ở miền Nam, ông chạy dịch về quê với hai bàn tay trắng, nghèo vẫn hoàn nghèo. Chốn phồn hoa không phải là "miền đất hứa" để ông đổi đời. Trình độ chưa học hết lớp 6 trường làng, không vốn liếng, lại đã luống tuổi, sức vóc không còn như thanh niên. Chẳng nhẽ mãi chịu cảnh nghèo ngay trên vùng đất vốn được mệnh danh là "thủ phủ tre luồng"? Vậy làm gì để thoát nghèo, sống tốt ngay trên quê hương mình?.
Ông Hà Đức Tài, thị trấn huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ ý tưởng của mình: "Đồ Thủ công vót bằng tay của bà con bán ở dọc đường mọi người ít dùng lắm, vót bằng tay có những nhược điểm khá lớn, đó là nó không đều, thứ 2 cong vênh. Chính vì vậy mà tôi nghĩ chỉ có bằng cách là làm máy, bắt buộc phải chế 1 cái máy, nếu mà không có máy thì không thể khắc phục được hai nhược điểm kia".
Với mong muốn khai thác thế mạnh vùng đất tre luồng, Hà Đức tài nung nấu ý tưởng làm đũa tre sạch bằng kinh nghiệm dân gian, với sự hỗ trợ của máy móc cơ khí để nâng công suất và tạo ra sản phẩm với kích thước chuẩn xác, bền đẹp. Bắt đầu từ những thanh sắt vụn, tự mày mò nghiên cứu cách chế tạo máy qua intenet, Hà Đức Tài từng bước biến "bản vẽ thiết kế" trong đầu mình thành hiện thực. Một mình lầm lũi, kiên trì suốt gần 3 năm trời, bất chấp sự hoài nghi của mọi người, Hà Đức Tài đã chế tạo thành công hệ thống máy vót đũa, gồm: Máy chẻ thô: chẻ những thanh luồng thành từng chiếc đũa tròn; Máy vót tinh: vót những thanh đũa thô thành những chiếc đũa đầu to, đầu nhỏ; Máy đánh bóng: đánh bóng đũa bằng sáp ong, lá chuối nhưng thông qua hệ thống vận hành cơ khí. Tiếp đó, Hà Đức Tài nghiên cứu, hoàn thiện quy trình chống mốc, chống mối mọt cho đũa tre. Ông chế tạo lò hun khói gồm hai tầng, 4 ngăn kỹ thuật, tổng sức chứa 2 vạn đôi đũa.
Sản phẩm hoàn thiện có màu nâu bóng, kích cỡ chuẩn, không cong vênh, và đặc biệt là đảm bảo tiêu chuẩn sạch, vì tuyệt đối không dùng hóa chất để ngâm tẩm, làm đẹp, đúng như cam kết của người làm ra nó: "siêu sạch, siêu thẳng, siêu cứng, siêu bền".
Giờ đây, không còn lầm lũi một mình, ông Tài đã có những lao động tìm đến cùng làm, được ông trả lương hàng tháng. Thương hiệu "Đũa tre sạch Đức Tài" đã chính thức có mặt trên thị trường, được nhiều khách hàng khắp nơi đặt mua, thậm chí đưa ra nước ngoài. Đây chính là quả ngọt đầu tiên của "nhà sáng chế chân đất" Hà Đức Tài.
Biến những điều không thể thành có thể. Câu chuyện của Ông Hà Đức Tài và các bạn trẻ như Lê Xuân Hà hay Nguyễn Lê Ngọc Linh là một chặng hành trình: đi ngược với làn sóng di cư ra thị thành của nhiều lao động tại các vùng nông thôn nghèo. "Đi ngược" nhưng lại "thuận" tự nhiên trong cách làm, cách nghĩ. Những mô hình, sản phẩm bắt đầu mà họ khởi tạo trên quê nhà đã và đang giúp họ và cộng đồng có thể sống tốt hơn với triết lý: con người không nên chỉ biết khai thác, mà còn biết cộng sinh để tạo nên tài nguyên, làm giàu tài nguyên. Vùng thượng du Thanh Hoá hoàn toàn trở thành một nơi đáng sống, đáng trở về nếu biết yêu và sống thân thiện hài hoà với thiên nhiên nơi đây.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.