Ngày 19/5/1959, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở đường Trường Sơn nhằm đảm bảo vận tải quân sự và hậu cần chi viện cho chiến trường miền Nam. Đây là một quyết định lịch sử, thể hiện quyết tâm và ý chí sắt đá của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đó là: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã có hàng triệu bước chân, hàng vạn chuyến xe vượt dãy Trường Sơn vào miền Nam đi giải phóng đất nước. Nhiều tuyến đường trọng điểm, địa hình hẹp, đường dốc quanh co đã được mở để vận chuyển hàng hóa chi viện cho chiến trường miền Nam.
Hôm nay, trở lại Trường Sơn huyền thoại, dấu vết chiến tranh đã lùi xa, chỉ còn đó những chứng tích của một thời hoa lửa ác liệt, những cựu thanh niên xung phong Trường Sơn năm xưa vẫn bồi hồi xúc động. Có những đồng đội của các anh, các chị đã không trở về, mãi mãi yên nghỉ trên mảnh đất này, hòa trong màu xanh của núi rừng Trường Sơn để Tổ quốc được độc lập tự do. Năm tháng trôi đi nhưng trong ký ức của những người mở đường năm xưa vẫn còn nguyên vẹn.
Bà Nguyễn Thị Hải, Đội Thanh niên xung phong N237 tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Con đường này khốc liệt lắm, bom rơi đạn nổ cả ngày cả đêm, lúc nào đơn vị báo động là phải vác xẻng vác thuổng ra mặt đường để thông đường cho xe chạy, có lần phải đứng làm thành cọc tiêu để cho xe chạy vì suối ngầm thì chảy siết mà đường thì rất nhỏ, hố bom thì dày đặc". Bà Đậu Thị Kiểm, Đội Thanh niên xung phong N237 tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết: "Tiếng bom nổ, tiếng báo động là phải chạy ra đường để lấp mặt đường, coi xem có đồng chí nào hay là bộ đội có bị thương không để mình biết đường đưa vào bệnh viện. Nghĩ từ lúc đó đến bây giờ mình thấy cảm thấy cuộc đời mình không nghĩ đến cái chi, chỉ nghĩ đến thứ nhất là cứu được đồng đội, thứ 2 nữa là mình vinh dự. Bây giờ trở lại chiến trường xưa tôi thấy rất vui".
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến hành trình trở lại thăm Trường Sơn huyền thoại của những cựu thanh niên xung phong Trường Sơn tỉnh Thanh Hóa là khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Vũng Chùa, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, trong không khí trang nghiêm, đoàn đã kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm trước anh linh Đại tướng và thành kính dâng hương, dâng hoa tưởng niệm, bày tỏ lòng kính yêu sâu sắc, lòng biết ơn vô hạn trước những công lao, cống hiến to lớn của Đại tướng cho Đảng, cho đất nước và dân tộc.
Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Bình, Quảng Trị là cửa ngõ của các tuyến đường vượt Trường Sơn sang nước bạn Lào. Bởi thế, đây cũng là trọng điểm ác liệt nhất của tuyến chi viện Trường Sơn. Trên các tuyến đường 15, đường 10, đường 16, đường 20 quyết thắng, đường 9, chỉ trong một trận đánh của địch đã có tới hàng trăm, hàng ngàn chiến sỹ bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ngã xuống.
Ông Trịnh Xuân Thiết, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa chia sẻ: "Thanh niên xung phong luôn một dạ một lòng, sẵn sàng hi sinh để hoàn thành nhiệm vụ chủ yếu là đảm bảo giao thông thông suốt. Giặc đánh ta lại làm chứ không chần chừ, không tiếc xương máu. Suốt ngày suốt đêm anh em nghỉ ngơi ăn uống rất vất vả, quần áo mặc nhất là chị em phụ nữ rất khó khăn, thế nhưng với tinh thần thanh niên xung phong chỉ có quyết chiến và quyết thắng theo tiếng gọi của Đảng là hoàn thành nhiệm vụ".
Năm 1969, có 1250 thanh niên tuổi 18 đôi mươi, là những người con ưu tú của Thanh Hóa được điều động vào tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị, bổ sung vào Ban xây dựng 67 Trường Sơn.
Từ năm 1969 đến năm 1972, đội đã thực hiện nhiệm vụ mở đường, bắc cầu, san lấp hố bom, đảm bảo giao thông phục vụ chiến đấu trên tuyến đường 16A ở miền Tây Quảng Bình, Bắc Quảng Trị. Đây là tuyến đường trọng điểm thuộc hệ thống đường ngang nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn.
Địa danh Ngã tư Thạch Bàn rất quen thuộc với các cựu thanh niên xung phong này. Bởi, đây là điểm đầu dẫn vào tuyến đường 16A ác liệt, nối sang tây Trường Sơn và nước bạn Lào. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mỗi mét đường 16A đều nhuốm mồ hôi, nước mắt và máu của bao lớp người đi trước. Đây cũng là tuyến đường gắn bó với đội thanh niên xung phong N237 của tỉnh Thanh Hóa.
Rời Ngã tư Thạch Bàn, đoàn đã đến Nghĩa trang thanh niên xung phong Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, nơi yên nghỉ của hơn 250 liệt sĩ thanh niên xung phong hy sinh khi tham gia mở đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh. Phần lớn liệt sĩ ở nghĩa trang này ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ. Chia tay gia đình, người thân lên đường ra trận theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Nhưng khi kết thúc chiến tranh, các anh, các chị đã không trở về mà mãi mãi yên nghỉ ở nơi này. Tại đây, đoàn thanh niên xung phong tỉnh Thanh Hóa đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm nghĩa trang liệt sỹ, thắp hương lên các phần mộ để tưởng nhớ, tri ân những đồng đội đã ngã xuống.
Trên cung đường Trường Sơn còn có rất nhiều địa danh gắn với những chiến công, hy sinh, mất mát của Bộ đội Trường Sơn, Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.
Qua Cầu Khỉ, vượt Dốc Khỉ, lên đến Cổng Trời rồi chạm ngã ba Dân Chủ - điểm cuối cùng của đường Hồ Chí Minh nhánh Tây trên đất Quảng Bình. Tại trọng điểm này, đã có 78 liệt sỹ là thanh niên xung phong N237, Ban 67 đã ngã xuống. Họ đều là con em của tỉnh Thanh Hóa. Trên bia di tích ghi rõ: "Nơi đây ngã ba Dân Chủ, đường Thống Nhất 16A phía Tây tỉnh Quảng Bình, phía Bắc tỉnh Quảng Trị thuộc hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh. Đây là nơi đơn vị thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung N237, Ban 67 đã từng sống, chiến đấu, lao động và hy sinh anh dũng để bảo đảm mạch máu giao thông thông suốt từ ngày 14/4/1969 đến ngày 31/12/1972.
Là một trong những người gắn bó với mảnh đất Trường Sơn trong những năm tháng ác liệt của chiến tranh, nhưng hôm nay, khi được đến ngã ba Dân Chủ, thắp cho đồng đội một nén nhang, ông Hoàng Mạnh Hùng vẫn không giấu được sự xúc động của mình. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Liên lạc đơn vị TNXP N237, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 nhớ lại: "Tuyến đường 16A là một trong năm tuyến đường ngang của tuyến đường Trường Sơn. Tuyến đường này ngày xưa là một tuyến đường chỉ phục vụ thô sơ thôi, nhưng sau khi đơn vị vào, được Nhà nước nâng cấp lên đã mở rộng thành con đường cơ giới để vận chuyển hàng hóa vào chiến trường, đặc biệt là phục vụ cho chiến dịch Khe Xanh, Đường 9 – Nam Lào. Đơn vị đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, bảo đảm giao thông thông suốt không để tắc đường một ngày nào, đoàn quân vào là đơn vị dù khó khăn gian khổ thế nào vẫn phải ra bảo đảm để thông suốt tuyến đường này".
Làng Ho, thuộc xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình, nằm bên Tây Trường Sơn hùng vĩ. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Đoàn 559 đã chọn Làng Ho làm điểm tập kết vũ khí, cơm gạo, thuốc men, đạn dược gùi thồ vượt đỉnh 1001 vào chi viện cho chiến dịch Khe Sanh, Đường 9 Nam Lào và chiến trường Trị Thiên.
Suốt những năm tháng chiến tranh ác liệt nhất, đồng bào Vân Kiều ở đây đã hòa vào khí thế "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", cùng các đơn vị bộ đội, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến mở đường cơ giới dưới làn mưa bom, bão đạn của quân thù. Trở lại làng Ho hôm nay, các cựu thanh niên xung phong N237 đã có dịp chứng kiến những đổi thay trên mảnh đất từng gắn bó với họ.
Theo đường 9, đoàn đã đến thăm Làng Vây, một cứ điểm mạnh trong hệ thống phòng thủ đường số 9 của Mỹ - Ngụy. Đây là trận chiến đấu hiệp đồng binh chủng đầu tiên có xe tăng tham gia tiến công một căn cứ kiên cố của địch đã giành thắng lợi giòn giã, đạt hiệu suất chiến đấu cao. Chiến thắng Tà Mây - Làng Vây đã góp phần phá vỡ mảng tuyến phòng ngự đường số 9 của Mỹ - Ngụy, phối hợp kịp thời với các chiến trường trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mùa xuân năm 1968.
Ngày ấy, nhiều cựu thanh niên xung phong đã tham gia gùi hàng, vận chuyển lương thực, thực phẩm, tham gia cùng với bộ đội chủ lực, góp phần làm nên chiến thắng Làng Vây. Bà Trương Thị Nga, Đội Thanh niên xung phong N237 tỉnh Thanh Hóa cho biết: "Trong những năm chiến tranh ác liệt như thế, ý chí của thanh niên xung phong tuổi trẻ lúc đó chỉ có muốn làm sao mình được vào chiến trường phục vụ cho tiền tuyến đánh thắng Mỹ xâm lược chứ không nghĩ đến những vấn đề khác, thậm chí chúng tôi đi làm hàng chục cây số, đi bộ đường rừng núi, rồi gùi hàng suốt cả đêm".
Trên hành trình trở lại Trường Sơn huyền thoại, Đoàn cựu thanh niên xung phong N237 tỉnh Thanh Hóa đã trở lại bản Đông thộc huyện Sê Pôn tỉnh Savẳnnakhẹt nước bạn Lào. Bản Đông nằm cuối Đường 9 Nam Lào có một di tích lịch sử nhắc nhớ về những thắng lợi vĩ đại của liên minh đoàn kết tộc Việt- Lào trên tuyến đường chiến lược này. Trong suốt 16 năm tồn tại của tuyến đường huyết mạch vận tải Trường Sơn, con đường Tây Trường Sơn đi qua 600 bản làng thuộc 18 huyện của 4 tỉnh Trung – Hạ Lào. Bà con các dân tộc Lào đã tự nguyện rời bỏ nương rẫy, nhà cửa để đảm bảo yêu cầu đường "gần nhất, dễ đi nhất" góp phần chi viện sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Ngày nay, tại bản La Long Cô, thuộc cụm bản Tâm Đuông huyện Mường Nòng, tỉnh Savẳnnakhẹt vẫn còn bảo tồn nguyên vẹn 1500m đường Hồ Chí Minh cũ như một minh chứng cho tinh thần đoàn kết của hai dân tộc Việt - Lào trong lửa đạn của chiến tranh. Ông Hoàng Mạnh HùngTrưởng Ban Liên lạc đơn vị TNXP N237, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 cho biết: "Đây là con đường Tây Trường Sơn, đất nước ta nhờ nước bạn Lào mở con đường này làm nhiệm vụ vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược để phục vụ cho chiến dịch Đường 9 Nam Lào. Ngày nay một con đường mới đã được xây dựng, nhưng đất nước Lào và bộ đội Trường Sơn vẫn giữ lại để xây dựng một di tích lịch sử Tây Trường Sơn để mọi người và các thế hệ sau này trở lại, biết được ngày xưa như thế nào trong chiến tranh".
Trong chuyến trở về này, đoàn đã đến thăm những địa danh đã từng gắn bó với Đội thanh niên xung phong N237 trong những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tại đây, đoàn đã đến thăm, tặng quà người dân, cự thanh niên xung phong xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh; xã Hoa Thủy, Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình; Đồn Biên phòng Hướng Lập và thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Tại những nơi đến thăm, các cựu thanh niên xung phong năm xưa vẫn bồi hồi, xúc động với tình cảm gắn bó, không thể nào quên. Ông Ngô Đức Trí, Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình bày tỏ: "Chúng tôi luôn luôn ghi nhớ tình cảm đồng chí đồng đội giữa thanh niên xung phong Vạn Ninh và thanh niên xung phong Thanh Hóa, cũng như huyện Quảng Ninh đã sát cánh bên nhau cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Nhân dân xã Vạn Ninh chúng tôi cũng luôn luôn ghi nhớ tình cảm của các đồng chí cựu thanh niên xung phong Thanh Hóa luôn luôn có mặt hàng năm vào thắp hương viếng các anh hùng liệt sĩ".
Đến thắp hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn tọa lạc trên khu đồi Bến Tắt, cạnh đường Hồ Chí Minh, thuộc địa phận xã Linh Trường, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, đoàn đã kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ, thành kính dâng hương, bày tỏ lòng biết ơn vô hạn trước những công lao, cống hiến của các anh hùng liệt sỹ cho Tổ quốc.
Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn là nơi an nghỉ đời đời của các anh hùng liệt sĩ hi sinh trên tuyến đường Hồ Chí Minh. Đây là công trình đền ơn đáp nghĩa quy mô nhất, thể hiện lòng thương nhớ sâu sắc, niềm biết ơn và sự tôn vinh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đối với những người con trên mọi miền đất nước đã không tiếc máu xương cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Quân và dân ta trên chiến trường Trường Sơn, gồm bộ đội Trường Sơn, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc và Nhân dân nước bạn Lào, với tinh thần dũng cảm, thông minh, mưu trí sáng tạo, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận chuyển sức người, sức của từ hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cuộc kháng chiến.
Bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Chủ tịch Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn Thanh Hóa cho biết: "Nhiệm vụ của chúng tôi là phá đá mở đường và san lấp hố bom để cho xe chạy qua, những năm tháng đó anh chị em chúng tôi chỉ mười tám đôi mươi thôi, rất trẻ trung nhưng với khí thế được giải phóng đất nước, non sông trở thành một mối thì chúng tôi không nghĩ đến chuyện sống chết mà chỉ biết làm sao để hoàn thành nhiệm vụ, thông đường để cho xe ra tiền tuyến đánh thắng giặc Mỹ ".
Trong 16 năm, kể từ khi thành lập cho đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước, hệ thống hậu cần đường Trường Sơn đã chuyển được hơn một triệu tấn hàng, vũ khí vào các chiến trường, đảm bảo hành quân cho hơn hai triệu lượt người vào chiến trường và ra miền Bắc; vận chuyển cơ động hơn 10 lượt sư đoàn, 3 quân đoàn và hộ tống 90 đơn vị binh chủng kỹ thuật vào chiến trường. Những con số này một lần nữa khẳng định tầm vóc, ý nghĩa lịch sử của đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta.
65 năm trôi qua, những kỳ tích về đường Trường Sơn huyền thoại lại càng tô thắm thêm truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, tô thắm thêm những đóng góp của quân và dân Thanh Hóa đối với con đường. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng Ban Liên lạc đơn vị TNXP N237, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 chia sẻ: "Trong công cuộc đổi mới của đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cuộc sống đã đổi thay rất nhiều. Các cơ sở hạ tầng, đường đi lối lại ở các địa phương đã phát triển rất lớn nhưng tấm lòng của bà con của các địa phương thì vẫn như xưa, vẫn rất chân tình ấm cúng và quý mến các cựu thanh niên phong, chiến sĩ Trường Sơn như thời còn chiến tranh".
Đường Trường Sơn đã ghi vào lịch sử dân tộc như một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, một "kỳ tích của thế kỷ XX". Những chiến công, kỳ tích ấy không chỉ thể hiện đường lối đúng đắn, sáng tạo, nghệ thuật quân sự tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, quyết tâm sắt đá, ý chí dời non, lấp biển của toàn dân, toàn quân ta trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
"Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây bên nắng đốt bên mưa quây. Em dang tay em xòe tay chẳng thể nào mà xua tan mây"..., câu hát ấy quá đỗi quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam khi nhớ về những tháng ngày kháng chiến hào hùng của đất nước.
Những ngày tháng ấy... hình ảnh dãy Trường Sơn hùng vĩ, thơ mộng đã ôm ấp tâm hồn người chiến sĩ, trở thành niềm động lực lớn lao đến ngày toàn thắng. Con đường ấy, núi rừng ấy, những gian lao, vất vả và ác liệt của khói lửa chiến tranh đã quyện thành bản hùng ca của cả một thế hệ, để hôm nay thênh thang phía trước là con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh mở ngõ tương lai.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.