Năm 1998, ngay sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm, thầy giáo Hà Văn Hùng viết đơn tình nguyện lên công tác tại vùng cao Thanh Hóa. Cũng từ ấy, người giáo viên tuổi 20 rời miền biển quê nhà, phường Ninh Hải, thị xã Nghi Sơn, lên dạy học các điểm trường gian khó nhất của hai huyện Mường Lát và Bá Thước… Dạy học được vài năm, thầy Hùng gặp nạn qua đời, để lại tuổi thanh xuân của mình mãi mãi nơi núi rừng miền Tây xứ Thanh.
Cho đến bây giờ, thầy giáo Ngân Văn Nguyền, giáo viên trường tiểu học Thành Sơn, huyện Bá Thước vẫn không quên ký ức đau thương của hơn 20 năm về trước. Hôm ấy, từ điểm lẻ, thầy Hà Văn Hùng vượt đường rừng trở về điểm trường chính chuẩn bị năm học mới. Buổi tối, trời mưa lớn, lo lắng cho điểm lẻ không người trông giữ, thầy quyết định băng qua suối trở về. Lũ dữ ập tới bất ngờ, dòng suối cạn trở nên hung hãn. Thầy Hùng mãi mãi không bao giờ trở về được nữa….
Thầy giáo Hà Văn Hùng ra đi năm 2002, ở độ tuổi ngoài hai mươi, khi trái tim còn bao ước mơ và khát khao cống hiến cho sự nghiệp giáo dục vùng cao. Năm tháng trôi qua, nhiều ký ức có thể bị lãng quên, nhưng sự ra đi của thầy để lại bao tiếc nuối, xót xa trong trái tim những người ở lại.
Mảnh vườn của bà Nguyễn Thị Viết suốt bao năm qua vẫn xanh màu cây trái, nhưng trái tim người mẹ thì héo hắt với nỗi đau chẳng thể nguôi ngoai. Hơn 30 năm về trước, con trai cả của bà, thầy giáo Đỗ Quang Bằng xung phong lên Mường Lát dạy học, đem theo sự kỳ vọng, niềm tự hào và cả những lo lắng của cha mẹ. Thế nhưng, chưa kịp cầm viên phấn trắng, thầy Bằng đã ra đi, ở lứa tuổi thanh xuân đẹp đẽ nhất của đời người…
Tháng 8 năm 1992, thầy Bằng được phân công vào dạy học tại bản Cò Cài, xã Trung Lý, huyện Mường Lát - nơi được mệnh danh là vùng đất dữ của các huyện vùng cao Thanh Hóa. Hôm ấy, thầy cùng đồng nghiệp ngồi trên con thuyền độc mộc, vượt sông Mã, đem sách và dụng cụ học tập vào cho học sinh điểm lẻ. Mùa lũ, nước sông chảy xiết, con thuyền chòng chành muốn lật. Thầy Bằng không quản hiểm nguy, nhảy xuống sông đẩy thuyền vào bờ để cứu những đồng nghiệp trên thuyền. Thuyền vào đến bờ an toàn, cũng là lúc thầy giáo trẻ kiệt sức, bị lũ cuốn trôi…
Thầy Đỗ Quang Bằng ra đi trong âm thầm, lặng lẽ, như nhiều thầy cô giáo ở thế hệ của mình…
Hơn 30 năm trôi qua, tấm lòng vì sự nghiệp giáo dục vùng cao và sự hy sinh của thầy vẫn còn ở lại trong trái tim người mẹ, trong lòng đồng nghiệp, bạn bè…
Xứ Thanh có 11 huyện miền núi. Thập niên 60 của thế kỷ trước, Anh hùng lao động Nguyễn Xuân Trạc là nhà giáo đầu tiên từ miền xuôi lên với huyện vùng cao Mường Lát, đem cái chữ gieo trên đỉnh Pù Nhi cao vòi vọi. Kể từ đó cho tới hôm nay, theo dấu chân thầy Trạc, hàng ngàn giáo viên từ miền xuôi tình nguyện lên các huyện miền núi xứ Thanh dạy học.
Vài thập niên trở về trước, dải đất biên viễn là nơi thâm sơn cùng cốc, ẩn chứa nhiều hiểm nguy và tai ương. Trong đó, sốt rét rừng là nỗi ám ảnh khủng khiếp đối với những giáo viên miền xuôi ngược ngàn. Điều kiện đi lại khó khăn, thuốc men thiếu thốn, dịch sốt rét hoành hành, cướp đi sinh mạng của rất nhiều người dân và các thầy cô giáo.
Mấy chục năm về trước, các giáo viên miền xuôi cắm bản thường phải băng rừng vượt suối đi dạy học. Lũ ống, lũ quét, sạt lở đất là mối hiểm nguy thường trực, đe dọa tính mạng của các thầy, các cô.
Chỉ tính riêng huyện Quan Hóa cũ (tức ba huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Mường Lát hiện nay), vài chục năm qua, ước tính đã có gần 70 giáo viên miền xuôi nằm lại nơi núi rừng. Sự hy sinh âm thầm của các thầy, các cô là bài ca cảm động về tinh thần xung kích và bầu nhiệt huyết tuổi trẻ của những người giáo viên Nhân dân.
Từ buổi ấy cho đến hôm nay, trên dải đất biên viễn Thanh Hóa, nhiều giáo viên miền xuôi vẫn lặng lẽ dành cả cuộc đời cho sự nghiệp trồng người trên những đỉnh non cao. Thầy giáo Đặng Xuân Viên lên với huyện miền núi Quan Hóa từ năm học 1992 - 1993. Thuở ấy, Quan Hóa là một trong những mảnh đất gian khổ nhất, nơi điều kiện dạy và học vô cùng khó khăn, thiếu thốn.
Ba thập niên đã qua, tuổi thanh xuân của thầy Viên gắn với mảnh đất Quan Hóa. Từng là nơi sự học vô cùng khó khăn, gian khổ, nhờ sự đóng góp của các thế hệ giáo viên bám bản, bám trường, sự học nơi đây phát triển không ngừng. Trường Tiểu học Thanh Xuân, nơi thầy Viên công tác đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 100% trẻ trong độ tuổi được đến trường.
Với thầy Viên, Thanh Xuân không chỉ là tên gọi của vùng đất nơi mình công tác mà Thanh Xuân còn là khoảng thời gian tươi đẹp với biết bao hoài bão, lý tưởng mà thầy và nhiều đồng nghiệp đã cống hiến cho mảnh đất này…
Trở lại xã Thành Sơn, huyện Bá Thước nơi thầy giáo Hà Văn Hùng từng công tác và gửi lại tuổi thanh xuân mãi mãi. Sau 20 năm, mái trường tranh tre nứa lá thuở nào giờ khang trang, sạch đẹp. Cơ sở vật chất được cải thiện. Những đứa trẻ của bàn làng dần được tiếp cận với giáo dục miền xuôi. Nụ cười, ánh mắt trẻ thơ nhân lên niềm tin và hy vọng về sự đổi thay của sự học nơi này…
Suốt nhiều thập niên, lớp lớp các thầy giáo, cô giáo đã vượt qua khó khăn, gian khổ, kiên trì bám bản, bám trường. Từ vùng đất thâm sơn cùng cốc, nơi sự học đối mặt với muôn vàn thử thách, giờ đây, giáo dục các huyện miền núi Thanh Hóa từng bước chuyển mình với những đổi thay kỳ diệu. 11 huyện miền núi hiện có gần 700 cơ sở giáo dục phổ thông; trong đó, khoảng 400 trường đạt chuẩn quốc gia. Những mái trường kiên cố mọc lên giữa núi đồi, thay thế những ngôi trường tranh tre nứa lá. Gần 100% trẻ em miền sơn cước trong độ tuổi đã được đến trường. Dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, các em được học những bài học nhân văn, nhân bản; được rèn đức, luyện tài; được trao truyền niềm tin, tình yêu và hy vọng để nuôi dưỡng ước mơ, ngày một trưởng thành…
Và rồi, từ nơi núi rừng này, nhiều học sinh người dân tộc thiểu số tiếp bước các thế hệ thầy cô, đạt được ước mơ trở thành giáo viên, quay trở về cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của quê hương.
Cô giáo Phan Thị Mấy, người dân tộc Dao là một trong những hạt giống được ươm mầm từ mái trường nơi bản làng xa xôi của huyện Mường Lát. Mang trong mình uớc mơ trở thành cô giáo, ngay từ thuở nhỏ, Mấy cố gắng học hành, thi đậu vào trường đại học sư phạm, rồi trở về quê nhà dạy học.
Điểm trường Kéo Té, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát, nơi cô cắm bản chỉ có 13 học sinh. Một mình cô Mấy vừa dạy hát, vừa dạy chữ, lại vừa là người trông trẻ.
Cũng giống như các thầy cô giáo của mình khi xưa, giờ đây, cô Mấy tiếp tục đến từng gia đình học sinh gọi trẻ đến trường, để sự học trên những đỉnh non cao không bị mai một, để điểm trường luôn ríu rít tiếng trẻ thơ.
Suốt bao năm tháng qua, tuổi thanh xuân và cả máu xương của các thế hệ thầy cô giáo gieo xuống nơi đỉnh trời xứ Thanh, ươm lên những mầm xanh con chữ. Để rồi rồi, từ nơi đại ngàn biên viễn, những đứa trẻ được dạy dỗ, dần lớn lên, trưởng thành, mang theo khát vọng và tri thức, xây dựng bản làng ấm no.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.