Trích phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong phim tài liệu "Đường tới Điện Biên Phủ"
Mặc dù Thanh Hóa là địa bàn xa trận địa, đường xá đi lại vô cùng khó khăn, nhưng đây là một trong những hậu phương lớn cung cấp lương thực, thực phẩm cho chiến dịch. Với Nhân dân Thanh Hóa, trong điều kiện đường lên Tây Bắc phải trèo đèo, lội suối, có những đoạn đường còn phải vừa đi, vừa mở mới thì vận chuyển hậu cần là một vấn đề nan giải, nhưng bằng tinh thần yêu nước, sự sáng tạo trong lao động sản xuất, dân công Thanh Hoá đã hăng hái tham gia, khắc phục mọi khó khắn để cung cấp sức người, sức của đúng như yêu cầu, quyết tâm cùng với cả nước nỗ lực không ngừng phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
70 năm đã trôi qua, những lời ca, tiếng hát trên con đường tải lương lên Điện Biên Phủ năm xưa vẫn được Bà Trịnh Thị Miên ở xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa cất lên cao vút gợi nhớ một thời thanh niên sôi nổi.
Tiếng hát đã từng át đi tiếng bom, tiếp thêm sức mạnh cho bà cùng đoàn dân công xe thồ, gánh bộ vượt mọi khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tại thị xã Thanh Hóa thời bấy giờ đã có một phong trào động viên với khẩu hiệu "Đèo cao thì mặc đèo cao, tinh thần tiếp viện còn cao hơn đèo". Đảng bộ và Nhân dân thị xã đã huy động nguồn tài chính và phương tiện từ nhân dân. Dù chiếc xe đạp là tài sản lớn của mỗi gia đình, nhưng người dân vẫn sẵn sàng đóng góp và hăng hái lên đường tham gia đoàn xe đạp thồ.
Ông Trần Khôi ở phường Ngọc Trạo, thành phố Thanh Hóa từng là Chính trị viên Đại đội xe thồ của thị xã Thanh Hóa. Tấm hình chụp cùng đồng đội, những bằng khen, giấy khen chiến sĩ dân công vẻ vang mặt trận Điện Biên Phủ được Hội đồng cung cấp mặt trận tỉnh Thanh Hóa và Ủy ban Hành chính tỉnh Thanh Hóa trao tặng 70 năm về trước đã úa màu thời gian nhưng vẫn được ông nâng niu, cất giữ cẩn thận. Mỗi khi xem những kỷ vật này, ký ức hiện về trong ông tuy gian khổ nhưng thật hào hùng.
Trong quá trình tải lương lên Điện Biên, nhiều dân công Thanh Hoá đã có những sáng tạo, tăng năng suất lao động, với tinh thần sẵn sàng hy sinh tất cả cho chiến trường.
Tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đang trưng bày chiếc xe cút kít của ông Trịnh Đình Bầm, dân công xã Định Liên, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa, người đã chế tạo ra chiếc xe cút kít hình chữ A, trong đó 1 phần bánh xe được ghép bằng gỗ bàn thờ gia tiên.
Với chiếc xe này, ông Bầm đã tải lương thực từ 100 đến 280kg/ chuyến; suốt toàn chiến dịch, ông đã vận chuyển được gần 12.000kg lương thực, được Hội đồng Cung cấp Liên khu 4 tặng bằng khen, được tuyên dương toàn tỉnh Thanh Hóa.
Tính chung trong toàn chiến dịch, tỉnh Thanh Hóa đã đóng góp 30% số người dân trong độ tuổi lao động tham gia dân công với tổng số dân công lên đến hơn 178.900 người và 27 triệu ngày công; hơn 3.500 xe đạp thồ được huy động lên đến gần 16.000 lượt vận chuyển, hơn 1.100 chiếc thuyền, đặc biệt có cả 31 chiếc ô tô, 180 xe bò, 42 ngựa, 3 thớt voi. Thanh Hóa đã vận chuyển ra mặt trận Điện Biên hơn 9.000 nghìn tấn gạo chiếm 56% và hàng trăm tấn thực phẩm các loại chiếm 40% số thực phẩm sử dụng trong chiến dịch.
Những đóng góp này là sự cố gắng vượt bậc của Nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Trong điều kiện đời sống của mọi người còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cùng quyết tâm thực hiện kháng chiến đến cùng, người dân sẵn sàng "đói hơn", vất vả hơn để nhường lương thực cho bộ đội, đã cho thấy tinh thần "cả nước cùng ra trận".
Cùng với vai trò là "hậu phương lớn của tiền tuyền lớn", hàng chục nghìn con em Thanh Hóa và các địa phương Liên Khu 3, Liên Khu 4 đã lên đường chiến đấu, anh dũng có mặt ở những nơi cam go, hiểm nguy nhất, hy sinh xương máu tại chiến trường Điện Biên Phủ.
Ngay tại di tích đường kéo pháo ngày nay ở xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, hình ảnh người anh hùng Tô Vĩnh Diện quê ở xã Nông Trường huyện Nông Cống nay thuộc huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hoá đã được tạc vào bức phù điêu bằng đá.
Ngày ấy, mỗi tiểu đoàn nhận 12 khẩu pháo cao xạ 37 ly và 12 khẩu 12 ly 7 để kéo vào trận địa. Để đưa mỗi khẩu pháo hơn 2 tấn vượt núi cao chỉ bằng sức người quả là vượt quá sức tưởng tượng của những người sản xuất loại khí tài này. Vậy mà, từng khẩu pháo khổng lồ đã được những người chiến sĩ pháo binh "chân đồng, vai sắt" đưa lên tận đỉnh Pha Sông.
Sau 7 ngày đêm gian khổ, pháo của bộ đội ta đã được kéo vào trận địa. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu tình hình của địch, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ quyết định thay đổi sang phương châm "đánh chắc, thắng chắc". Để đảm bảo thắng lợi cho chiến dịch, các đơn vị bộ đội được lệnh kéo pháo ra khỏi trận địa cũ, di chuyển đến trận địa mới.
Với quyết tâm còn cao hơn núi, bộ đội ta một lần nữa lại phải đương đầu với đèo cao, vực thẳm và bom đạn, bí mật kéo pháo rời khỏi lòng chảo ra địa điểm tập kết an toàn. Chính trong lần kéo pháo này, chiến sỹ Tô Vĩnh Diện đã hy sinh thân mình để cứu pháo, nêu một tấm gương sáng chói cho đồng đội trước khi chiến dịch nổ súng.
Ngày 13/3/1954, quân ta đánh trận mở màn chiến dịch. Cụm cứ điểm Him Lam được coi là lá chắn thép mạnh nhất bảo vệ cho Tập đoàn cứ điểm từ hướng Bắc, nên quân Pháp đã xây dựng thành một cứ điểm quan trọng số 1 trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Ngay ở vị trí tiến công này, anh hùng Trần Can, quê ở huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, đã dẫn đầu Đại đội 366, giương cao lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" trên Sở chỉ huy đại đội của địch trên đỉnh đồi và đây là lá cờ chiến thắng đầu tiên của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Cũng trong trận đánh mở màn ngày 13/3/1954, anh hùng Phan Đình Giót, một người con của quê hương Hà Tĩnh đã dũng cảm xông lên lấy thân mình lấp lỗ châu mai, bịt miệng hoả lực của địch, tạo thuận lợi cho đồng đội tiến đánh vào khu vực trung tâm của cứ điểm. Hành động anh dũng, cao đẹp này đã tiếp thêm sức mạnh để quân ta xông lên tiêu diệt kẻ thù, làm chủ cứ điểm Him Lam.
Cựu chiến binh Bùi Kim Điều, quê huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình
Sau 56 ngày đêm "Khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/ Máu trộn bùn non, gan không núng, chí không mòn", quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.
Rất nhiều người con của quê hương Thanh Hoá và các tỉnh đã chiến đấu, anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Nhiều người còn được may mắn trở về với những vết thương do chiến tranh để lại. Nhưng rất nhiều người vẫn còn nằm đâu đó trong những ngôi mộ chưa xác định danh tính hay giữa những cánh rừng già của Điện Biên. Máu đào của các anh đã đổ xuống cho mảnh đất này được nở hoa.
Ông Trịnh Huy Luân, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa
Cho đến bây giờ, Thượng tá Nguyễn Bá Viết, cựu chiến binh trung đoàn 316, đại đoàn 308 hiện đang sống ở Phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa vẫn nhớ cảm xúc vào buổi chiều 7/5/1954, khi ông và đồng đội ở Điện Biên Phủ được nghe thông báo quân Pháp đã đầu hàng.
Niềm vui sướng vỡ òa xen lẫn niềm tiếc thương những người đồng đội đã anh dũng hy sinh ngay trước giờ chiến thắng.
Ông Nguyễn Bá Viết, phường Đông Hải, thành phố Thanh Hóa
Ngày 13/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Thanh Hóa lần thứ hai, khi đánh giá về công lao của nhân dân Thanh Hóa trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác đã khen ngợi "Bây giờ tiếng Việt Nam đến đâu, tiếng Điện Biên Phủ đến đó. Tiếng Điện Biên Phủ đến đâu, đồng bào Thanh Hóa cũng có một phần vinh dự đến đó".
Chiến thắng Điện Biên Phủ là một bản hùng ca bất hủ, "một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử" trong thế kỷ 20. Đó là thắng lợi rực rỡ của dân tộc Việt Nam anh hùng và cũng là thắng lợi chung của các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước vào năm 1975, và cũng là nguồn sức mạnh tiếp để dân tộc ta giành thắng lợi trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước ngày một "đàng hoàng hơn, to đẹp hơn" như nguyện ước của Bác Hồ.
Đại tá, tiến sĩ Vũ Tang Bồng, Nguyên Trưởng phòng Lịch sử kỹ thuật hậu cần quân sự, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
70 năm đã trôi qua, chiến trường Điện Biên Phủ năm xưa đã thay màu áo mới. Trên những hố bom, trận địa pháo giờ đây đã xanh mướt màu của sự no ấm.
Tất cả các di tích vẫn còn đó nhưng đã trở thành những điểm thăm quan, du lịch thật yên bình, thơ mộng, trái ngược với những ký ức hằn sâu trong tâm trí những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến ít ỏi còn sống hôm nay.
Với họ Điện Biên Phủ không đơn giản là kỷ niệm về một trận chiến trong cuộc đời họ đã trải qua mà đã ăn sâu vào một phần máu thịt. Bởi đó là thanh xuân của họ đã hiến dâng cho hoà bình, tự do của đất nước.
Ông Đồng Hữu Thạo, xã Định Hải, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Những dân công, thanh niên xung phong, chiến sĩ Điện Biên trở lại với cuộc sống đời thường lao động, sản xuất ở địa phương hoặc tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhiều người trong số họ đã trở thành những cán bộ cấp cao trong quân đội hoặc lãnh đạo các cơ quan của đảng, nhà nước ở các địa phương. Nhiều người trở về quê hương với cuộc sống bình dị tiếp tục những công việc thầm lặng. Dù ở cương vị nào, những chiến sĩ Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững bản chất anh Bộ đội Cụ Hồ, là những công dân gương mẫu, đóng góp công sức của mình xây dựng quê hương, đất nước, là những tấm gương sáng cho con cháu noi theo.
Giờ đây, kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, họ lại hân hoan như trẻ lại khi được về với xứ Thanh dự chương trình gặp mặt, tri ân chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ do Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam phối hợp với Tỉnh Thanh Hóa tổ chức. 163 đại biểu của các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam và Ninh Bình mang khí thế hào hùng của chiến sĩ Điện Biên năm xưa đã vượt qua quãng đường xa xôi, vượt qua trở ngại về sức khỏe về đây hội ngộ.
Những đôi chân đã không còn khỏe khoắn, nhanh nhẹn như khi bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ 70 năm về trước nhưng niềm tự hào, tinh thần hăng hái của các cụ vẫn dâng trào khi được tham dự buổi gặp mặt, tri ân.
70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu" dường như vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của những chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến năm xưa. Những cuộc gặp gỡ, ôn lại chuyện một thời "chị gánh, anh thồ", tải lương vượt qua đèo cao, vực sâu phục vụ chiến dịch hay kỷ niệm những khi đào hào, kéo pháo, khi cầm súng chiến đấu anh dũng trên các mặt trận như thế này sẽ không còn nhiều. Nhưng cứ mỗi lần nhắc đến "Điện Biên Phủ - Võ Nguyên Giáp", mỗi người trong số họ lại bồi hồi xúc động nhớ về tuổi thanh xuân tươi đẹp, ý nghĩa nhất trong cuộc đời.
Điện Biên Phủ, đỉnh cao của chiến tranh Nhân dân,"lừng lẫy năm Châu, chấn động địa cầu" không chỉ vì sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và quân đội ta mà còn vì những kỳ tích được tạo nên bởi những con người bình dị.
Không có pháo đài nào không thể công phá, chỉ có lòng dân và tinh thần dân tộc mới là bất khả xâm phạm. Bản hùng ca Điện Biên Phủ được viết lên bằng khát vọng độc lập tự do, tinh thần đoàn kết và ý chí "quyết chiến quyết thắng" của cả một dân tộc sẽ còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.