Theo báo cáo tình hình dịch bệnh của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 23-29.10 đã ghi nhận gần 800 ca mắc sốt xuất huyết. So với tuần trước đó đã giảm 73 ca. Số ca mắc sốt xuất huyết giảm nhưng bệnh sởi có dấu hiệu gia tăng. Cụ thể, trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 11 ca mắc sởi, nâng tổng số ca lên 43, trong đó 1 trường hợp tử vong.
Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo dự báo của các chuyên gia, bệnh sốt xuất huyết tiếp tục được khống chế, không có đỉnh dịch thứ 2 nếu duy trì các hoạt động chống dịch quyết liệt như hiện nay. Hà Nội sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch và tiếp tục nâng cao năng lực hệ thống giám sát, cảnh báo, đáp ứng nhanh,… để giảm tối đa các ca mắc mới, bảo vệ sức khỏe của người dân thành phố.
Để ngăn chặn dịch thành công, ngành y tế cũng khuyến khích người dân không nên chủ quan, tiếp tục kiểm tra, vệ sinh các dụng cụ chứa nước trong nhà, ngăn ngừa lăng quăng/bọ gậy, tự phòng tránh muỗi đốt, tiếp tục phối hợp với cán bộ y tế và chính quyền trong các hoạt động phòng chống dịch.
Về bệnh sởi, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết: Sởi là một bệnh truyền nhiễm gây dịch, do virus sởi gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi hoặc cũng có thể gặp ở người lớn, do chưa được tiêm phòng sởi hoặc đã tiêm phòng nhưng chưa được tiêm đủ liều.
Bệnh hay xảy ra vào mùa đông xuân, khi thời tiết ẩm kéo dài. Bệnh sởi rất dễ lây lan, đặc biệt là ở những nơi tập trung đông người như trong trường học. Bệnh lây theo đường hô hấp qua các giọt bắn dịch tiết từ đường hô hấp của người mắc bệnh hoặc cũng có thể qua tiếp xúc trực tiếp hoặc qua bàn tay bị ô nhiễm với các dịch tiết đường hô hấp có chứa mầm bệnh. Trẻ em không được tiêm vaccine sởi và những người không có miễn dịch với virus sởi đều có thể bị mắc sởi.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.