Longform
img
[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 1.

Ngay sau khi chương trình "Nâng bước em tới trường" được Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam phát động, năm 2016, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã quán triệt, triển khai chương trình này đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ 2 tuyến biên giới. Theo quy định của chương trình, mỗi đơn vị nhận đỡ đầu ít nhất 2 học sinh với mức hỗ trợ 500 ngàn đồng/em/tháng, cho đến khi học hết lớp 12. Nguồn quỹ thực hiện chương trình được trích từ tiết kiệm tiền lương, phụ cấp của cán bộ, chiến sĩ và tăng gia sản xuất, lao động của đơn vị. Các Đồn Biên phòng còn thường xuyên cử cán bộ đến thăm hỏi, động viên, theo dõi kết quả học tập, rèn luyện phấn đấu của các em.

Em Lương Thị Ngân, học sinh lớp 5A, trường Tiểu học Bát Mọt 1 đã có 2 năm được nhận học bổng của Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" với số tiền là 4,5 triệu đồng trong 9 tháng. Số tiền này không hề nhỏ đối với một hộ nghèo như gia đình anh Lương Văn Toàn và chị Lang Thị Mùi. Cả hai vợ chồng anh chị đều không được học hành đến nơi đến chốn, nên đã gặp nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bởi vậy, anh Toàn mong muốn hai con của mình được đến trường đi học để có cuộc sống tươi sáng hơn. 

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 2.

Sự giúp sức của Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" đã mang đến niềm tin và hi vọng cho bé Ngân cũng như gia đình. Anh Lương Văn Toàn (Bố em Lương Thị Ngân), thôn Ruộng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân cho biết: Bố mẹ không có điều kiện đi học nên gia đình rất mong muốn con cố gắng học hành thật giỏi, cũng rất cảm ơn các bác bộ đội Biên phòng đã hỗ trợ cho con được đến trường.

Bố mất trong cơn lũ dữ năm 2017, hoàn cảnh kinh tế gia đình đặc biệt khó khăn, mẹ gửi em cho ông bà nội để đi bước nữa, tưởng chừng như cơ hội đến trường của Lang Thị Như Ý ở thôn Chiềng, học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Bát Mọt 1, đã khép lại. Từ năm học 2023 - 2024, em trai của Lang Thị Như Ý cũng bắt đầu vào lớp 1, gánh nặng chi phí học tập đều dồn lên đôi vai của ông bà nội Lang Văn Đồng và Lang Thị Doanh. Thế nhưng, Dự án "Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nâng bước em tới trường" đã kịp thời mang đến cho Như Ý niềm hi vọng, hỗ trợ điều kiện vật chất và tiếp thêm động lực tinh thần để em tiếp tục hành trình thực hiện ước mơ của mình.

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 3.

Em Lang Thị Như Ý, Học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Bát Mọt 1, Thường Xuân, Thanh Hóa chia sẻ: "Năm nay con học lớp 3, lớp con có 28 bạn, con được vào đội múa cùng các bạn, con rất vui". Ông Lang Văn Đồng (ông nội em Lang Thị Như Ý), thôn Chiềng, xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân cũng bày tỏ lời cảm ơn đến các anh bộ đội Biên phòng đã giúp cho Như Ý được đi học, mong rằng cháu đi học ngoan, giỏi, sau này lớn lên góp ích cho xã hội.

Em Lộc Thị Phương Nhung ở bản Him, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát cũng được Ðồn Biên phòng Quang Chiểu nhận đỡ đầu từ năm 2018. Nhung mồ côi bố từ nhỏ, mẹ đi lấy chồng xa, em ở cùng ông bà nội. Ông bà đã già chỉ sống dựa vào mấy sào ruộng nước và ít đất lâm nghiệp, nên cuộc sống rất khó khăn. Mặc dù vậy, ông bà vẫn động viên Nhung cố gắng học tập để sau này đỡ vất vả. Cảm thông với hoàn cảnh của Nhung, cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Quang Chiểu đã dành mỗi tháng 500.000 đồng để hỗ trợ gia đình nuôi em ăn học, và mua thêm quần áo, đồ dùng học tập.

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 4.

Bà Lương Thị Hường, bản Him, xã Mường Chanh, huyện Mường Lát xúc động cho biết: "Nhờ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các chú bộ đội Đồn Biên phòng Quang Chiểu, gia đình đã có thể yên tâm cho cháu đi học. Các chú bộ đội còn thường xuyên xuống động viên, khích lệ cháu hòa nhập với các bạn, vươn lên học tập tiến bộ. Năm mới này cháu rất rất vui vì lần đầu tiên có được góc học tập thật đẹp nhờ các chú biên phòng mua sắm cho".

Mỗi đứa trẻ khi sinh ra đều có quyền được sống và trưởng thành trong vòng tay yêu thương của bố mẹ. Thế nhưng… điều đó giờ đây lại là mong ước xa vời đối với cậu bé mồ côi Thao Văn Đua… Em Đua cho biết đầu năm học lớp 3 thì mẹ mất, sang học kỳ 2 thì bố mất, nhiều ký ức về bố mẹ em đã không còn nhớ được.

Sinh ra và lớn lên tại xã Nhi Sơn huyện Mường Lát, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Thanh Hóa. Cậu bé Thao Văn Đua sớm chịu thiệt thòi khi mất đi vòng tay yêu thương của mẹ cha. Trong lúc bạn bè đồng trang lứa được gia đình bảo bọc, chăm lo thì em lại phải tự mình học cách trưởng thành như nhành cây kiên cường bám vào đá mà lớn lên…

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 5.

Anh Thao Văn Thê, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát cho biết: khi bố mẹ mất, em Đua mới được 9 tuổi. Sau đó em về ở với gia đình, tuy gia đình cũng còn khó khăn nhưng vẫn lo cho em đi học.

Chông chênh là vậy nhưng Thao Văn Đua chưa từng có ý định bỏ học. Đường đến trường của em tuy có xa hơn, gập ghềnh hơn các bạn… nhưng may mắn thay bên em luôn có sự hỗ trợ, động viên của gia đình người bác, của các chú bộ đội Biên phòng đồn Pù Nhi, của thầy cô và bạn bè tại trường THCS Nhi Sơn - huyện Mường Lát. Thầy giáo Lê Quang Đức, Phó hiệu trưởng trường THCS Nhi Sơn, huyện Mường Lát cho biết: "Thao Văn Đua là một em học sinh ngoan của nhà trường, quá trình học của em rất cố gắng và nỗ lực, với những cố gắng này, mong muốn sau này em có tương lai tốt đẹp".

Mỗi ngày trôi qua với Thao Văn Đua là một ngày không ngừng cố gắng. Cố gắng không chỉ cho bản thân mà còn để đền đáp công ơn những người đang ngày ngày tiếp bước cho em đến trường, giúp tô màu cho bức tranh ước mơ của em được rõ nét hơn….

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 6.

Thao Văn Đua có ước mơ sẽ trở thành quân y Biên phòng để chăm lo cho người dân như các chú bộ đội Biên phòng đã làm, và không muốn sẽ có các bạn nhỏ bị mất  vì căn bệnh hiểm nghèo. Để có thể trở thành một bác sỹ quân y như mong ước, Đua còn phải nỗ lực nhiều hơn nữa… Nhưng trên hành trình gian nan ấy, em sẽ không đơn độc, bởi xung quanh luôn có rất nhiều mạnh thường quân yêu thương, giúp đỡ và đồng hành.

Thiếu tá Bùi Xuân Ngãi, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết: "Đồn Biên phòng Pù Nhi rất mong muốn có các nhà hảo tâm, các mạnh thường quân sẽ cùng chúng tôi chăm sóc tốt hơn nữa cho các em, và đồng thờichúng tôi cũng mong muốn các em sẽ trưởng thành, cùng với các đồng chí bộ đội Biên phòng sẽ là nguồn nhân lực sau này cùng chung tay bảo vệ vững chắc với chủ quyền an ninh biên giới".

Với chương trình "Nâng bước em đến trường", hiện nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa đã đỡ đầu 84 học sinh ở các xã biên giới có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 2,6 tỷ đồng. Ðây là nguồn đóng góp của cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng và huy động từ các tổ chức xã hội từ thiện, cá nhân giàu lòng hảo tâm.

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 7.

Trong quá trình đỡ đầu, các đồn Biên phòng cử cán bộ, chiến sĩ thường xuyên gặp gỡ, hỗ trợ thêm về vật chất và động viên tinh thần vượt khó cho gia đình và học sinh. Các đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với địa phương, gia đình và nhà trường để trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình học tập, rèn luyện, ý thức, trách nhiệm của các em. Qua đó kịp thời động viên, khuyến khích những việc làm tốt, thành tích tiêu biểu; phát hiện, uốn nắn những việc làm chưa đúng, giúp các em trở thành con ngoan, trò giỏi.

Chương trình "Nâng bước em tới trường" là mô hình thiết thực, ý nghĩa, có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đông đảo cán bộ, chiến sĩ biên phòng và Nhân dân khu vực biên giới. Với chương trình này, Bộ đội Biên phòng Thanh Hóa đã nâng đỡ, động viên con em đồng bào biên giới vượt qua khó khăn để vững bước trên con đường tri thức. Qua đó, góp phần xây dựng, củng cố vững chắc "thành trì lòng dân", thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân từ những việc làm nhỏ nhất, bằng tất cả sự chân thành, tin cậy, yêu mến, tình cảm quân - dân gắn bó, thủy chung.

[Longform] Nâng bước em tới trường- Ảnh 8.

Minh Quyên
Thanh Tùng
Trần Tùng
Minh Hương

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận