Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lựa chọn ngày 10/10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Có thể thấy, chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Đây cũng hướng đi tất yếu của các Đài Truyền hình và Đài Phát thanh - Truyền hình trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trên Internet và mạng xã hội. Với Đài Truyền hình Việt Nam, ứng dụng VTVgo được đầu tư xây dựng và phát triển là trụ cột trong chiến lược phân phối nội dung số.
Theo tầm nhìn đến năm 2030, Đài Truyền hình Việt Nam (THVN) sẽ hoàn thành chuyển đổi số toàn diện, vận hành theo mô hình cơ quan số, triệt để ứng dụng công nghệ và sử dụng dữ liệu số trong mọi hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, sản xuất, phân phối và kinh doanh đa nền tảng; góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng trở thành cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, là đơn vị dẫn đầu ngành truyền hình về đổi mới sáng tạo, chiếm lĩnh cộng đồng rộng lớn; giữ vai trò thông tin chủ đạo, định hướng dư luận và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mục tiêu đến năm 2030, người xem VTVgo đạt tỷ lệ 50% người dùng Internet tại Việt Nam.
Trong giai đoạn 2022 - 2023, Đài THVN là cơ quan chủ trì triển khai xây dựng và hình thành nền tảng truyền hình số quốc gia trên cơ sở ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo. Thực hiện sứ mệnh dẫn dắt chuyển đổi số lĩnh vực truyền hình, Đài THVN đã nghiên cứu triển khai phát triển ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo từ gần 10 năm nay. Đến nay, Đài THVN với tầm nhìn đưa VTVgo thành một trong những trụ cột trong chiến lược phát triển cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện, cùng với sự đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy mạnh mẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), ứng dụng xem truyền hình trên Internet VTVgo đã trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia. VTVgo có khả năng truyền tải trực tuyến hàng chục kênh truyền hình chất lượng cao và hàng nghìn giờ chương trình theo yêu cầu.
Từ tháng 12/2022, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo đã được Bộ TT&TT công nhận đạt tiêu chí là "nền tảng số phục vụ người dân". Với các thiết bị thông minh cài đặt VTVgo, người dân có thể dễ dàng xem toàn bộ 7 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, bao gồm: kênh VTV1 của Đài THVN; kênh VTC1 của Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC; kênh Vnews của Thông tấn xã Việt Nam; kênh ANTV của Bộ Công an; kênh QPVN của Bộ Quốc phòng; kênh QHVN của Văn phòng Quốc hội; kênh truyền hình Nhân dân của Báo Nhân dân. Ngoài ra, trên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo còn có một số kênh truyền hình của các địa phương trên cả nước. Theo thống kê, VTVgo hiện có hơn 8 triệu người dùng thường xuyên, trong đó có 6 triệu người dùng trên các thiết bị di động và 2 triệu người dùng trên TV thông minh.
Chiều 5/6/2023, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo chính thức được ra mắt. Đây là kết quả của quá trình chuyển đổi số lâu dài, có tầm nhìn của Đài Truyền hình Việt Nam. Với sứ mệnh mới, VTVgo giúp nối dài "cánh sóng" truyền hình, phục vụ đông đảo khán giả trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi số hiện là hướng đi tất yếu của các đài PT-TH trước sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng trên Internet và mạng xã hội. Với Đài Truyền hình Việt Nam, việc VTVgo chính thức là nền tảng truyền hình số quốc gia có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong quá trình này của VTV.
Theo ông Đinh Đắc Vĩnh, trong quá trình Chuyển đổi số của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), VTVgo đóng vai trò trụ cột trong chiến lược phân phối nội dung số. VTVgo cho phép tích hợp các nội dung thuộc 7 kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, các kênh của đài PT-TH địa phương, các kênh truyền hình của Bộ, ban ngành trên cả nước. Nền tảng truyền hình số quốc gia sẽ thiết lập một hệ thống dữ liệu lớn, cho phép chia sẻ, lưu trữ nội dung, từ đó phân phối nội dung đến khán giả trong và ngoài nước, phục vụ bà con kiều bào ở nước ngoài.
Trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia, VTVgo sẽ mang đến cho người xem những trải nghiệm mới, tạo ra một cộng đồng khán giả số, không chỉ dành riêng cho khán giả của VTV mà còn phục vụ khán giả của rất nhiều đài PT-TH địa phương, Bộ, ban ngành khác.
Về hướng đầu tư cho VTVGo của Đài Truyền hình Việt Nam trong thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam nhấn mạnh có hai mảng quan trọng là kỹ thuật công nghệ và nội dung.
Về kỹ thuật công nghệ, VTVgo sẽ được đầu tư để nền tảng mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khán giả, sẽ càng thông minh hơn, có thể tự động sắp xếp, khuyến cáo nội dung theo thói quen xem của người dùng. Nền tảng truyền hình số quốc gia được kỳ vọng mang lại trải nghiệm xem tốt nhất cho khán giả với chất lượng video tốt nhất, trên mọi thiết bị và TV vào mọi lúc, mọi nơi. VTVgo cũng sẽ từng bước đổi mới chất lượng các dịch vụ trực tuyến để tạo ra một nền tảng số cá nhân hơn, từ đó tăng cường được kết nối cá nhân.
Ngoài ra, Đài Truyền hình Việt Nam cũng sẽ có một hệ thống thu thập thông tin và phân tích, đánh giá hành vi của khán giả để hiểu khán giả hơn. Chính vì vậy, VTVgo không chỉ cung cấp các nội dung sáng tạo, đa dạng, khác biệt và độc đáo nhất mà sẽ ngày càng hiểu khán giả, đồng thời nỗ lực phục vụ tất cả các nhóm đối tượng khán giả khác nhau.
Về nội dung, thông tin tuyên truyền về chính sách, đường lối của Đảng, những thông tin kinh tế, xã hội chính thống sẽ là mảng thông tin quan trọng và đậm nét trên VTVGo. Ngoài 7 kênh truyền hình thiết yếu của Đài THVN, các kênh của đài PT-TH địa phương, các kênh truyền hình của Bộ, ban ngành trên cả nước thì VTVGo cũng sẽ sản xuất những kênh nội dung riêng, sáng tạo, đặc biệt, phong phú hơn đồng thời tạo nên sự khác biệt so với các nền tảng OTT khác.
Việc VTVgo được Bộ TT&TT và Chính phủ lựa chọn trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia, theo ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN, đó là sự ghi nhận về chất lượng và mục đích thúc đẩy sản xuất nội dung có giá trị, được kiểm duyệt trên trên Internet mà VTV đã cố gắng thực hiện trong nhiều năm qua. Khi trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia, VTVgo sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng và khả năng có thể phát triển trong tương lai.
"Đứng ở góc độ là một nền tảng OTT dùng chung cho các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình trên cả nước, khi các đơn vị đưa sản phẩm của mình lên VTVgo sẽ có cơ hội tiếp cận được khoảng 10 triệu khán giả trong và ngoài nước đang dùng VTVgo thường xuyên, thay vì họ phải tiếp cận khán giả từ đầu. Nhưng quan trọng hơn, những nội dung đăng tải trên VTVgo luôn mang lại niềm tin về giá trị thông tin, tính báo chí và sự hấp dẫn phù hợp với nhu cầu xem đa dạng dựa trên việc phân tích dữ liệu khán giả. Điều đó giúp cho các Đài Truyền hình, Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương có thêm khả năng tiếp cận nhanh và thu hút được nhiều người xem hơn" - ông Đỗ Thanh Hải chia sẻ.
Cùng với 7 kênh thiết yếu quốc gia, trên nền tảng VTVgo hiện có các kênh của Đài THVN và một số kênh truyền hình địa phương. Số lượng các kênh truyền hình địa phương vẫn đang tiếp tục được bổ sung. Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thanh Hải cho biết, khi VTVgo chính thức trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia, Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital) sẽ đóng vai trò là nhà quản trị, còn các Đài địa phương sẽ biên tập, sản xuất nội dung để giới thiệu với khán giả trên VTVgo. Khi đó, VTV sẽ tạo môi trường và đảm bảo chất lượng phân phối giúp các Đài địa phương dễ dàng cung cấp sản phẩm đưa lên nền tảng OTT quốc gia này.
Phó Tổng Giám đốc Đỗ Thanh Hải cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các sản phẩm trên VTVgo sẽ phải có chất lượng tốt hơn để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khán giả trong thời đại số.
Cách đây 9 năm, VTVgo là ứng dụng xem truyền hình trên Internet miễn phí được Đài THVN cho ra mắt trên các kho ứng dụng. Ứng dụng này đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển, có tới hàng chục phiên bản khác nhau với rất nhiều thay đổi và rất nhiều tính năng, gắn với điều cốt lõi là lấy khán giả làm trung tâm.
Theo ông Phạm Anh Chiến - Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất và Phát triển Nội dung số (VTV Digital), Đài THVN: "VTVgo nằm trong chiến lược phát triển lâu dài, là kết quả của một cái quá trình chuyển đổi số lâu dài của Đài Truyền hình Việt Nam chứ không phải là một sản phẩm chỉ bắt theo trào lưu. Ý tưởng ban đầu xây dựng VTVgo cũng được định hình sẵn là khán giả ở đâu VTV ở đó và nội dung của VTV có ở mọi nơi, mọi lúc, trên mọi thiết bị.
Tôi rất tự hào khi VTVgo được chọn là nền tảng truyền hình số quốc gia vì đây là sản phẩm của cả một đội ngũ ở VTV. Cho đến bây giờ, VTVgo đã trở thành một trong những nền tảng chủ lực của của Đài THVN trong chiến lược phát triển cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện gắn với chiến lược chuyển đổi số mạnh mẽ của Đài THVN suốt nhiều năm qua".
Nhắc tới những ngày đầu xây dựng ứng dụng VTVgo, ông Phạm Anh Chiến cho biết đội ngũ phát triển VTVgo với nhân sự không đến 10 người gặp quá nhiều khó khăn vì khi ấy, khái niệm OTT (thuật ngữ chỉ dịch vụ truyền thông được cung cấp trực tiếp đến người xem thông qua Internet) chỉ vừa xuất hiện. Bởi vậy, để tạo nên một nền tảng như VTVgo là cả một quá trình vừa học hỏi, vừa nghiên cứu, vừa hoàn thiện, vừa phát triển, vừa sửa sai nhưng điều quan trọng là VTVgo phải do người của VTV phát triển, làm chủ.
"Để làm ra nền tảng VTVgo thì không chỉ có đội ngũ phát triển ứng dụng mà còn phải liên quan đến những dịch vụ, sản phẩm của nhà mạng, viễn thông. Trong suốt nhiều năm qua, nhà mạng, viễn thông cũng đang dần hoàn thiện về những nền tảng video streaming, nền tảng CDN (mạng phân phối nội dung), nền tảng điện toán đám mây để có thể đáp ứng những nhu cầu liên tục thay đổi của người dùng trên Internet và bắt kịp những công nghệ hiện đại" - ông Phạm Anh Chiến chia sẻ.
Để có được một nền tảng hoàn thiện như hiện nay, theo ông Phạm Anh Chiến, phải kể đến những sáng tạo và tình thần cống hiến của những nhân sự đặc biệt giỏi chuyên môn. Việc VTVgo trở thành nền tảng truyền hình số quốc gia được xem là thành tích phi thường của đội ngũ các nhân sự ở VTV.
Chia sẻ về chiến lược phát triển nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo trong thời gian tới, ông Phạm Anh Chiến cho biết, VTVgo sẽ là nền tảng truyền dẫn những nội dung chính thống, bắt kịp những thay đổi về hành vi, thói quen xem truyền hình của khán giả trong kỷ nguyên Internet - chuyển dịch từ xem trên tivi truyền thống sang xem trên đa nền tảng. "Khi đã chuyển dịch trên đa nền tảng đồng nghĩa những nội dung trên VTVgo cũng chuyển dịch theo, tức là format chương trình cũng phải khác tivi truyền thống, có những tính năng cho phép khán giả có thể xem mọi nơi, mọi lúc như xem trực tuyến, xem lại… VTVgo sẽ hướng tới tiếp cận toàn bộ người dùng Internet ở Việt Nam khi đưa tất cả các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia và địa phương lên nền tảng này" - ông Phạm Anh Chiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, về chiến lược đối ngoại, VTVgo đã thay thế hoàn toàn việc phát sóng chương trình ra nước ngoài qua hình thức vệ tinh rất tốn kém trước đây và có thể tiếp cận một cách rất nhanh chóng đến từng kiều bào, từng người Việt Nam ở nước ngoài trên thế giới (khoảng 5 triệu người). Trong thời gian tới, VTVgo cũng hướng tới hội tụ nội dung khi đưa ứng dụng VTV Giải trí lên nền tảng này, giúp tạo thêm nhiều nội dung phục vụ các khán giả trong và ngoài nước.
Với mục tiêu đến năm 2030, người xem VTVgo đạt tỷ lệ 50% người dùng Internet tại Việt Nam, theo ông Phạm Anh Chiến, điều quan trọng đầu tiên VTVgo hướng đến là phải đáp ứng đúng nhu cầu của khán giả. Bên cạnh đó, cần phải hiểu khán giả thì mới có thể đưa ra những gợi ý, những nội dung phù hợp cho từng đối tượng khán giả. Điều cuối cùng là cần phải có sự tương tác giữa các đa nền tảng, nghĩa là sử dụng những nền tảng truyền thông mạng xã hội để quảng bá cho những chương trình trên sóng và được phát trên VTVgo.
"Đã gọi là nền tảng truyền hình số quốc gia thì VTVgo nên được cài đặt sẵn trên tất cả các thiết bị nghe nhìn ở Việt Nam, bao gồm điện thoại di động và tivi thông minh. Điều này cần sự liên kết, phối hợp và đồng bộ của rất nhiều yếu tố, rất nhiều công việc phải làm thì mới có thể đạt được những kỳ vọng như vậy" - ông Phạm Anh Chiến chia sẻ thêm.
Đề cập đến việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ dữ liệu lớn (Big Data) trên nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo, ông Phạm Anh Chiến cho rằng, để triển khai được điều này cần phải có thời điểm chín muồi của công nghệ. Trong tương lai, việc ứng dụng Big Data sẽ đưa vào việc làm tăng trải nghiệm của khán giả, nghĩa là trên cơ sở phân tích hành vi từng khán giả có thể gợi ý những nội dung phù hợp cho đối tượng khán giả đó. Còn về trí tuệ nhân tạo, VTV Digital đã triển khai bước đầu tiên là nhận dạng những chương trình đang phát sóng, những nội dung trên truyền hình để chọn thời điểm thích hợp đưa ra những gợi ý cho khán giả.
Mang sứ mệnh là một nền tảng truyền hình số quốc gia, VTVgo sẽ tiếp tục được chú trọng đầu tư về nội dung, nâng cấp hệ thống công nghệ, tối ưu tính năng cá nhân hóa về trải nghiệm người dùng… để theo kịp sự phát triển của các nền tảng số trên thế giới. Ông Phạm Anh Chiến tin tưởng, với rất nhiều sản phẩm đã và đang được sản xuất riêng cho VTVgo, nền tảng này sẽ có những điều kiện cần và đủ để có thể để bứt phá trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin & Truyền thông tháng 5/2023, ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông - nhận định, hiện nay việc đưa những nội dung lên nền tảng số xuyên biên giới có vẻ như không tốn kém nhưng không có gì là miễn phí. Khi đưa nội dung lên mạng xã hội, chúng ta không thể kiểm soát được ai là người xem, số lượng người xem ra sao và lợi ích của việc khai thác nội dung của bên thứ ba.
"Cho đến bây giờ, tôi chưa nhìn thấy bất cứ một mô hình nào của bất cứ một cơ quan báo chí nào của Việt Nam khi đưa nội dung của mình lên nền tảng mạng xã hội của bên thứ ba, cụ thể ở đây là nền tảng xuyên biên giới, là thành công cả. Họ có thể cho mình một kênh để phân phối nội dung nhưng khi nội dung phát ra, nằm trong tay ai, kiểm soát được hay không, lợi ích có thuộc về mình không thì đến giờ này đều là câu hỏi chưa có câu trả lời thỏa đáng" - ông Nguyễn Thanh Lâm phân tích.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cũng thấy rõ được nỗ lực, mục tiêu, lộ trình mà VTV đã đặt ra để có sự ra mắt nền tảng truyền hình quốc gia số VTVgo trong ngày hôm nay. Với sứ mệnh phục vụ sự nghiệp truyền hình, VTV trong vị thế là Đài truyền hình quốc gia, là cơ quan đầu ngành truyền hình đã thể hiện vai trò dẫn dắt trong quá trình chuyển đổi số, từng bước giải quyết câu chuyện số hóa và đưa các nội dung của VTV cùng với các kênh truyền hình thiết yếu của quốc gia, địa phương lên chung một nền tảng số.
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cũng nhận định VTV nói chung và VTVgo nói riêng sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là trong bối cảnh người dùng có thể truy cập dễ dàng vào các nền tảng nội dung xuyên biên giới, trong đó nhiều nền tảng nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam, tạo nên nguy cơ đối với an ninh văn hóa tư tưởng và đặc biệt là khán giả trẻ có xu hướng tiếp cận rất dễ dàng với các nền tảng đó.
"Cùng với cơ quan quản lý nhà nước, những cơ quan báo chí đầu ngành như VTV phải đảo ngược lại xu thế này", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm kết luận.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hà Yên, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh - Truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin & Truyền thông, khẳng định: "Việc ra mắt nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo hết sức có ý nghĩa, là hy vọng để người dân Việt Nam có thể sử dụng dịch vụ truyền hình quảng bá trong nước một cách rộng rãi, giảm tình trạng sử dụng các nền tảng truyền hình xuyên biên giới khó kiểm soát".
Cùng với sự thúc đẩy của Bộ TT&TT, sự đồng hành của các Đài Phát thanh - Truyền hình địa phương, các đơn vị sản xuất nội dung lớn trên cả nước, nền tảng truyền hình số quốc gia VTVgo sẽ ngày càng lớn mạnh và phục vụ tốt hơn các nhu cầu thông tin, giải trí thiết yếu của người dân Việt Nam, từng bước cạnh tranh với các nền tảng số quốc tế. Đến năm 2024, VTVgo được kỳ vọng sẽ có đủ 63 kênh truyền hình địa phương, hướng tới đưa nút VTVgo lên điều khiển TV thông minh và các đơn vị làm nội dung sẽ cùng chung sức bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian số.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.