tin ảnh

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh

Mỗi dân tộc đều có những bộ trang phục truyền thống riêng và dựa vào các bộ trang phục truyền thống chúng ta có thể phân biệt, nhận biết đó là dân tộc nào. Bởi mỗi bộ trang phục truyền thống đều thể hiện khả năng sáng tạo, tính thẩm mỹ cao và sự độc đáo từ cách kết hợp hoa văn cho đến màu sắc. Từ đó, tạo nên nét riêng biệt trong bộ trang phục truyền thống. Hiện nay, ở vùng miền núi xứ Thanh cùng với đồng bào các dân tộc như Thái, Mường, Dao, Thổ... thì đồng bào Mông là một trong số những dân tộc đang còn gìn giữ được nhiều nét đặc sắc nhất trong trang phục của dân tộc mình.

Phương Chính - Đức Tình

10/11/2023 22:09

Tìm hiểu về cội nguồn và lịch sử hình thành phát triển của người Mông ở Thanh Hóa, theo các cụ cao niên cho biết, phần lớn người Mông Thanh Hóa di cư từ các địa phương khác ở khu vực miền núi phía Bắc, thuộc 3 ngành: Mông Trắng, Mông Đen và Mông Hoa. Trong đó, người Mông Trắng có số dân đông nhất và ít nhất là người Mông Đen. Đồng bào Mông ở Thanh Hóa chủ yếu sinh sống tại các huyện Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa. Theo số liệu điều tra sơ bộ năm 2020 của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, người Mông hiện nay có 18.011 người, trong đó, số nữ là 8.910 người.

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 1.

Trải qua bao biến thiên của thời gian, qua nhiều lần di cư trú ngụ để tìm vùng đất mới sinh sống, lập bản, lập mường, đồng bào Mông không chỉ nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống ấm no mà còn quan tâm đến việc bảo tồn các nét văn hóa truyền thống của dân tộc, như ngôn ngữ, chữ viết, ẩm thực, các làn điệu dân ca, dân vũ. Đặc biệt trang phục truyền thống của người phụ nữ Mông được xem là "vật quý" luôn được các chị em nỗ lực gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ và nó cũng chính là nét đẹp, là điểm nhấn của văn hóa truyền thống đồng bào Mông.

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 2.

Đối với các dân tộc anh em khác chủ yếu phụ nữ chỉ có một bộ trang phục chính là váy áo hoặc quần áo thì phụ nữ người Mông lại có tới 2 bộ trang phục truyền thống là quần áo và váy áo. Tuy nhiên, bộ trang phục quần áo vẫn được chị em sử dụng nhiều trong đời sống, lao động và sản xuất. Còn bộ váy áo chỉ được chị em diện vào những ngày có công việc trong đại, hay lễ tết, ngày hội của bản làng

Ở tuổi 50, đối với bà Sung Thị Xia, ở bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát nghề thêu thùa, may vá gắn bó với bà như một phần của cuộc sống. Cũng như các cô gái trong bản tuổi 13 Sung Thị Xia đã bắt đầu theo các bà, các mẹ lên nương rẫy thu hoạch lanh, rồi học dệt vải, thêu thùa. 15 tuổi Sung Thị Xia đã thành thạo việc học thuê thùa, may vá và tự tay may cho mình những bộ trang phục đẹp. Bởi theo quan niệm của đồng bào Mông việc may vá, thêu thùa cũng chính là thước đo đánh giá sự siêng năng, chăm chỉ của người phụ nữ. Và giờ đây khi đời sống phát triển, nghề trồng lanh, dệt vải không còn nhưng bà Sung Thị Xia vẫn dành trọn đam mê với nghề. Hằng ngày, bà Xia và các chị em trong bản luôn truyền dạy cho con cháu giữ nghề.

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 3.

Bà Sung Thị Xia, Bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyệnMường Lát

Bà Sung Thị Xia, Bản Pù Ngùa, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát chia sẻ: "Thêu thùa đã là nghề truyền thống của dân tộc Mông do vậy chúng tôi quyết tâm giữ nghề, truyền dạy con cháu biết phát huy nét đẹp trong đời sống mới hiện nay. Đối với lớp trẻ phải dạy cho các con biết trang phục truyền thống của dân tộc Mông rất quan trọng và quý giá, không chỉ với bản thân mình mà còn với cả gia đình và dòng họ. Vì vậy, phải mọi người phải cùng nhau gìn giữ".

Với tập quán du canh, du cư để thuận tiện trong sinh hoạt hàng ngày cũng như trong lao động sản xuất, bộ trang phục của người phụ nữ Mông được sáng tạo phù hợp với đời sống thực tiễn. Quan sát bộ trang phục ta dễ dàng nhận thấy, ngoài chiếc áo, quần, bộ trang phục còn có dây thắt lưng, xế  và một số phụ kiện khác. Chiếc áo nửa lưng (hay còn gọi là áo khóm) chính là điểm nhấn của bộ trang phục. Chiếc áo được may khá đơn giản, với cổ hình chữ V, khi mặc chiếc áo này chị em thường kết hợp với áo phông cổ tròn hoặc áo sơ mi mặc bên trong. Để làm nổi bật cổ áo hình chữ V, chị em phụ nữ người Mông còn khéo léo may vào đó chiếc nẹp áo với hình sọc hoa văn nhiều màu. 

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 4.

Không những vậy, để phân biệt chiếc áo của nam và nữ, phần sau cổ áo của nữ giới còn được trang trí bởi một miếng hoa văn được thêu tinh xảo với hình chữ nhật. Đặc biệt, ở phần tay áo của nữ giới còn được may thêm sọc ngang màu đen làm nổi bật chiếc áo màu xanh của phụ nữ người Mông. Áo khóm được kết hợp với quần ống rộng có xế che phía trước. Xế chính là miếng vải được thắt cả trước lẫn sau, chính giữa của tấm xế thường được may thêm miếng vải xanh tạo điểm nhấn. Xế không chỉ là chi tiết phân biệt quần nam giới và nữ giới mà nó còn dùng để tạo nên sự mềm mại, uyển chuyển của người phụ nữ  khi di chuyển.

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 5.

Để tô điểm cho bộ trang phục của phụ nữ Mông thêm rực rỡ sắc màu không thể thiếu đó là những chiếc dây thắt lưng. Dây thắt lưng của bộ trang phục cũng được quấn hai lớp. Trước tiên, là chiếc dây thắt lưng có hai đầu được thêu hoa văn, độ dài của dây thắt bằng với một vòng eo của người phụ nữ. Tiếp theo, các chị em sẽ dùng dây lưng dài với các màu chủ đạo như đỏ, hồng, xanh, tím... để quấn lên phần eo tạo nên sự duyên dáng nhưng đầy khỏe khoắn của người phụ nữ vùng sơn cước.

Ông Lâu Văn Kỷ, Phó chủ tịch UBND xã Pù Nhi, huyện Mường Lát cho biết thêm: "Xã chúng tôi chủ yếu là người Mông sinh sống, do vậy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào vẫn được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đặc biệt, trang phục vẫn là nét văn hóa chủ đạo được gìn giữ".

Bộ trang phục thường ngày của đồng bào Mông tuy nhìn đơn giản nhưng không kém phần cầu kì, tinh tế. Điểm ấn tượng trong bộ trang phục này chính là sự  khéo léo trong cách phối hợp các màu sắc, tạo nên  các hình khối, hoa văn mang bản sắc văn hóa riêng của người Mông. 

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 6.

Sự tỉ mỉ, dứt khoát trong từng đường kim, mũi chỉ, cùng với óc sáng tạo và trí tưởng tượng phong phú, phụ nữ người Mông đã thêu nên những hoa văn, hình khối gắn liền với đời sống như những bông hoa rừng, cây cối, chim muông... tất cả những tạo hình này đều được chị em chiêm nghiệm trong đời sống. Từ đó, phác họa lên trên bộ trang phục của mình. Sắc chủ đạo trong bộ trang phục chủ yếu với áo màu xanh, quần màu đen. Các hoa văn được thêu trên bộ trang phục thường là mùa đỏ, màu vàng, tím... phần lớn là các gam màu nóng, không chỉ  thể hiện khát khao về một cuộc sống ấm no mà những gam màu này còn giúp cho đồng bào cảm thấy ấm áp trong những ngày đông giá rét nơi đại ngàn.

Chị Vàng Thị Dua, Chi hội trưởng, chi hội phụ nữ bản Kéo Hượn, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát cho biết: "Phụ nữ bản chúng tôi luôn duy trì tốt việc thêu thùa các trang phục truyền thống.  Thời gian tới, chúng tôi sẽ mở thêm các lớp dạy thêu cho các con cháu. Chúng tôi cũng thường xuyên mặc các bộ trang phục này không chỉ trong các dịp lễ, tết mà trong cả đời thường ngày để nhớ về nguồn cội".

Ông Thao Văn Lênh, Chủ tịch UBND xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát cho biết thêm: "Trên cơ sở Chỉ thị 05 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và  Nghị quyết chuyên đề của huyện, xã đã tham mưu cho Đảng ủy ra các Nghị quyết, giao cho các ban, ngành, đoàn thể tuyên  truyền người dân phát huy các giá trị văn hóa truyền thống".

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 7.

Ngày này, dù có ảnh hưởng của sự du nhập trang phục từ nhiều nền văn hóa khác nhau, hay nghành may mặc phát triển đã tạo ra những thách thức mới nhưng với đồng bào Mông ở các huyện vùng cao xứ Thanh trang phục truyền thống vẫn là nét đẹp bình dị và mộc mạc được bà con lưu giữ. Trang phục truyền thống không chỉ tôn lên vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động sản xuất của người phụ nữ mà trong những ngày hội lớn trang phục truyền thống còn làm cho người phụ nữ xinh đẹp lạ thường, họ được ví như những đóa hoa khoe sắc giữ núi đồi làm say đắm bao mặc khách. Đó cũng là sự khẳng định cho nét văn hóa độc đáo của trang phục  Mông không pha lẫn với bất kỳ trang phục dân tộc nào khác.

Nét đẹp trang phục đồng bào Mông xứ Thanh- Ảnh 8.

Để bảo tồn trang phục của đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Thanh Hóa, năm 2023, UBND Tỉnh Thanh Hóa đã ban hành kế hoạch số 64/KH –UBND ngày 20/3/2023 về triển khai đề án "Bảo tồn, phát huy và phát triển tiếng nói, chữ viết, trang phục, nghề truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023 - 2025". Tin rằng khi đề án được thực hiện sẽ góp phần bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị văn hóa trang phục truyền thống đồng bào dân tộc Mông nói riêng và đồng bào các dân tộc trong tỉnh nói chung trong thời kỳ đổi mới.

Nguồn: Chuyên mục Sắc màu các dân tộc xứ Thanh/TTV

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận