Longform
img
Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 1.

Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 3.

Chỉ tay về phía những vạt lúa, nương ngô trĩu hạt... rồi lại ngắm nhìn những ngôi nhà vững chãi của bà con dân bản được xây dựng ngày càng nhiều, cụ Lâu Chơ Dịa, 82 tuổi là một trong những bậc cao niên của bản Pha Đén. Cụ Lâu Chơ Dịa rất phấn khởi trước những đổi thay của bản làng hôm nay.

Theo lời kể của cụ Lâu Chơ Dịa, bản Pha Đén phát triển, đi lên như ngày hôm nay đầu tiên là nhờ loại bỏ được nhiều phong tục, hủ tục lạc hậu trong ma chay, cưới hỏi. 

Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 2.

Trong hồi ức của cụ Dịa, năm 2013, dòng họ Lâu ở bản Pha Đén chính là dòng họ tiên phong đầu tiên của đồng bào Mông ở huyện Mường Lát thực hiện tang lễ đưa người chết vào quan tài. Ở thời điểm đó, cụ Lâu Chơ Dịa và nhiều người cao tuổi khác của bản là những người phản đối mạnh việc thực hiện tang ma theo nếp sống mới. Tuy nhiên với sự động viên, tuyên truyền của chính quyền địa phương gia đình cụ Dịa đã thực hiện lễ tang cho người quá cố theo nếp sống mới. Đến tháng 6/2013 UBND Tỉnh Thanh Hóa triển khai thực hiện đề án "Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông Thanh Hóa". Từ đây, khắp các bản làng của đồng bào Mông Xứ Thanh đã đẩy lùi và loại bỏ được hủ tục lạc hậu trong tang ma. Giờ đây, tuy tuổi đã cao nhưng cụ Lâu Chơ Dịa vẫn rất tâm huyết trong việc tuyên truyền người dân loại bỏ các hủ tục lạc hậu trong đời sống.

bản mông - Ảnh 2.

Thành công từ việc vận động người dân thực hiện theo nếp sống mới trong tang lễ của đồng bào Mông đã giúp cho cấp ủy, chính quyền xã Pù Nhi và bản quản lí bản Pha Đén tiếp tục tuyên truyền người dân loại bỏ các tục lệ cũ dẫn đến nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Đến nay, ở bản Pha Đén không còn trường hợp hôn nhận cận huyết thống, tỷ lệ các cặp vợ chồng tảo hôn đã giảm nhiều so với trước kia. 100% các hộ gia đình ký cam kết thực hiện hương ước của bản trong việc thực hiện nếp sống văn hóa.

bản mông - Ảnh 3.

Dù chỉ cách trung tâm xã Nhi Sơn gần 5km nhưng bản Pha Đén lại thuộc vùng địa hình hiểm trở, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt nên đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm 2014 trở về trước Pha Đén là bản 3 không, 100% hộ dân thuộc diện nghèo. Xác định, để giúp người dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống trước hết phải đảm bảo an sinh xã hội, hệ thống điện, đường, trường, trạm phải được đầu tư xây dựng.

Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 5.

Năm 2015, tuyến đường bê tông dài 4,5 km nối bản Pha Đén với xã Pù Nhi được hoàn thành tạo điều kiện thuận lợi trong sinh hoạt và sản xuất của người dân. Đặc biệt, từ khi có đường, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành thông qua các chương trình dự án như 134, 135, 30A, đề án ổn định đời sống, kinh tế vùng đồng bào Mông được triển khai, người dân bản Pha Đén đã có điều kiện được tiếp cận với nhiều giống cây con mới. Bên cạnh đó, thông qua các lớp tập huấn chuyển giao về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế.

Gia đình ông Lâu Văn Sung là một trong những hộ gia đình đi đầu trong phát triển kinh tế ở bản Pha Đén. Trước kia, cũng như nhiều hộ dân trong bản, gia đình ông Sung chủ yếu sinh sống dựa vào nương rẫy và chăn nuôi nhỏ lẻ, cuộc sống luôn thiếu trước, hụt sau. Qua những lớp tập huấn, thăm quan các mô hình phát triển kinh tế ông Lâu Văn Sung đã quyết tâm thoát nghèo ngay trên mảnh đất quê hương. Năm 2019, với số tiền dành dụm được ông Sung đã mua đôi bò giống về nuôi. Từ việc đầu tư chuồng trại đến chăm sóc, phòng bệnh đúng cách cho đàn vật nuôi. Đến nay, đàn bò của gia đình ông Sung đã có tới 12 con. Chăn nuôi thuận lợi, giúp cho gia đình ông có nguồn thu ổn định, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn.

Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 6.

Bước chuyển mình mạnh mẽ nhất của bản Pha Đén đó là vào năm 2019 khi dòng điện lưới quốc gia được kéo về bản. Sau nhiều năm mong chờ 96 hộ dân với 436 khẩu vui mừng, phấn khởi. Từ ngày có điện cuộc sống, sinh hoạt của người dân đã thuận lợi hơn. Các đồ dùng thiết yếu trong gia đình như ti vi, nồi cơm điện, máy bơm nước... giờ không còn xa lạ với người dân. Các loại máy móc phục vụ cho sản xuất cũng được người dân đầu tư mua sắm. Ánh sáng điện đi tới đâu cái nghèo, cái lạc hậu bị đẩy lùi tới đó.

Bà Và Thị Dua, bản Pha Đén, xã Pù Nhi, huyện Mường Lát chia sẻ: "Trước đây trong bản bà con chúng tôi thường xuyên thiếu nước sinh hoạt hoặc phải đi lấy nước ở nơi xa. Giờ có điện rồi, lại có máy bơm dẫn nước về tận bản chúng tôi vui lắm. Cảm ơn cấp trên đã quan tâm đến đời sống của bà con dân bản".

Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 7.

Kinh tế phát triển, đời sống ngày càng được nâng lên, nhận thức của bà con dân bản về sự học ở Pha Đén cũng đã khác xưa. Những tiết học sổi nổi, những tiếng vui đùa của con trẻ vang vọng nơi lưng chừng núi như tô điểm thêm sức sống mới nơi dẻo cao. Trước kia, do mưu sinh nên việc học hành của con cái ít được các bậc phụ huynh quan tâm. Cùng với cách nghĩ chủ yếu sinh nhiều con để có người làm nương rẫy nên việc học hành của con em thường bị bỏ giữ chừng. Tuy nhiên, với sự tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương cùng với các thầy cô giáo cắm bản, hiện nay 100% trẻ em đủ tuổi được đến trường.

Ông Mai Xuân Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa

Ngày mới trên bản Mông Pha Đén - Ảnh 8.

Những thành quả hôm nay mà bản người Mông Pha Đén có được, ngoài sự nỗ lực, cố gắng của người dân thì nguồn lực đầu tư, hỗ trợ Đảng và Nhà nước, của tỉnh về cơ sở hạ tầng, các chương trình dự án đã tạo đà cho nhiều hộ dân ở địa phương phấn đấu vươn lên trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Góp phần cùng với các cấp chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong huyện xây dựng huyện Mường Lát ngày càng phát triển.


Chuyên mục Câu chuyện vùng cao, Phát sóng tháng 10/2022

Kịch bản và Đạo diễn: Phương Chính - Xuân Quang

Trình bày: Khánh Phượng


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận