Longform
img

Phim Tài liệu: Thành cổ Quảng Trị - Khúc tráng ca bất tử Tập 2: Nghĩa tình người lính Thành Cổ

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 1.

Tròn 50 năm diễn ra sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, trong dòng người nối tiếp nhau vào thăm di tích Thành Cổ, có rất nhiều cựu chiến binh từng chiến đấu nơi đây. Vượt qua khó khăn về khoảng cách địa lí, về sức khỏe, họ đã tìm về thắp nén tâm nhang tri ân những đồng chí, đồng đội đang nằm lại vùng đất thiêng này. Ai cũng xúc động khi chạm vào những bức tường thành đổ nát, chi chít vết đạn bom, và bước thật khẽ để đồng đội được yên nghỉ an lành dưới lớp cỏ xanh…

Đêm bên bờ Bắc dòng Thạch Hãn. Những chiếc bè hoa được thả trôi theo dòng nước, chứa bao ân tình của các chiến sĩ Thành Cổ dành cho đồng đội đã khuất. Trong ánh sáng huyền ảo, những bè hoa như là điểm kết nối tâm linh giữa những người còn sống và những người nằm lại trong sâu thẳm lòng sông…

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 2.

Kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, những chiến sĩ Thành Cổ lại tiếp tục tham gia các chiến dịch mới, và cuối cùng là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử vào mùa xuân 1975. Bản lĩnh, khí phách và kinh nghiệm chiến đấu được tôi luyện trong suốt 81 ngày đêm khốc liệt ở Quảng Trị đã giúp họ vượt lên mọi hiểm nguy, góp phần cùng toàn quân, toàn dân đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sau Đại thắng Mùa Xuân 1975, các cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc tiếp tục nổ ra, những người lính Thành Cổ còn trong quân ngũ lại cầm súng chiến đấu cho đến ngày đất nước thanh bình.

Kết thúc những cuộc chiến, trong đội ngũ những chiến sĩ Thành Cổ năm xưa, người thì tiếp tục con đường binh nghiệp, người chuyển sang lĩnh vực công tác khác, người trở về gắn bó với ruộng vườn quê hương... Dù ở vị trí nào, những chiến sĩ Thành Cổ vẫn phát huy truyền thống anh dũng, kiên cường trong chiến đấu, cống hiến sức lực, trí tuệ để góp phần xây dựng quê hương, đất nước, sống xứng đáng với sự hi sinh của các đồng chí, đồng đội đã ngã xuống.

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 3.

Doanh nhân - Cựu chiến binh Lê Viết Minh từng tham gia chiến đấu ở Quảng Trị vào thời điểm tháng 5/1972, khi vừa nhập ngũ. Ông có mặt tại các cao điểm 105, 367, 235 thuộc huyện Hải Lăng. Là người may mắn trở về sau chiến tranh, ông luôn tâm niệm: "Đồng đội hi sinh để mình sống, nên phải sống sao cho xứng đáng với những hi sinh cao cả ấy". Bởi vậy, nhiều năm qua, Doanh nhân - Cựu chiến binh Lê Viết Minh đã xây dựng doanh nghiệp phát triển lớn mạnh, song hành cùng với những tri ân mà ông dành cho đồng chí, đồng đội. Ông tạo điều kiện cho những thương bệnh binh, cựu chiến binh và con em của họ vào làm việc tại doanh nghiệp, lớp này về hưu, lớp khác kế cận. Đến nay đã có hàng trăm cựu chiến binh, con em cựu chiến binh được tạo việc làm ổn định để chăm lo cuộc sống gia đình.

Doanh nhân - Cựu chiến binh Lê Viết Minh từng tâm sự rằng: "Hòa bình lập lại, mỗi lần hút một điếu thuốc ngon, ăn một bữa ăn ngon, nhớ về đồng đội đã hi sinh trong gian khó, thiếu thốn nơi bom đạn ác liệt là lại thấy nghẹn ngào". Nỗi đau đớn, xót xa khi nghĩ đến những đồng đội còn nằm lại ở núi cao rừng thẳm, chưa tìm thấy hài cốt, chưa được quy tập về các nghĩa trang đã thôi thúc người cựu chiến binh này lên đường.

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 4.

Từ những năm 1990, ông Minh đã cùng một số đồng đội thuộc Sư đoàn 304 vào chiến trường Quảng Trị để xác định các địa danh từng chiến đấu, cung cấp thông tin tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cho đơn vị. Khi vào nơi có nhiều đồng đội chưa tìm thấy hài cốt, nhìn cảnh tượng hoang tàn, lạnh lẽo, ông ấp ủ mong muốn xây dựng một ngôi miếu thờ, để linh hồn các liệt sỹ có nơi nương náu. Vì nhiều điều kiện, mãi tới năm 2007, cựu chiến binh Lê Viết Minh và đồng đội mới quay trở lại đây để xây dựng miếu thờ.

Với Doanh nhân - Cựu chiến binh Lê Viết Minh, cuộc đời ông nặng ân tình với những đồng chí, đồng đội đã hi sinh và cả những vùng đất đã từng cưu mang, đùm bọc ông trong chiến tranh. Bởi vậy, mỗi năm ông có ít nhất 3 lần và nhiều nhất là 13 lần vào thăm viếng đồng đội ở chiến trường xưa, nhất là vào dịp tháng 7 linh thiêng. Mỗi chuyến đi, ông và các đồng đội Sư đoàn 304 mang theo nhiều đồ lễ quân tư trang và những món quà quê, để dâng cúng hương hồn đồng đội. Trung bình mỗi năm Doanh nhân – Cựu chiến binh Lê Viết Minh và công ty Cổ phần Tân Thành Phát do ông làm chủ dành từ 200 -300 triệu đồng để hỗ trợ các gia đình thương binh, liệt sĩ tại tỉnh Quảng Trị, nơi ông xem là quê hương thứ 2, và thăm hỏi, tặng quà cho các gia đình thương binh, liệt sĩ tại Thanh Hóa quê nhà. Với bản lĩnh, ý chí của một người lính được rèn rũa trong chiến tranh, Doanh nhân – Cựu chiến binh Lê Viết Minh đang viết tiếp bản hùng ca về người lính cụ Hồ, người lính Thành Cổ trong xây dựng quê hương, đất nước hôm nay.

Tháng 5 năm 1972, ông Nguyễn Quang Tiệp lên đường nhập ngũ, tham gia chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, sau đó hòa vào đoàn quân tiến vào giải phóng miền Nam, và tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đất nước yên tiếng súng, ông về công tác tại Học viện Hậu cần cho đến ngày nghỉ hưu. Đối với cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiệp, sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị không chỉ là ký ức khốc liệt, mà còn là niềm tự hào, là động lực để ông phấn đấu và cống hiến suốt cuộc đời. Năm 2003, sau khi về hưu, cựu chiến binh Nguyễn Quang Tiệp đã thành lập Công ty TNHH Xây dựng & Kinh doanh Tuấn An.

Với bản lĩnh của người lính Cụ Hồ, ông đã tạo lập được một thương hiệu mạnh trong lĩnh vực xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng tại tỉnh Thái Bình, với doanh thu hàng năm lên đến 180 tỷ đồng.

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 7.

Suốt cuộc đời, người cựu binh này luôn thấy mình có một ân tình sâu đậm với vùng đất thiêng Quảng Trị, vì nơi đây có nhiều đồng đội đã ngã xuống, có các anh chị du kích cưu mang, giúp đỡ ông trong những ngày tháng bom đạn ác liệt. Dù bộn bề công việc, mỗi năm ông đều dành thời gian trở lại nơi này. Ông chăm chút, sửa sang nghĩa trang xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, nơi có các đồng đội của ông đang an nghỉ; góp kinh phí sửa chữa nâng cấp Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chốt thép Long Quang, và hỗ trợ nhân dân vùng đất ông từng chiến đấu với cả tấm chân tình.

Nhiều chiến sĩ Thành Cổ đến nay dù tuổi già, sức yếu, trên mình mang những vết thương chiến tranh, hoàn cảnh gia đình vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn dành dụm từng đồng tiền phụ cấp, lặn lội vào khắp các chiến trường để tìm đưa hài cốt đồng đội về quê hương.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình hiện sống tại thị xã Quảng Trị, là một trong số rất nhiều người lính Thành Cổ nặng lòng với đồng đội đã hi sinh. Năm 1972, chàng trai trẻ Nguyễn Thanh Bình lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị (K8). Là lính trinh sát, nên ông nắm rất rõ thông tin về các đơn vị và địa bàn chiến đấu. Vì vậy, 6 năm sau ngày đất nước thống nhất, ông đã chọn mảnh đất Quảng Trị để sinh sống, với tâm nguyện được ở gần những đồng đội đã hi sinh, và có thể tham gia tìm kiếm hài cốt các liệt sĩ. 

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 8.

Trong suốt hơn 35 năm qua, người cựu chiến sĩ Thành Cổ này vẫn miệt mài với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ ở mặt trận Quảng Trị. Bàn chân ông đã đặt lên rất nhiều trận địa còn mang dấu tích đạn bom và chết chóc. Bằng sự nhạy bén của người lính trinh sát và linh cảm đặc biệt của mình, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình đã cung cấp, kết nối thông tin và trực tiếp tìm kiếm hàng trăm hài cốt liệt sĩ, đưa các anh về với quê hương.

Suốt nhiều năm qua, Ban liên lạc Trung đoàn 101, Sư đoàn 326 tại huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã làm nhiều việc ý nghĩa cho đồng đội đã hi sinh và gia đình họ. Cha của anh Lại Thế Khuê, liệt sĩ Lại Thế Kim, hi sinh tại chiến trường Quảng Trị khi anh mới hơn 2 tháng tuổi. Sau giải phóng, anh và mẹ được đồng đội của cha đưa vào viếng mộ cha tại Quảng Trị. Cảm động trước nghĩa tình của các bác, các chú, anh đã nhận những người đồng đội của cha mình là bố nuôi. Năm 2021 được sự giúp đỡ tận tình, chu đáo của những người bố nuôi, anh đã đưa được phần mộ cha về nghĩa trang quê nhà huyện Hà Trung.

Chị Lê Thị Hiệp cũng là con của một liệt sĩ Thành Cổ Quảng Trị. Năm 1972, cha chị là ông Lê Vĩnh Thuyên, Hiệu trưởng trường THCS Hóa Quỳ, huyện Như Xuân, đã xung phong đi B, vào chiến trường Quảng Trị. Dẫu chưa một lần được nhìn thấy mặt cha, nhưng nỗi khát khao tìm được di hài của người cha thân yêu đã thôi thúc chị vào chiến trường Quảng Trị, nhưng vô vọng. Cuộc sống khó khăn khiến chị chưa thể trở lại tìm kiếm di hài cha lần nữa. Năm 2022, tình cờ biết được hoàn cảnh của chị, Ban liên lạc Trung đoàn 101 Sư đoàn 325 đã quyên góp 150 triệu đồng giúp chị Hiệp xây một ngôi nhà nhỏ để thờ cúng cha.

Hôm nay là một ngày đặc biệt, ngày chị Hiệp đón vong linh của cha về thờ trong ngôi nhà mới, và đón đồng đội của cha đến thăm. Nỗi khát khao mong chờ, nỗi cô đơn buồn tủi của một người con mồ côi cha dồn nén suốt 50 năm qua bỗng vỡ òa, khi chị nhìn thấy những đồng đội của cha. Chị như gặp lại chính người cha của mình trong vòng tay ấm áp, nghĩa tình của những cựu chiến binh Thành Cổ.

Thành Cổ Quảng Trị, 50 năm sau cuộc chiến khốc liệt 81 ngày đêm. Một cuộc gặp gỡ tình cờ của những người lính từng chiến đấu ở các địa danh An Tiên, Chợ Sải. Những người chung chiến hào năm xưa, nay tóc đã ngả màu. Với những ai đã từng đi qua 81 ngày đêm bom đạn tàn khốc ở Thành Cổ Quảng Trị, thì được sống đã là một điều kì diệu. Những cái siết tay thật chặt để giấu niềm xúc động đang trào dâng….

Nghĩa tình người lính Thành Cổ  - Ảnh 12.

Cựu chiến binh Nguyễn Thành Đạt (áo đen) bên bức ảnh chụp trong thời điểm ông tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ

Tại Bảo tàng Thành Cổ, cựu chiến binh Nguyễn Thành Đạt đã dành cho đồng đội một bất ngờ thú vị, khi dừng lại ngắm bức ảnh người lính thông tin trong căn hầm nhỏ. Người lính trẻ đó chính là ông. Bức ảnh chụp trong thời điểm ông tham gia chiến đấu bảo vệ Thành Cổ, mãi gần đây ông mới biết. Những kỉ niệm một thời trận mạc là sợi dây vô hình, để những cựu chiến sĩ Thành Cổ nhớ về nhau, nhớ về thời thanh xuân tươi đẹp đã hiến dâng cho Tổ quốc.

Đi qua 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị, những người lính luôn tự hào vì đã góp phần viết nên bản hùng ca bất tử trong lịch sử dân tộc, góp phần mang lại hòa bình, thống nhất cho Tổ quốc. Bản lĩnh, ý chí được tôi rèn trong khói lửa chiến tranh sẽ là nguồn động lực để những cựu chiến binh Thành Cổ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước hôm nay.

Mai Ngọc
Văn Tráng - Xuân Quang
Đức Anh
Minh Hương



Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận