Longform
img
Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 1.

Sáng nào, bà Vũ Thị Thủy, vợ ông Lê Huy Thục ở thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân, huyện Như Thanh cũng dậy sớm, chuẩn bị đồ dùng cho chồng vào thăm  rừng lim, cách nhà chừng hơn 1 km. Công việc này, ông bà đã làm suốt mấy chục năm nay, từ khi tuổi còn trẻ, cho tới tận bây giờ.

Cũng bởi lòng quyết tâm và sự kiên trì ấy, sau gần 30 năm, ông Thục đã được tự nhiên "trả ơn" bằng màu xanh của một khoảnh rừng. Rừng lim này rộng khoảng  8ha, có hàng vạn cây lim xanh và nhiều loài cây bản địa quý hiếm. Đây là khoảnh rừng tự nhiên duy nhất còn sót lại của xã Thanh Tân, huyện Như Thanh. Nhiều thân cây lim lớn, có giá trị cao không chỉ về kinh tế, mà còn về nguồn gen sinh học. Với ông Thục, rừng lim xanh này không chỉ là minh chứng cho nỗ lực giữ rừng của cả gia đình, mà còn là kỷ niệm về một thời khốn khó, khi ông mới từ xứ biển lên với vùng đất thâm sơn cùng cốc.        

Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 2.

Ông Lê Huy Thục quê gốc ở phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn. Năm 1962, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước kêu gọi Nhân dân lên khẩn hoang, phát triển kinh tế tại khu vực vùng cao Thanh Hóa, ông theo cha mẹ lên với mảnh đất Thanh Tân nghèo khó. Thuở ấy, vùng đất này còn là nơi rừng sâu núi thẳm, cách trở với miền xuôi; rừng bạt ngàn bao phủ, với nhiều loại cây quý hiếm, trong đó đa số là lim xanh. Nhưng rồi, khoảng 40 năm về trước, các cánh rừng lần lượt bị đốn hạ để phục vụ nhu cầu canh tác và lấy gỗ của người dân. Rừng xanh trở thành rừng nghèo kiệt.

Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 3.

Năm 1997, Nhà nước có chủ trương giao đất, giao rừng cho các hộ dân quản lý. Gia đình ông Thục nhận trông coi, bảo vệ  30ha rừng. Khi các hộ dân trong thôn, xã lần lượt chặt bỏ rừng để trồng keo và các loại cây khác, ông Thục và vợ vẫn quyết tâm giữ gìn rừng lim, với niềm tin khu rừng sẽ xanh tốt trở lại. Nhưng để thực hiện điều ấy, ông bà phải chấp nhận những khó khăn về kinh tế. Khi 8 người con nheo nhóc lần lượt ra đời, trong điều kiện không có nhiều đất canh tác, cuộc sống càng trở nên gieo neo vất vả.

Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 4.

Để giữ rừng, thay vì chặt lim lấy gỗ trồng keo, ông Thục chọn cách khẩn hoang những miếng đất quanh nhà để trồng luồng. Hiện tại, gia đình ông có trên 1ha luồng, đem lại nguồn thu nhập tương đối ổn định.  Những khi còn khỏe, bà Vũ Thị Thủy kiếm thêm thu nhập từ rừng lim bằng cách nhặt cành rụng, cành mục đem bán hoặc đổi gạo. Mỗi một bó củi, bà chỉ đổi được khoảng 2000 đồng. Bằng mọi cách, ông bà đã nuôi 8 người con trưởng thành; đồng thời trở thành tấm gương cho con cháu về tình yêu và ý thức bảo vệ rừng xanh.

Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 5.

Để hỗ trợ ông Lê Huy Thục giữ rừng, Hạt kiểm lâm Như Thanh, chính quyền xã Thanh Tân và các cơ quan chức năng thường xuyên động viên, khích lệ tinh thần tự giác, nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn toàn xã; đặc biệt trong phòng chống nạn chặt phá rừng. Nhận thấy rừng lim của gia đình ông Lê Huy Thục có mật độ dày, nhiều cây to, Hạt kiểm lâm huyện Như Thanh đã xây dựng đề án bảo tồn gen giống lim xanh quý giá, đồng thời xin kinh phí hỗ trợ gia đình ông Lê Huy Thục  khoản phụ cấp 500.000 đồng/ha/năm. Dù số tiền không lớn, nhưng đã tạo động lực để ông Thục và gia đình tích cực hơn nữa trong bảo vệ rừng lim. Tuy nhiên, khi đề án kết thúc, số kinh phí hỗ trợ này cũng không còn nữa. Việc khôi phục nguồn phụ cấp cho những người có công giữ rừng như ông Thục trở thành nỗi trăn trở của chính quyền xã cũng như lực lượng kiểm lâm.

Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 6.

Lim xanh là loài cây có giá trị kinh tế cao, khu vực rừng lim do gia đình ông Lê Huy Thục bảo vệ lại ở gần đường  lớn, nên nguy cơ mất trộm vẫn rất cao. Vì vậy, ông Lê Huy Thục cùng các cơ quan chức năng chưa bao giờ lơi là việc  gìn giữ, bảo vệ khoảnh rừng này.

Với thành tích giữ gìn và bảo vệ rừng, ông Lê Huy Thục là tấm gương điển hình trong phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân; được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp ngành trao tặng.  Nhưng với cụ ông đã bước vào độ tuổi thất thập này, có lẽ, không niềm vui nào lớn hơn là tiếp tục được nhìn thấy màu xanh của những cây lim cổ thụ- màu xanh của niềm tin, hy vọng về sự hồi sinh những cánh rừng già.

Người trọn đời giữ rừng lim xanh - Ảnh 7.


An Thư
Đức Anh
Phạm Ngọc
Minh Hương

 


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận