ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023

Nếu như nói, năm 2023, kinh tế Việt Nam "Vượt con gió ngược" thì Thanh Hoá cũng không nằm ngoài cơn gió đó. Và tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thanh Hoá đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước là một con số rất đáng nghi nhận. Điều này thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, Nhân dân, lực lượng vũ trang và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh.

Minh Tuyết - Sỹ Thảo

09/02/2024 20:22

Được đánh giá là thành công khi các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đều phát triển toàn diện và vượt mục tiêu kế hoạch, do đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng, là trụ đỡ cho sự ổn định của kinh tế - xã hội. Hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyển dần từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Khi kinh tế thế giới suy giảm, sản xuất công nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn và biến động khó lường từ thị trường trong nước và thế giới. Song các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã nỗ lực khắc phục khó khăn, linh hoạt ứng phó. Vì vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) năm 2023 của Thanh Hóa tăng 4,87%.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 1.

Ông Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Tập đoàn Bất động sản Thanh Hoá, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi cũng không đứng chờ đợi thời cơ vận hội đến, mà chúng tôi đã chủ động để làm công tác giao thương, chủ động gắn kết với nhau. Hiệp hội doanh nghiệp thanh hóa cũng đã tổ chức rất nhiều đoàn đi xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, đi tìm kiếm cơ hội đầu tư tìm kiếm công ăn việc làm cho người lao động và chúng tôi đã chủ động gắn kết với nhiều tổ chức của các hội và đặc biệt là gắn kết các hội trong vùng".

Nếu như sản xuất công nghiệp khó khăn về thị trường do hậu đại dịch và suy thoái kinh tế thì trong năm 2023, hoạt động du lịch của tỉnh Thanh Hoá lại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ với tổng doanh thu đạt trên 24.250 tỷ đồng, tăng 20,9% so với cùng kỳ.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 2.

Tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID - 19, trong năm 2023, du lịch Thanh Hoá bùng nổ với các loại hình từ du lịch biển, đến du lịch sinh thái, tâm linh. Đây cũng là năm đầy sôi động với các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến du lịch giữa tỉnh Thanh Hóa với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Bắc Trung Bộ, các tỉnh Nam Bộ, các tỉnh Tây Bắc. Đặc biệt, việc nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác đã gia tăng tính cạnh tranh về sản phẩm du lịch với các tỉnh. Minh chứng là năm 2023, ngành du lịch ước đón 12,35 triệu lượt khách, vượt 3% kế hoạch, tăng 11,9% so với cùng kỳ, trong đó khách quốc tế ước đạt 616 nghìn lượt, gấp 2,5 lần. 

Du lịch phát triển không chỉ đóng góp cho ngân sách của tỉnh mà còn kéo theo doanh thu bán lẻ hàng hoá tăng cao. Tính chung, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2023 đạt gần 173.000 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ.

Để tạo đà cho kinh tế phát triển, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung cao, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Trong năm, xếp hạng chỉ số quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của tỉnh đứng thứ 3 cả nước, Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 5 cả nước, chỉ số cải cách hành chính (PAR, INDEX) đứng thứ 10 cả nước.

Ngoài phát huy nội lực, tỉnh Thanh Hoá không khép mình chờ nhà đầu tư mà hướng đến phát triển kinh tế mở bằng việc tổ chức nhiều hoạt động ngoại giao, xúc tiến đầu tư ở trong tỉnh, trong nước và nước ngoài.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 3.

Trong năm 2023, giữa tỉnh Thanh Hoá và Nhật Bản đã có nhiều hoạt động kết nối với chuỗi sự kiện quy mô lớn kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản tại Thanh Hoá. Cùng với đó, Thanh Hoá cũng đã tổ chức đoàn cán bộ cấp cao sang Nhật Bản nhằm tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa tỉnh với các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Cũng trong năm 2023, tỉnh Thanh Hoá đã tổ chức thành công nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư tại Italia, Séc, Đức, Thái Lan. Tại các buổi làm việc, đại diện các bên đã trao đổi, giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh và mong muốn thiết lập quan hệ hữu nghị hợp tác trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của mỗi bên và pháp luật của từng nước.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 4.

Đặc biệt, lần đầu tiên "Ngày Italia tại tỉnh Thanh Hoá" được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Italia đã góp phần tăng cường mối quan hệ hợp tác hữu nghị và đưa quan hệ "Đối tác chiến lược Việt Nam - Italia" lên tầm cao mới.

Ông Marco Della Seta, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam cho biết: "Ngày Italia tại tỉnh Thanh Hoá" được tổ chức trong rất đặc biệt, với các hoạt động về triển lãm ảnh hữu nghị Việt Nam - Italia, hoạt động trưng bày sản phẩm tiêu biểu của Italia và Thanh Hóa, Hội thảo xúc tiến kết nối thương mại và đầu tư tại thanh hóa... điều này thể hiện những tiềm năng mới để phát triển hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên".

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 5.

Tại tỉnh Thanh Hoá, lãnh đạo tỉnh cũng đã tiếp và làm việc với nhiều tổ chức quốc tế, các Tập đoàn, nhà đầu tư trong và ngoài nước. Qua đó, vị thế và uy tín quốc tế của tỉnh được nâng cao, mạng lưới quan hệ đối ngoại đã đạt được những bước phát triển mới về chất, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở.

Nếu đường lối phát triển kinh tế mở đem lại cơ hội thì tầm nhìn và định hướng chiến lược đem lại bước đi vững chắc cho cả chu kỳ phát triển dài. Điều đó được khẳng định bằng việc, trong năm 2023, Thanh Hoá là tỉnh thứ 4 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và là tỉnh thứ 3 trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung đô thị Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá đến năm 2040.

Với tầm nhìn dài hạn, các quy hoạch đã định hướng phát triển, sắp xếp không gian và phân bố nguồn lực cho các hoạt động kinh tế - xã hội đồng bộ với quy hoạch cấp quốc gia, bảo đảm tính liên kết, khai thác và sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng hiện có giữa các ngành và các vùng liên huyện, các địa phương trên địa bàn tỉnh.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 6.

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá

Ông Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hoá cho biết: "Trên cơ sở mục tiêu của quy hoạch tỉnh, đặc biệt là định hướng phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 vùng liên huyện và 6 hành lang kinh tế, tỉnh Thanh Hoá đã tập trung dồn nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng, trong đó, tỉnh đã và đang đầu tư các tuyến giao thông quan trọng tạo sự kết nối các khu cao tốc với các trung tâm kinh tế động lực và hoàn thiện hệ thống đường ven biển, hệ thống cảng biển, và cũng đã và đang chấp thuận đầu tư cho các nhà đầu tư đầu tư kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để có mặt bằng sạch thu hút đầu tư. Bên cạnh đó tỉnh cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn của nhà nước đầu tư hệ thống hạ tầng về cung cấp và chuyển tải điện, về hạ tầng công nghệ thông tin".

Các quy hoạch quan trọng được phê đuyệt là bước đột phá, tạo ra khung pháp lý cao nhất, là công cụ quan trọng để định hướng phát triển. Từ đây, các bước phát triển của tỉnh Thanh Hoá được thực hiện đồng bộ trên tất cả các ngành, các lĩnh vực, đảm bảo vừa nhanh, vừa có sức đề kháng tốt hơn trước những tác động không thuận lợi từ bên ngoài, sớm đưa tỉnh Thanh Hoá phát triển nhanh và bền vững, trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước.

Qua bức tranh kinh tế năm 2023 cho thấy dấu ấn quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Cụ thể, việc Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đặt mục tiêu tốc tộ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức không phải là sự mạo hiểm mà là quyết tâm chính trị và sự nỗ lực rất cao buộc cả hệ thống chính trị phải vào cuộc mạnh mẽ để chinh phục mục tiêu ấy.

Kiên định mục tiêu này, hàng tháng, hàng quý, Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh đều có đánh giá rất cụ thể về kết quả thực hiện nhiệm vụ, từ đó, làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, đề ra giải pháp cụ thể hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biệt, năm 2023, ngoài 2 kỳ họp thường kỳ, HĐND tỉnh còn tổ chức 4 kỳ họp chuyên đề để kịp thời quyết định những nội dung cấp bách, cần thiết, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đã cho thấy sự linh hoạt, sáng tạo trong công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan trong tỉnh.

Nhìn lại bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá năm 2023- Ảnh 7.

Cùng với đó, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan, địa phương, đơn vị luôn gương mẫu đi đầu, cầu thị, tận tân, tận lực, tâm huyết và trách nhiệm, chủ động và sáng tạo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, bám sát các quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế của tỉnh, chủ động đề xuất biện pháp tháo gỡ từng điểm nghẽn để bảo đảm các công việc, nhiệm vụ thuộc phạm vi phụ trách của ngành, của địa phương, đơn vị diễn ra thông suốt.

Với sự cố gắng đó, tỉnh Thanh Hoá đã có 20/26 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, đạt 7,01%, dù chưa đạt được như mục tiêu kế hoạch nhưng đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành có quy mô GRDP lớn nhất cả nước.

Nhìn lại những gam màu sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh Thanh Hoá trong năm 2023, chúng ta có quyền tự hào về những thành công của tỉnh, đồng thời nhận thức sâu sắc hơn những thách thức, khó khăn trước mắt, tiếp tục giữ vững niềm tin, quyết tâm bứt phá để về đích kế hoạch 5 năm, giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, thực hiện thắng lợi chủ đề năm 2024 là "Kỷ cương - Trách nhiệm - Hành động - Sáng tạo - Phát triển".

Nguồn: Chuyên mục phát triển kinh tế ngày 9/2/2024

Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm

06:40 , 25/07/2024

Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm còn diễn biến phức tạp trên cả nước, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Thanh Hóa cùng các địa phương đang tăng cường thực hiện kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y.

Xuất khẩu rau quả tiến gần tới mốc 7 tỷ USD

Xuất khẩu rau quả tiến gần tới mốc 7 tỷ USD

06:35 , 25/07/2024

Năm 2024, xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt 7 tỷ USD, mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.

Thanh Hóa có gần 400.000 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Thanh Hóa có gần 400.000 ha rừng được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

23:35 , 24/07/2024

Tính đến tháng 7 năm 2024, tỉnh Thanh Hóa có hơn 648.300 ha rừng. Trong đó, có gần 400.000 ha rừng tham gia cung ứng dịch vụ môi trường rừng.

Thanh Hóa phát triển được 201 ha nhà màng, nhà lưới

Thanh Hóa phát triển được 201 ha nhà màng, nhà lưới

23:33 , 24/07/2024

Những năm gần đây, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã áp dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới vào sản xuất nông nghiệp. Qua đó, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp và đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hơn 800 sản phẩm được các cấp hội Liên hiệp phụ nữ hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, kinh doanh

Hơn 800 sản phẩm được các cấp hội Liên hiệp phụ nữ hỗ trợ giới thiệu, quảng bá, kinh doanh

23:31 , 24/07/2024

Thực hiện chủ đề năm 2024 "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động hội", từ đầu năm đến nay, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ hội viên, phụ nữ tham gia phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đông Sơn: Huy động gần 328 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

Đông Sơn: Huy động gần 328 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu

23:29 , 24/07/2024

6 tháng đầu năm 2024, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được gần 328 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.

Nhiều diện tích lúa ở huyện Nga Sơn bị ngập và hư hỏng

Nhiều diện tích lúa ở huyện Nga Sơn bị ngập và hư hỏng

21:49 , 24/07/2024

Do ảnh hưởng của bão số 2, trong các ngày gần đây, trên địa bàn huyện Nga Sơn đã có mưa lớn, lượng mưa trung bình từ 300 đến 350 mm, gây ngập úng hơn 240 ha lúa mùa, trong có trên 149 ha bị hư hỏng, không thể khôi phục.

Năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể đạt 15 tỉ USD

Năm 2024, xuất khẩu gỗ của Việt Nam có thể đạt 15 tỉ USD

08:02 , 24/07/2024

Tín hiệu tích cực từ nền kinh tế toàn cầu thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa. Trong đó xuất khẩu mặt hàng gỗ của Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng khả quan nửa cuối năm 2024.

Ngân hàng tăng bơm vốn tín dụng cuối năm

Ngân hàng tăng bơm vốn tín dụng cuối năm

07:58 , 24/07/2024

Nhiều ngân hàng triển khai gói tín dụng quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng phục vụ cho doanh nghiệp, trong đó, nhiều gói đã giảm lãi suất cho vay mới từ 1 - 2%.

Ngành nông nghiệp dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công

Ngành nông nghiệp dẫn đầu về giải ngân vốn đầu tư công

07:55 , 24/07/2024

Tính đến tháng 7 năm 2024, ngành nông nghiệp đang dẫn đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, với tổng số vốn gần 10.000 tỷ đồng, đạt trên 46% kế hoạch.