Những nét mới trong lễ hội truyền thống vùng cao
Miền núi phía Tây của tỉnh Thanh Hóa là nơi sinh sống của gần 1 triệu người, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Dao… Mỗi dân tộc có những nét văn hóa, tín ngưỡng, phong tục, tập quán khác nhau. Mỗi dân tộc, hoặc một nhóm cộng đồng các dân tộc cũng có những lễ hội truyền thống đặc trưng. Trong quá trình phát triển, nhiều lễ hội truyền thống ở miền núi Thanh Hóa đã và đang có sự tiếp nhận, biến đổi, kết hợp giữa các yếu tố truyền thống và đương đại để phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, theo định hướng của Đảng và Nhà nước ta về phát triển văn hóa, con người thời kỳ hội nhập, phát triển.
Lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số miền Tây Thanh Hóa được chia làm hai nhóm chủ yếu. Lễ hội tưởng nhớ công lao của các bậc vĩ nhân, anh hùng dân tộc, người có công xây dựng và bảo vệ quê hương đất nước như: Lễ hội Mường Xia (huyện Quan Sơn) gắn với nhân vật lịch sử Tư Mã Hai Đào; Lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa) gắn với công lao chống giặc ngoại xâm của Thượng tướng Thống lĩnh quân Lò Khằm Ban; Lễ hội Chí Linh Sơn (huyện Lang Chánh) gắn với các nhân vật anh hùng trong lịch sử chống giặc Minh của nghĩa quân Lam Sơn… Lễ hội tín ngưỡng dân gian như: Lễ hội Kin chiêng boọc mạy ở các huyện Thường Xuân, Như Xuân; Lễ hội Chá Mùn (huyện Lang Chánh); Lễ hội Pồn pông (các huyện Ngọc Lặc, Lang Chánh, Bá Thước)…
Lễ hội Nàng Han được ngành Văn hóa tỉnh Thanh Hóa và cấp ủy, chính quyền huyện Thường Xuân phục dựng vào năm 2010. Phần lễ (nghi thức tín ngưỡng dân gian) được thực hiện ngay trong hang Cáu, xã Vạn Xuân, nơi được cho là địa điểm Nàng Han, nữ anh hùng dân tộc Thái, sau khi đánh đuổi quân xâm lược đã cùng con ngựa chiến của mình bay lên trời. Phần hội diễn ra bên cạnh hang, có sự tham gia đông đảo của Nhân dân trong vùng với các trò chơi, trò diễn như: khua luống, nhảy sạp, múa cây bông, ném còn… Có thể thấy, cả phần lễ và phần hội trong Lễ hội nàng Han năm 2010 diễn ra khá đơn sơ, mộc mạc, giữ nguyên bản, thể hiện đúng tính chất lễ hội truyền thống của một dân tộc, một vùng dân cư, vùng đồng bào dân tộc Thái Trắng ở mường Trịnh Vạn.
Tại Lễ hội Chí Linh Sơn, huyện Lang Chánh năm 2023, bằng sự quan sát và trực tiếp tham gia, ai cũng có thể nhận thấy có nhiều sự thay đổi so với một lễ hội truyền thống. Thay vì mở hội vào mùa xuân (khoảng tháng 2, tháng 3 âm lịch) như trước đây, Lễ hội Chí Linh Sơn diễn ra vào những ngày cuối tháng 5.
Một sân khấu hoàng tráng, được bài trí hiện đại với khung cảnh chủ đạo mang màu sắc, họa tiết biểu trưng văn hóa các dân tộc bản địa. Các hoạt động nghi thức tín ngưỡng, trình diễn văn nghệ, cuộc thi Người đẹp Châu Lang … đều được diễn ra trên sân khấu này. Bên cạnh đó, lễ hội còn dành một không gian để giới thiệu các sản vật địa phương và tổ chức tour quảng bá các sản phẩm du lịch.
Chị Đỗ Bảo Linh, thị trấn Lang Chánh, huyện Lang Chánh, tỉnh Thanh Hóa chia sẻ: "Đây cũng là dịp để người dân quê hương có thể quảng bá được những sản phẩm, đặc sản riêng của địa phương đến với du khách tham gia du lịch".
Quan sát các lễ hộ truyền thống được tổ chức ở khu vực miền núi Thanh Hóa những năm gần đây có thể thấy: lễ hội đã được cải biến và nâng cấp hơn trên nhiều phương diện, hướng đến nhiều mục đích hơn; quy mô lớn, thời gian kéo dài hơn; nội dung về phần lễ tinh gọn, các hoạt động phần hội được tăng cường và bổ sung phong phú. Thay vì người dân là chủ thể chính, thì nay có sự tham gia của cơ quan chức năng với vai trò giám sát, vận hành; đối tượng tham gia lễ hội được mở rộng hơn, trước đây chỉ có sự tham gia của cư dân của địa phương tổ chức lễ hội, nay có thêm nhiều dân tộc khác nhau trong vùng, cùng sự góp mặt của du khách trong và ngoài tỉnh…
Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Hưng, Khoa Khoa học Xã hội, Trường Đại học Hồng Đức
Lễ hội mường Ca Da là một trong những lễ hội truyền thống có quy mô cấp huyện ở miền núi Thanh Hóa, được phục dựng từ năm 2010, tổ chức 5 năm một lần vào tháng 2 âm lịch. Quan sát Lễ hội mường Ca Da năm 2023 có thể thấy, những nét đặc trưng trong bức tranh lịch sử, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Quan Hóa đã được thể hiện rõ. Phần lễ được người dân và chính quyền thực hiện một cách trang trọng, linh thiêng, cho thấy tấm lòng của thế hệ con cháu đối với bậc tiền nhân có công khai phá, phát triển mường Ca Da xưa và huyện Quan Hóa ngày nay. Trong khi đó, các nét văn hóa vật thể và phi vật thể cũng được thể hiện trong các phần thi như: hát khặp, khua luống, biểu diễn cồng chiêng, thi trình diễn trang phục truyền thống, thi đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy… Bên cạnh đó, 15 gian hàng giới thiệu sản vật của các xã, thị trấn trong huyện cũng được dành không gian hợp lý để hoạt động, giao thương tấp nập.
Dù lễ hội truyền thống được giữ nguyên bản hay có sự biến đổi, phát triển thì những ý nghĩa và giá trị nhân văn của nó luôn được gìn giữ và phát huy, trường tồn với thời gian. Lễ hội truyền thống là nơi thể hiện rõ tính cố kết và sức mạnh cộng đồng; là nơi để cộng đồng sáng tạo và thụ hưởng những giá trị văn hóa đã được đúc kết qua hàng trăm năm. Lễ hội là dịp để tôn vinh, lưu truyền những truyền thống tốt đẹp của cha ông, trao gửi cho thế hệ mai sau…
Tuy vậy, trong quá trình phục dựng và tổ chức những lễ hội truyền thống, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cũng cảnh báo nhiều nguy cơ làm biến đổi quá mức, như: đơn điệu hóa lễ hội; trần tục hóa lễ hội; chính quyền can thiệp quá sâu vào việc vận hành, dễ làm mờ nhạt vai trò của Nhân dân là chủ thể văn hóa của lễ hội; hoặc quá thương mại hóa lễ hội…
Lễ hội truyền thống là một trong những hình thức sinh hoạt văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống tâm linh của mỗi dân tộc, một hoạt động tập thể của người dân nhằm thụ hưởng những giá trị tinh thần sau những ngày lao động vất vả. Đây là dịp để người dân tỏ lòng thành kính, biết ơn những bậc nhiên thần, nhân thần, những người có công với dân với nước mà họ tôn vinh, thờ phụng. Lễ hội truyền thống cũng là nơi phô diễn vẻ đẹp văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc, là không gian vui chơi, giải trí của người dân.
Lễ hội, cốt lõi của nó là hoạt động tín ngưỡng – văn hóa của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Do đó, mọi sự thay đổi, "cải tiến" thiết nghĩ cũng cần xuất phát từ nhu cầu của Nhân dân với tư cách là chủ thể văn hóa. Ứng xử đúng đắn và tôn trọng giá trị cốt lõi của lễ hội truyền thống là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tất nhiên, trong quá trình tổ chức, vận hành lễ hội, vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương và của ngành văn hóa là rất quan trọng. Bởi, lễ hội truyền thống cũng là một sản phẩm văn hóa tinh thần của xã hội, cần được quản lý, định hướng phát triển một cách đúng đắn, đảm bảo thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 33, Hội nghị lần thứ 9, Ban chấp hàng Trung ương Đảng khóa XI đã đề ra.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.