ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH THANH HÓA

Thanh Hoa Radio and Television
Đường dây nóng: 0237 3721150

"Ông Đồ phố cũ" giữa lòng Hà Nội

Có một nghệ nhân gần 60 năm nay ngày nắng cũng như ngày mưa, dù mùa đông buốt giá hay mùa hè đổ lửa, người ta vẫn thấy ông trong căn phòng nhỏ ở khu phố cổ của Thủ đô, số 47 Hàng Ngang. Ông là Nguyễn Bảo Nguyên - một nhân chứng sống của lịch sử văn hóa hội họa truyền thần, giữa một Hà Nội thăng trầm và đầy biến động qua dòng chảy thời gian.

24/04/2018 09:15

Nhạc sỹ Cát Vận (nguyên Trưởng ban biên tập âm nhạc Đài tiếng nói Việt Nam) đã tặng nghệ nhân già Bảo Nguyên mấy câu thơ: “Ông ngồi đó như bức truyền thần theo vào phố cổ/ Mái tóc bay bạc nắng gió thời gian/ Ông ngồi đó như ông Đồ phố cũ/ Gọi quá khứ về qua nét tài hoa”.

1. Quả là “Gọi quá khứ về qua nét tài hoa” nếu rảo bước trên con phố Hàng Ngang ồn ào, náo nhiệt bỗng ngang qua một cửa hàng nhỏ chỉ khoảng 6m vuông, ngập ngừng bắt gặp những bức tranh được vẽ bằng mực Tàu với hai màu đen - trắng rất có hồn và sống động của người họa sĩ già. Giờ ông đã ngoài 80, mái tóc bạc trắng, trên khuôn mặt hằn lên dấu vết của thời gian.

Nghề truyền thần đã từng tưng bừng trên con phố cổ từ những năm 50, đến 80 của thế kỉ trước giờ chỉ còn lại 4 người. Đó là ông Thịnh tuổi mới ngoài 50 ở phố hàng Đường. Một phụ nữ ở phố Hàng Đào, cũng chính là người em vợ của ông. Vợ ông và ông vừa là những người vẽ truyền thần cao niên nhất, vừa là người Hà Nội gốc ít ỏi còn sót lại ở con phố này.  

 

 

Lão nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên.

Ông bảo: Giờ phố cổ sầm uất đông đúc chật chội nhưng đa phần là người nơi khác đến làm ăn buôn bán, mỗi chủ cửa hàng lại thuê 5-6 người bán hàng từ quê lên kiếm kế sinh nhai. Người phố cổ chuyển đi nơi khác sinh sống hết rồi. Nếu đếm người Hà Nội gốc chỉ còn có mấy người. Kí ức khi xưa dần hiện về, ông nhớ về quá khứ đã từng có một nghề truyền thần như thế, một Hà Nội như thế.

Ông người gốc Ô Quan Chưởng, cách cửa hàng trên phố Hàng Ngang chừng 5 phút đi bộ. Ông Bảo Nguyên bắt đầu với nghề truyền thần từ năm 1960 khi đấy cũng ở cái cửa hàng bé chỉ vừa đủ kê một cái giường có đến 7-8 người bạn vẽ. Họ cùng nhau làm việc trong Hợp tác xã truyền thần Thủ đô. Nghề truyền thần lúc đó vừa có tiếng lại có miếng nên những người biết vẽ đi làm truyền thần cũng đông. Hợp tác xã có tổ trưởng, nhóm trưởng, các thợ vẽ cùng làm cùng hưởng và chia đều tiền công.

Ngày đó, 36 phố phường Hà Nội có nhiều cửa hàng truyền thần nằm rải rác trên các khu phố cổ. Một hợp tác xã như vậy có đến 4-5 chục người, nhưng cho đến hôm nay người còn, người mất, người giải nghệ, chỉ còn lại mình ông. Rất nhiều bức ảnh để trên ban thờ của các gia đình liệt sĩ, các anh hùng được Tổ quốc ghi công là do chính tay ông thực hiện.

Trong cuộc kháng chiến hào hùng và bi tráng của dân tộc, đã có nhiều người con Hà Nội ngã xuống. Nhiều người trong số họ là những dân quân tự vệ của Thủ đô. Khi thân nhân của họ đến với Hợp tác xã truyền thần vẽ chân dung để thờ, đã có những người thợ vẽ vì cảm động trước chiến công của những người lính trẻ mà không lấy tiền công. Gia đình thân nhân liệt sĩ sau khi nhận tranh của người đã khuất, họ cảm kích mang đôi gà, hay vài cân gạo nếp đến biếu cho những người thợ vẽ.

Và, mặc nhiên suốt nhiều thập niên sau đấy người ta vẫn quan niệm tranh truyền thần là để thờ cúng người đã khuất. Người nghệ nhân già ngưng lại, hình ảnh kí ức xa xưa ùa về, ánh mắt ông hướng ra đường, dòng xe cộ đang tấp nập qua lại, ông bảo: Sau kháng chiến chống Pháp thì lại đến cuộc chiến tranh đánh đuổi đế quốc Mỹ.

Trong chiến dịch năm 1972, chiến dịch mà người Mỹ định dùng không quân để đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kì đồ đá, ngay trước cửa hàng này là 2 hầm trú ẩn. Hầm trú ẩn có hình tròn và nắp làm bằng xi măng có độ dày vừa phải. Khi nghe thấy tiếng còi báo động thì người dân nhảy xuống hầm. Hầm có độ sâu chỉ cúi khom người thì mới vừa để đậy nắp hầm.

 

 

Vua Duy Tân qua bàn tay của nghệ nhân Nguyễn Bảo Nguyên.

Có những hôm một buổi sáng báo động 4-5 lần. Mỗi lần báo động là mỗi lần bỏ tranh đang vẽ dở để nhảy xuống hầm. Khi máy bay địch rút khỏi bầu trời Thủ đô, người thợ vẽ lại ra khỏi nơi trú ẩn, chân tay ướt lướt thướt vì dính nước đọng dưới hầm. Bấy giờ mấy người bạn vẽ lại lục tục hò nhau đi dội nước, rồi họ lại ngồi vào bàn vẽ như chưa từng có gì xảy ra.

Bao nhiêu năm rồi ông vẫn không quên giọng nói phát ra từ loa báo động, nó như âm vang từ kí ức như mới ngày hôm qua: “Đồng bào chú ý, máy bay địch đang cách 80 km, 60 km, 40km...”.

2. Sau ngày đất nước thống nhất năm 1975, người ta đã bịt đi 2 hầm trú ẩn, để đường thông hè thoáng nhưng hình ảnh của quá khứ cứ len lỏi trong ông. Ông nhớ đó là một ngày đông buốt giá, một người phụ nữ tìm đến cửa hàng của ông. Khuôn mặt chị đượm buồn và đưa cho ông tấm ảnh nhỏ xíu có hình anh bộ đội, nhờ ông vẽ truyền thần.

Lúc đấy, trong cửa hàng có một vị khách nam giới. Người khách đấy mới hỏi chị: “Chồng chị đấy à?”. Chị trả lời: “Vâng, chồng tôi”. Vị khách lại bảo: “Anh hi sinh rồi à?”. Chị tần ngần không nói gì thì vị khách buông một câu: “Chắc là chết rồi. Chết rồi mới đi vẽ truyền thần thế này”.

Nghe vậy, chị rất tức giận và mắng vị khách kia, chị cho rằng nói như vậy là rủa chồng chị chết? Chỉ là chị chưa nghe thông tin gì về anh mà thôi... Có thể sau chiến tranh anh chưa kịp về chào gia đình thì được nhận nhiệm vụ mới? Con người ta, đôi khi sống bằng chờ đợi và hi vọng nhiều hơn là thực tại.

Trong gần 60 năm hành nghề vẽ truyền thần, ông đã vẽ vô số bức tranh chân dung nhưng có một câu chuyện khiến cho ông ấn tượng mãi vì hôm đấy ông nhận đơn hàng không phải vẽ người mà là một đôi giày.

Một ngày cuối năm của đầu thập niên 80, ông đang cặm cụi bên giá vẽ thì có một anh bộ đội đi đến đứng ngắm những bức tranh của ông hồi lâu. Một lúc sau, anh lấy ra một đôi giày đã sờn cất kĩ trong bọc ni lông nhờ người họa sĩ vẽ lại cho mình đôi giày này. Anh bảo đôi giày rất quan trọng với anh, nó là kỉ niệm của người lính đi chiến trường, nhiều trận chiến khốc liệt anh đã thoát chết trong gang tấc.

Đôi giày như người bạn đồng hành vào sinh ra tử. Rồi anh ngồi cùng với người thợ vẽ kể về những trận đánh ác liệt ở chiến trường Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972. Giày có thể hỏng, nhưng ký ức lưu lại sẽ còn mãi mãi.

Sau ngày hòa bình lập lại, chiến tranh đã lùi xa, nhưng vẫn còn đó những người mẹ mất con, người vợ mất chồng... Họ tìm đến cửa hàng nhờ ông vẽ tranh chân dung của người thân. Có những tấm ảnh trải qua nắng gió thời gian đã ố vàng, hình ảnh trên khuôn mặt bị nhòe, mờ. Cũng có khi tấm ảnh bị rách chỉ còn lại một phần. Họ thường bảo: “Chú/bác cố gắng vẽ sao cho thật giống”.

 

 

Bức Truyền thần 4 vị quan triều Nguyễn.

Lắm khi nhận bức tranh của người thân, họ lặng đi vì xúc động, người thân đi xa lâu ngày không về nay vẫn thần thái ấy, con người ấy hiện hữu trước mặt. Họ trân quý, nâng niu bức tranh. Người vẽ truyền thần như ông cũng thấy cảm động. Có một số người tìm đến cửa hàng của ông nhờ vẽ tranh cho người thân là liệt sĩ.

Sau khi nhận tranh, họ nói với ông: “Nhờ bác vẽ thêm vào trong bức tranh 2 cái huân chương rồi gửi thêm tiền có được không? Người đã mất được Nhà nước tặng thưởng thêm 2 huân chương nữa”. Ông vui vẻ nhận lời và vẽ thêm 2 huân chương vào trước ngực nhưng không nhận thêm tiền công.

Ông vui vẻ bảo: “Tôi vẽ đầy đủ cho bác để có gì dưới suối vàng có linh thiêng thì phù hộ cho tôi để tôi vẽ càng ngày càng đẹp”. Ông bảo khách họ yêu cầu cao lắm: “Vẽ không những phải giống mà còn phải đẹp nữa”.

3. Đã có một dạo tưởng chừng như nghề truyền thần bị lãng quên. Đó là khi thời công nghệ kĩ thuật số lên ngôi. Người ta mang ảnh ra chỉnh sửa rồi để lên ban thờ. Đó là những năm đầu của thập niên 90, cửa hàng truyền thần ế ẩm và cứ lần lượt, những người bạn nghề đồng niên năm xưa giải nghệ dần. Sau thì chỉ còn lại mình ông.

Những tưởng nghề này đến hồi đi vào ngõ cụt thế mà rồi cũng đến lúc nghề truyền thần lại trở lại mang một diện mạo mới lung linh và đẹp đẽ hơn. Đấy là đầu những năm 2000 cho đến nay, người ta có cách nhìn nhận khác về nghề này. Sau một thời gian dài, người ta cũng đã “chán” không dùng ảnh chụp mà lại chuyển sang tranh vẽ truyền thần để thờ. Hỏi làm sao không dùng ảnh chụp, người ta bảo người đã khuất được vẽ bằng tay “linh” hơn?

Tranh truyền thần chỉ có 2 màu đen - trắng tượng trưng cho vũ trụ âm - dương nên để ban thờ cũng rất hợp. Thêm một góc nhìn mới nữa về tranh truyền thần không chỉ để trên ban thờ như người xưa vẫn thường quan niệm mà những tấm ảnh cưới cũng được các bạn trẻ mang đến vẽ truyền thần để treo trong tổ ấm hay những tấm ảnh nghệ thuật cũng được vẽ truyền thần giữ làm lưu niệm.

Tọa lạc trên con phố sầm uất, đông đúc bậc nhất Thủ đô, cửa hàng của ông thuộc tuyến phố đi bộ nên khách du lịch nước ngoài thường đi qua và dừng chân trước căn nhà số 47 Hàng Ngang. Họ tò mò, lạ lẫm, ngạc nhiên và thán phục trước những bức chân dung của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới vô cùng sống động, có hồn.

Những bức ảnh đời thường qua bàn tay tài hoa và lão luyện của người nghệ nhân già trở nên cuốn hút hơn bao giờ hết. Chính vì vậy, ông từng được mời sang Nhật để triển lãm tranh truyền thần. Ở đây ông có cuộc trò truyện trao đổi kinh nghiệm với những nghệ nhân hội họa của xứ sở hoa anh đào.

Sống trong khu phố hội nhập, trải qua gần 60 năm ngồi vẽ tranh trên phố cổ, nghệ nhân Bảo Nguyên đã tự trau dồi ngoại ngữ để giao tiếp với người nước ngoài. Đã có không ít người nước ngoài vì hiếu kỳ, lân la ngồi bắt chuyện với ông. Cuộc hội thoại giữa lão nghệ nhân và những vị khách nước ngoài thường không gặp cản trở về mặt giao tiếp.

Người khách đến từ Pháp xem kĩ những bức tranh rồi đưa cho người nghệ nhân già một quyển sách lịch sử được in bằng tiếng Pháp. Vị khách nước ngoài bảo: Đây là cuốn sách lịch sử nói về cuộc chiến của người Pháp ở Việt Nam. Ông ta chỉ một bức ảnh được in trong cuốn sách, khi người Pháp sang Việt Nam đã mang máy ảnh để chụp lại những bức hình này. Đó là vua Duy Tân lúc tại vị. Có một bức ảnh khác chụp 4 người.

Theo lời vị khách nước ngoài, cuốn sách dịch: Đó là 4 viên quan của vua Duy Tân chụp ngày đăng quang của vua Duy Tân. 2 quan võ đứng hai bên, còn 2 quan văn đứng ở giữa. Ông Bảo Nguyên đã tỉ mẩn sao y bản chính từ 2 bức hình trong cuốn sách ra tranh. Hiện nay, trong vô số bức tranh in màu thời gian tại cửa hàng nhỏ của ông có lưu giữ 2 bức này. Một chân dung vị vua nhỏ tuổi yêu nước Duy Tân và bức 4 vị quan triều vua Duy Tân.

Ông Bảo Nguyên kể, một hôm có người tìm đến cửa hàng của ông và nói; anh ấy chính hậu duệ của vua Duy Tân ngỏ ý muốn mua lại 2 bức tranh, ông Bảo Nguyên đã bán lại cho người đàn ông ấy. Sau này vì tiếc bức tranh nên ông đã sao lại 2 bức giống như thế, hiện đang bày tại cửa hàng của ông.

Trần Mỹ Hiền/Cand.com.vn


Ý kiến bạn đọc

Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Ca sĩ Tùng Dương nhận giải thưởng âm nhạc quốc tế lớn nhất Nhật Bản

Ca sĩ Tùng Dương nhận giải thưởng âm nhạc quốc tế lớn nhất Nhật Bản

09:03 , 13/05/2025

Ca sĩ Tùng Dương vừa chính thức được công bố vinh danh Giải thưởng International Special Awards - Giải thưởng Đặc biệt Quốc tế của Music Awards Japan 2025 (MAJ 2025) – giải thưởng âm nhạc quốc tế lớn nhất Nhật Bản. Đây là dấu mốc quan trọng không chỉ với cá nhân Tùng Dương mà còn là niềm tự hào của nền âm nhạc Việt Nam trên bản đồ âm nhạc quốc tế.

Thanh Hóa: siết chặt quản lý hoạt động mô tô nước tại các khu du lịch biển

Thanh Hóa: siết chặt quản lý hoạt động mô tô nước tại các khu du lịch biển

07:24 , 13/05/2025

Mô tô nước là một trong những loại hình dịch vụ du lịch biển thu hút nhiều du khách ưa khám phá, trải nghiệm cảm giác mạnh. Do công suất hoạt động của phương tiện này rất lớn nên nếu không kiểm soát hoạt động sẽ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đường thủy.

Đại lễ Phật đản Vesak 2025 tại Chùa Đồng, Quảng Xương

Đại lễ Phật đản Vesak 2025 tại Chùa Đồng, Quảng Xương

23:00 , 11/05/2025

Tối 10/5 (tức ngày 13 tháng 4 âm lịch), tại chùa Đồng, xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo huyện Quảng Xương đã tổ chức Đại lễ Phật đản Phật lịch 2569, Dương lịch 2025.

Sầm Sơn tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ du lịch

Sầm Sơn tăng cường đảm bảo vệ sinh môi trường phục vụ du lịch

19:50 , 11/05/2025

Để tiếp tục tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách mỗi khi đến Sầm Sơn, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Thành phố Sầm Sơn quan tâm.

Thác Mây - Điểm đến hấp dẫn giữa đại ngàn

Thác Mây - Điểm đến hấp dẫn giữa đại ngàn

19:49 , 11/05/2025

Sau gần 5 năm được công nhận là điểm du lịch của tỉnh Thanh Hoá, Thác Mây, ở xã Thạch Lâm, huyện Thạch Thành thu hút ngày càng đông du khách, trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của du lịch xứ Thanh.

Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường quản lý cổ vật

Thanh Hóa chỉ đạo tăng cường quản lý cổ vật

19:53 , 10/05/2025

Liên quan đến vụ việc xâm phạm lăng mộ vua Lê Túc Tông tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Lam Kinh (huyện Thọ Xuân, ngày 9/5, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản chỉ đạo cơ quan chức năng điều tra, làm rõ vụ việc, đồng thời tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, ngăn chặn, xử lý các hành vi trộm cắp, đào bới, trục vớt, buôn bán, trao đổi trái phép di vật, cổ vật trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới

Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới

09:19 , 10/05/2025

Từ đầu năm đến nay, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 7,67 triệu lượt, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2024. Việt Nam đang trở thành "điểm sáng" trên bản đồ du lịch thế giới, được du khách quốc tế yêu thích và lựa chọn.

Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ mùa du lịch

Đa dạng sản phẩm OCOP phục vụ mùa du lịch

09:09 , 10/05/2025

Với hơn 600 sản phẩm ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, sản phẩm Ocop đang được nhiều khách du lịch lựa chọn làm quà cho mỗi chuyến đi. Vì vậy, để phục vụ mùa du lịch năm nay, các chủ thể Ocop trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung sản xuất hàng hóa để cung ứng cho thị trường.

Khu di tích lăng mộ vua Lê Dụ Tông – công trình kiến trúc tinh xảo

Khu di tích lăng mộ vua Lê Dụ Tông – công trình kiến trúc tinh xảo

14:07 , 09/05/2025

Dụ Tông Hòa Hoàng Đế là vị vua thứ 21 của vương triều Lê. Đời vua trị vì, đất nước tương đối thái bình, các hình phạt được giảm nhẹ, nhiều kỳ thi võ được tổ chức.

Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu

Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu

06:02 , 09/05/2025

Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho biết, dữ liệu tổng hợp từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch Google Destination Insights cho thấy, Việt Nam có mức tăng trưởng điểm đến cao thứ 7 toàn cầu.