Phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật Khu di tích Bà Triệu gắn với phát triển du lịch
Khu di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt từ năm 2014. Với giá trị to lớn về nhiều mặt, nơi đây đã trở thành địa chỉ thiêng liêng, góp phần giáo dục truyền thống; đồng thời là nguồn tài nguyên vô giá để tỉnh Thanh Hóa khai thác, phát triển loại hình du lịch văn hóa, tâm linh. Những năm qua, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Nhân dân huyện Hậu Lộc đã ban hành các chương trình, kế hoạch, đề án nhằm cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch; trong đó Khu di tích Bà Triệu được xác định là điểm đến quan trọng trong các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh.
Cách Trung tâm thành phố Thanh Hóa khoảng 20km về phía Bắc, Khu di tích Bà Triệu thuộc xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc là một quần thể bao gồm các công trình thờ tự, tưởng nhớ công lao anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh và các bậc tiền nhân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm thời kỳ đầu Bắc thuộc, có giá trị lớn cả về lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Khu di tích gồm các công trình: Đền thờ và lăng mộ Bà Triệu, mộ ba Ông tướng họ Lý, miếu Bàn thề, đình Phú Điền và đền Đệ Tứ. Trong đó, công trình lớn nhất, có ý nghĩa quan trọng nhất là Đền Bà Triệu. Đền tọa lạc dưới chân núi Gai, có lịch sử lâu đời, được Nhân dân xây dựng để tưởng nhớ công đức của Bà Triệu và các tướng sĩ hy sinh trong cuộc khởi nghĩa chống giặc Ngô xâm lược năm 248. Tương truyền, vào thời vua Lý Nam Đế ở thế kỷ thứ 6, trong lần đi đánh giặc xâm chiếm bờ cõi phương Nam, nhà vua đã vào đền khẩn cầu Bà phù hộ. Ngày thắng giặc trở về, vua lại đến tạ ơn, rồi cấp tiền cho dân làng Bồ Điền tu sửa, mở rộng đền thờ. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đền Bà Triệu có được diện mạo như ngày nay.

Cách đền khoảng 500m về phía Tây là khu lăng mộ Bà Triệu tọa lạc trên đỉnh núi Tùng và mộ ba ông tướng họ Lý ngay dưới chân núi. Các công trình tâm linh này nằm giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, với núi cao sừng sững, được bao bọc bởi những cánh đồng xanh mướt và xóm làng trù phú, yên vui. Nằm trong quần thể Di tích Bà Triệu, đình làng Phú Điền cũng là nơi gắn liền với tên tuổi nữ anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - người được Nhân dân phong là Thành hoàng làng. Đình được dựng dưới thời vua Cảnh Hưng thứ 33, năm 1772; qua nhiều lần trùng tu, vẫn giữ được lối kiến trúc đặc trưng của đình làng Bắc Bộ. Đền thờ, đình làng, khu Lăng tháp Bà Triệu... đã tạo thành một quần thể di tích quy mô lớn, nằm hài hòa giữa thiên nhiên và gần gũi với cuộc sống con người. Đây là chốn linh thiêng để Nhân dân và du khách đến chiêm bái, tỏ lòng tôn kính các bậc tiền nhân; vừa là nơi có phong cảnh hữu tình, đưa du khách hòa mình vào không gian bình yên, thư thái.
Với những giá trị bất biến, trường tồn, năm 2014, Khu di tích Bà Triệu đã được công nhận là Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt. Sự tôn vinh này thêm một lần nữa khẳng định và nâng tầm vị thế của di sản trong kho tàng văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Thanh nói riêng và cả nước nói chung.

Để Khu Di tích Bà Triệu trở thành điểm đến văn hóa tâm linh xứng tầm, từ năm 2010, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4139 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết bảo tồn, tôn tạo và phát huy tác dụng văn hóa, lịch sử của quần thể di tích Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc; đến năm 2012 ban hành Quyết định số 3667 về việc phê duyệt Đề cương quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững rừng đặc dụng Khu Di tích lịch sử văn hóa đền Bà Triệu đến năm 2020. Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 18, nhiệm kỳ 2015-2020, vị trí, vai trò của Khu di tích Bà Triệu trên bản đồ du lịch xứ Thanh ngày càng rõ nét hơn. Trong chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án phát triển du lịch của Ủy ban Nhân dân tỉnh, Đền Bà Triệu được xác định là điểm đến quan trọng trên các tuyến du lịch trọng điểm của tỉnh. Đây là cơ sở quan trọng để các cấp, các ngành quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn của Khu di tích trong phát triển du lịch; thực hiện các dự án đầu tư, hoàn thiện cảnh quan kiến trúc và các công trình nhằm phát huy giá trị Khu Di tích, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của Nhân dân và du khách.

Ban Quản lý Di tích đã quan tâm xây dựng cảnh quan môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh trật tự, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ, và tuyên truyền, hướng dẫn du khách thực hiện nếp sống văn minh khi tham quan, hành lễ. Những năm gần đây, du khách đến với Đền Bà Triệu ngày càng đông, nhất là những dịp Tết Nguyên đán, lễ hội. Hai tháng đầu năm 2023, ước tính khu di tích đón được trên 10 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh. Ông Nguyễn Văn Tĩnh, Trưởng ban Quản lý Di tích Đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc cho biết Ban Quản lý di tích đã có chương trình, kế hoạch cụ thể, quan tâm vệ sinh môi trường, hướng dẫn du khách thực hiện hành lễ, cũng thấy rằng nhân dân rất chấp hành các quy định của Ban quản lý. Ban Quản lý phối hợp thường xuyên với địa phương để các hoạt động như rước kiệu hay hoạt động tại các điểm di tích gắn bó với nhau.
Một trong những kết quả nổi bật của công tác bảo vệ, phát huy giá trị Khu di tích Bà Triệu là các ngành, các cấp đã phối hợp bảo tồn, gìn giữ nguyên vẹn những giá trị, ý nghĩa văn hóa, lịch sử, nhân văn của Lễ hội Đền Bà Triệu; đưa lễ hội trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, thu hút đông đảo Nhân dân và du khách thập phương. Năm 2022, Lễ hội Đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phản ánh nỗ lực lớn của tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để tỉnh Thanh Hóa tiếp tục khai thác, phát huy hiệu quả giá trị di sản phục vụ phát triển du lịch.

Nằm trên địa bàn huyện Hậu Lộc, vùng đất có bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng, Khu di tích Bà Triệu cũng đã được huyện Hậu Lộc xác định là điểm đến quan trọng, tạo tính lan tỏa trên hành trình kết nối với các di tích văn hóa - lịch sử, cách mạng và danh thắng nổi tiếng trên địa bàn, như: Đền Hàn Sơn, cụm Di tích thắng cảnh Phong Mục, xã Triệu Lộc; Chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh, xã Thuần Lộc; Cụm di tích lưu niệm đồng chí Lê Hữu Lập, xã Xuân Lộc; Di tích trận địa Đông Ngàn và tượng đài dân quân gái Hoa Lộc; Cụm di tích chùa - nghè Diêm Phố - Đền Đức Thánh Cả, Nhà lưu niệm mẹ Tơm, xã Đa Lộc... Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong Kế hoạch phát triển du lịch của huyện, giai đoạn 2021 - 2025 bằng những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Huyện phấn đấu trong giai đoạn này sẽ đón được khoảng 100 nghìn lượt khách, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 15 tỷ đồng. Các xã, thị trấn có di tích đều tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về phát triển du lịch; huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo di tích; bước đầu xây dựng các tuyến tham quan tạo sự gắn kết giữa các điểm đến trên địa bàn với Khu Di tích quốc gia đặc biệt Bà Triệu.
Mặc dù việc khai thác, phát huy giá trị Khu di tích Bà Triệu gắn với phát triển du lịch đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, giá trị của Khu di tích. Các dịch vụ, sản phẩm bổ trợ tại Khu di tích chưa được đầu tư xây dựng; sự kết nối với các Khu, điểm du lịch trong và ngoài tỉnh còn hạn chế. Hàng năm, lượng khách đến với Khu di tích chưa nhiều, chủ yếu tập trung vào các dịp lễ, tết; những ngày thường vẫn còn thưa vắng.

Để tạo động lực mới cho sự phát triển của Khu di tích, ngày 17/1/2022, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 283 phê duyệt Đề án "Đổi mới công tác quản lý, khai thác, phát triển du lịch tại Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Khu Di tích Bà Triệu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021 - 2030" với tổng kinh phí trên 600 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2025, nơi đây sẽ đón được trên 70 nghìn lượt khách du lịch, trong đó có 650 lượt khách quốc tế; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 7 tỷ đồng và đến năm 2030 trở thành Khu du lịch quan trọng của tỉnh và cả nước.
Việc khai thác, phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu gắn với phát triển du lịch không chỉ góp phần đẩy mạnh kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh, mà còn có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục truyền thống, tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc và ý chí tự lực, tự cường trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Vĩnh Lộc: Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng
Chiều 21/2, Huyện ủy Vĩnh Lộc đã tổ chức lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, lớp thứ nhất năm 2025 cho các học viên là học sinh Trường Trung học phổ thông Tống Duy Tân.

Hậu Lộc xây dựng thành công huyện Nông thôn mới.
Với quyết tâm chính trị cao, những năm qua, cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc đã chung sức, đồng lòng triển khai thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới bằng những hành động cụ thể, việc làm thiết thực. Sau một chặng đường nỗ lực vượt khó, ngày 2/1/2025, huyện Hậu Lộc đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2023. Đây là sự ghi nhận xứng đáng cho quá trình phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hậu Lộc trong gần 14 năm qua.

Tín dụng chính sách xã hội – Chủ trương lớn của Đảng để "không ai bị bỏ lại phía sau"
Ngày 30/10/2024, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 39 về nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội trong giai đoạn mới. Chỉ thị 39 là sự tiếp nối và phát triển Chỉ thị số 40 về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội". Chỉ thị nhằm tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, bảo đảm an sinh xã hội. Tại Thanh Hoá, thực hiện Chỉ thị 39, trước đây là Chỉ thị 40, các cấp uỷ Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở đã vào cuộc mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Thông qua các chương trình do hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội triển khai, hàng nghìn hộ gia đình, cá nhân đã có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa Xuân trong những "căn nhà số 22"
Ngày 30/3/2024, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Chỉ thị số 22 về Cuộc vận động hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, hộ còn khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh trong 02 năm 2024 - 2025. Chỉ thị 22 ra đời đã thổi một luồng gió nhân ái mạnh mẽ, khởi xướng cuộc vận động sôi nổi rộng khắp trên mọi vùng miền, tác động đến mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đem lại niềm tin, hy vọng, thắp sáng giấc mơ an cư cho các hộ gia đình khó khăn.

Vươn mình bước vào kỷ nguyên mới dưới sự lãnh đạo của Đảng
Trong không khí hân hoan phấn khởi của Xuân Ất Tỵ 2025, dân tộc Việt Nam lại có thêm một niềm vui nữa là mừng Đảng ta thêm tuổi mới. Trong suốt 95 năm qua, Mùa Xuân - Đất nước - Dân tộc và Đảng ta luôn hòa quyện với nhau làm một, cùng làm nên những kỳ tích, viết nên những trang sử vẻ vang trong lịch sử nước nhà.

Rạng rỡ Việt Nam
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có bài viết với tiêu đề "RẠNG RỠ VIỆT NAM". Xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài viết.

Kết nạp Đảng ở Trường Sa
Bồi dưỡng, kết nạp đảng viên mới là nhiệm vụ thường xuyên, có ý nghĩa quan trọng trong công tác xây dựng Đảng, góp phần phát triển, nâng cao chất lượng và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng. Ở huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, công tác bồi dưỡng, kết nạp Đảng viên mới luôn được quan tâm chú trọng, nhằm xây dựng cơ sở chính trị, tổ chức đảng vững mạnh; từ đó, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Đảng vì hạnh phúc của Nhân dân
Trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới, phát triển đất nước, Đảng ta luôn nhất quán quan điểm, nguyên tắc "lấy dân làm gốc". Từ việc nhận thức rõ vai trò quan trọng, to lớn của Nhân dân, cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng, Đảng đã lãnh đạo hệ thống chính trị ở các cấp, tổ chức triển khai hiệu quả việc chăm lo đời sống, không ngừng nâng cao đời sống, vật chất và tinh thần cho Nhân dân.

Bản hùng ca mùa xuân
Nhân kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2025), Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa tổ chức chương trình Chính luận nghệ thuật: Bản hùng ca mùa xuân.

Đảng soi đường đưa Dân tộc vươn mình bước vào kỷ nguyên mới
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời ngày 3/2/1930 là bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ngày nay, dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Dân tộc ta đã có sự phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực, tích lũy đủ thế và lực để sẵn sàng bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.